Giới thiệu

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

12/04/2020 11:01:29 AM

 Ngày 15 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng-Cơ quan điều hành cao nhất của Ngành Quân giới Việt Nam lúc bấy giờ-với hai nhiệm vụ: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí và giao nhiệm vụ phụ trách chung cho đồng chí Vũ Anh, Chánh phòng Quân giới cho đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân.

       Ngày 25 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Chế tạo Quân giới Cục, (tức Phòng Quân giới thành Cục Quân giới) do đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân làm Phó Cục trưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển của Ngành Quân giới.

        Cơ quan đầu ngành của Quân giới Việt Nam là Cục Quân giới đầu năm 1947 cũng bắt đầu được kiện toàn, hình thành các Nha trực thuộc đảm nhiệm từng lĩnh vực công tác.

        - Nha Nghiên cứu kỹ thuật do đồng chí Cục trưởng Trần Đại Nghĩa kiêm Giám đốc, đồng chí Hoàng Đình Phu là Phó giám đốc, có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế thử các vũ khí mới, đồng thời thí nghiệm nhằm phát huy, cải tiến tính năng, tác dụng, nâng cao chất lượng các vũ khí đã đưa vào sản xuất. Nha còn có nhiệm vụ nghiên cứu vật liệu thay thế và trực tiếp quản lý xưởng mẫu.

        - Nha Giám đốc các xưởng quân giới do đồng chí Nguyễn Duy Thái làm Giám đốc, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng các Binh công xưởng theo phương hướng mà Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy đã chỉ ra; đồng thời chỉ đạo sản xuất, cải tiến kĩ thuật ở các xưởng, thiết kế, vẽ kiểu một số loại vũ khí, chủ yếu là vũ khí căn bản như mìn, lựu đạn, súng và lựu phóng, súng và đạn súng cối.

        - Nha Mậu dịch do đồng chí Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Xuân kiêm Giám đốc, đồng chí Nguyễn Quang là Phó giám đốc, có nhiệm vụ mua sắm các loại hóa chất, thuốc nổ, các nguyên vật liệu khác cần thiết cho việc sản xuất vũ khí...

         - Phòng Văn thư do đồng chí Vũ Văn Đôn phụ trách, có nhiệm vụ quản lý hành chính, nhân chính, kế toán, tài vụ, vận tải của Cục.

        Ngày 4 tháng 11 năm 1958 Bộ Quốc phòng ký Nghị định số 262/NĐA sáp nhập Cục Quân giới và Cục Quân khí (thuộc Tổng cục Hậu cần) thành Cục Quân giới trực thuộc Tổng cục Hậu cần. Đồng chí Nguyễn Văn Nam làm Cục trưởng.

        Ngày 29 tháng 01 năm 1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 128/QĐ-QP tách Cục Quân giới thành 2 Cục: Quân khí và Quân giới.

        Ngày 10 tháng 9 năm 1974, thực hiện Nghị quyết số 39/QUTW ngày 5 tháng 4 năm 1974 của Quân ủy Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 221/CP thành lập Tổng cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng. 

        Ngày 7 tháng 11 năm 1985 Tổng cục Kinh tế được thành lập theo Nghị định số 260/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

        Ngày 03 tháng 3 năm 1989, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 22/HĐBT thành lập Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế  trên cơ sở hợp nhất và sắp xếp lại Cơ quan Tổng cục Kinh tế với Cơ quan quản lý các xí nghiệp sản xuất quốc phòng.

        Ngày 24 tháng 12 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/1998/QĐ-TTg thành lập và thay đổi một số tổ chức trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó có nội dung: “Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế thôi nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về kinh tế, động viên công nghiệp và đổi tên thành Tổng cục Công nghiệp quốc phòng”.

        Thực hiện Chương trình triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 26/02/2008 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã ban hành Pháp lệnh CNQP số 02/2008/PL-UBTVQH12. Pháp lệnh CNQP đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, định hướng đối với nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển tiềm lực CNQP của đất nước; đặt nền móng hết sức cơ bản cho việc hình thành và từng bước đồng bộ hệ thống các văn bản pháp quy, xác định khuôn khổ pháp lý nhà nước, điều chỉnh mọi hoạt động của một ngành kinh tế-kỹ thuật đặc thù của quốc gia có nhiệm vụ trực tiếp tham gia bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho sự nghiệp quốc phòng toàn dân. Trong bước tiến quan trọng này, Tổng cục CNQP không những đã góp phần tích cực trong công tác tham mưu xây dựng Pháp lệnh CNQP, mà còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giúp Ban Bí thư Trung ương tổ chức tốt Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2010, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về xây dựng phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

        Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị, Tổng cục CNQP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.