Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng14/06/2021 08:42:10 AMCNQP&KT - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; trong đó có Cảnh sát biển. Đồng thời, xác định rõ phải phát triển công nghiệp quốc phòng “thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, từng Bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang”1. Con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Do vậy, cùng với nhân tố con người, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác kỹ thuật. Ngoài việc phát huy nội lực, BTL Cảnh sát biển còn phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong đó có Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng. Cần nhấn mạnh rằng, Cảnh sát biển Việt Nam là một thành tố của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển, công tác kỹ thuật có vai trò rất to lớn, tác động trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là lực lượng trên biển. Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác quân sự, quốc phòng, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác kỹ thuật. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cảnh sát biển lần thứ V (nhiệm kỳ 2021-2025) đã xác định khâu đột phá: “Nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn về mọi mặt”2. Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021 cũng xác định tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả 2 khâu đột phá công tác kỹ thuật là xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT gắn với thực hiện Nghị quyết 382 và Cuộc vận động 50. Ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát biển giữa Tổng cục CNQP và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (2/2020). Ảnh: TRẦN HOÀNG Hiện nay, lực lượng Cảnh sát biển đang quản lý, khai thác sử dụng số lượng lớn tàu thuyền, VKTBKT, trong đó có nhiều trang bị đã cũ, hết niên hạn sử dụng. Đồng thời, là lực lượng đang trong quá trình xây dựng và phát triển nên đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật và cơ sở đảm bảo còn thiếu, rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị. Do đó, BTL Cảnh sát biển đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan về bảo đảm kỹ thuật, trong đó có Tổng cục CNQP. Quy chế phối hợp bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát biển giữa BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP được ký kết ngày 14/2/2020 đáp ứng được những vấn đề cấp thiết trong công tác phối hợp, hiệp đồng bảo đảm kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát biển. Để quy chế đi vào thực tế hoạt động hiệu quả, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, phẩm chất và năng lực cho cán bộ, chiến sĩ; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ VKTBKT hiện đại; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, cơ quan chuyên môn trong quản lý, kiểm tra, giám sát… Việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên đã được triển khai tích cực, nổi bật là phối hợp, hiệp đồng bảo đảm kỹ thuật trong sửa chữa định kỳ, thường xuyên tại các nhà máy thuộc Tổng cục CNQP và các tình huống cơ động, đột xuất, thực hiện nhiệm vụ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ triển khai các dự án đóng mới tàu, xuồng, phương tiện, VKTBKT; tổ chức tiếp nhận, tập trung huấn luyện làm chủ, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả các tàu, xuồng đóng mới; thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các trang - thiết bị, phương tiện chiến đấu, nhất là đối với các loại phương tiện, VKTBKT thế hệ mới.
Đến nay, các nhà máy thuộc Tổng cục CNQP đã đóng mới cho lực lượng Cảnh sát biển nhiều gam tàu đa dạng về tính năng, có lượng giãn nước lớn, khả năng cơ động cao, có nhiều thiết bị tích hợp công nghệ mới, hiện đại, phục vụ công tác chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ trên biển. Quá trình khai thác sử dụng, các tàu đóng mới đã phát huy tốt tính năng chiến - kỹ thuật, hoạt động ổn định. Hai bên cũng đã tổ chức tốt công tác hiệp đồng, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm sửa chữa tàu thuyền, VKTBKT định kỳ tại nhà máy theo đúng tiến độ, chất lượng và an toàn. Việc phối hợp này đã giúp lực lượng kỹ thuật xử lý được nhiều tình huống hư hỏng trang bị ngay cả khi tàu đang hoạt động trên biển cũng như khi neo đậu tại bến, nâng cao hệ số kỹ thuật, khả năng hoạt động và sức chiến đấu của trang bị, phương tiện, góp phần quan trọng để lực lượng Cảnh sát biển có thể bám biển dài ngày, thực hiện tốt chức năng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Tàu Cảnh sát biển DN 2000 do Tổng công ty Sông Thu đóng mới. Ảnh: CTV Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hơn Quy chế phối hợp bảo đảm kỹ thuật giữa BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP. Để thực hiện Quy chế có hiệu quả, công tác tuyên truyền phải được quan tâm đúng mức. Đối với lực lượng Cảnh sát biển, việc phối hợp sẽ bảo đảm kỹ thuật được tốt hơn, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Đối với Tổng cục CNQP, thực hiện tốt Quy chế phối hợp là điều kiện thuận lợi để các cơ sở nghiên cứu, nhà máy, xí nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu chế thử, sản xuất, sửa chữa VKTBKT. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị của BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức, quyết tâm thực hiện tốt Quy chế. Việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, tránh hình thức và phải tạo được sự chuyển biến thực sự, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Hai là, BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát biển. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, duy trì thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp bảo đảm kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm kỹ thuật phù hợp với tình hình mới. Thực hiện tốt công tác chuyển giao công nghệ trong đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, VKTBKT. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc phối hợp trong tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển các gam tàu có lượng giãn nước lớn, khả năng cơ động cao; đầu tư trang, thiết bị hiện đại phục vụ công tác duy trì, nâng cao chất lượng vận hành, hoạt động và chỉ huy thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển. Phối hợp chặt chẽ trong công tác nghiên cứu, dự báo về nhu cầu bảo đảm VKTBKT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang, thiết bị công nghệ liên quan đến bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát biển ở Tổng cục CNQP. Chất lượng nguồn nhân lực và trang, thiết bị công nghệ ở Tổng cục CNQP là một khâu quan trọng trong bảo đảm VKTBKT cho lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng Cảnh sát biển nói riêng. Vì vậy, Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành. Đầu tư trang, thiết bị công nghệ tiên tiến, phấn đấu đưa ngành CNQP thực sự “là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang”3. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực từ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ tại chỗ đến thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia giỏi từ các ngành, lĩnh vực khác ở trong và ngoài Quân đội, thích ứng nhanh với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bốn là, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phẩm chất, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Nâng cao nhận thức chính trị, bản lĩnh kiên định, vững vàng; nâng cao trình độ, khả năng làm chủ VKTBKT, nhất là những trang bị kỹ thuật mới. Cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển đồng bộ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài quân đội với tự học, tự nghiên cứu tại đơn vị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng, kiện toàn, phát triển đội ngũ cán bộ; chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện về phẩm chất, năng lực; quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Xây dựng môi trường hoạt động quân sự lành mạnh, tạo điều kiện để mọi quân nhân phấn đấu, cống hiến, xây dựng đơn vị, tạo động lực thúc đẩy họ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Năm là, thường xuyên trao đổi thông tin giữa hai bên, kịp thời tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển. Để thực hiện tốt Quy chế phối hợp, BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP cần tiếp tục tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin liên quan đến nội dung của Quy chế. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong tham mưu, đề xuất và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế. Đảng ủy, BTL Cảnh sát biển tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, mà trực tiếp là Cục Kỹ thuật, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, nhà máy, xí nghiệp của Tổng cục CNQP về bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng. Thiết lập và duy trì có hiệu quả đường dây liên lạc để hình thành mạng kết nối, gắn kết giữa lực lượng kỹ thuật tại đơn vị tàu, tổ tư vấn sửa chữa từ xa của các BTL Vùng Cảnh sát biển với lực lượng kỹ thuật của các nhà máy, xí nghiệp thuộc Tổng cục CNQP. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị và tạo nguồn vật tư bảo đảm kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật, nhất là công tác bảo mật thông tin. Có thể khẳng định, Quy chế phối hợp bảo đảm kỹ thuật giữa BTL Cảnh sát biển và Tổng cục CNQP đã phát huy hiệu quả thiết thực. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc phối hợp giữa BTL Cảnh sát biển với Tổng cục CNQP sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cả hai bên. Thiếu tướng BÙI QUỐC OAI Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ______________ Tài liệu tham khảo 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. 2. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cảnh sát biển lần thứ V, Hà Nội, năm 2020. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
|