Hiệu quả qua 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng03/06/2021 03:10:45 PMCNQP&KT - Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26/1/2008. Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã góp phần hoàn thiện về tổ chức hoạt động CNQP từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở CNQP nòng cốt và cơ sở công nghiệp động viên; tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng và phát triển CNQP. Công nghiệp quốc phòng là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng - an ninh của đất nước. Để xây dựng và phát triển CNQP, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án quan trọng. Trong đó, Pháp lệnh CNQP số 02/2008/UBTVQH12 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) với 7 chương, 27 điều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 26/1/2008; sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22/12/2018 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 4/1/2019 của Văn phòng Quốc hội, là văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện về tổ chức hoạt động CNQP từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở CNQP nòng cốt và cơ sở công nghiệp động viên, nâng cao tiềm lực CNQP. Ngay sau khi Pháp lệnh được ban hành, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật và nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng và phát triển CNQP. Đặc biệt, đối với những chương trình trọng điểm phát triển CNQP, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban; người đứng đầu các bộ, ban, ngành có liên quan là thành viên, trong đó có Ban chỉ đạo Nhà nước về CNQP, an ninh. ![]() Tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng tại Quân chủng Phòng không- Không quân (năm 2020). Ảnh: TUẤN MINH Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao, các bộ, ban, ngành, địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để xây dựng và phát triển CNQP, như: cấp đất, các chính sách về thuế, thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, trật tự, tạo điều kiện cho các cơ sở CNQP tham gia hoạt động sản xuất kinh tế. Các bộ, ngành có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong đề xuất, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển CNQP, cùng nhiều quy định ưu tiên về thuế, thủ tục hải quan đối với hàng hóa, vật tư quốc phòng.
Hiện nay, CNQP Việt Nam đã có bước phát triển ngày càng vững chắc. CNQP được phân bố trên các địa bàn, hướng chiến lược với các cơ sở nghiên cứu khoa học, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của Tổng cục CNQP, Tổng cục Kỹ thuật và của các quân, binh chủng. Các sản phẩm của CNQP ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng lên. Nhiều dự án trọng điểm nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng cũng đã và đang được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hướng tới phát triển nền CNQP Việt Nam hiện đại và lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn quan trọng của nền công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Về năng lực sản xuất các sản phẩm quốc phòng, CNQP nước ta đã sản xuất được hầu hết các loại VKTBKT cho sư đoàn bộ binh đủ quân; súng và đạn chống tăng; các loại đạn cối, đạn pháo; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn (ban ngày và ban đêm) cho bộ binh, pháo binh và xe tăng; nhiều loại vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VKTBKT, như: hợp kim đồng, nhôm và một số loại thép hợp kim… Ngành CNQP cũng làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí phòng không tầm thấp; sản xuất một số loại khí tài ra-đa, máy thông tin, trang bị trinh sát kỹ thuật; một số loại trang - thiết bị, phương tiện phòng chống hóa học, sinh học; cao su kỹ thuật; các sản phẩm ngụy trang, nghi binh và trang - thiết bị hậu cần. Bên cạnh đó, năng lực sửa chữa VKTBKT ngày càng được nâng cao. VKTBKT sau sửa chữa đạt độ tin cậy và tính ổn định cao hơn, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Các nhà máy CNQP đã có đủ năng lực sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được một số loại vũ khí, khí tài có trong trang bị, trong đó có máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, hàng không, ra-đa, tàu chiến, xe tăng… Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, năng lực của ngành đóng tàu quân sự nước ta được đánh giá ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, CNQP đã làm chủ thiết kế công nghệ và đóng mới nhiều loại tàu quân sự hiện đại. Sửa chữa các loại tàu chiến, tàu tuần tra, tàu bổ trợ và một số chủng loại vũ khí, khí tài trên tàu... ![]() Sản xuất sản phẩm quốc phòng trên dây chuyền, thiết bị hiện đại tại Nhà máy Z111. Ảnh: TRẦN LÊ Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNQP, nhất là nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới cũng có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2008-2020, có trên 80% sản phẩm do CNQP sản xuất, sửa chữa là kết quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN). Công tác xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng luôn được quan tâm. Hiện nay, ngành CNQP có đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo cơ bản, có năng lực hoạt động thực tiễn, có khả năng nghiên cứu và đề xuất chiến lược phát triển; cán bộ kỹ thuật tăng cả về số lượng và chất lượng, có khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại; cán bộ giảng dạy phát huy được tính chủ động sáng tạo, tích cực nghiên cứu phục vụ cho sản xuất quốc phòng và công tác giảng dạy. Trong 12 năm qua, cũng đánh dấu những bước tiến mới về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNQP và chuyển giao công nghệ với các nước tiên tiến trên thế giới. Bộ Quốc phòng đã chủ động xây dựng các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về CNQP với nhiều nước… Công tác chuyển giao công nghệ, thương mại quân sự được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn các trang - thiết bị và dây chuyền công nghệ hiện đại đầu tư phục vụ nâng cao năng lực CNQP.
Bên cạnh sản xuất quốc phòng, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm tới sản xuất hàng kinh tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị đẩy mạnh phát triển thị trường, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Các đơn vị CNQP xác định kết hợp quốc phòng với kinh tế là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài, góp phần quan trọng vào việc duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, giữ gìn đội ngũ; đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Đến nay, nhiều nhà máy CNQP đã phát huy thế mạnh ở lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng tàu, cơ khí, may mặc, điện tử, quang học. Doanh thu kinh tế ở nhiều đơn vị chiếm tỷ trọng bình quân trên 60% tổng doanh thu; đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm. Cùng với đầu tư xây dựng, phát triển CNQP nòng cốt, việc huy động công nghiệp dân sinh tham gia vào CNQP cũng có sự chuyển biến và nâng cao rõ rệt. Bước đầu huy động được các nguồn lực, nhất là đội ngũ cán bộ KHCN và các cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí mới và sản xuất các nguyên liệu, vật liệu cho CNQP. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể phát huy tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, Pháp lệnh CNQP cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Thực tế đòi hỏi cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển CNQP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay và những năm tiếp theo, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Pháp lệnh CNQP, tiến tới xây dựng Luật CNQP, cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Pháp lệnh CNQP và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về CNQP. Hai là, tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh, đánh giá các lĩnh vực, như: công tác quản lý, quy hoạch CNQP, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; việc huy động công nghiệp dân sinh tham gia vào CNQP; quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển CNQP; hội nhập quốc tế; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CNQP… để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các quyết sách nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển CNQP. Ba là, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, bảo đảm tính đồng bộ, đổi mới và hiệu quả; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP. Trong đó, tập trung xây dựng các cơ chế phù hợp để huy động mọi nguồn lực đầu tư cho CNQP, như: cơ chế để phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia phát triển CNQP; huy động những thành tựu KH-CN, sản phẩm tốt nhất của đất nước để áp dụng cho phát triển CNQP; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP. Bốn là, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh CNQP và Pháp lệnh Động viên công nghiệp, cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan để tham mưu, đề xuất xây dựng Luật CNQP nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ với hệ thống pháp luật về quốc phòng, giải quyết những yêu cầu mới mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Xây dựng và phát triển CNQP có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng nhiều khó khăn, phức tạp. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, toàn dân, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, ngành CNQP nước ta đang ngày càng phát triển vững mạnh. Việt Nam đã có tên trong danh sách các quốc gia có thể tự chủ trong việc sản xuất, sửa chữa các loại VKTBKT trang bị cho Quân đội. Có thể khẳng định, sau hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh, ngành CNQP nước ta đã có bước phát triển vững chắc, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, từng bước trở thành bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trung tướng, TS. TRẦN HỒNG MINH Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
|