Chuyện cán bộ đi thực tế27/05/2021 02:28:27 PMCNQP&KT - Trong toàn quân nói chung và tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nói riêng, việc cử cán bộ đi thực tế ở các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy đã và đang xảy ra những vấn đề cần giải quyết... Trước hết, xin được giải thích rõ, đối tượng được đề cập trong bài viết này là cán bộ ở các cơ quan, viện nghiên cứu, nhà trường trong Quân đội được cử đi thực tế (xuống trực tiếp làm việc, công tác ở các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy), chứ không phải hình thức luân chuyển cán bộ, đi “thị sát cơ sở”, đi “đảo đầu”… Lâu nay, việc đưa cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện nghiên cứu, nhà trường đi thực tế tại các đơn vị cơ sở là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Thực chất, đây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn, nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ cán bộ, góp phần thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, vừa có trình độ chuyên môn lý luận cao, vừa có kiến thức thực tiễn phong phú. Thông qua việc đi thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có điều kiện rèn luyện, nâng cao trình độ, kiểm nghiệm lại những nội dung lý luận đã nghiên cứu, giảng dạy, làm việc tốt hơn sau thời gian đi thực tế. Tuy nhiên, trong toàn quân nói chung và tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) nói riêng, việc cử cán bộ đi thực tế ở các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy đã và đang xảy ra những vấn đề cần giải quyết. Cán bộ từ cơ quan nghiên cứu, giảng viên nhà trường, được cử xuống đơn vị cơ sở có tư tưởng “cầu an”, thiếu ý chí phấn đấu, ngại va chạm; cố “giữ mình” để chờ ngày… "hồi hương"! Đối với đơn vị cơ sở, do cán bộ được cử đến thực tế không phải là quân số “nhà mình”, nên cũng xem nhẹ, ít quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng, kèm cặp. Điều đáng nói, do thời gian cán bộ đi thực tế ngắn (thông thường là 1 năm), nên đơn vị thường không bố trí công việc phù hợp; thậm chí còn xét nét, dè chừng. Vì vậy, chất lượng cán bộ sau khi đi thực tế không đạt được yêu cầu như kỳ vọng... Từ nhiều năm nay, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại các viện nghiên cứu, gắn nghiên cứu lý thuyết với thực tiễn sản xuất, Tổng cục CNQP có chủ trương cử cán bộ đào tạo cấp phân đội, sau khi nhận công tác ở các viện nghiên cứu, sẽ đi thực tế ở các nhà máy sản xuất quốc phòng. Qua nắm bắt tình hình của cơ quan chức năng cho thấy, chất lượng và hiệu quả của số cán bộ sau khi đi thực tế là chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục CNQP đã yêu cầu 100% cán bộ ở các viện nghiên cứu, giáo viên Trường Cao đẳng CNQP tốt nghiệp ra trường từ năm 2015 trở lại đây, phải trải qua thực tế tại các nhà máy quốc phòng. Trong thời gian thực tế, số cán bộ này sẽ phải cắt quân số, chuyển mọi chế độ, chính sách, sinh hoạt về các nhà máy để quản lý tập trung. Thường vụ Đảng ủy Tổng cục CNQP cũng yêu cầu các cơ quan cử cán bộ đi thực tế phải giao nhiệm vụ cụ thể, kết hợp theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả sau khi kết thúc thời gian xuống cơ sở. Còn đối với lãnh đạo, chỉ huy các các nhà máy quốc phòng cần tiếp nhận, quản lý toàn diện cán bộ về thực tế; giao nhiệm vụ cụ thể và có chính sách khuyến khích, động viên để cán bộ đi thực tế yên tâm công tác. Cán bộ đi thực tế là nguồn nhân lực quý của ngành CNQP, do đó các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải có trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng và rèn luyện. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên “phải nghiên cứu thực tế, kinh nghiệm thực tế”, để qua đó “tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo”. Thiết nghĩ, những lời dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Hơn ai hết, cán bộ ở các viện nghiên cứu, nhà trường trong Quân đội phải coi việc đi thực tế là cơ hội tốt để học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn của mình. Đó cũng là một trong những tiêu chí cần thiết để đánh giá, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong tương lai. NHẤT NGÔN
|