10 gương mặt trẻ tiêu biểu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng năm 202025/05/2021 08:18:41 AMLTS: Để góp phần cổ vũ, nhân rộng, lan tỏa những gương điển hình tiên tiến trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Tạp chí CNQP và Kinh tế trân trọng giới thiệu 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2020. Đây là những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP. Thủ trưởng Tổng cục CNQP trao Bằng khen tặng 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Tổng cục năm 2020. Thiếu tá, ThS. Phạm Văn Hạnh, nghiên cứu viên, Phòng Khí tài (Viện Vũ khí): KHẲNG ĐỊNH SỨC TRẺ TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Có thể nói, với kiến thức và sức trẻ, Thiếu tá Phạm Văn Hạnh là người đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể. Từ năm 2018 đến nay, anh liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, 5 Bằng khen của các cấp trao tặng; đạt 2 giải Nhì, 1 giải Ba Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”. 5 năm qua, anh đã tham gia 6 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 9 đề tài cấp Tổng cục CNQP và 5 đề tài cấp cơ sở. Đồng thời, anh còn tham gia thẩm định, ban hành 12 bộ tài liệu thiết kế; rà soát thông báo sửa đổi 4 bộ tài liệu thiết kế; giải quyết kịp thời các vướng mắc về kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng tại các nhà máy thuộc Tổng cục. Đại úy Nguyễn Văn Giỏi, Phó trưởng Phòng Công nghệ hóa chất (Viện Công nghệ): NGƯỜI TÊN GIỎI, VIỆC XUẤT SẮC Được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng Công nghệ hóa chất khi tuổi đời còn khá trẻ là thử thách không nhỏ đối với Đại úy Nguyễn Văn Giỏi. Nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm của bản thân, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc tham gia tư vấn, thẩm định tài liệu công nghệ đảm bảo sản xuất quốc phòng của các nhà máy; anh còn chủ động tìm kiếm dịch vụ khoa học và kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, nhân viên trong Phòng. Anh là chủ nhiệm đề tài khoa học “Nghiên cứu thăm dò công nghệ chế tạo sơn chịu nhiệt độ cao sử dụng cho vỏ động cơ CT-18”; chủ trì tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán Xưởng mạ (Nhà máy X52); thư ký đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Hoàn thiện công nghệ chế tạo 4 loại sơn bảo vệ lớp vỏ cao su tàu ngầm"; là thành viên thực hiện một đề tài cấp Quốc gia... Với kết quả đó, 3 năm liên tục (2018-2020) Đại úy Nguyễn Văn Giỏi đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; năm 2020, anh được Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP tặng Bằng khen. Đại úy Phạm Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp 4 (Nhà máy Z113): TẬP TRUNG VÀO “KHÂU CĂNG, VIỆC KHÓ” Trong những năm gần đây, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Nhà máy Z113 rất hiệu quả; nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng mỗi năm. Đại úy Phạm Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp 4, là người luôn biết tập trung vào những “khâu căng, việc khó“, góp phần không nhỏ làm nên thành tích đó. Có những đề tài, sáng kiến khi được đưa vào sản xuất đã mang lại năng suất lao động cao, đồng thời giúp người lao động đỡ vất vả khi thao tác vận hành. Nổi bật là đề tài “Nghiên cứu thay đổi nguyên liệu không sử dụng oleum trong công nghệ sản xuất thuốc nổ TNT”, được Nhà máy Z113 áp dụng ngay vào sản xuất được 3.200 tấn thuốc nổ TNT, trong đó có 288 tấn thuốc nổ TNT công nghiệp xuất khẩu sang Philippines và Indonesia, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối, góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đề tài đã đạt giải Nhì Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”. Do có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, Đại úy Phạm Văn Thái được Tổng cục CNQP tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 20 năm phong trào Sáng tạo trẻ (2000-2020). Đại úy Lê Mạnh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Cơ khí, Phòng Kỹ thuật - Công nghệ (Nhà máy Z115): MINH CHỨNG CHO SỰ TRƯỞNG THÀNH Đại úy Lê Mạnh Tuấn đã trực tiếp chủ trì và tham gia thực hiện 15 sáng kiến cùng 9 đề tài, nhiệm vụ, trong đó có một đề tài đạt giải Nhất Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” lần thứ XVIII. Được về công tác tại Nhà máy Z115 đã giúp Lê Mạnh Tuấn có cơ hội, điều kiện để cùng đồng nghiệp tiếp cận nghiên cứu và làm chủ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ lõi, chuyên sâu về vũ khí, đạn dược. Việc đó giúp anh tự tin hơn khi được giao nhiệm vụ thực hiện các công trình, đề tài khó, góp phần cùng tập thể Phòng Kỹ thuật - Công nghệ Nhà máy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, Đại úy Lê Mạnh Tuấn đã được cấp trên khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bằng khen, Giấy khen của Thủ trưởng Tổng cục CNQP và Nhà máy Z115; giải Nhất Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”... Đại úy, QNCN Nguyễn Thị Hồng, Phòng Kỹ thuật công nghệ (Nhà máy Z117): GÓP PHẦN THÁO GỠ NHỮNG “NÚT THẮT” VỀ CÔNG NGHỆ Không ngừng học hỏi, chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất - đó là phương châm làm việc của Đại úy, QNCN Nguyễn Thị Hồng. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, Hồng luôn chủ động học hỏi từ những người đi trước và rút kinh nghiệm ngay trong quá trình công tác của bản thân để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, lãnh đạo, chỉ huy Phòng luôn tin tưởng giao cho Hồng phụ trách các công đoạn khó trong quy trình sản xuất. Ngoài ra, Hồng còn là chủ nhân của rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, góp phần tháo gỡ những "nút thắt" về công nghệ trong sản xuất các sản phẩm quốc phòng và kinh tế, làm lợi cho Nhà máy hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong 9 năm công tác tại Nhà máy Z117, Đại úy, QNCN Nguyễn Thị Hồng có 4 năm liên tục (2016-2019) đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” (2019); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2018); Bằng khen của Tổng cục Chính trị giai đoạn 2015 - 2020. Đại úy Trần Minh Tuyên, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công nghệ (Nhà máy Z183): LUÔN QUYẾT TÂM ĐẠT HIỆU QUẢ CAO NHẤT Với chức tránh, nhiệm vụ được giao là đảm bảo các yếu tố kỹ thuật cho sản xuất của Nhà máy, Đại úy Trần Minh Tuyên luôn quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh việc bảo đảm công nghệ gia công áp lực, gia công cắt gọt, xử lý bề mặt; xây dựng quy trình công nghệ phục vụ sản xuất; theo dõi, giải quyết các vướng mắc kỹ thuật; tham gia chế thử sản phẩm, anh còn cùng đồng nghiệp tích cực nghiên cứu các đề tài khoa học ứng dụng vào sản xuất quốc phòng và kinh tế. Tiêu biêu là các đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò ủ miệng liên hoàn 3 loại đạn pháo chiến dịch”; “Nghiên cứu công nghệ chế tạo các chi tiết có kết cấu phức tạp, khó gia công phục vụ hoán cải súng tiểu liên AK”; “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bếp nướng than hoa không khói kiểu dáng mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”. Ngoài ra, anh còn có 15 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho Nhà máy 1,5 tỷ đồng. Từ những nỗ lực và sự sáng tạo không ngừng, 4 năm liên tục (2017-2020) anh đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP và tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen. Đại úy Nguyễn Xuân Trường, Trưởng ban Hậu cần (Tổng công ty Ba Son): THAM MƯU ĐÚNG, TRÚNG, HIỆU QUẢ Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ chế tạo tên lửa (Học viện Kỹ thuật quân sự), Nguyễn Xuân Trường được trên điều động về nhận công tác tại Tổng công ty Ba Son, đúng vào thời điểm đơn vị đang đóng mới loạt tàu chiến hiện đại. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với một kỹ sư trẻ mới ra trường. Bằng tinh thần hăng say của tuổi trẻ, anh luôn tích cực học tập, rèn luyện, bám sát thực tế sản xuất, từ đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, góp phần tháo gỡ vướng mắc về công nghệ trong thi công đóng mới và tích hợp hệ thống vũ khí, khí tài trên tàu, đảm bảo tính năng kỹ, chiến thuật theo đúng thiết kế, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí sản xuất. Năm 2020, anh được lãnh đạo Tổng công ty Ba Son bổ nhiệm chức danh Trưởng ban Hậu cần. Trên cương vị công tác mới, Nguyễn Xuân Trường đã tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy Tổng công ty chỉ đạo triển khai công tác hậu cần phù hợp với đặc thù của đơn vị đóng tàu; đồng thời, trực tiếp theo dõi, bám nắm duy trì nền nếp, chế độ hậu cần bảo đảm tiêu chuẩn, định mức cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở Tổng công ty, anh luôn xung kích, đi đầu trong mọi hoạt động Đoàn, cùng Ban chấp hành Đoàn cơ sở Tổng công ty tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây tổ chức Đoàn vững mạnh xuất sắc. Bằng sự nỗ lực của bản thân, 2 năm liên tục (2019 - 2020), anh đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 3 năm (2016 - 2018) đạt danh hiệu “Lao động tiến tiến”. Đại úy Chu Ngọc Hải, Trưởng bộ môn Khoa Điện - Điện tử (Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng): PHÁT HUY TỐT VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY Ngay từ những ngày đầu về nhận công tác tại Trường Cao đẳng CNQP, Đại úy Chu Ngọc Hải luôn xác định cần phát huy tốt vai trò của người thầy, không ngừng học tập nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực để truyền đạt kiến thức cho học viên. Ngoài việc chuẩn bị bài giảng, anh còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp học viên dễ hiểu và tiếp thu kiến thức. Song song với nhiệm vụ giảng dạy, anh còn tích cực nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình. Trong đó, có 2 đề tài khoa học do anh làm chủ nhiệm được Hội đồng khoa học Nhà trường nghiệm thu đưa vào giảng dạy. Đặc biệt, “Giáo trình Điều khiển điện - Khí nén” do anh biên soạn đã được Hội đồng Khoa học Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) nghiệm thu đưa vào giảng dạy trong các nhà trường Quân đội, góp phần giúp học viên có thêm tài liệu học tập, nghiên cứu. Nhiều năm qua, Đại úy Chu Ngọc Hải đều đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở”; danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”; cùng nhiều Giấy khen của các cấp trao tặng. Thợ phay Lê Duy Hùng, Phân xưởng Cụm hộp (Nhà máy Z111): THỢ “CHỦ CÔNG” CỦA PHÂN XƯỞNG Tuy thời gian bước vào nghề chưa lâu, nhưng công nhân Lê Duy Hùng, thợ phay, Phân xưởng Cụm hộp (Nhà máy Z111) đã kịp gặt hái cho riêng mình những danh hiệu, như: “Lao động tiên tiến”; “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; “Đoàn viên xuất sắc tiêu biểu”; “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội cụ Hồ” của các cấp trao tặng. Ngay từ khi ra trường về công tác tại Nhà máy Z111, Lê Duy Hùng luôn tích cực học hỏi, cầu tiến và anh đã trưởng thành rất nhanh, trở thành “chủ công” của Phân xưởng Cụm hộp. Tin tưởng vào tay nghề của anh nên lãnh đạo Phân xưởng thường xuyên giao cho anh những phần việc khó, đồng thời kèm cặp giúp đỡ công nhân mới vào nghề. Anh xem đó là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2016 đến nay, anh có 9 giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Giáo viên Phạm Thị Ngọc Linh, Trường mầm non Hoa Hồng (Nhà máy Z121): XỨNG DANH NHÀ GIÁO GIỎI Cô giáo mầm non Phạm Thị Ngọc Linh, Trường mầm non Hoa Hồng (Nhà máy Z121), đã 3 lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; danh hiệu “Lao động tiên tiến”, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác. Đặc biệt, năm 2020, Phạm Thị Ngọc Linh vinh dự đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp Tổng cục CNQP”; “Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân”. Trong công tác giảng dạy, Phạm Thị Ngọc Linh luôn là người tiên phong đưa phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, giáo dục trẻ và công tác quản lý của Nhà trường; đồng thời cải tiến đồ dùng học tập có giá trị sử dụng cao, bền, đẹp, kinh phí thấp. Tiêu biểu là các sáng kiến: "Tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trong các hoạt động giáo dục trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi"; "Thiết kế bộ bàn ghế đa năng, chiếc kẹp đa năng"; "Thiết kế giá trưng bày sản phẩm dưới dạng bán tự động"... đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng Trường mầm non Hoa Hồng (Nhà máy Z121) trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành học mầm non trong Tổng cục CNQP và toàn quân. MINH TUẤN (thực hiện)
|