Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Công nghiệp quốc phòng07/05/2021 09:26:51 AMCNQP&KT - Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng (CNQP) là tổng thể cách thức, biện pháp nhằm biến đổi nguồn nhân lực quân sự phục vụ CNQP theo hướng hợp lý về số lượng, nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về cơ cấu gắn với tiến trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Đẩy mạnh phát triển CNQP Việt Nam là vấn đề vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính cơ bản lâu dài. Để thực hiện mục tiêu này cần rất nhiều yếu tố, trong đó chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực là yếu tố có tầm quan trọng quyết định. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xác định: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực, tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của Quân đội, nguồn nhân lực ngành CNQP Việt Nam cũng có bước phát triển mạnh mẽ gắn liền với quá trình hiện đại hóa Quân đội. Những thành tựu trong phát triển nguồn nhân lực đã góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị cho Quân đội. Những thành công được biểu hiện, đó là: Tổng cục CNQP đã thực hiện khá nghiêm túc, bài bản các khâu trong quy trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, do vậy, có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, khẳng định: Công nghiệp quốc phòng đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực ngành CNQP vẫn còn một số hạn chế, như: công tác quy hoạch chưa mang tính toàn diện, cơ bản, lâu dài; nội dung, chương trình và cơ sở vật chất trong các học viện, nhà trường trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP còn hạn chế; số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong Tổng cục CNQP chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ rõ: Công tác bảo đảm kỹ thuật có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; khả năng khai thác, làm chủ và nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao còn nhiều hạn chế, nhất là làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi; chậm cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Tổ hợp CNQP. Những hạn chế trên đây, có thể rút ra một số nguyên nhân sau: Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực cho CNQP ở một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa sâu sắc, toàn diện; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quá trình giảng dạy, nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đây là nguyên nhân làm cho cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự của chúng ta ít có điều kiện kiểm định, ứng dụng những nghiên cứu lý thuyết vào hoạt động thực tiễn, làm suy giảm năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ; cơ chế, chính sách nuôi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự chưa thỏa đáng. Trong những năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Một là, nâng cao nhận thức trong phát triển nguồn nhân lực cho CNQP. Nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa việc đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất với đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong từng dự án CNQP. Điều quan trọng là phải thiết lập được mối quan hệ tương xứng giữa đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị với việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, trình độ, tay nghề; phải có phương án tìm nguồn, tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò của cơ chế chính sách, vấn đề quan hệ lợi ích trong việc tạo động lực phát triển nguồn nhân lực. Nội dung chủ yếu của việc nâng cao nhận thức cần chú ý đến các khía cạnh sau: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CNQP đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của ngành CNQP... ![]() Trường Cao đẳng CNQP là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNQP. Trong ảnh: Học viên trong giờ thực hành. Ảnh: TUẤN MINH Hai là, làm tốt công tác quy hoạch, tuyển chọn nguồn nhân lực cho CNQP. Trong xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cần phải xác định rõ mục tiêu của quy hoạch. Nhìn tổng thể, cơ cấu nguồn nhân lực cho CNQP bao gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ khoa học - công nghệ; công nhân trực tiếp sản xuất, đội ngũ học viên, sinh viên đang được đào tạo theo nhu cầu của ngành. Trong từng nhóm nhân lực lại phải tính đến cơ cấu: độ tuổi, quân hàm, nhóm ngành hoạt động, trình độ học vấn, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ tay nghề, bậc thợ... Tùy theo từng giai đoạn khác nhau và tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, các dự án sản xuất quốc phòng để xác định cơ cấu cho phù hợp, nhằm tạo sự đồng bộ, kế thừa hỗ trợ lẫn nhau và phát triển liên tục của cả đội ngũ và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiêu chuẩn hóa các vị trí công tác thuộc diện quy hoạch. Có xác định đúng tiêu chuẩn chức danh mới có cơ sở đánh giá, lựa chọn để quy hoạch đúng, mới đào tạo và phấn đấu theo tiêu chuẩn. Quy hoạch nguồn nhân lực phải toàn diện, cả trước mắt và lâu dài, dự kiến được nhiều phương án, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo đảm "mở" và "động".
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP. Để phát triển nguồn nhân lực cho CNQP, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp quan trọng, trực tiếp. Vai trò quan trọng của đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực thể hiện ở chỗ nó trang bị tri thức khoa học kỹ thuật quân sự, khơi dậy ý thức và năng lực làm chủ những tri thức mới. Hoàn thiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho CNQP bao gồm những chỉ số về chất lượng: phẩm chất đạo đức, trình độ hiểu biết, năng lực chuyên môn phù hợp với cương vị chức trách, nhiệm vụ mà họ sẽ đảm nhiệm ở các cơ sở sản xuất quốc phòng của Quân đội. Muốn vậy, cần xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng.Tiến hành phân loại chất lượng đội ngũ giáo viên, có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và chất lượng ngày càng nâng cao. Kết hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng với mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực cho CNQP. Làm tốt việc đào tạo lại gắn với thực hiện chính sách ở các cơ sở sản xuất quốc phòng. Bốn là, cải tiến và thực hiện tốt cơ chế, chính sách đối với những người đang làm việc trong ngành CNQP. Nội dung cốt lõi của đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách là phải làm cho cơ chế, chính sách phản ánh một cách đúng đắn giá trị lao động thực tế của mỗi người, quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, quyền lợi và trách nhiệm… nhằm thiết lập sự công bằng, bình đẳng và tạo động lực phát triển. Qua đó, kích thích được sự nhiệt tình, sáng tạo, nâng cao được trách nhiệm của nguồn nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đổi mới cơ chế, chính sách phải được tiến hành đồng bộ trong tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, đề bạt đến tiền lương, khen thưởng, kỷ luật… Tính tích cực xã hội của nguồn nhân lực chỉ có thể được thực hiện khi họ có cơ hội, điều kiện để làm việc, cống hiến, phấn đấu và hưởng thụ xứng đáng thành quả lao động của mình. Đồng thời, với đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, cần làm tốt chính sách bảo đảm lợi ích và động viên tinh thần đối với cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ quan, nhà máy quốc phòng. Bên cạnh đãi ngộ vật chất cần thực hiện tốt chế độ khen thưởng, tôn vinh những cán bộ, công nhân viên có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, công nhân viên vi phạm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Quân đội. Có thể khẳng định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho CNQP là đòi hỏi tất yếu và cần có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhằm góp phần xây dựng, phát triển ngành CNQP Việt Nam tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Thượng tá, ThS. HOÀNG QUỐC TUẤN & Đại tá, ThS. DƯƠNG NGỌC QUANG (Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hậu cần) _________________________ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Chính trị, NQ 06- NQ/TW, về xây dựng và phát triển CNQP đến 2020 và những năm tiếp theo. 2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. 3. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. 4. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (2011), Đề án phát triển giáo dục - đào tạo của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2011-2020.
|