Nâng cao nhận thức về chức năng “Đội quân lao động sản xuất”14/04/2021 08:27:51 AMCNQP&KT - Bên cạnh việc sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng “đội quân lao động sản xuất”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Đây là một chức năng cơ bản, thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 28/9/2020, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “5 năm qua, Quân đội thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân… bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Đây chính là sự khẳng định kết quả tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế mà toàn quân đã đạt được trong 5 năm (2015-2020) dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Có thể nói, kết quả này là sự tiếp nối, phát huy tốt truyền thống của Quân đội ta từ nhiều năm trước đây. Để hiểu rõ chức năng này, chúng ta cần nắm chắc cơ sở khẳng định “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội bắt nguồn từ những luận cứ khoa học dưới đây: Thứ nhất, xuất phát từ mối quan hệ giữa kinh tế - chiến tranh và quốc phòng. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh tế - chiến tranh và quốc phòng có mối quan hệ biện chứng, trong đó suy cho cùng, kinh tế quyết định chiến tranh và quốc phòng. Kinh tế quyết định số lượng, chất lượng, trình độ của vũ khí, trang bị kỹ thuật; quyết định số lượng, chất lượng và tổ chức biên chế của lực lượng vũ trang; quyết định chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. Một nền kinh tế phát triển là điều kiện để xây dựng nền quốc phòng mạnh. Ph. Ănghen chỉ rõ: “Không có gì phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”. Do vậy, từ vai trò của kinh tế đối với quốc phòng, Quân đội cần phải tham gia phát triển kinh tế để tạo thế chủ động xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự, tạo sức mạnh quân sự quốc gia. Với những nguồn lực hiện có về con người, trình độ công nghệ, hạ tầng vật chất, Quân đội tất yếu cần khai thác có hiệu quả nguồn lực đó, tạo thành sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế, gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Thứ hai, xuất phát từ sự nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Kế thừa và phát huy truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” trong lịch sử dân tộc, phát triển kế sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” của ông cha, ngay từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quân đội là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. ![]() Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 (Quân khu 4) hướng dẫn đồng bào dân tộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) chăm sóc cây keo giống. Ảnh: CTV Tháng 3/1958, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và xác định: Xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng và xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải khéo léo sắp xếp cho ăn khớp với xây dựng kinh tế. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, Đảng ta xác định phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN) là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng xuyên suốt: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của sự kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội”. Ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP). Tiếp đó, ngày 1/8/1998, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Quyết định số 150/ĐUQSTW giao Quân đội làm nòng cốt trong phát triển khu KT-QP. Đến ngày 25/9/2012, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 520-NQ/QUTW về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, Nghị quyết nêu rõ: “Toàn quân cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trên mặt trận lao động sản xuất”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kết hợp tốt nhiệm vụ QP-AN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KT-QP…”.
Cụ thể hóa đường lối, chiến lược của Đảng, với vai trò của mình, Quân đội cần thực hiện tốt nhiệm vụ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bao gồm: Sản xuất vũ khí, trang bị; xây dựng các khu KT-QP trên những địa bàn chiến lược giúp dân xóa đói, giảm nghèo; tăng gia sản xuất cải thiện đời sống; tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Thứ ba, xuất phát từ điều kiện thực tiễn của Quân đội. Sau hơn 76 năm xây dựng và phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều nguồn lực để tham gia phát triển kinh tế đất nước. Trước hết, phải kể đến nguồn nhân lực trong Quân đội có tuổi đời trẻ, có trình độ, được rèn luyện về ý thức tổ chức kỷ luật, được đào tạo nghề (trong số đó có những ngành nghề mang tính lưỡng dụng), đủ khả năng để sử dụng vào phát triển kinh tế theo phương châm kết hợp quốc phòng với kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật trong Quân đội, ngoài tính chất chuyên biệt còn có nhiều chủng loại mang tính lưỡng dụng, như: trang bị vận tải, công nghệ thông tin, công nghệ cơ khí chế tạo máy, sản xuất quân trang, xây dựng… có thể sử dụng vào phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng. Hệ thống gần 40 học viện, nhà trường trong Quân đội cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. ![]() May các sản phẩm xuất khẩu ở Nhà máy Z176 (Tổng cục CNQP). Ảnh: TRẦN LÊ Từ những lý do trên đặt ra yêu cầu, Quân đội một mặt coi trọng thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu”, mặt khác cần tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân, khẳng định vai trò “đội quân lao động sản xuất”. Thực tiễn hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội những năm qua đã góp phần chứng minh sự sáng suốt về đường lối lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đạt khoảng 250.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt gần 50.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 14 triệu đồng/người/tháng. Điểm nổi bật là, nhiều DNQĐ đã bám sát nhu cầu thị trường, tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; trong đó có các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đóng tàu, công nghệ thông tin, dệt may, cơ khí... Các DNQĐ cũng tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghệ mới, dịch vụ lưỡng dụng để vừa sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng… Điển hình như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) hiện đang chiếm 89% thị phần container xuất nhập khẩu ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và 50% thị phần container xuất nhập khẩu trên cả nước. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất cả nước, tiên phong đầu tư ra 7 quốc gia trên thế giới. Năm 2020, tổng doanh thu của Viettel đạt hơn 264.000 tỷ đồng, đưa Tập đoàn trở thành thương hiệu viễn thông có giá trị 5,8 tỷ USD, lớn nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cũng có những dấu ấn nổi bật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển vững chắc theo hướng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc gia và quốc tế.
Trong thời gian tới, để Quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng đội quân sản xuất, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế đất nước, cần chú trọng một số vấn đề sau: Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi quân nhân và quần chúng nhân dân về vai trò lao động sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới. Cần tiếp tục khẳng định đường lối “kết hợp tốt nhiệm vụ QP-AN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội” và quán triệt sâu sắc rằng, Quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà là sự kết hợp phát triển kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Quân đội là lực lượng tiên phong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn về kinh tế - xã hội, QP-AN ở vùng biên giới, biển, đảo, luôn đặt hiệu quả QP-AN lên trên hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến phẩm chất, truyền thống của Quân đội. Đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phi chính trị hóa Quân đội. Hai là, chú trọng nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu DNQĐ. Là đơn vị tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế có pháp nhân và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, các DNQĐ cũng tuân thủ quy luật thị trường. Để khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Bộ Quốc phòng cần làm tốt công tác quy hoạch hệ thống doanh nghiệp quốc phòng; điều chỉnh bổ sung các khu KT-QP để phù hợp thế trận phòng thủ tỉnh, thành phố; điều chỉnh số lượng và quy mô DNQĐ phù hợp với việc xây dựng Quân đội trong tình hình mới; phát huy thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình cơ cấu lại các DNQĐ; tổ chức lại mô hình sản xuất tại các khu KT-QP, đảm bảo thực sự trở thành những điểm sáng về kinh tế, xã hội, QP-AN. Ba là, các DNQĐ cần phát huy năng lực nội sinh để tạo sự phát triển sản xuất - kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, mô hình tăng trưởng, các DNQĐ cũng đứng trước những thách thức lớn về sản xuất - kinh doanh, hạch toán tài chính, quản lý tài sản, giải quyết việc làm… Do đó, DNQĐ cần tập trung rà soát, xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp với mô hình hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh, tính hiệu quả trong gắn kết sản xuất và thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Bốn là, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các DNQĐ cần tích cực nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ và mô hình quản lý, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm; tuân thủ nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng về phạm vi, chức năng, lĩnh vực hoạt động, tạo nền tảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cần được Quân đội tiếp tục đẩy mạnh, gắn kinh tế với quốc phòng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thượng tá, ThS. NGUYỄN VĂN HUẾ Trường Sĩ quan Lục quân 2 ____________________ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. C.Mác, Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia, H. 1994, tr.235. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.195. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.312.
|