Tin tổng hợp

CNQP&KT - Ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam, đang rất thiếu những thủ lĩnh khoa học - công nghệ, những người có thể dẫn dắt nhiều nhà khoa học tài năng khác cùng thực hiện thành công các chương trình, đề án, dự án thiết kế, chế tạo vũ khí. Đó chính là các Tổng công trình sư.

Vấn đề đào tạo và bồi dưỡng Tổng công trình sư cho ngành CNQP Việt Nam đã được bàn luận từ rất nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Tuy đã từng có một số biện pháp cụ thể mang tính thử nghiệm được đề xuất, nhưng về cơ bản đến nay chúng ta vẫn chưa có được những giải pháp tổng thể, khả thi để triển khai trong thực tiễn. Yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới và những thách thức phải vượt ngưỡng phát triển trung bình của CNQP Việt Nam gắn với ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) - một lần nữa lại làm nóng lên vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao với hạt nhân nòng cốt là các chuyên gia giỏi đầu ngành và các Tổng công trình sư.

Khái niệm “Tổng công trình sư” - “Generalnưi Konstruktor” theo cách hiểu thông dụng lâu nay ở Việt Nam vốn bắt nguồn từ các kinh nghiệm của Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga hiện nay. Chúng ta thường được nghe nói về tấm gương của rất nhiều nhà khoa học vĩ đại của Liên Xô là những Tổng công trình sư chủ trì các đề án, dự án khoa học lớn, được tôn vinh là người đặt nền móng cho việc hình thành những trường phái khoa học - công nghệ (KHCN) hoặc những dòng vũ khí tiêu biểu, được phát triển và kế thừa qua nhiều thế hệ. Như Tổng công trình sư Koroliov Sergey Pavlovich (1907-1966) là người đã trực tiếp chỉ đạo và có vai trò then chốt trong quá trình thiết kế chế tạo và đặt nền móng cho những thành công vượt trội của Liên Xô trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, bao gồm cả tên lửa quân sự và tên lửa đẩy phục vụ các chương trình chinh phục không gian vũ trụ. Tên tuổi của Tổng công trình sư Tupolev Andrey Nikolaievich (1888-1972) gắn liền với việc thiết kế hàng trăm chủng loại máy bay họ TU, cả quân sự và dân sự. Di sản mà ông để lại là cả một trường phái riêng về thiết kế - công nghệ hàng không, cùng rất nhiều thành tựu khác của Viện Thiết kế Tupolev. Trong lĩnh vực vũ khí bộ binh, không thể không nhắc tới Tổng công trình sư Kalashnhikov Mikhail Timopheevich (1919-2013) là “cha đẻ” của khẩu súng trường AK47 - mẫu súng được sản xuất và sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới…


Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới đầu tiên, là một trong những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu, chế tạo vũ khí trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.   Ảnh: TL

Những nhân vật kiệt xuất nêu trên không chỉ là những người đã được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng công trình sư để lãnh đạo các viện thiết kế lớn hoặc các chương trình mang ý nghĩa chiến lược quốc gia, mà còn là những người được tôn vinh vì những đóng góp mang tính đột phá cho sự phát triển KHCN về lâu dài, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân họ là những người làm công tác kỹ thuật hoặc quản lý KHCN có tài năng, chuyên môn sâu về một ngành và am hiểu rộng về nhiều lĩnh vực có liên quan; có năng lực tổ chức, điều hành, dẫn hướng cho cả tập thể lớn các nhà khoa học, kỹ sư để thực hiện thành công các chương trình - mục tiêu mang tầm chiến lược của quốc gia. Đồng thời, họ cũng là những người được cấp lãnh đạo cao nhất của quốc gia tin cậy, quan tâm, giao trọng trách, thẩm quyền và bảo đảm các nguồn lực đặc biệt, mang tính dài hạn để đưa những ý tưởng sáng tạo đột phá về KHCN đi đến tận cùng của mục tiêu ứng dụng thực tiễn, phục vụ cuộc sống, phục vụ con người. Như vậy, khi đề cập tới mô hình Tổng công trình sư từ kinh nghiệm của Liên Xô và nước Nga, chúng ta thấy rõ hai điều kiện tiên quyết, không thể thiếu được, đó là: tài năng, phẩm chất của nhà khoa học (yếu tố chủ quan) và sự tin cậy của cấp lãnh đạo cao nhất của quốc gia thông qua việc giao thẩm quyền, cơ chế, chính sách, môi trường, điều kiện làm việc (yếu tố khách quan)… để nhà khoa học có cơ hội cống hiến và tỏa sáng.

Tổng công trình sư phải là người có kiến thức tổng hợp hệ thống, am hiểu rộng nhiều chuyên ngành, có năng lực chỉ đạo, quản lý các chương trình-mục tiêu, các đề án KHCN tầm cỡ.

Còn đối với phương Tây và một số nước khác, người ta thường sử dụng các thuật ngữ tiếng Anh, như: “General Designer”, “Chief Designer”, “Chief Architect” hoặc “Program Manager”… để giới thiệu về một số nhân vật khoa học xuất chúng. Cách gọi như vậy là đúng về mặt công việc và nghề nghiệp chuyên môn nhưng chưa phản ánh đúng tầm cỡ của Tổng công trình sư (bởi vì Trưởng phòng thiết kế hoặc người chủ trì dự án nghiên cứu của một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể giữ chức vụ “Chief Designer” hoặc “Program Manager”). Từng đảm nhiệm những chức danh nêu trên tại Trung tâm Vũ trụ Marshall và NASA, nhưng người Mỹ không gọi Wernher Von Braun (1912-1977) là Tổng công trình sư mà gọi là “Người tiên phong về tên lửa và công nghệ vũ trụ” (“Pioneer of Rocket and Space Technology in US”) vì công lao của ông trong phát triển tên lửa xuyên lục địa và tên lửa đẩy vệ tinh. Đặc biệt gần gũi và dành nhiều tình cảm cho Việt Nam là Tiến sỹ Abdul Kalam (1931-2015) - người đã từng giữ cương vị Tổng thống Ấn Độ (2002-2007). Ông không chỉ là nhà thiết kế hàng đầu mà còn được tôn vinh là “cha đẻ” của Chương trình tên lửa của Ấn Độ (“Father of India’s Missile Program”). Cuộc đời ông có 40 năm gắn bó với tư cách là một nhà khoa học và lãnh đạo công tác khoa học trong Tổ chức Nghiên cứu - Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Di sản mà ông để lại không chỉ có các chủng loại tên lửa đạn đạo, tên lửa đẩy vệ tinh, vũ khí hạt nhân, máy bay trực thăng mà còn cả máy tính bảng chuyên để phục vụ người nông dân.

Ngoài ra, trong nghiên cứu chế tạo vũ khí có điều khiển, như: tên lửa, máy bay, ra-đa… đòi hỏi phải có sự tham gia của hàng chục, hàng trăm nhà máy, viện nghiên cứu với rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Khi đó, sẽ xuất hiện nhu cầu về hai loại hình chuyên gia: loại “chuyên sâu” (các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia giỏi… về từng lĩnh vực công nghệ cụ thể) và loại “chuyên rộng” (các Tổng công trình sư) có vai trò chủ trì phối hợp các chuyên gia chuyên sâu khi triển khai thiết kế các chủng loại vũ khí đặc biệt hoặc các công trình lớn. Do vậy, Tổng công trình sư phải là người có kiến thức tổng hợp hệ thống, am hiểu rộng nhiều chuyên ngành, có năng lực chỉ đạo, quản lý các chương trình - mục tiêu, các đề án KHCN tầm cỡ... Bản thân họ phải có kỹ năng làm việc trong các ê kíp khoa học đa ngành, có uy tín cao trong giới chuyên môn và quản lý, có tinh thần đồng đội, đồng nghiệp; thế mạnh của các chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực chuyên sâu. Trong một số trường hợp, Tổng công trình sư có thể không phải là một cá nhân mà là một nhóm lãnh đạo. Hai nhà sáng chế lừng danh là Steve Jobs và Steve Wozniak đã cùng nhau thành lập, gây dựng nên Tập đoàn Apple Inc. Các nước phương Tây cũng cho rằng đứng đầu Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên không phải là 1 người mà là 3 chuyên gia chủ chốt: So Sang Guk, Jon Pyong Ho và O Kuk Ryol - đảm nhiệm giải quyết 3 mặt trận then chốt là: chuyên môn nghiên cứu, tổ chức thử nghiệm và quan hệ đối ngoại để khắc phục hậu quả trừng phạt và cấm vận. Hầu hết các Tổng công trình sư trong lĩnh vực quân sự luôn được bảo mật tên tuổi nên thế giới chỉ biết tới họ khi nhiều sản phẩm vũ khí đã được ứng dụng sâu rộng trong thực tiễn.


Sản xuất sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z181.  Ảnh: PV

Hầu hết các Tổng công trình sư nổi tiếng thế giới đều được đào tạo rất cơ bản. Tuy nhiên, khoảng cách giữa người có nhiều bằng cấp với năng lực thực sự để đảm nhiệm vai trò Tổng công trình sư là rất xa. Bên cạnh kiến thức nền tảng có được từ nhà trường, nhất thiết phải có quá trình “tự học” để tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, trải nghiệm trong nhiều môi trường chuyên môn và quản lý, nhiều vị trí công tác khác nhau. Bill Gates đã từng bỏ dở chương trình đại học và tất nhiên chưa có bằng tiến sỹ, nhưng “Đế chế công nghệ” Microsoft mà ông gây dựng và phát triển cũng là một công trình xứng đáng để tôn vinh ông là một Tổng công trình sư.

Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0 thì những tiêu chí về Tổng công trình sư không nên cứng nhắc, bó hẹp trong những nội hàm ban đầu. Bởi nếu như các cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba chủ yếu sáng tạo ra công cụ mới để thay thế sức lao động của con người; thì khác biệt của Cách mạng 4.0 là sự tạo ra phương thức mới, mô hình mới để thông minh hóa sản phẩm làm ra. Trước kia quan trọng nhất là tìm cách giải quyết vấn đề thì hiện tại và tương lai, điều cốt yếu hơn sẽ là tìm ra những vấn đề chưa được giải quyết để sáng tạo và khởi nghiệp. Vì thế, tiêu chí của Tổng công trình sư chắc chắn không chỉ dừng lại ở những phẩm chất và năng lực của nhà khoa học, mà còn là năng lực của một doanh nhân biết cách biến sáng tạo khoa học của mình thành sản phẩm hữu ích có khả năng chinh phục thị trường toàn cầu. Đây chính là con đường của một thế hệ Tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghệ số mới nổi lên ở thế kỷ 21, như: Mark Zunkenberg với công trình mang tên Facebook; Nhậm Chính Phi với Tập đoàn công nghệ Huawei; Larry Page với thương hiệu Google… Trên truyền thông, người ta thường gọi các nhân vật này là “Ông chủ” hoặc “Giám đốc điều hành - CEO”…, nhưng khác với giới tài phiệt “cổ điển”, họ khởi nghiệp bằng những phát minh sáng tạo của bản thân và của nhiều người khác để gây dựng nên các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Là một trong những nhân vật tiêu biểu của thời đại 4.0, Elon Musk hội tụ đủ các tiêu chí kinh điển của Tổng công trình sư (là kỹ sư, nhà thiết kế công nghiệp, nhà phát minh…) lại có đầy đủ tố chất thời đại mới (ông chủ giàu hàng đầu thế giới, nhà sáng lập và cổ đông chính của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Paypal, Tesla Motor, Spacex, Solarity…). Chính Elon Musk là người đã tìm ra phương thức mới để chinh phục không gian vũ trụ bằng các phi thuyền đưa con người lên vũ trụ với hiệu quả cạnh tranh hơn so với Cơ quan NASA của Chính phủ Hoa Kỳ. Có thể thấy, ở thời kỳ nào cũng vậy, Tổng công trình sư phải là người có tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược dài hạn. Không có bất cứ nhà trường nào mà chỉ có thực tiễn cuộc sống mới là môi trường trải nghiệm, tôi luyện, thử thách để làm xuất hiện nhân tài nói chung và Tổng công trình sư nói riêng.

Trình độ và tiềm lực của CNQP Việt Nam đang có nhu cầu cấp bách và có những tiền đề khách quan để hình thành các Tổng công trình sư.

Đối với ngành CNQP Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi hết sức cấp bách để có thể đáp ứng các yêu cầu mới của quá trình hiện đại hóa Quân đội trong thời gian tới. Chúng ta đang rất thiếu những thủ lĩnh KHCN, những người có thể dẫn dắt tập thể nhiều nhà khoa học tài năng khác cùng thực hiện thành công các chương trình, đề án, dự án khoa học mang tính đột phá trong thiết kế, chế tạo vũ khí thông minh, thế hệ mới. Theo hướng này, cần quan tâm triển khai một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, phát hiện, lựa chọn nhân tài và định hướng quy hoạch riêng cho những chuyên gia đầu ngành trẻ, có tiềm năng. Thứ hai, thực hiện lộ trình bồi dưỡng, đào tạo toàn diện và đào tạo đặc cách để nâng cao năng lực và sự am hiểu rộng về chuyên môn CNQP, tư duy và tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh và phẩm chất chính trị. Thứ ba, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho họ được rèn luyện, thử thách qua các vị trí công tác chuyên môn và quản lý tại cả 4 môi trường then chốt: viện nghiên cứu, nhà máy sản xuất, cơ quan quản lý vĩ mô và môi trường quốc tế. Thứ tư, tin tưởng giao thẩm quyền và trách nhiệm của người chủ trì để họ tự khẳng định uy tín và khả năng thu phục nhân tâm, xây dựng tinh thần đồng đội trong tập thể khoa học. Thứ năm, bảo đảm nguồn lực, phương tiện, điều kiện vật thể và phi vật thể cho các chương trình, đề án KH-CN lớn, dài hạn để nhà khoa học đi được tới đích cuối cùng là có sản phẩm thế hệ mới phục vụ quốc phòng, an ninh.


Cán bộ Phòng kỹ thuật Nhà máy Z131 nghiên cứu thiết kế sản phẩm quốc phòng. Ảnh: BẢO LÂM

Để thực hiện được các giải pháp nêu trên, vai trò quyết định thuộc về hai nhân tố: Người lãnh đạo cấp trên và bản thân các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đúng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Lãnh đạo giỏi là tập hợp và sử dụng được người tài”. Bồi dưỡng nhân tài nói chung và Tổng công trình sư nói riêng, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược và tinh thần đổi mới trong công tác cán bộ KHCN, quan tâm tới việc thu hút, phát hiện và trọng dụng nhân tài, tạo môi trường để họ có cơ hội phấn đấu, rèn luyện. Bản thân các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành cũng phải có khát vọng, hoài bão và động lực mạnh mẽ để từ thế mạnh chuyên môn sâu của mình vươn lên hoàn thiện bản thân.

Trình độ và tiềm lực của CNQP Việt Nam đang có nhu cầu cấp bách và có những tiền đề khách quan để hình thành các Tổng công trình sư. Đây cũng là một trong những “điểm thắt” cần tháo gỡ để tiếp tục phát triển CNQP trong các giai đoạn tiếp theo. Nhưng Tổng công trình sư sẽ không xuất hiện chỉ bằng mong muốn chủ quan, duy ý chí và cũng không thể chỉ dựa vào bằng cấp, chức danh chuyên môn hay thông qua một vài khóa đào tạo. Để có được những nhà khoa học hàng đầu xứng tầm Tổng công trình sư, phải có chủ trương đồng bộ, lâu dài, có quá trình lựa chọn, sàng lọc, bồi dưỡng, thử thách trong thực tiễn. Cần sớm bắt đầu bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Trên cơ sở đó, từng bước định hình rõ hơn lộ trình tiếp theo, trong đó ưu tiên số một phải là việc tạo môi trường lành mạnh, khách quan, công bằng để nhân tài thực sự có thể tự khẳng định bản thân mình thông qua năng lực sáng tạo và cống hiến cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam.

Thiếu tướng, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH

Tổ trưởng Tổ Tư vấn 18 (Bộ Quốc phòng)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: