Tin cơ sở

CNQP&KT - Z127 là nhà máy duy nhất của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) có hoạt động luyện kim. Những năm qua, sản xuất, kinh doanh luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng Nhà máy luôn phát huy tốt thế mạnh truyền thống và nỗ lực tìm những giải pháp để ổn định, phát triển.

PHÁT HUY THẾ MẠNH TRUYỀN THỐNG

Đã lâu tôi mới lên Z127 (thuộc Tổng cục CNQP) công tác, cảm nhận đầu tiên là diện mạo của đơn vị đã có nhiều thay đổi. Từ khu nhà làm việc đến các phân xưởng, hệ thống đường nội bộ... được xây dựng mới khang trang, hiện đại hơn nhiều so với trước đây.

Thú thật, đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến không khí làm việc về đêm của một cơ sở sản xuất CNQP. Đồng hồ vừa điểm qua 0 giờ, tôi cùng Đại úy QNCN Phạm Thanh Xuân, trợ lý Phòng Hành chính - Hậu cần, đến với các phân xưởng còn sáng ánh đèn. Vừa rảo bước, anh Xuân vừa giải thích về hoạt động sản xuất ca đêm của Nhà máy: “Chúng tôi phải triển khai làm ca đêm, tránh thời gian cao điểm sử dụng điện đối với một số phân xưởng có những thiết bị, máy móc tiêu hao lượng điện lớn, nhằm tiết kiệm chi phí điện năng. Đây cũng là những phân xưởng có nhiều đóng góp vào doanh thu của Nhà máy”.


Hoạt động sản xuất luyện kim tại Nhà máy Z127.

Đến Phân xưởng Đúc 1, trước mắt chúng tôi là những lò nấu luyện gang rực lửa, nhiệt độ lên đến cả nghìn độ C, làm xua tan đi bầu không khí lạnh giá của đêm Đông cuối năm. Từng tốp công nhân trong trang phục bảo hộ lao động kín bưng cần mẫn đổ từng mẻ gang vừa nung chảy vào khuôn. Trung tá Ngô Thế Long - Quản đốc Phân xưởng cho biết: “Hằng năm, Phân xưởng Đúc 1 được Nhà máy giao nhiệm vụ đúc phôi một số loại sản phẩm quốc phòng. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Phân xưởng tận dụng năng lực, thế mạnh để sản xuất các loại bi nghiền phục vụ cho ngành xi măng với sản lượng lớn, được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng”. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, Phân xưởng vừa đưa vào sử dụng dây chuyền làm khuôn đúc tự động Disamatic, máy trộn cát, băng tải cấp cát và chuyển khuôn đúc... góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Từ năm 2015 đến nay, tổng doanh thu của Nhà máy Z127 đạt trên 2.084 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh tế đạt trên 1.753 tỷ đồng (tăng bình quân trên 11%/năm).

 (Nguồn: Phòng Chính trị Nhà máy Z127)

Nếu như Phân xưởng Đúc 1 có thế mạnh đúc các sản phẩm từ gang, thì Phân xưởng Đúc 2 lại có ưu thế về đúc các sản phẩm từ thép hợp kim, măng gan, crôm. Các sản phẩm do Phân xưởng sản xuất chủ yếu phục vụ ngành xi măng, điện, khai thác khoáng sản, như: các chi tiết máy, tấm lót các loại, thanh ghi, tấm ghi... Tranh thủ thời gian nghỉ giữa ca, tôi hỏi chuyện Thiếu tá, QNCN Phạm Ngọc Thảo - thợ 7/7, Tổ trưởng Tổ khuôn, và được biết, những năm gần đây, điều kiện sản xuất được cải thiện đáng kể, như Phân xưởng vừa đưa vào khai thác dây chuyền đúc Anphaset góp phần tăng năng suất lao động và giảm bớt nhiều công đoạn thủ công so với trước; bên cạnh đó, việc làm và thu nhập cũng đảm bảo nên người lao động yên tâm công tác.

Cùng với việc quan tâm đến lĩnh vực đúc, rèn, Nhà máy Z127 cũng đầu tư nhiều máy CNC sản xuất các sản phẩm cơ khí đòi hỏi độ chính xác cao. Tiêu biểu là sản phẩm chi tiết máy phục vụ cho ngành bia, ôtô, xe máy, khai khoáng; các sản phẩm cho Công ty Micromatic (Đan Mạch), Công ty Vautid (Đức). Thế mạnh của Nhà máy còn phải kể đến các sản phẩm từ hợp kim đồng, nhôm. Trong đó, sản phẩm từ đồng có đồng tấm, đồng lá, đồng dây, ống đồng...; sản phẩm từ nhôm là các loại nhôm hình, nhôm ống... Với công nghệ, dây chuyền, thiết bị hiện đại, Nhà máy đã sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng cao, từng bước chiếm lĩnh được thị trường phục vụ kinh tế dân sinh. Do vậy, tuy sản phẩm quốc phòng hằng năm được giao ít (chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu) nhưng Nhà máy vẫn duy trì tốt sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Từ năm 2015 đến nay, tổng doanh thu của Nhà máy đạt trên 2.084 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh tế đạt trên 1.753 tỷ đồng (tăng bình quân trên 11%/năm); trong đó, năm 2020 thu nhập bình quân đạt trên 8,7 triệu đồng/người/tháng.


Sản phẩm nhôm ống do Xí nghiệp Cơ khí 59 (thuộc Nhà máy Z127) sản xuất.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN

Do đặc thù sản xuất mà từ nhiều năm qua, Nhà máy Z127 đã linh hoạt tổ chức cho một số bộ phận sản xuất vào ca đêm để tránh thời gian cao điểm về giá điện. Đây là một giải pháp căn cơ mà Nhà máy áp dụng nhằm tiết giảm chi phí góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Nhà máy cũng đã và đang tích cực sắp xếp, tổ chức lại lực lượng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Hiện nay, Nhà máy đã giảm được một số đầu mối trực thuộc (trong đó có đầu mối Xí nghiệp Cơ khí 59); lực lượng lao động gián tiếp và phục vụ, bổ trợ đã giảm nhiều so với những năm gần đây, hiện chỉ còn trên 30% tổng quân số. Trao đổi với Trung tá, Tiến sỹ Lê Quốc Văn - Giám đốc Nhà máy, chúng tôi được biết, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã bám sát quyết định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP trong việc tổ chức lại đơn vị; đồng thời sáng tạo, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Nhà máy đã tiến hành rà soát đánh giá năng lực từng cán bộ, công nhân viên và sắp xếp lại cho phù hợp với năng lực, nhiệm vụ; kết hợp triển khai thực hiện tinh giản lao động gián tiếp và phục vụ bổ trợ theo tinh thần Chỉ thị 2626 của Chủ nhiệm Tổng cục CNQP. Nhờ đó, đã góp phần để bộ máy gián tiếp bớt cồng kềnh hơn và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong năm 2021, Nhà máy phấn đấu tiếp tục giảm tỷ lệ lao động gián tiếp và phục vụ, bổ trợ xuống dưới 30% tổng quân số.

 

“Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là đảm bảo mô hình tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả, chặt chẽ, giảm chi phí chung, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.

       (Trung tá Lê Quốc Văn, Giám đốc Nhà máy Z127)

Vẫn theo Trung tá Lê Quốc Văn, Nhà máy cũng đã tiến hành rà soát lại cấu trúc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ; sửa đổi, ban hành lại hệ thống các quy chế, quy định quản lý nội bộ theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền và phân định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ban; bồi dưỡng năng lực và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ của Nhà máy; từng bước xây dựng được mô hình, phương thức khai thác chất xám của các nhà khoa học ở các viện, trường đại học nhằm nâng cao hiệu quả trong tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh; triển khai Chương trình Kaizen - 5S và bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công nhân viên, người lao động. Bên cạnh đó, Nhà máy triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại đơn vị; mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, đã phát huy được năng lực trong thực tiễn công tác, xây dựng cơ chế khuyến khích để tạo động lực cống hiến cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật.

Xác định chất lượng sản phẩm là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển, Nhà máy đã duy trì thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế về công tác đảm bảo công nghệ sản xuất, đặc biệt là các quy định về kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm. Để thương hiệu, sản phẩm được thị trường biết đến nhiều hơn và mở rộng khách hàng mới, Nhà máy tiến hành kiện toàn bộ phận kinh doanh, phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách cho đội ngũ này nhằm phát huy tốt hơn hiệu quả hoạt động. Công tác quảng bá hình ảnh, giới thiệu về doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, xây dựng trang Web, catalog... được tích cực triển khai. Việc thu hồi công nợ cũng đang được triển khai với nhiều giải pháp rất quyết liệt và bước đầu đã có những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, những kết quả tích cực trong thời gian gần đây là minh chứng rõ nét về bước chuyển mình của Nhà máy Z127. Với thế mạnh truyền thống cùng với khát vọng được tham gia hiện thực hóa chủ trương nội địa hóa vật tư đầu vào phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế, hy vọng rằng trong thời gian tới, Nhà máy Z127 sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành CNQP nói riêng và công nghiệp quốc gia nói chung.

Bài và ảnh: NAM ANH

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: