Tin tổng hợp

CNQP&KT - Sự phát triển của vũ khí công nghệ cao và phương tiện không người lái, công nghệ lưỡng dụng… là những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP) thế giới năm 2020.

ỨNG DỤNG THÀNH TỰU CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Những thành tựu khoa học - công nghệ (KHCN) của Cách mạng công nghiệp 4.0, như: trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, vật liệu mới, internet vạn vật, năng lượng tái tạo, in 3D, công nghệ sinh học... đang được ứng dụng ở hầu hết tổ hợp CNQP các nước, để hiện đại hóa, tối ưu hóa các hệ thống vũ khí, trang bị. Trong đó, trí tuệ nhân tạo đang là lĩnh vực then chốt, làm thay đổi căn bản diện mạo nền CNQP quốc gia. Bộ Quốc phòng Mỹ coi phát triển trí tuệ nhân tạo là một trong hai trụ cột quan trọng nhất đối với lĩnh vực kỹ thuật quân sự tương lai, cùng với kỹ thuật tự động hóa. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo còn là trụ cột trong Chiến lược bù đắp thứ 3 của Mỹ, với mục tiêu làm giảm năng lực của quân đội Trung Quốc và Nga so với Mỹ; qua đó, củng cố vị thế bá quyền của Mỹ trong mọi lĩnh vực.


Thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng góp phần thay đổi diện mạo các nền CNQP thế giới.    Ảnh: Internet

Nga cũng coi phát triển trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong tiến trình sản xuất trang - thiết bị quân sự. Theo đó, trong kế hoạch phát triển vũ khí không người lái tiên tiến, đến năm 2025, vũ khí không người lái sẽ chiếm 30% tổng số vũ khí trang bị trong biên chế quân đội Nga. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã xây dựng Kế hoạch nghiên cứu phát triển kỹ thuật không người lái, với trọng tâm là ứng dụng các kỹ thuật điều khiển tự động, trí tuệ nhân tạo thế hệ mới vào lĩnh vực quân sự. Bên cạnh đó, công nghệ in 3D cũng được ứng dụng trong thiết kế, gia công, chế tạo vũ khí. Nga bắt đầu sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất các linh kiện xe tăng thế hệ mới T-14 và các loại xe chiến đấu khác trên cơ sở xe tăng T-14 Armata. Cũng nhờ công nghệ in 3D, chỉ trong vòng 1 tháng, Mỹ đã chế tạo hoàn chỉnh một tàu ngầm trang bị cho Lực lượng đặc nhiệm (SEALS), rút ngắn thời gian so với trước từ 2 - 4 tháng. 

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN VŨ KHÍ CÔNG NGHỆ CAO

Trên cơ sở chiến lược quân sự, chính phủ các nước tập trung xây dựng chiến lược phát triển CNQP nhằm thích ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong đổi mới tổ chức, trang bị và nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang. Theo đó, hầu hết các nước đều vận dụng phương châm giảm sản xuất vũ khí, trang bị thông thường, ưu tiên phát triển vũ khí công nghệ cao, vũ khí chính xác... Các nước công nghiệp phát triển tập trung phát triển những công nghệ vượt trội để gia tăng khoảng cách với các nước đang phát triển và duy trì ưu thế về công nghệ tiên tiến. Chính phủ Mỹ đã ký kết với các tập đoàn CNQP phát triển máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 (NGF), máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới (NGB) và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nga và Trung Quốc đã đầu tư rất lớn và thử nghiệm thành công máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Trung Quốc đã hoạch định xong chiến lược phát triển vũ khí công nghệ cao, tập trung ngân sách cho các dự án CNQP trọng điểm. Các nước đang phát triển tập trung đầu tư cho các sản phẩm có công nghệ trung bình, bảo đảm chi phí không quá lớn; đồng thời, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị hiện có. Một số nước (Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore...) đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách công nghệ quân sự với các nước công nghiệp phát triển. Hàn Quốc đã tự sản xuất được xe tăng K1A1, hiện được xếp vào tốp 10 loại xe tăng hiện đại nhất thế giới. Ấn Độ đã nghiên cứu và sản xuất máy bay thế hệ thứ 4, tên lửa siêu âm...


Tên lửa hành trình AGM-158 JASSM - sản phẩm nổi bật của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ).   Ảnh: Internet

NÂNG CAO TÍNH NĂNG CỦA PHƯƠNG TIỆN KHÔNG NGƯỜI LÁI

Hiện nay, các trang bị không người lái, như: máy bay chiến đấu, thiết bị lặn, xe chiến đấu, phương tiện hoạt động trên vũ trụ… đã có khả năng tự động thiết lập lộ trình hoạt động và nhận biết môi trường tác chiến xung quanh; tiến hành nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ hậu cần, tấn công. Các hệ thống điều khiển tự động hóa đa năng trên vũ trụ có thể giúp điều chỉnh và duy trì trạng thái chiến đấu hoặc bình thường đối với hoạt động quân sự dưới mặt đất. Các trang bị không người lái chiến đấu còn có thể tự động tiến hành tích hợp với hệ thống vệ tinh, thậm chí là tự khắc phục sự cố đường truyền nếu bị gián đoạn. Trong trường hợp các tín hiệu điều khiển từ vệ tinh bị mất, chúng có thể tự động phản hồi với cơ sở chỉ huy mặt đất hoặc hủy lệnh mà không cần sự can thiệp của con người. Hiện, có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu các phương tiện không người lái trong lĩnh vực quân sự. Mỹ có hơn 8.000 hệ thống tác chiến không người lái trên không và hơn 12.000 hệ thống tác chiến không người lái mặt đất; phát triển hoàn chỉnh 2 mẫu máy bay chiến đấu không người lái X-47.

Đối với Nga, từ máy bay trinh sát không người lái đến xe chiến đấu không người lái đều đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều đột phá về tính năng cơ động tốc độ cao, trinh sát tầm xa, xử lý tin tức tình báo, rà phá bom mìn, tấn công hỏa lực, chi viện và tác chiến...

Nhật Bản triển khai kế hoạch nghiên cứu phát triển, ứng dụng trang bị không người lái trong lĩnh vực quân sự qua 3 giai đoạn: trong ngắn hạn phát triển trang bị không người lái làm nhiệm vụ quét lôi và rà phá bom mìn; trung hạn phát triển trang bị tự hành tác chiến mặt đất với năng lực chiến đấu bán tự động; trong dài hạn, phát triển các nghiên cứu then chốt khác trong lĩnh vực trang bị không người lái.

Năm 2020, các cường quốc CNQP đã ứng dụng hiệu quả các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu, phát triển vũ khí công nghệ cao; nâng cao tính năng phương tiện không người lái và áp dụng công nghệ lưỡng dụng trong các sản phẩm vũ khí, trang bị…

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ LƯỠNG DỤNG

Xu hướng phát triển CNQP của nhiều nước hiện nay là đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, lấy ưu thế kỹ thuật làm nòng cốt để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dân dụng. Đồng thời, huy động năng lực tổng hợp của các cơ sở CNQP nòng cốt và kết hợp với sức mạnh của công nghiệp dân dụng, tiến hành điều chỉnh cơ cấu sản phẩm CNQP. Tỷ trọng hàng dân dụng trong cơ cấu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp quốc phòng đang gia tăng: các nước Tây Âu chiếm khoảng 55%, Mỹ chiếm tới 57%. Trung Quốc đang đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu sản phẩm CNQP theo hướng chia các cơ sở CNQP thành 3 loại với những mục tiêu sản xuất khác nhau: Cơ sở loại 1 chủ yếu sản xuất hàng quân dụng, cơ sở loại 2 sử dụng khoảng 70% năng lực sản xuất hàng dân dụng, cơ sở loại 3 chuyển sang sản xuất 100% hàng phục vụ đời sống dân sinh.


Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard của Nga.    Ảnh: Internet

CUỘC ĐUA GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC

Theo báo cáo vừa công bố tháng 12/2020 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2019, Mỹ và Trung Quốc thống lĩnh thị trường vũ khí thế giới. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ kiểm soát 61%, Trung Quốc chiếm 16%, trong khi Nga chỉ chiếm 3,9% thị trường toàn cầu. Trong số 25 đại tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, Mỹ có đến 12 hãng, đứng đầu là Lockheed Martin với doanh thu dự kiến vượt ngưỡng 53 tỷ USD trong năm 2020. Trung Quốc có 4 hãng và các tập đoàn của châu Âu cũng chiếm những vị trí quan trọng với những tên tuổi, như: BAE Systems của Anh, Leonardo của Italy, Thales và Dassault của Pháp...


Tàu khu trục hạng nặng Type 055 của Trung Quốc.    Ảnh: Internet

Năm 2020 đánh dấu bước phát triển nổi bật của CNQP Trung Quốc khi cho ra mắt nhiều vũ khí, trang bị mới. Tàu khu trục cỡ lớn Type 055 do Trung Quốc tự đóng được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam (thành phố Thượng Hải). Đây được đánh giá là một nỗ lực phi thường của Trung Quốc, bởi nó không chỉ là con tàu “vạn tấn” có thể phóng thẳng đứng 112 tên lửa, mà còn được coi là cột mốc mới về công nghệ đóng tàu chiến hiện đại của Trung Quốc. Xe tăng hạng nhẹ VT-5 kiểu mới được sản xuất theo hướng biến nó thành loại xe tiêu diệt xe tăng, có đầy đủ tính năng, như: được lắp máy nạp đạn tự động và pháo chống tăng 105mm thế hệ mới, có hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống nhận biết tình huống chiến đấu, trang bị kính mắt thực tế ảo (AR) cho trưởng xe, giúp nâng cao đáng kể khả năng nhận biết, tìm diệt mục tiêu, chống được các loại đạn xuyên giáp cỡ 105mm và 125mm và tiêu diệt các loại xe tăng thế hệ thứ 3 của đối phương ở cự ly tương đối xa. Trong năm 2020, Trung Quốc cũng đạt được thành tựu đáng kể trong chế tạo phương tiện có tốc độ vượt siêu thanh JF-12 và mô hình thử nghiệm tàu lượn tốc độ vượt siêu thanh; chính thức ra mắt tên lửa chiến lược mới Đông Phong-31 (DF-31) và tàu sân bay Sơn Đông. Giới quân sự cho rằng, sự xuất hiện của tên lửa chiến lược DF-31 đánh dấu phương thức tác chiến của lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc, chuyển từ phương thức cơ động trên khu vực rộng, né tránh hoạt động trinh sát của đối phương, phóng đạn bí mật, sang cơ động quãng đường ngắn, nhanh chóng phóng tên lửa diệt mục tiêu; mở ra khả năng tự đảm bảo an toàn cao hơn, tốc độ phản ứng nhanh hơn. Trong khi đó, Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu và đóng mới; có phương thức cất/hạ cánh máy bay và ngoại hình giống tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng có một số khác biệt về bố cục boong tàu làm đường băng, vũ khí, trang bị, thiết kế cầu tàu, thiết bị điện tử…

Năm 2019, ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ kiểm soát 61%, Trung Quốc chiếm 16%, trong khi Nga chỉ chiếm 3,9% thị trường toàn cầu.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI)

Nga hiện dẫn đầu thế giới về vũ khí siêu thanh. Phương tiện bay với tốc độ vượt siêu thanh mang tên “Búa sắt”, có khả năng mang theo tải trọng 800kg bay vào quỹ đạo cách trái đất 200 - 500km, lấy công nghệ hiện có và công nghệ mới làm cơ sở, bao gồm ứng dụng động cơ phản lực AL-31F của máy bay Su-27, phần bay vào quỹ đạo là hỏa tiễn (đầu đạn tên lửa) ở tầng 2 nặng 18 tấn, do tổ hợp động cơ tên lửa RDO214 cung cấp. Động cơ tầng 2 của hỏa tiễn lấy buồng đốt đơn của động cơ RDO214 làm cơ sở. Phương tiện bay nặng 74 tấn, có khả năng cơ động đặc biệt trên quỹ đạo để phân tách giữa hỏa tiễn và vệ tinh, sau đó quay về căn cứ không quân. Theo đánh giá, phương tiện bay này không những giảm đáng kể chi phí, mà còn nâng cao tính linh hoạt cho lĩnh vực phụ tải trang thiết bị quân sự.

Nhìn lại năm 2020, có thể thấy, do một số yếu tố như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngân sách dành cho CNQP các nước có xu hướng sụt giảm. Tuy nhiên, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 và cuộc cạnh tranh chiến lược ở các khu vực trên thế giới vẫn là động lực to lớn thúc đẩy các nền CNQP tiếp tục phát triển. 

ĐOÀN HÙNG

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: