Tin cơ sở

CNQP&KT - Nghị định 137/2020/NĐ-CP cho phép từ ngày 11/01/2021, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa không tiếng nổ trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, trên thực tế, người dân không hề được đốt pháo “thoải mái” như mong đợi.

Đúng vào dịp chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu 2021, người dân cả nước bất ngờ nhận tin vui: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 137) về quản lý, sử dụng pháo hoa. Theo đó, kể từ ngày 11/1/2021, Chính phủ cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa - nghệ thuật.

Những tưởng đó là điều không phải bàn cãi, bởi đã từ lâu người dân rất mong được sử dụng hợp pháp sản phẩm độc đáo này. Tuy nhiên, bên cạnh sự đón nhận hồ hởi của đa số người dân, vẫn còn những ý kiến chưa đồng thuận, chưa hiểu đúng, chưa yên tâm đối với việc ban hành Nghị định này. Hơn thế, trên không gian mạng, một số “anh hùng bàn phím” đã suy diễn, xuyên tạc, coi việc ban hành Nghị định 137 là “phủ nhận” Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ trước đây về việc cấm đốt pháo, rằng sẽ “mở đường cho sự mất an toàn xã hội”, “không tham khảo ý kiến người dân”, thậm chí coi việc này là nhằm phục vụ “lợi ích nhóm”!

Thực tế, những luận điệu trái chiều này thể hiện sự nhầm tưởng rằng, người dân được đốt tất cả các loại pháo hoa. Nghị định 137 quy định rất rõ các trường hợp được sử dụng pháo hoa. Đó phải là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện, tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không có tiếng nổ. Loại pháo hoa này tuyệt đối không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Dẫu vậy, dù là loại pháo hoa “an toàn và thân thiện” thì người sử dụng pháo hoa vẫn phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, nghĩa là đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Còn đối với loại pháo hoa nổ, trước đây gọi là “pháo hoa”, nay gọi là “pháo hoa nổ” hay “pháo nổ”, tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng màu sắc trong không gian. Đây chính là loại pháo hoa mà người dân vẫn được xem bắn trong các dịp lễ, Tết, bị nghiêm cấm sử dụng đối với các cá nhân hoặc tổ chức không được pháp luật cho phép.

Để tránh việc sản xuất, kinh doanh, cung ứng pháo hoa một cách tràn lan, thiếu kiểm soát, Nghị định 137 xác định rõ chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Nhà máy Z121 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất các loại pháo hoa. Trong dịp Tết Tân Sửu sắp tới, Nhà máy sẽ cung ứng ra thị trường 6 loại sản phẩm, bao gồm: Sản phẩm ống phun nước bạc, sản phẩm nến cầm tay, sản phẩm cánh hoa xoay, sản phẩm cây hoa lửa, sản phẩm vòng xoay hoa lửa và sản phẩm thác nước bạc. Những loại pháo hoa này được nghiên cứu kỹ về cơ, lý, hóa, khi phát hỏa không gây ra tiếng nổ, bảo đảm an toàn khi sử dụng. Do đó, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa cần tìm đúng địa chỉ của doanh nghiệp hoặc các cơ sở kinh doanh được ủy nhiệm cung ứng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Thời gian tới, để tránh gây sự nhầm lẫn trong xã hội, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giúp người dân hiểu rõ và thống nhất về các quy định, chế tài liên quan đến việc quản lý, sử dụng pháo hoa, nhất là có nhận thức đúng về pháo hoa có tiếng nổ và pháo hoa không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy nổ; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh pháo hoa, xử lý nghiêm hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ...

Tóm lại, Nghị định 137 là một chủ trương đúng, hợp lý, hợp tình, với các điều khoản, chế tài quy định rất chặt chẽ. Việc một số người do chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, hiểu chưa đúng về “bản chất pháo hoa” và nội dung văn bản của Chính phủ, lo ngại về sự mất an toàn khi sử dụng pháo hoa là điều có thể thông cảm và nên “dựa cột mà nghe”. Nhưng đối với một số kẻ cố tình xuyên tạc Nghị định này, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, suy diễn, quy chụp, nói xấu Đảng và Nhà nước, kích động người dân phản ứng tiêu cực với một chủ trương, chính sách mới… là điều không thể chấp nhận. Hành vi ấy cần bị ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

NHẤT NGÔN

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: