Uy lực của mìn lõm FT do Quân giới Nam Bộ sản xuất15/12/2020 10:21:39 AMCNQP&KT - Trong kháng chiến chống Pháp, Quân giới Nam Bộ đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại mìn lõm FT (bazômin) cung cấp cho quân và dân ta sử dụng đánh xe cơ giới, tàu sông, công sự, cầu, bến cảng, kho hàng... rất hiệu quả. Đặc biệt, Bộ đội Đặc công rất ưa dùng loại mìn này để đánh địch trong đô thị. Việc nghiên cứu chế tạo mìn lõm FT do kỹ sư Lê Tâm phụ trách. Về nguyên lý hiệu ứng nổ lõm của mìn, thời bên Pháp kỹ sư Lê Tâm đã tìm hiểu, nhưng khi vận dụng vào điều kiện thực tế ở Nam Bộ lúc đó hết sức khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, trang - thiết bị. Kỹ sư Lê Tâm cùng nhóm nghiên cứu đã tính toán các tham số hình học và vật lý, như: Góc côn nón, vật liệu và bề dày của nón cũng như của mìn; khoảng cách giữa mìn và đối tượng cần phá, chất liệu thuổc nổ, tỷ lệ giữa thuốc mồi và thuốc nổ... để chế tạo được những quả mìn không quá nặng và cồng kềnh mà tác dụng lại tối ưu. Vỏ mìn lõm được làm bằng tôn, nón lót bằng thép mỏng (nếu làm bằng đồng đỏ thì độ xuyên thép mạnh hơn). Thuốc nổ của mìn có nhiều loại, kể cả thuốc lấy từ bom, đạn của địch. Qua nghiên cứu, kỹ sư Lê Tâm dùng “thuốc đúc” để tăng sức công phá của mìn bằng cách đun cho thuốc nóng chảy rồi đúc. Trong điều kiện ở xưởng chỉ có nồi tôn đun bằng củi, lửa rất dễ bắt vào, sợ thuốc nổ, kỹ sư Lê Tâm và các cộng sự đã trực tiếp nấu. Lúc đầu nấu ít, đứng từ khoảng cách xa. Sau thấy không sao, nấu nhiều, đứng gần. Tiếp đó, nấu hàng chục kg mỗi mẻ thuốc nổ TNT, mêlinit. Nhiều lần lửa bốc vào thuốc, phải dùng bao tải nhúng nước sẵn để dập lửa. Mìn lõm sử dụng ngòi nổ chậm axit sunfuaric, hẹn giờ làm bằng bộ phận báo thức của đồng hồ. Bộ phận nổ được mồi bằng pin điện. Quá trình lắp ráp cần hết sức cẩn thận, tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm cao, vì nếu mìn nổ sai giờ thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc nghiên cứu sản xuất phải hết sức bí mật; mỗi người làm một bộ phận, sau đó tổ chức tổng lắp, gắn bộ phận hẹn giờ. Để đảm bảo bí mật việc thử nghiệm sức công phá của mìn lõm, Binh công xưởng 1, Khu 8 dùng đường ray dài khoảng 2m để thử tác dụng mìn lõm trên thép; còn thử sức phá bê tông cốt thép phải đưa mìn đến tận Hóc Môn, sát Sài Gòn, để thử nổ. Sau khi thử nghiệm thành công, Quân giới Nam Bộ cho sản xuất các loại mìn lõm FT có hình dáng, kích thước và trọng lượng khác nhau, gồm các loại 2kg, 5kg, 10kg, 30kg... Ngày 1/3/1948, trên Quốc lộ số 20 từ Sài Gòn đi Đà Lạt, Chi đội 10, Liên quân 17, cùng bộ đội địa phương và du kích tổ chức trận địa phục kích địch tại xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Trong trận phục kích này, Tư lệnh Nguyễn Bình đã cho dùng 70 quả mìn lõm làm vũ khí chủ yếu. Chiều cùng ngày, đoàn xe quân sự Pháp gồm 70 chiếc hành quân trên Quốc lộ số 20 lọt vào trận địa phục kích. Loạt mìn lõm nổ tung diệt xe thiết giáp và xe chở quân địch, buộc đoàn xe địch phải dừng lại. Bộ đội ta từ hai sườn đánh chia cắt đội hình địch. Sau 40 phút chiến đấu, ta diệt và bắt sống 150 tên địch (trong đó có tên quan năm Pa-ruýt, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và 25 sĩ quan), phá hủy 59 xe, thu nhiều vũ khí, trang bị quân sự. ![]() Du kích Thủ Dầu Một chôn mìn đánh xe địch (năm 1950). Ảnh: TL Cầu Cây Khế nằm trên Quốc lộ 51, bắc qua rạch Cây Khế, dài 56m, có 5 nhịp, gồm 24 cột nối nhau bằng 26 giá chéo đúc bằng bê tông cốt thép; được một tiểu đội địch bảo vệ với hỏa lực mạnh như súng cối 81mm và xe bọc thép. Theo trinh sát, Bộ đội 21, Khu 7 xác định phải cần có 18 quả mìn lõm loại chứa 3,5kg thuốc nổ mêlinit mới đủ sức phá sập cầu. Binh công xưởng Ngô Minh Nhật, Khu 7 tập trung sản xuất cung cấp đủ số mìn lõm theo yêu cầu của bộ đội. Đêm 15/4/1949, lợi dụng nước triều lên, 2 công nhân của Binh công xưởng đã cố định 18 quả mìn lõm vào chân cầu Cây Khế. Sau khi điểm hỏa, một tiếng nổ lớn kèm theo ngọn lửa bùng lên sáng rực một vùng. Địch bị bất ngờ, hoảng loạn, bắn loạn xạ vào hai đầu cầu. Tuy nhiên, cầu vẫn chưa sập hẳn do 4 quả mìn bị đứt dây. Bộ đội ta khẩn trương nối lại dây điện trong ánh lửa đạn của địch. Tiếng nổ thứ hai vang lên, 2 nhịp cầu cuối cùng trong tổng số 18 nhịp bị phá sập hoàn toàn. Sau trận đánh này, kinh nghiệm đánh cầu bê tông cốt thép bằng mìn lõm của Bộ đội 21 được Khoa Quân giới miền Đông phổ biến tới các đơn vị trên chiến trường Nam Bộ.
Để chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, đơn vị quyết tử 950 của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhận lệnh đánh kho Phú Thọ Hòa, một trong những kho vũ khí lớn nhất của Pháp ở Đông Dương. Kho được xây theo hình bầu dục, có chiều dài hơn 2km, gồm 32 hầm bom, chất nổ, kho đạn và 10 bồn chứa xăng; được bảo vệ bằng 12 lớp rào kẽm gai dày đặc, có lính canh phòng nghiêm ngặt. Sau hơn một năm kiên trì trinh sát, kế hoạch đánh kho được chuẩn y. Đại đội 3721 sử dụng một mũi 12 người chia làm 2 tổ: Tổ 1 đánh kho đạn và kho xăng; Tổ 2 đánh kho bom. Mìn do Binh công xưởng Mớp Xanh chế tạo. Đây là loại mìn có vỏ mỏng, nhồi thuốc nổ mạnh, dùng kíp hẹn giờ axit sunfuaric giữ chậm 2 tiếng sau khi kích hoạt. Mìn gồm 3 loại: loại dùng đánh kho bom, mỗi quả từ 2 đến 3kg; loại nổ cháy dùng đánh kho đạn, mỗi quả khoảng 0,5kg; loại có mặt lõm dùng để đánh các bồn xăng, mỗi quả nặng từ 200 đến 300g. Mỗi người đánh mìn được trang bị một túi có 10 ngăn đựng mìn, 1 ngăn chứa hạt nổ. Đêm 30 rạng sáng 31/5/1954, sau khi vượt qua 12 lớp rào kẽm gai, các chiến sĩ nhanh chóng thao tác kỹ thuật cài đặt, định giờ nổ mìn. Khoảng 2 giờ sáng cùng ngày, khi phân đội đã rút cách xa mục tiêu 5km thì hàng loạt tiếng nổ rền vang; lửa rực sáng một góc trời Sài Gòn. Quân Pháp điều động 10 chiếc xe vòi rồng đến nhưng không dập tắt được đám cháy. Bom, đạn nổ, cháy suốt cả ngày đêm 31. Sáng 1/6/1954, địch phải đưa hàng chục chiếc máy bay Đakôta chở cát tới dập đám cháy, nổ. Kết quả trận đánh, toàn bộ Đại đội Âu - Phi bảo vệ kho bom bị diệt, 10 nghìn tấn bom, đạn bị nổ, 80 nghìn lít xăng bị cháy, các kho tàng bị sập hoàn toàn. Sau tổn thất rất lớn về người và vũ khí trang bị, để đối phó với sức công phá của mìn lõm FT của ta, địch phải thận trọng hơn trong các cuộc hành quân; tăng cường canh gác các kho vũ khí, công sự, công trình quân sự quan trọng… và cho lưu hành nội bộ những tài liệu miêu tả rõ loại mìn lõm của ta cùng các biện pháp phòng tránh. Có thể nói, việc Quân giới Nam Bộ nghiên cứu thiết kế, chế tạo mìn lõm FT có uy lực lớn không những đã đáp ứng nhu cầu trang bị cho bộ đội đánh địch trên các chiến trường, mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí của Quân giới nói chung và Quân giới Nam Bộ nói riêng trong kháng chiến chống Pháp. NGÔ NHẬT DƯƠNG
|