Tin tổng hợp

CNQP&KT - Cùng với tăng trưởng kinh tế, thành phần kinh tế nhà nước còn đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và trên thế giới.

Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, các vấn đề kinh tế, chính trị lại được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn; đây cũng là cơ hội để các phần tử phản động lợi dụng chống phá, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Một trong những vấn đề hiện nay đang được các phần tử chống đối phủ nhận, xuyên tạc là “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”. Mục đích của chúng là nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế, từ bỏ vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng ta. Các phần tử phản động cho rằng: Về mặt lý luận, nếu Đảng xác định các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng với nhau, thì không thể có thành phần kinh tế này chủ đạo, thành phần kinh tế kia không chủ đạo. Vì vậy, Đảng vừa khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vừa khẳng định các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng với nhau là “mâu thuẫn”, hay đó chính là sự “lẫn lộn trong tư duy” của Đảng. Về mặt thực tiễn, chúng lợi dụng sự hoạt động yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua để phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước… Để đấu tranh với những quan điểm sai trái trên, thấy được tính đúng đắn của Đảng, cần làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần phân biệt rõ doanh nghiệp nhà nước với kinh tế nhà nước.

Cần nhận thức rõ, DNNN chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước, các yếu tố này có thể được chia thành 3 nhóm cơ bản: Nhóm các yếu tố thuộc về tài nguyên của quốc gia, như: đất đai, rừng, biển và tài nguyên gắn với đất đai, rừng biển như các loại khoáng sản, lâm sản, thủy sản, dầu khí… nhóm này có vai trò là điều kiện để phát triển cho tất cả các thành phần kinh tế. Nhóm các yếu tố vật chất mà Nhà nước sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kể cả các nguồn vốn mà Nhà nước huy động để đầu tư phát triển (cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, cơ sở khoa học - công nghệ… nhóm này cũng là điều kiện để cho tất cả các thành phần kinh tế khác phát triển). Nhóm các DNNN, là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; hoạt động theo các nguyên tắc thị trường và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Khi kinh tế thế giới suy thoái, thiên tai, dịch bệnh hoành hành, nhờ có sức mạnh của kinh tế nhà nước mà Việt Nam mới bảo đảm cân đối vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá cao.

Như vậy, không được đồng nhất kinh tế nhà nước với DNNN, tức là không được đồng nhất cái toàn thể với cái bộ phận, cho dù đó là bộ phận quan trọng. Do đó, không thể lấy sự yếu kém trong quản lý, kinh doanh dẫn đến thua lỗ của một số DNNN để cho rằng kinh tế nhà nước về bản chất là thành phần kinh tế kém hiệu quả, không thể giữ vai trò chủ đạo.

Thứ hai, cần xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Cần có sự phân định rõ ràng giữa vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước với vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước pháp quyền. Thành phần kinh tế nhà nước không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác mà là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải được thể hiện ở quy mô, số lượng các lĩnh vực kinh tế Nhà nước nắm giữ, mà điều quan trọng hơn là ở việc nắm giữ các lĩnh vực kinh tế then chốt của nền kinh tế; đi đầu trong việc chấp hành pháp luật, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế; dẫn dắt hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xem sản phẩm của Viettel - tập đoàn nộp thuế lớn nhất Việt Nam.          Ảnh: CTV

Đồng thời, cần nhận thức rõ rằng, việc Đảng ta khẳng định thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế vai trò và sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. Các thành phần kinh tế không tồn tại biệt lập, mà mỗi thành phần kinh tế đều là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân, hoạt động theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển lâu dài.

Đảng ta khẳng định thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm, định hướng chính trị hoàn toàn đúng đắn và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Thứ ba, vai trò kinh tế nhà nước.

Những năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, suy thoái kéo dài, song đất nước ta đã gặt hái được nhiều thành công: kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, hoạt động đối ngoại được mở rộng, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng… Đạt được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.


Hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Ảnh: CTV

Đánh giá về vai trò của DNNN, Nghị quyết số 12-NQ/TW “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” do Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) ban hành, đã khẳng định: Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, DNNN là công cụ quan trọng để góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước và đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cụ thể:

Một là, DNNN đóng vai trò quan trọng trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: viễn thông, than, điện, xăng dầu, khai khoáng, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ công thiết yếu bảo đảm nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 So với tổng nguồn vốn của toàn bộ doanh nghiệp trong các ngành tương ứng, khu vực DNNN chiếm 79% trong lĩnh vực khai khoáng, 91% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 65 % trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 80% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; 57% trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. So với tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp trong các ngành tương ứng, khu vực DNNN chiếm 86% trong lĩnh vực khai khoáng; 96,8% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 72,94% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 82% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; 48% trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Bên cạnh tăng cường cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước, nhiều DNNN tích cực mở rộng đầu tư, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài.

Hai là, trong bối cảnh lạm phát, suy giảm kinh tế những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước có đóng góp trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thực hiện giảm lãi suất, ổn định tỷ giá. Các DNNN trong lĩnh vực xăng, dầu, sắt, thép, điện, than, hàng không, hóa chất, viễn thông, giấy và nhiều mặt hàng trọng yếu khác đã đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu, không tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ... Đặc biệt, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đóng góp quan trọng vào bình ổn giá cả vật tư, hàng hóa, góp phần để Nhà nước thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội và ngăn chặn suy giảm kinh tế trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn.

Ba là, các DNNN, chủ yếu là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã huy động và sử dụng nguồn vốn lớn của Nhà nước và xã hội, có ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trường kinh tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng tài sản của các DNNN trong những năm qua chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con có tổng tài sản chiếm hơn 90% tổng tài sản của khu vực DNNN. 

Bốn là, DNNN có đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như: hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị và các công trình hạ tầng phục vụ quốc phòng, an ninh. . .

Năm là, DNNN có đóng góp thu ngân sách lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác. Tỷ trọng thu DNNN trong tổng thu ngân sách nhà nước đạt 19,3% (giai đoạn 2006-2010) và 22% (giai đoạn 2011-2015). Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nộp ngân sách cũng chiếm tỷ lệ lớn của khu vực DNNN.

Sáu là, nhiều DNNN trực tiếp tham gia phủ xanh đất trống, đồi trọc, giữ gìn quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, biển, đảo; tích cực tham gia thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và xoá đói, giảm nghèo; mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, thông qua hoạt động đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi ở nông thôn; trường học, trạm y tế xã; xây dựng nhà cho người nghèo; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; tôn tạo tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; phát thuốc miễn phí cho người dân…

Nhìn lại những năm qua, khi kinh tế thế giới suy thoái, thiên tai, dịch bệnh hoành hành, nhờ có sức mạnh của kinh tế nhà nước mà Việt Nam mới bảo đảm cân đối vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng khá cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thành phần kinh tế nhà nước còn đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và trên thế giới...

Như vậy, việc Đảng ta khẳng định thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm, định hướng chính trị hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, quy luật phát triển của thời kỳ quá độ và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG XUÂN & Thiếu tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: