Xúc tiến thương mại để phát triển công nghiệp hỗ trợ11/12/2020 10:53:21 AMCNQP&KT - Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm và đi sau nhiều quốc gia trong khu vực. Việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại để phát triển công nghiệp hỗ trợ đang là giải pháp mang lại hiệu quả tích cực. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, yếu kém, thể hiện qua các mặt sau: Việt Nam hiện có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ngành xuất khẩu, nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện từ nước ngoài để sản xuất do các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm hỗ trợ còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém. Bên cạnh đó, các sản phẩm hỗ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá thành lại cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Ngoài ra, nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đồng bộ, cụ thể và không ổn định, thậm chí một số chính sách còn gây cản trở sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Có thể nói, tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Ngoài hiệu quả tạo công ăn việc làm, thu hút nhiều lao động, công nghiệp hỗ trợ còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành, như: Thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu để thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ; ban hành những chính sách hỗ trợ và danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong các ngành: dệt may, da giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp công nghệ cao… Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. ![]() Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biển tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: CTV XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐỂ TẠO ĐÀ CHO CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN Việc tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN sản xuất đầu cuối, cũng như tổ chức các hoạt động triển lãm công nghiệp chuyên ngành để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển hiện đang là giải pháp được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai.
Trên thực tế, để tạo đà cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN sản xuất đầu cuối, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức kết nối trực tiếp giữa các DN sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ với các DN FDI; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; các hoạt động triển lãm công nghiệp chuyên ngành… Qua đó, tạo điều kiện và cơ hội cho các DN mở rộng hợp tác, tạo ra cơ sở tương đối chuẩn mực về điều kiện mua hàng. Các DN được chọn lựa vào kết nối là DN chủ lực, có tiềm năng nên việc kết nối sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho DN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động, như: tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng và tổ chức chương trình, hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các DN tham gia hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật của DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu; kết nối chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ trực tiếp cho các DN công nghiệp hỗ trợ. Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về năng lực DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ và chính sách liên quan. Cung cấp thông tin (cả cung và cầu) về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Duy trì và vận hành trang thông tin điện tử và xuất bản các ấn phẩm về công nghiệp hỗ trợ. ![]() Sản xuất phụ tùng phục vụ nội địa hóa xe máy tại Nhà máy Z117. Ảnh: THÁI ANH ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRONG QUÂN ĐỘI Những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại trong Quân đội được đẩy mạnh, góp phần đưa sản phẩm của các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) ra thị trường trong và ngoài nước. Theo thông tin từ Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội, các DNQĐ có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh trong tham gia phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong các lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su và điện - điện tử; phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày; phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao… Chính vì vậy, chỉ tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Trung tâm đã chủ động triển khai tổ chức 15 cuộc triển lãm - hội chợ với quy mô từ 200-300 gian hàng/một cuộc triển lãm - hội chợ và tham gia hàng chục cuộc triển lãm - hội chợ do Nhà nước, các bộ, ban, ngành tổ chức, góp phần hỗ trợ các DNQĐ nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác hợp tác thương mại và đầu tư; tạo điều kiện cho các DNQĐ tạo được kênh phân phối, tìm hiểu, đầu tư và tiếp tục mở rộng thị phần tại thị trường trong và ngoài nước. Tại các cuộc hội chợ - triển lãm, sản phẩm, hàng hóa của các DNQĐ được khách hàng đánh giá rất cao, nhiều DN đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia. Nhiều DNQĐ đã bám sát nhu cầu thị trường, tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; đấu thầu và thắng thầu nhiều dự án lớn, quan trọng. Nhiều DNQĐ đã có các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đóng tàu, công nghệ thông tin, truyền thông, dệt may, cơ khí, đồ nhựa...
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ ở các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại mà còn cần phải xuyên suốt từ chính sách. Cụ thể là để có thể phát triển, tham gia được vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia, doanh nghiệp Việt nói chung, DNQĐ nói riêng, cần chủ động khắc phục những hạn chế cố hữu; đó là: thiếu chiến lược, thực hành sản xuất kém; nhân sự, cán bộ quản lý chưa có năng lực cần thiết để hỗ trợ sản xuất thực sự. Bên cạnh đó, cần có chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, qua đó giúp DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, khắc phục điểm yếu về công nghệ, kế hoạch sản xuất, quản lý thiết bị, quản lý sản xuất, kho hàng… nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày càng trở nên bức thiết nhưng phải được tiến hành có chọn lọc, dựa trên tiềm năng, thế mạnh so sánh của Việt Nam và phân công lao động quốc tế, với công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao; ban đầu gắn liền với mục tiêu nội địa hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, sau đó phấn đấu trở thành một bộ phận trong dây chuyền sản xuất của các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng cần theo hướng phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là của các đối tác chiến lược, các công ty, tập đoàn đa quốc gia và phù hợp với những xu thế, đặc thù riêng của từng chuyên ngành công nghiệp và của từng đối tác chiến lược. NGUYỄN LAN HƯƠNG
|