Tin tổng hợp

Sắc diện đất Cảng

07/12/2020 11:53:42 AM

CNQP&KT - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước, Hải Phòng là địa phương hiếm hoi vẫn giữ mức tăng trưởng cao. “Quả ngọt” không chỉ đến từ những chính sách linh hoạt, quyết liệt mà sâu xa hơn là bản sắc văn hóa của thành phố Cảng sẵn sàng đương đầu với thử thách...

Tôi đã có nhiều dịp đến Hải Phòng, mỗi lần lại được chứng kiến, thấu cảm thêm những nét đặc sắc của đất và người nơi đây.

Do tính chất công việc, tôi thường xuyên tới các thư viện hoặc truy cập internet để tìm hiểu những nét văn hóa quá vãng của nhiều địa phương, trong đó có thành phố Cảng. Theo đó, Hải Phòng có thể xem là miền đất “lạ” trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của đất nước. Cũng bởi người Việt xưa không quen cư ngụ nơi núi cao, rừng sâu và ngại vươn xa bám biển; chủ yếu chọn miền đất bằng phẳng ven sông dễ bề trồng lúa. Nhưng khi mật độ dân số đồng bằng quá cao, ngoài con đường “Nam tiến”, buộc người Việt phải “Đông tiến” ra biển. Và Hải Phòng đã được lựa chọn để hình thành những làng biển vừa làm nông nghiệp, vừa khai thác thủy sản và nhất là hoạt động thương mại.


Cầu Hoàng Văn Thụ.     Ảnh: CTV

Từng có dịp trò chuyện với một nhà sử học, ông nói với tôi rằng, trong xã hội nông nghiệp cổ truyền rất ít có hoạt động thương mại, chỉ một số khu vực, trong đó có Hải Phòng, là đẩy mạnh hoạt động ngoại thương; gián tiếp đưa quá trình tiếp biến văn hóa tư tưởng hình thành, tạo nên tính cách phóng khoáng, cởi mở, “đứng mũi chịu sào”… Vị trí đầu mối thương mại xứ Đông Dương của Hải Phòng được nâng tầm từ cuối thế kỷ XIX khi người Pháp đã mở rộng bến cảng bên bờ sông Cấm - vốn được lập dưới thời nhà Nguyễn. Từ những làng chài ven sông, ven biển, hệ thống điện, đường sắt, đô thị hiện đại mọc lên vẫn hiện hữu đến tận ngày nay và trở thành biểu tượng của thành phố. Trải qua hơn trăm năm biến động, Hải Phòng luôn được gọi là “thành phố cảng”, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng năng động phía Bắc.

Hải Phòng là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc, gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; đồng thời cũng là thành phố biển lớn của miền Bắc, nổi tiếng về du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn.

Phát huy truyền thống, niềm tự hào trong quá khứ để thực hiện khát vọng vươn lên, người Hải Phòng đã hành động mạnh mẽ và quyết liệt, thực sự tạo ấn tượng đậm nét trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020. Kinh tế - xã hội thành phố có bước phát triển vượt bậc, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, gấp gần 2 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 408.498 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 5 năm đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2010 - 2015.


Công nhân Nhà máy Z189 (thuộc Tổng cục CNQP đứng chân tại Hải Phòng), sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ đóng tàu.     Ảnh: BÁ DUY

Giờ đây, người dân đất Cảng đều vui mừng, tự hào thành phố đã có diện mạo mới với sự đổi thay tích cực: Những cao ốc chọc trời, những khu đô thị hiện đại, cảng biển được mở rộng, những dự án “để đời” như nhà máy sản xuất ô tô VinFast, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG… Với du khách phương xa, lâu chưa ghé thăm Hải Phòng, chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước sự đổi thay của thành phố. Trong vòng hơn 2 năm, Hải Phòng đã khởi công và khánh thành các cầu vượt sông đến cầu vượt biển, như: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Tân Vũ Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, cầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu Thượng Lý, cầu sông Hóa… giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo điểm nhấn đô thị văn minh, hiện đại. Có thể nói, Hải Phòng thực sự là thành phố của những cây cầu - một danh xưng trước đây thường gắn với Đà Nẵng.  

Những thành tựu của Hải Phòng không phải ngẫu nhiên mà có; đó là sự kế thừa kinh nghiệm của nhiều địa phương; đồng thời đột phá nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả. Hải Phòng đã quyết liệt khơi thông và huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố đạt 564.295 tỷ đồng, gấp 3 lần nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong đó vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội chiếm khoảng 90%. Có vốn đầu tư mới có hạ tầng giao thông hiện đại, thuận lợi để phát triển kinh tế, mở rộng vùng đô thị. Ám ảnh từ Hà Nội đến Hải Phòng qua Quốc lộ 5 cũ chật hẹp đầy xe container, đường đi từ nội đô đến các huyện ngoại thành đầy ổ gà, ổ voi đã không còn, thay vào đó là cao tốc Hà Nội - Hải phòng hiện đại bậc nhất cả nước và nhiều tuyến đường mới khác.

Hay như chuyện làm du lịch, Hải Phòng đã có những bứt phá đáng kể. Từ phát hiện khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ liên quan đến trận đánh trên sông Bạch Đằng thời nhà Trần, chỉ trong vòng nửa năm, Hải Phòng đã khánh thành khu bảo tồn, trở thành điểm du lịch mới. Ngoài ra, Hải Phòng đã mời gọi nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch để biến Cát Bà trở thành thiên đường nghỉ dưỡng. Tố chất nhanh nhạy, biến tiềm năng thành cơ hội và sản phẩm có tính cạnh tranh của người Hải Phòng không hề mai một. Vấn đề là biết khơi thông, phát huy “cá tính” Hải Phòng - đó là điều mà Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng thời gian vừa qua đã thực hiện tốt. 

Với tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, giao thương, phên giậu hướng biển, người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp trong chiến tranh giải phóng dân tộc... Sử sách còn ghi nữ tướng Lê Chân đã đem quân dân phò tá Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán; vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, Hải Phòng đã trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Hải Phòng lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “Đường 5 anh dũng”, “Đường 10 quật khởi”, Sở Dầu, Cát Bi rực lửa... Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Phòng là nơi tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế và là căn cứ xuất phát của “đường Hồ Chí Minh trên biển”; quân và dân Hải Phòng đã dũng cảm chiến đấu, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại, phong tỏa cảng của Không quân và Hải quân Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông, tiếp nhận, vận chuyển hàng chục triệu tấn trang thiết bị quân sự, hàng hóa phục vụ chiến trường...

Hiện nay, Hải Phòng là nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân và nhiều đơn vị quân đội khác, trong đó có 2 doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là Nhà máy Z173 và Nhà máy Z189. Đứng trên trên địa bàn chiến lược, vùng tam giác kinh tế trọng điểm “Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tích cực lao động sản xuất, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Cảng ngày càng phát triển.

Đứng trên tòa nhà chọc trời ở trung tâm thành phố nhìn ra Khu đô thị Bắc sông Cấm, tôi tin rằng, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững vào năm 2030 đúng như những câu thơ mang niềm mong mỏi của nhà thơ Hải Như: “Hải Phòng ơi! Hôm nay thành phố quê ta bé nhỏ/ Mai - ta đã hình dung thấy tráng lệ rộng dài/ Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”...

Ghi chép của PHƯỢNG HOÀNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: