Tin tổng hợp

CNQP&KT - Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài chi viện nhân lực, Cục Quân giới đặc biệt quan tâm đến việc chi viện thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, chi tiết vũ khí (vật lực) và tài liệu kỹ thuật (trí lực) cho các xưởng Quân giới miền Nam.

CHI VIỆN MÁY MÓC, THIẾT BỊ, CHI TIẾT VŨ KHÍ

Hệ thống các xưởng Quân giới miền Nam được xây dựng theo mô hình xưởng Quân giới thời kỳ kháng chiến chống Pháp, với quy mô khá nhỏ lẻ, nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa súng, đạn và sản xuất một số loại vũ khí cơ bản (mìn, lựu đạn, bộc phá...). Tuy nhiên, để duy trì thực hiện được nhiệm vụ trong bối cảnh chiến trường ác liệt là không hề đơn giản. Vận dụng các bài học kinh nghiệm của ngành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Cục Quân giới đặc biệt quan tâm đến việc chi viện thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, chi tiết vũ khí và tài liệu kỹ thuật cho các xưởng Quân giới miền Nam.

Hằng năm, trong kế hoạch sản xuất của các nhà máy Quân giới miền Bắc, bên cạnh chỉ tiêu sản xuất một số loại vũ khí, còn sản xuất nhiều phụ tùng, dụng cụ, chi tiết vũ khí. Đặc biệt là chi tiết nụ xùy, bộ lửa và các loại ngòi nổ, là “trái tim” của các loại lựu mìn. Đây là những sản phẩm rất quan trọng bảo đảm duy trì khả năng sản xuất thường xuyên, kịp thời các loại đạn, lựu mìn sát, đúng với yêu cầu chiến đấu. Chỉ tính từ năm 1965 đến năm 1973, đã có 32 triệu nụ xùy, bộ lửa và hơn 1 triệu ngòi nổ các loại do các nhà máy Quân giới miền Bắc sản xuất được gửi vào miền Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các xưởng Quân giới miền Nam sản xuất một khối lượng vũ khí rất lớn ngay tại chiến trường.


Máy ép hạt nổ đạn pháo của Xưởng 201, Tây Nam Bộ (năm 1973).   Ảnh: TL

Từ năm 1961, sau khi Quân giải phóng miền Nam ra đời, lực lượng 3 thứ quân phát triển nhanh chóng và triển khai đánh địch trên toàn miền. Vì vậy, số lượng vũ khí bị hư hỏng rất lớn. Để hỗ trợ các xưởng Quân giới miền Nam đẩy nhanh công tác phục hồi vũ khí, các nhà máy Quân giới miền Bắc đã tổ chức sản xuất các sản phẩm dụng cụ, bộ đồ sửa chữa, chi tiết thay thế súng pháo... gửi vào miền Nam, với khối lượng năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng đầu năm 1973, đã có 200 hòm phụ tùng, dụng cụ và 17 vạn chi tiết thay thế súng pháo được gửi đi.

Sự chi viện của Quân giới miền Bắc rất toàn diện, thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để gây dựng và nhân rộng hệ thống các xưởng Quân giới chiến trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu của chiến trường miền Nam.

Ngoài ra, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cục Quân giới chủ trương đưa một số máy móc, thiết bị trong các dây chuyền sản xuất của các nhà máy Quân giới miền Bắc cùng với công nhân vào chiến trường để mở rộng một số xưởng ở những địa bàn quan trọng như OX1, OX2 (B2), C.36, C.38 (Quân khu 5). Trong 2 năm 1973, 1974, nhiều chuyến thiết bị, dụng cụ đã đến được các cơ sở trên. Riêng cuối tháng 7/1974, C.38 đã tiếp nhận một lúc 18 xe hàng.

Với mong muốn đẩy nhanh khả năng sản xuất lựu, mìn phục vụ kế hoạch tác chiến lớn, Cục Quân giới còn triển khai kế hoạch chế tạo hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất lựu đạn ghép mảnh gửi vào chiến trường. Giữa năm 1974, các nhà máy: Z113, Z125, Z127, Viện Thiết kế vũ khí và Viện Công nghệ đã được huy động tập trung sản xuất các loại máy: ép vít, ép nhựa, cán tôn, cuốn ống... Trong thời gian ngắn, dây chuyền sản xuất lựu đạn ghép mảnh với công suất 2.000 quả/tháng đã được hoàn thành đúng kế hoạch, kịp thời chi viện cho chiến trường.

 

CHI VIỆN TÀI LIỆU KỸ THUẬT

Tất cả cán bộ, công nhân Quân giới miền Bắc trước khi vào chiến trường đều trải qua các khóa huấn luyện chuyên môn về sản xuất, sửa chữa vũ khí, nên trong hành trang của mỗi người đều cố gắng mang theo nhiều tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên, do phải trải qua nhiều tháng hành quân trên đường, chịu đựng mưa gió, nên khi vào đến chiến trường, số tài liệu này bị hư hỏng, thất lạc nhiều. Trước thực tế đó, Cục Quân giới đã cho lập bộ bản vẽ thiết kế, tài liệu kỹ thuật các loại vũ khí gửi vào miền Nam. Đây được coi là nguồn “trí lực” quan trọng của các cán bộ, kỹ sư Quân giới miền Bắc chi viện cho Quân giới miền Nam.

Đầu năm 1963, mìn phóng mảnh định hướng - một loại vũ khí đa năng, được các cơ sở nghiên cứu vũ khí ở miền Bắc nghiên cứu chế tạo thành công (đặt tên là MDH). Quý III năm 1963, Cục Quân giới đã cho lập bản vẽ thiết kế mìn MDH.10, giao cho Nhà máy X.10 và Z2 chế thử và thử nghiệm đạt kết quả tốt. Nhận thấy đây là loại vũ khí rất thích hợp với yêu cầu tác chiến của bộ đội ta ở miền Nam, sau khi đưa vào sản xuất loạt, tháng 11/1963, bộ tài liệu kỹ thuật mìn MDH.10 được biên soạn hoàn chỉnh gửi vào chiến trường. Mìn MDH đã nhanh chóng được triển khai sản xuất tại rất nhiều xưởng ở B2. Ở xưởng Z1 và Z24, mìn MDH.10 còn được cải tiến thành MDH.5 và MDH.2 nhỏ gọn hơn, có hiệu quả chiến đấu rất cao trên nhiều địa hình, kể cả đánh máy bay trực thăng đổ quân.

Giữa năm 1966, đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo lựu đạn ghép mảnh của Phòng Kỹ thuật (Cục Quân giới) thành công, tạo ra được một loại lựu đạn có cấu tạo đơn giản, dễ chế tạo, bằng các loại vật liệu dễ kiếm, hiệu quả chiến đấu cao. Nếu được cung cấp bộ lửa, loại lựu đạn này có thể tổ chức sản xuất ở mọi nơi. Sau khi đưa vào sản xuất ổn định, tài liệu thiết kế và công nghệ sản xuất lựu đạn ghép mảnh đã được Phòng Kỹ thuật (Cục Quân giới) cùng với cán bộ kỹ thuật Nhà máy Z115 biên soạn để gửi vào miền Nam. Nhờ thế, lựu đạn ghép mảnh được sản xuất với số lượng lớn tại các xưởng Quân giới chiến trường.

Ngoài ra, từ năm 1963, nhiều kết quả đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến vũ khí đều được lập thành bộ tài liệu kỹ thuật phổ biến cho các cơ sở Quân giới miền Nam. Được cung cấp tài liệu kỹ thuật về mìn lõm, Phòng Quân giới B2 đã phối hợp với Xưởng Z1 (B2) chế tạo thành công mìn công sự - 10 (MCS.10) dùng để đánh hầm ngầm và công sự kiên cố rất hiệu quả. Thành công của đề tài cải tiến tăng tầm tên lửa DKB của Quân giới miền Bắc đã gợi ý cho Quân giới B2 thực hiện thành công đề tài tăng tầm bắn đạn rốc-két 70B. Với tài liệu kỹ thuật về đạn B.40, cán bộ, công nhân Xưởng 201 (Quân khu 9) đã tự lực sản xuất thành công đạn B.40.

Trải qua thử thách ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, hệ thống các nhà máy Quân giới miền Bắc được củng cố và có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng đảm bảo vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu; đồng thời, tích cực chi viện cho miền Nam xây dựng hệ thống các xưởng Quân giới chiến trường. Có thể nói, đó là sự chi viện rất toàn diện, thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để gây dựng và nhân rộng hệ thống các xưởng Quân giới chiến trường, từ đó, tạo ra được một nguồn vũ khí tại chỗ khá phong phú, đáp ứng kịp thời nhu cầu của chiến trường miền Nam.

THANH LONG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: