Thiết thực chung sức xây dựng nông thôn mới11/11/2020 10:02:45 AMCNQP&KT - Những năm qua, phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) triển khai rộng khắp, sát với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, góp phần thiết thực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa. HÌNH THỨC PHÙ HỢP, HIỆU QUẢ Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, lâu dài và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020… Đối với Quân đội, việc xây dựng nông thôn mới, mà cụ thể là với trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần chứng minh vị trí, vai trò của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” như huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” khởi đầu từ năm 2010. Sau một thập niên “đưa phong trào vào cuộc sống”, đến nay, Quân đội đã góp phần to lớn tạo nên diện mạo nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Trong thành tích chung này, có sự góp công của Tổng cục CNQP, với các hình thức tổ chức phong trào phù hợp, hiệu quả. Cần nhấn mạnh rằng, Tổng cục CNQP có đặc thù về loại hình đơn vị và địa bàn đóng quân ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, từ thành thị đến nông thôn và trung du, miền núi. Đặc biệt, với chức năng, nhiệm vụ của “đội quân lao động sản xuất”, các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục CNQP đã phát huy thế mạnh vào việc nghiên cứu sáng chế, sáng kiến, sản xuất ra các sản phẩm mới có giá trị thiết thực giúp nông dân khắc phục khó khăn về thời tiết, khí hậu hoặc các công cụ sản xuất và các thiết bị hữu ích… góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động và cải tạo môi trường tại nông thôn. Đồng thời, từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục đã tích cực tham gia hỗ trợ địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường; tham gia xây dựng Đảng, đoàn thể, củng cố cơ sở chính trị; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cùng xây dựng môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đóng quân. Những đơn vị đóng quân tại các khu vực trung tâm, thành phố, thị xã, như: Tổng công ty Ba Son, Tổng công ty Sông Thu, Nhà máy Z176, Viện Vũ khí… đã kết nghĩa với những vùng nông thôn khó khăn, tại địa bàn đơn vị đã từng đóng quân, ở địa danh có ý nghĩa lịch sử… để góp sức ủng hộ, giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới. ![]() Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z183 giúp nhân dân xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: CTV VIỆC LÀM THIẾT THỰC, Ý NGHĨA Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP đã bám sát kế hoạch đề ra và tích cực triển khai thực hiện bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Nội dung, mục tiêu thi đua đều tập trung chủ yếu vào việc giúp đỡ cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trên cơ sở bám sát 5 nhóm công việc về xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã tích cực hỗ trợ và trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào sự đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương. Trên địa bàn đóng quân, các công trình nhà văn hóa thôn, xã, khu dân cư, trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hệ thống điện, nước sinh hoạt... đều có dấu ấn của những người lính thợ CNQP. Trong đó, nhiều hạng mục công trình do các đơn vị triển khai giúp đỡ địa phương xây dựng đã phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn, tiêu biểu như: Công trình lắp đặt hệ thống chiếu sáng 3,7km đường giao thông tại xã Hưng Khánh, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái) và xây dựng mới khu chợ để nhân dân địa phương vào kinh doanh của Nhà máy Z183. Nhà máy Z121 làm chủ đầu tư 2 tuyến đường, trải thảm nhựa bê tông 5,2km qua các xã trên địa bàn đóng quân, với mức đầu tư 81,4 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường liên thôn, nạo vét kênh mương, làm đường ống cung cấp nước sạch... Nhà máy Z111 đã huy động sức người, sức của (tổng kinh phí ước tính gần 2,5 tỷ đồng), với 130 ngày công và hàng nghìn m3 đá làm đường, hàng trăm m2 đá ốp lát, giúp địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn, tôn tạo di tích lịch sử; xây dựng, cải tạo trường mầm non, nhà văn hóa... Nhà máy Z131 cũng tích cực hỗ trợ nhân công, vật chất, ủng hộ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà văn hóa, trường mầm non, hội trường, nhà tang lễ và các công trình phúc lợi của địa phương, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ giúp xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) làm mới 4,7 km đường bê tông, trị giá gần 20 tỷ đồng; tham gia 100 ngày công, 20 chuyến xe tải, ủng hộ hơn 100 bao xi măng khắc phục hậu quả thiên tai... Chính nhờ sự chung tay góp sức của các đơn vị trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã từng bước hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. ![]() Phòng Kỹ thuật và Xí nghiệp Cơ khí (Nhà máy Z131) ủng hộ kinh phí giúp nhân dân xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, làm đường liên thôn. Ảnh: CTV Cùng với việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn đóng quân, các đơn vị thuộc Tổng cục CNQP còn tích cực phối hợp với địa phương triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; giúp dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Tiêu biểu như Nhà máy Z183 đã vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi mô hình nuôi ong lấy mật, mô hình kinh tế đồi rừng, mô hình chăn nuôi, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Viện Thuốc phóng – Thuốc nổ tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ trồng lúa sang trồng cam. Phát huy thế mạnh ngành nghề, một số đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, vùng ngập mặn, như: xuồng cứu hộ, nhà bạt, dụng cụ nông nghiệp, dụng cụ cho lao động thủ công nghiệp, động cơ máy nước, máy thái rau... Đặc biệt, các đơn vị đã tiếp nhận 1.260 con em địa phương, cử đi đào tạo và bố trí việc làm tại nhà máy. Mặt khác, thông qua triển khai tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đơn vị trên địa bàn nông thôn đã duy trì, đảm bảo việc làm cho hơn 22.500 lao động. Đồng thời, với các dự án đầu tư phát triển sản xuất trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã góp phần tạo nguồn thu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục CNQP còn tích cực tham gia công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới, gắn với các hoạt động củng cố cơ sở chính trị địa phương và phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Từ các hoạt động hiệu quả kể trên đã góp phần thắt chặt mối đoàn kết quân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương có các cơ sở CNQP đứng chân. LỜI KẾT Việc thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” luôn được xác định là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong phong trào thi đua Quyết thắng của Tổng cục CNQP. Qua sơ kết giữa giai đoạn 2016-2020, Nhà máy Z183 đã được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục cũng đã biểu dương 82 tập thể và 226 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào. Phát huy kết quả đã đạt được, Tổng cục CNQP xác định tiếp tục quán triệt triển khai sâu rộng phong trào, với nội dung, hình thức phong phú, theo phương châm “Phát huy nội lực là chính”, phù hợp với khả năng của cơ quan, đơn vị và tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, mà còn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Quân đội nói chung, Tổng cục CNQP nói riêng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tiếp tục tôn vinh, tỏa sáng hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. LAM THU - NGUYỄN THỊ THẮNG
|