Trở lại Sapa…27/10/2020 09:25:20 PMCNQP&KT - Sau gần 10 năm tôi mới có dịp trở lại Sapa (tỉnh Lào Cai), một địa danh quá đỗi quen thuộc với rất nhiều người. Nói là trở lại mà sự háo hức đâu khác buổi đầu, bởi sau bấy nhiêu năm, mảnh đất “nơi gặp gỡ đất trời này” đã đổi thay rất nhiều... Đầu năm 2020, Sapa trở thành thị xã. Không chỉ mỗi tên gọi hành chính thay đổi, ngày trở lại Sapa, tôi đã thấy bao điều đổi khác. Con đường 4D từ thành phố Lào Cai lên Sapa được đầu tư làm mới, như một dải lụa vắt trên lưng chừng núi, không còn những ổ trâu, ổ voi. Đó là chưa kể cao tốc Hà Nội - Lào Cai khiến Sapa không còn làm người dưới xuôi nghĩ về sự xa xôi, cách trở. Mọi người chỉ cần tranh thủ hai ngày nghỉ “trốn” sự náo nhiệt, bức bối của phố xá đi hưởng cái thanh mát của phố núi có bốn mùa gói gọn trong một ngày. ![]() Thị xã Sapa nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV Ai đến Sapa đều ít nhiều lấy làm tâm đắc khi người Pháp “phát hiện” và xây dựng nơi đây thành khu du lịch nổi tiếng của miền Bắc từ đầu thế kỷ XX. Cũng như Đà Lạt, trước khi được người Pháp khai phá, Sapa không phải là miền đất hoang vu không dấu chân người, bởi Sapa có nhiều lợi thế để quần cư: Là thung lũng đất đai màu mỡ, bao quanh là dãy núi hùng vĩ nhất xứ Đông Dương, những dòng suối mát lạnh quanh năm. Có đất và có nước là có thể trồng trọt, mà nông nghiệp đánh dấu cho sự ra đời của sự văn minh, thoát khỏi đời sống săn bắt, hái lượm. Người xưa đến đây định cư và muốn trao truyền thông điệp thời đại mình, thế nên nơi đây có bãi đá cổ Sapa chưa thể giải mã những ký hiệu, hình vẽ… ![]() Nhà thờ cổ ở thị xã Sapa. Ảnh: CTV Rồi khi người Pháp đặt chân đến mang theo cả nền văn hóa châu Âu, dường như nhớ cái thời tiết xứ ôn đới ở quê nhà nên Sapa đã được lựa chọn xây dựng thành một khu du lịch chẳng khác nào một thị trấn châu Âu thu nhỏ. Những bức ảnh đen trắng xa xưa cho chúng ta hình dung về Sapa được quy hoạch khoa học, có nhà thờ, trạm khí tượng, bưu điện, biệt thự… Nhưng qua bao biến động của lịch sử, dấu vết của văn hóa cổ điển châu Âu giữa lòng Sapa dần mờ nhạt. Ngoài nhà thờ đá điểm những hồi chuông theo giờ đã định, chỉ còn lác đác vài ba biệt thự cổ đã được cải tạo thành nơi cho du khách thuê. Mười năm trước, khi tôi lên Sapa tìm hiểu về kiến trúc, văn hóa Pháp, tôi đã thực sự thất vọng vì chẳng có mấy di tích xưa, không những thế bộ mặt Sapa còn bị "băm nát" bởi những công trình kiến trúc thiếu tính thẩm mỹ. Lúc đó, tôi mới ngộ ra một điều vì sao các nhà nhiếp ảnh khi chụp ảnh Sapa luôn chọn vị trí trên cao, lúc có sương mù, biển mây có lẽ để che đi khiếm khuyết về quy hoạch, kiến trúc.
Lần trở lại này, Sapa mang lại cho tôi một sự ngạc nhiên lớn! Dẫu rằng, những công trình kiến trúc “thảm họa” vẫn còn nhiều nhưng diện mạo Sapa đã khởi sắc rõ nét. Đường phố khang trang, sạch đẹp hơn, nhiều công trình, nhà cửa mới ra đời có sự đầu tư, chăm chút trong thiết kế. Điểm nhấn vẫn là lưu trú du lịch với gần 600 cơ sở dịch vụ. Quả thực, chính du lịch, nhất là nguồn lực tư nhân, đã mang lại nguồn thu lớn cho thị xã Sapa và khiến vùng đất này có diện mạo đẹp hơn hẳn. Ngoài giao thông đã thuận lợi rất nhiều, các nhà đầu tư đều ý thức phải xây dựng những khu nghỉ dưỡng sang trọng, kết hợp kiến trúc hiện đại với văn hóa bản địa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi đến Sapa. Những vị trí đắc địa với tầm nhìn trên cao mọc lên những khách sạn 4-5 sao, du khách chỉ cần ra ban công là đã có thể ngắm núi rừng chìm trong biển mây; những cơ sở lưu trú khiêm tốn hơn, cỡ 2-3 sao cũng chú trọng thiết kế không gian như một nhà vườn thu nhỏ, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên trong lành. ![]() Lễ hội Xuân ở Sapa đậm đà bản sắc văn hóa Tây Bắc. Ảnh: CTV Sức hấp dẫn lớn của Sapa, nhất là với du khách nước ngoài, đó là bởi vẻ đẹp hoang sơ và nét văn hóa độc đáo của đồng bào thiểu số. Nhờ sự giới thiệu của người quen, tôi đến thăm một homestay tại bản Tả Van do Hoàng Hạnh quản lý. Hạnh vốn là dân phố cổ Hà Nội nhưng cô đã “bỏ phố lên rừng” mấy năm nay. Những người chủ quán bar, homestay nhỏ xinh mừng như bắt được vàng khi có người biết ngoại ngữ, muốn sống lâu dài ở Sapa như Hạnh làm quản lý. Ngày trước ở Tả Van, phong trào nhà dân làm du lịch còn ít, cũng chỉ là nhà thừa phòng cho mấy ông Tây, ta “ba lô” có nhu cầu lưu trú. Nay thì đâu cũng thấy những nếp nhà được cải tiến, phòng khách làm quán bar, các phòng khác trong nhà thành phòng nghỉ tiện nghi. Ban ngày, Hạnh dẫn khách đi tham quan các bản làng để tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc mà tràn đầy hạnh phúc của người Mông, Dao. Đêm về, bên nồi thắng cố ngựa đun liu riu, rượu ngô thơm nồng, cả chủ và khách có thể hàn huyên thâu đêm.
Từ những nhà đầu tư lớn, đến những người quản lý homestay như Hạnh đều yêu mến mảnh đất Sapa, mong muốn mảnh đất này trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sapa, khát vọng quê hương giàu đẹp còn cháy bỏng hơn thế. Đại hội Đảng bộ thị xã Sapa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa thành công đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng, như: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong những năm tới đạt mức trung bình 14,5%/năm, thu nhập bình quân của người dân đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 6%; tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ chiếm 62% cơ cấu nền kinh tế; doanh thu từ du lịch đạt 27 nghìn tỷ đồng vào năm 2025; thu hút nguồn lực đầu tư trong 5 năm tới đạt 65 nghìn tỷ đồng... Những chỉ tiêu trên là rất cao nhưng đi khắp Sapa hôm nay có thể tin tưởng, trong tương lai, thị xã sẽ còn phát triển hơn nữa. Công trình cáp treo đưa du khách lên tận đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà của Đông Dương, với những ngôi chùa, tượng Phật trên đỉnh thiêng thật ấn tượng. Rồi bản Cát Cát không khác nào thiên đường nơi hạ giới tràn ngập hoa. Trên đèo Ô Quy Hồ, những nhà hàng, điểm dừng chân hiện đại mọc lên giữa lưng chừng trời. Hàng trăm héc-ta đất đang làm nông nghiệp công nghệ cao, vừa làm hàng hóa, vừa phục vụ du lịch. Ai từng đến Sapa và trót yêu mảnh đất này cũng chỉ mong, du lịch sẽ góp phần đưa môi trường cảnh quan, văn hóa, giáo dục đi lên tạo sự phát triển bền vững. ![]() Hàng thổ cẩm bán tại chợ phiên Sapa. Ảnh: CTV Cũng như bao địa điểm phát triển du lịch “nóng” khác, Sapa cũng phải đối mặt với nhiều bất cập, trong đó nổi lên là tình hình an ninh trật tự. Do vậy, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Sapa luôn chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thế nên, dù Sapa thường xuyên tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, kích cầu du lịch nhưng chưa xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự nghiêm trọng. Bốn bề bao quanh là núi rừng Hoàng Liên Sơn nên xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được chú trọng. Mỗi khi dân khó khăn, lực lượng vũ trang, trong đó “Bộ đội Cụ Hồ” luôn xung kích tuyến đầu, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Trong 5 năm qua, lực lượng quân sự trên địa bàn thị xã đã đóng góp gần 4.400 ngày công lao động tham gia làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, chuồng trại chăn nuôi, nạo vét mương thủy lợi… Ngoài ra, đơn vị thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chính sách hậu phương Quân đội, chăm lo gia đình chính sách, người có công… Tình quân dân bền chặt như vậy chính là nền tảng để giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội thị xã Sapa ngày càng phát triển. Nắm trong tay nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng nhất là du lịch, Sapa chắc chắn sẽ còn tiến nhanh, tiến chắc để trở thành một thị xã giàu mạnh bậc nhất nơi địa đầu Tổ quốc; thương hiệu du lịch Sapa cũng sẽ ngày càng góp phần quan trọng để khách quốc tế biết đến Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn nhiều hơn. Ghi chép của HOÀNG LINH
|