Tin tổng hợp

CNQP&KT - Cùng với sự chống phá trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thời gian gần đây, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội (MXH) để tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh làm thất bại mưu đồ đó là vấn đề cấp thiết hiện nay trong quân đội.

Những năm gần đây, internet và MXH đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, internet và MXH đã trở thành nhu cầu thiết yếu và phổ biến.

Mạng xã hội bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Theo số liệu thống kê, năm 2019, dân số Việt Nam đạt xấp xỉ 97 triệu dân, trong đó có 64 triệu người sử dụng internet và MXH, tăng 28% so với năm 2017. Người dùng Việt Nam dành trung bình gần 7 giờ/ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng internet. Điều đó cho thấy, các MXH được nhiều người quan tâm, sử dụng. Nếu sử dụng internet, MXH đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà internet và MXH mang lại thì mặt trái của nó không hề nhỏ. Bản chất internet là môi trường mở cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin, tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý và kiểm soát. Mạng xã hội còn tạo ra khả năng giao lưu, chia sẻ, kết nối cộng đồng rất thuận lợi, đặc biệt là có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới trẻ. Do vậy, internet được ví như con dao 2 lưỡi chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, bên cạnh những thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội, còn có vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cũng được tán phát lên các trang thông tin điện tử (website), blog, mạng xã hội, trên phần phản hồi (comment) của các báo điện tử… Nếu cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát không tốt thì đây sẽ là phương tiện hữu hiệu để các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong người Việt, bọn cơ hội chính trị… lợi dụng tuyên truyền chống phá.


Ảnh minh họa.  

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… triệt để lợi dụng internet và MXH để tán phát các tin, bài, video clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta với sự gia tăng cả về cấp độ, tần suất và lưu lượng tin, bài… Qua đó, chúng thực hiện các biện pháp, thủ đoạn tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội một cách quyết liệt, tung tin thất thiệt, lừa bịp, mị dân, thật giả lẫn lộn, làm cho một bộ phận nhân dân lầm tưởng rằng đó là sự thật, dẫn đến hoài nghi, thiếu niềm tin với Đảng, chế độ. Nổi lên một số thủ đoạn mới đáng chú ý là: Thực hiện livestream (truyền phát trực tiếp) để kêu gọi cộng đồng mạng tham gia bình luận trái chiều trên MXH. Thủ đoạn này được chúng xây dựng “kịch bản” khá công phu, nội dung thường là các vụ việc liên quan đến các cuộc biểu tình, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan công quyền. Thời điểm chúng chọn để livestream thường vào dịp có các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, qua đó, kêu gọi sự can thiệp của quốc tế và các tổ chức phản động vào Việt Nam, kêu gọi sự “phụ họa” của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ. Cùng với đó, các thế lực thù địch còn sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Đây là thủ đoạn lợi dụng việc báo chí chính thống trong nước khi đưa tin đều phải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm tra nguồn tin, biên tập, hiệu đính, phê duyệt mới đăng. Thậm chí, để bảo đảm tính chính xác, một số vấn đề có thể bị chậm trễ hơn khi đưa tin so với việc lan truyền qua các trang mạng xã hội. Lợi dụng “khoảng trống thông tin” này, chúng phát tán ồ ạt những tin, bài, hình ảnh chỉnh sửa xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách”, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực dưới các dạng, như: thông tin sự việc, khách mời bình luận, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm… với những thông tin trộn lẫn thật giả, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng muốn vào các trang facebook, blog và các tờ báo điện tử phản động, gây tâm lý hoang mang, bán tín, bán nghi, v.v.

“Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”.

              (Nguồn: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng)

Đối với Quân đội, thủ đoạn cơ bản mà các thế lực thù địch sử dụng internet và MXH để chống phá là tuyên truyền các nội dung trá hình, bới móc, suy diễn, thổi phồng, xuyên tạc những sai lầm, khuyết điểm hoặc lợi dụng những hạn chế, sơ hở trong quản lý để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của Quân đội. Bên cạnh đó, chúng còn thiết lập các trang website, các blog, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” trên mạng nhằm tán phát tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu độc để tăng cường lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị chống phá Quân đội.

Ngoài ra, chúng còn lựa chọn thông tin cũ để “làm mới” và “thông tin mới được lựa chọn để bịa đặt” thông qua những đoạn video clip hoặc hình ảnh có liên quan đến mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ, các vấn đề liên quan đến dân chủ trong Quân đội, quan hệ quân dân do chúng tạo dựng nên. Mục đích của việc tán phát các thông tin, hình ảnh, video clip không thuần túy là sự phản ánh một vụ việc, một con người cụ thể, mà đằng sau đó là âm mưu chống phá tổ chức, chế độ với toan tính hết sức thâm độc, nguy hiểm.

 

"Truyền thông xã hội là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông truyền thống, cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sai trái".

  (Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)

Việc nhận diện và đấu tranh đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và MXH trong Quân đội thời gian qua luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chặt chẽ. Các cấp ủy Đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị, các tổ chức quần chúng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và MXH. Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng; đồng thời có sự đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức đấu tranh...

Tuy nhiên, việc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi những “trang mạng đen”, những thông tin xấu độc thâm nhập vào trong Quân đội vẫn còn một số hạn chế, như: Việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, triển khai thực hiện ở một số cấp ủy chưa chặt chẽ; hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, MXH chưa thường xuyên, chưa đa dạng về hình thức và sức lan tỏa còn hạn chế. Một số đơn vị chưa tích cực, chủ động, chưa phát huy hết vai trò của các lực lượng, phương tiện trong nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên internet, MXH. Việc cung cấp, cập nhật thông tin tích cực về Đảng, Nhà nước và Quân đội trên internet, MXH chưa nhiều và thường xuyên... Những hạn chế nêu trên xuất phát từ việc cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị ở một số đơn vị, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức, trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh còn chung chung, triển khai thực hiện chưa triệt để, thiếu kiểm tra đôn đốc; đồng thời, bộ phận giúp việc, lực lượng đấu tranh chuyên sâu chưa hoạt động thường xuyên.

Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và MXH trong Quân đội, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục để mỗi cá nhân thấy rõ tính hai mặt của internet và MXH; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc và tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú trọng nâng cao năng lực bộ máy quản lý; tăng cường đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất và trang - thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý cả về hành chính và kỹ thuật.

Việc chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và MXH tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Quân đội cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự “vào cuộc” quyết liệt của các tổ chức, các lực lượng, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, tạo thành phong trào mang tính cộng đồng sâu rộng, hướng tới một nền văn hóa internet lành mạnh, tích cực và hữu ích.

Đại tá, TS. LÊ VĂN QUANG

Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: