Tin tổng hợp

Ngăn ngừa hệ lụy “5C”

27/10/2020 09:23:59 PM

CNQP&KT - Muốn xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, đề cao “sự học”, trọng dụng người tài, thượng tôn pháp luật, thì cần phải ngăn chặn và loại bỏ những hệ lụy “con ông cháu cha” trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiện nay.

Trên bảng tin nội bộ hằng tuần của một công ty bất ngờ xuất hiện dòng chữ mà ai đi qua cũng phải chú ý: “Bất kể người nào đi làm muộn đều bị kỷ luật, kể cả con ông cháu cha”! Dòng thông báo trên chỉ là một nét “nhấn” khẳng khái, có ý nhắc nhở tất cả cán bộ, công nhân viên trong công ty phải chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. Dẫu thế, cái câu “kể cả con ông cháu cha” đã nói lên nhiều điều...

Trong đời sống xã hội, khi gặp những điều “chướng tai gai mắt”, người ta thường dùng các thuật ngữ mang yếu tố hài hước để ám chỉ những điều không hay, những biểu hiện tiêu cực. “Con ông cháu cha” là cách phiếm chỉ về hệ lụy “5 chữ C” (con cháu các cụ cả). Đó là những người năng lực làm việc yếu kém nhưng nhờ mang danh “5C” nên được nhận vào làm trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Có thể nói, “con ông cháu cha” cũng là nguyên nhân sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực, như: tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, vô tổ chức, vô kỷ luật…

Thực tế, chuyện con ông A được nhận vào làm ở cơ quan B, xuất phát từ những mối quan hệ chằng chéo theo kiểu “nhất thân, nhì thế” giữa những người có chức, có quyền đã là... chuyện thường ngày! Thói đời, tôi giúp anh lúc này và rất có thể sẽ nhờ anh lúc khác. Hệ quả, nhiều lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phải “cầm lòng” nhận vào những cô chiêu, cậu ấm kém về phẩm chất đạo đức, yếu về năng lực chuyên môn. Đáng ngại hơn, dựa dẫm, cậy thế cậy quyền, lợi dụng vị trí công tác, nhiều con quan, cháu sếp đã bỏ qua kỷ cương phép tắc, "cáo mượn oai hùm", coi trời bằng vung, nhắm mắt làm liều!

Đành rằng, không phải tất cả đối tượng thuộc diện “5C” đều bất tài, kém đức. Điều oái oăm ở chỗ, có khi biết chắc người được tuyển dụng bằng cấp thấp, năng lực kém nhưng vẫn phải nhận. Có lãnh đạo doanh nghiệp từng bộc bạch: Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, ông rất sợ mỗi khi có đối tượng “5C” về công ty. Cái nỗi niềm “rất sợ” này có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Thứ nhất, nguồn nhân lực “đầu vào” chất lượng thấp sẽ làm ra những sản phẩm “đầu ra” chất lượng kém - yếu tố sống còn trong kinh doanh. Thứ hai, những trường hợp nhận vì “5C” có thể trở thành lực cản trong quá trình đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, còn nếu xử lý nghiêm theo quy định thì lại e rằng… vuốt mặt không nể mũi! Vì vậy, vượt qua áp lực “5C”, trước hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương phải vượt qua chính mình. Đặc biệt, nếu vì quyền lợi gia đình, họ tộc hay những mối quan hệ “5C” mà nhận những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì bản thân người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn vi phạm 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) . Đó là “bố trí người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào vị trí có nhiều lợi ích”.

Muốn xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, đề cao “sự học”, trọng dụng người tài, thượng tôn pháp luật, thì cần phải ngăn chặn và loại bỏ những hệ lụy “con ông cháu cha”, nhất là biểu hiện tiêu cực đối với công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt nhân sự thuộc đối tượng "5C" trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiện nay.

NHẤT NGÔN

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: