Tin cơ sở

CNQP&KT - Nhà máy Z173 (tên giao dịch là Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hồng Hà) đã trải qua 55 năm xây dựng và phát triển. Trên hành trình nhiều khó khăn, thách thức, Nhà máy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng mới và sửa chữa tàu quân sự, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời tiến hành đóng nhiều gam tàu kinh tế và tàu xuất khẩu hiện đại.

Ngày 30/10/1965, tại cảng Phà Đen (Hà Nội), thực hiện chỉ thị của Tổng cục Hậu cần, Cục Quản lý xe ra quyết định thành lập Ban Ca nô (tiền thân của Nhà máy Z173 ngày nay) với nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa các phương tiện thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền gắn máy, ca nô, sà lan phục vụ vận chuyển và rà phá bom từ trường do máy bay Mỹ thả xuống các cửa sông, cửa biển. Từ khi thành lập đến nay, với nhiều tên gọi: Ban Ca Nô (năm 1965), Nhà máy Q173W (năm 1968), Nhà máy A173 (năm 1972), Xí nghiệp 173 (năm 1983), Công ty Đóng tàu Hồng Hà (năm 1996), Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hồng Hà (năm 2010) và chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, người lao động Nhà máy luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng mới và sửa chữa tàu quân sự trang bị cho các lực lượng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong điều kiện quân số chỉ có vài chục người, tài sản được trang bị chỉ có hai chiếc xe Gat để vận chuyển vật tư, thiết bị, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến trường, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã nghiên cứu sản xuất và cung cấp kịp thời ca nô, sà lan phục vụ nhiệm vụ rà phá thủy lôi, bom từ trường, vận chuyển vũ khí, hậu cần cung cấp cho chiến trường đánh giặc.


Trung tá Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z173 và đại diện các đơn vị ấn nút đặt ky tàu chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, biển (năm 2020).    Ảnh: VĂN TỚI

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, Nhà máy Z173 nhanh chóng xây dựng lại cơ sở vật chất; đồng thời tích cực sản xuất cung cấp kịp thời nhiều trang bị, khí tài cho các đơn vị làm nhiệm vụ vận chuyển chiến đấu bảo vệ biên giới. Năm 1981, được sự đồng ý của cấp trên, Nhà máy chuyển địa điểm từ cảng Phà Đen, Hà Nội xuống huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Tàu pháo TT400TP là một sản phẩm điển hình, mang đậm dấu ấn của Nhà máy Z173, đánh dấu mốc son quan trọng về sự phát triển của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà máy phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong cơ chế thị trường. Để xây dựng Nhà máy phát triển đi lên, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã đề ra đường hướng phát triển mới, chuyển từ sửa chữa phương tiện vận tải đường sông sang sửa chữa phương tiện vận tải đường biển; khi có đủ năng lực chuyển từ sửa chữa sang đóng mới tàu biển. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, Nhà máy đã đầu tư mua sắm các loại trang, thiết bị hiện đại, như: máy cắt plasma tự động; máy siêu âm kiểm tra chiều dày kim loại; máy vi tính, lập trình gia công vỏ tàu; các loại máy hàn, máy ép thủy lực; mở rộng mặt bằng sản xuất; nâng cấp triền đà, nhà xưởng… Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hóa; cử cán bộ, công nhân kỹ thuật đi học tập công nghệ đóng tàu ở các nước phát triển.

 Do có sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực và thiết bị, máy móc, nhà xưởng, từ chỗ chỉ sửa chữa được tàu có trọng tải 200 tấn, Nhà máy đã lần lượt tiếp nhận, sửa chữa tàu vận tải lên đến 600 tấn, rồi 1.000 tấn. Tiếp đến, Nhà máy đã đóng mới thành công tàu cho Binh chủng Đặc công, tàu vận tải 450 tấn cho Quân chủng Hải quân; tàu chở xăng dầu từ 150-450 tấn cho Cục Vận tải; tàu tuần tra cao tốc vỏ hợp kim nhôm; xuồng phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến loạt tàu Cảnh sát biển TT200, TT400. Đây là loại tàu vỏ thép có cường độ chịu lực cao, lượng giãn nước từ 200-400 tấn, lần đầu tiên được đóng mới ở trong nước, tiết kiệm được một nửa kinh phí so với nhập ngoại. Thành công này đã đưa thương hiệu của Nhà máy vươn xa trên thị trường đóng tàu trong nước.


Tàu tiếp dầu trên biển đa năng do Nhà máy đóng mới.   Ảnh: VĂN TỚI

Năm 2009, trên cơ sở nền tảng và kinh nghiệm đã được tôi luyện trong thi công đóng mới nhiều gam tàu quân sự và kinh tế, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP cho triển khai dự án đóng mới tàu pháo ký hiệu TT400TP theo phương thức mua thiết kế sơ bộ của nước ngoài, sau đó phối hợp với đơn vị thiết kế ở trong và ngoài Quân đội hoàn thiện thiết kế công nghệ, thiết kế thi công. Được sự tin tưởng của cấp trên, Nhà máy đã lựa chọn đối tác và chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí, khí tài, góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sau gần 6 năm thi công đóng mới, Nhà máy đã hoàn thành 6 chiếc tàu pháo TT400TP bàn giao cho Quân chủng Hải quân đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn. Có thể nói, tàu pháo TT400TP là một sản phẩm điển hình, mang đậm dấu ấn của Nhà máy Z173, đánh dấu mốc son quan trọng về sự phát triển của đơn vị trong giai đoạn hiện nay, khẳng định năng lực và sự đúng đắn trong lựa chọn hướng đi mới. Đồng thời, thành quả này còn góp phần tiết kiệm hàng chục triệu USD cho ngân sách nhà nước do không phải mua thiết kế công nghệ của nước ngoài; là cơ hội để các cán bộ, kỹ sư và công nhân Nhà máy nâng cao trình độ thiết kế công nghệ, tiếp cận, làm chủ công nghệ đóng mới, sửa chữa các tàu quân sự có lượng giãn nước đến 2.000 tấn, các tàu bổ trợ quân sự có lượng giãn nước đến 4.000 tấn, có tính năng kỹ, chiến thuật hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhà máy được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2015). Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống, Nhà máy được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Từ những kết quả đã đạt được, năm 2015, Nhà máy Z173 được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục CNQP tin tưởng giao nhiệm vụ đóng mới các gam tàu theo Nghị quyết 72 của Quốc hội. Sau hơn một năm thi công, Nhà máy đã hoàn thành 4 tàu TT400, 1 tàu vận tải đa năng tiếp dầu 3.000 tấn cho Cảnh sát biển, 1 tàu vận tải đa năng tiếp dầu 3.000 tấn cho Quân chủng Hải quân. Hiện nay, Nhà máy đang tiếp tục triển khai thi công đóng mới một số tàu quân sự để bàn giao cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh nhiệm vụ đóng mới và sửa chữa tàu quân sự, Nhà máy còn triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, bạn hàng. Đến nay, Nhà máy đã đóng mới thành công nhiều gam tàu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Phi, châu Á, như: tàu vận tải đa năng 2.600 tấn, 3.500 tấn; tàu chở nhựa đường 3.100 tấn; tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển 3.000 tấn; tàu chở nhựa đường Atsphalt; tàu cao tốc… Trong đó, nhiều sản phẩm có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam. Qua đó, góp phần bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên và người lao động; duy trì và phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao.

Với những thành tích đã đạt được trên chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy Z173 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2015); cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống (30/10/1965 - 30/10/2020), Nhà máy vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Trong những năm tới, để xây dựng đơn vị ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Nhà máy Z173 xác định tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục lần thứ X; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà máy lần thứ XXII. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng Đảng bộ Nhà máy thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng triển khai đóng mới các gam tàu quân sự có hàm lượng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, trang bị cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật thường xuyên, đột xuất tàu, thuyền cho các đơn vị trong toàn quân.

Ba là, đề xuất triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, đặc biệt là các dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đóng mới, sửa chữa tàu quân sự. Phấn đấu đến năm 2025, Nhà máy có đủ năng lực đóng mới và sửa chữa các tàu quân sự có lượng giãn nước đến 2.000 tấn, tàu bổ trợ quân sự có lượng giãn nước đến 4.000 tấn và tàu vận tải có tải trọng đến 6.500 tấn.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt việc tuyển chọn, sử dụng cán bộ gắn với thực hiện tốt các chế độ, chính sách nhằm thu hút và gìn giữ đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, gắn bó lâu dài với Nhà máy.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa học kỹ thuật; triển khai áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đặc biệt đối với các sản phẩm mới đòi hỏi công nghệ cao. Thực hiện nghiêm kỷ luật công nghệ, các quy chế, quy định về quản lý chất lượng sản phẩm; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hạn chế thấp nhất những sai sót trong sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, lao động.

Sáu là, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát hoạt động sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh, cơ cấu lại chức năng nhiệm vụ của các phòng, ban, xí nghiệp, phân xưởng; bố trí, sắp xếp hợp lý lực lượng lao động; quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Bảy là, khai thác hiệu quả các nguồn lực hiện có để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó chú trọng xây dựng và phát triển mối quan hệ chiều sâu với đối tác, bạn hàng chiến lược tạo nền tảng để Nhà máy phát triển ổn định và bền vững. 

Với thành công và những bài học kinh nghiệm trong suốt chặng đường 55 năm qua, cùng những giải pháp đột phá đã xác định, toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z173 sẽ nỗ lực, đoàn kết xây dựng đơn vị ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng danh đơn vị 2 lần Anh hùng.

Trung tá, TS. PHẠM VĂN TUẤN

 Giám đốc Nhà máy Z173

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: