Xu hướng phát triển vũ khí, trang bị tác chiến biển27/10/2020 09:22:42 PMCNQP&KT - Việc bố trí vũ khí, trang bị tác chiến dưới biển sâu tuy rất tốn kém nhưng lại hiệu quả cao, đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ, nhất là trong điều kiện các phương tiện trinh sát của đối phương ngày càng hiện đại. Dưới đây là một số xu hướng phát triển vũ khí, trang bị tác chiến dưới biển sâu của các cường quốc quân sự. PHƯƠNG TIỆN LẶN KHÔNG NGƯỜI LÁI Đây là loại vũ khí có công nghệ hoàn thiện nhất trong tác chiến dưới biển sâu hiện nay, được các cường quốc quân sự đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển. Trong thời bình, phương tiện lặn không người lái có thể thực hiện nhiệm vụ bí mật trinh sát tại các vùng biển của đối phương mà các trang bị, phương tiện khác không thể xâm nhập. Trong thời chiến, đây là vũ khí tấn công bất ngờ, hiệu quả cao, nhiều khi có thể thay đổi cục diện cuộc chiến trên biển, như phá hủy cụm tàu sân bay của đối phương, tạo điều kiện cho các lực lượng tác chiến khác giành chiến thắng trên đất liền. Hiện nay, Quân đội Mỹ nói chung, Hải quân Mỹ nói riêng rất chú trọng nghiên cứu, phát triển các phương tiện lặn không người lái, coi đó là khâu quan trọng để Hải quân hiện thực hóa phương thức “tác chiến lấy mạng làm trung tâm”, góp phần tăng cường năng lực hoạt động cho hệ thống ISR (tình báo, trinh sát, giám sát) dưới nước. Đồng thời, nó có thể là tổ hợp vũ khí, mang theo ngư lôi hoặc tên lửa, bí mật, bất ngờ tấn công, tập kích các mục tiêu chiến lược của đối phương với hiệu quả rất cao. Theo giới quân sự Mỹ, Hải quân nước này đang gấp rút thực hiện đề án nghiên cứu về phương tiện lặn không người lái, không những tiến hành trinh sát điện tử, có thể nghe lén thông tin trên mặt nước và dưới nước để thu thập tin tức tình báo; khi cần thiết còn là loại vũ khí đáng gờm để tấn công tiêu diệt các lực lượng của đối phương. ![]() Tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter của Hải quân Mỹ. Ảnh: Internet Ngoài Mỹ, các cường quốc quân sự khác cũng chú trọng nghiên cứu, chế tạo, phát triển phương tiện lặn không người lái. Năm 1988, Anh bắt đầu dự án nghiên cứu phương tiện lặn không người lái Merlin, được trang bị thiết bị phá mìn, có thể tiến hành trinh sát dưới đáy biển và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, như: rà phá bom mìn, cứu hộ, cứu nạn... Hiện nay, trong biên chế của Hải quân Anh có phương tiện lặn không người lái mang tên “Bùa hộ mệnh”, được đánh giá là một trong những phương tiện quân sự tiên tiến nhất thế giới. Một số quốc gia cũng nghiên cứu, phát triển phương tiện không người lái, như: Serafina của Ô-xtrây-li-a, “Cá mập đuôi dài” của Đức, “Kẻ săn thủy lôi dưới nước” của Na Uy... Theo đánh giá, công nghệ của các phương tiện này rất hoàn hảo và trong tương lai gần sẽ phát huy vai trò to lớn trong thu thập tin tức tình báo, quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến tranh.
XÂY DỰNG CĂN CỨ QUÂN SỰ DƯỚI ĐÁY BIỂN Các căn cứ dưới đáy biển được thiên nhiên ưu đãi về tính năng tàng hình. Do sự truyền sóng điện từ trong môi trường nước biển yếu, làm cho các phương tiện trinh sát từ vệ tinh rất khó phát hiện các mục tiêu dưới đáy biển, đặc biệt là các khu vực biển sâu đến hàng nghìn mét. Dựa vào vị trí khu vực xây dựng, giới quân sự phân các căn cứ quân sự dưới đáy biển thành 4 loại. Thứ nhất là căn cứ kiểu núi ngầm (núi dưới biển), đảm bảo bí mật và độ an toàn rất cao. Loại thứ hai là căn cứ kiểu ngầm dưới đáy biển (đường hầm hoặc hang động được xây dựng dưới đáy biển), còn được gọi là “căn cứ nham thạch”, có yêu cầu xây dựng rất khắt khe là khi hoàn thành không để lại dấu vết, đối phương khó có thể phát hiện. Loại thứ ba là căn cứ nổi gần đáy biển, thường được xây dựng tại các khu vực biển tĩnh lặng, ít sóng gió. Loại này được xây dựng bằng vật liệu kim loại lắp ráp trên bờ, sau đó được bố trí tại khu vực đã định, hoặc chuẩn bị sẵn vật liệu rời bằng kim loại để lắp ráp hoàn chỉnh tại vị trí đã định. Các căn cứ kiểu này hầu hết đều dùng cáp treo để liên kết đáy biển với căn cứ, làm cho nó luôn được cố định ở tầng trung gian giữa đáy biển và mặt biển. Cuối cùng là căn cứ lưu động dưới đáy biển, có ưu điểm là dựa vào sự thay đổi của hình thức và yêu cầu tác chiến có thể tùy ý thay đổi vị trí, có tính cơ động cao, có lợi cho việc tăng khả năng tàng hình, tác chiến gây bất ngờ cho đối phương nên thường đạt hiệu quả cao. Hiện nay, các cường quốc xây dựng các căn cứ dưới đáy biển để thực hiện 3 nhiệm vụ chính: bảo đảm hậu cần, tác chiến và hỗn hợp. Căn cứ làm nhiệm vụ đảm bảo chủ yếu để làm nơi tích trữ vũ khí, nhiên liệu và lương thực, sẵn sàng cung cấp và bổ sung cho các phương tiện, trang bị tác chiến dưới đáy biển, khi cần thiết được sử dụng làm xưởng cơ khí để sửa chữa hoặc bảo dưỡng vũ khí. Loại căn cứ tác chiến có nhiệm vụ chủ yếu là trinh sát, nghe lén dưới đáy biển; có thể là căn cứ phóng các ngư lôi, thủy lôi và tên lửa từ dưới đáy biển. Còn căn cứ hỗn hợp có thể vừa làm nhiệm vụ đảm bảo hậu cần lẫn tác chiến. Hiện nay, các cường quốc thường nghiên cứu, xây dựng các căn cứ làm nhiệm vụ hỗn hợp dưới đáy biển, vai trò chính là trinh sát, tác chiến tấn công đối phương. ![]() Mô hình thiết kế căn cứ quân sự dưới đáy biển của Nga. Ảnh: Internet Việc xây dựng các căn cứ quân sự bí mật dưới đáy biển đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại và tiềm lực quốc phòng mạnh, do đó, hiện chỉ có những nước phát triển và các cường quốc quân sự mới đủ khả năng đầu tư nghiên cứu, phát triển. Mỹ là nước đi đầu trong việc xây dựng các hệ thống quân sự, như các căn cứ chống ngầm và trung tâm chỉ huy tác chiến tại một số khu vực biển sâu. Gần đây, Mỹ đã bố trí một số “trạm lưu trú dưới nước” có hình dáng giống như một con quay, giúp cho 5 phân đội tác chiến có thể làm việc liên tục trong khoảng 20 ngày ở vùng biển sâu tới 2.000 mét. Căn cứ này có thể cơ động khi cần thiết và được Hải quân Mỹ bí mật triển khai tại một số khu vực đáy biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, với chức năng như các trung tâm chỉ huy - kiểm soát, các trạm quan trắc và căn cứ hậu cần dưới đáy biển.
BỐ TRÍ VŨ KHÍ, TRANG BỊ TÁC CHIẾN DƯỚI ĐÁY BIỂN Theo các chuyên gia quân sự, để phát huy hiệu quả của vũ khí, trang bị khi bố trí dưới đáy biển cần dựa vào đặc điểm địa lý, đặc điểm tự nhiên của các vùng biển và tính năng các loại vũ khí. Vũ khí, trang bị dưới đáy biển thường được bố trí ở các khu vực có nhiều dải san hô, để vừa tác chiến được với tàu ngầm của đối phương lại vừa có thể chi viện, phối hợp có hiệu quả với các vũ khí hiện đại bố trí ở các khu vực khác để đánh trả đối phương trên mặt biển, thậm chí cả trên không và ngoài vũ trụ. Theo thông tin được tiết lộ, Mỹ đang nghiên cứu, phát triển dự án “Tải công tác hiệu quả dưới đáy biển” (UFP). Đây là một tổ hợp quân sự có thể được trang bị máy bay không người lái hoặc thiết bị giám sát, trinh sát được đưa vào trong ống phóng, bố trí dưới đáy biển sâu tới hàng nghìn mét. Khi cần thiết, người điều khiển kích hoạt hệ thống phóng từ xa, hệ thống mang tải công tác, cơ cấu phóng và xích neo sau khi được mở khóa sẽ tự động nổi lên mặt nước và phóng ra các tải công tác hiệu quả. Sau khi các tải công tác đạt đến điểm cao nhất, sẽ mở dù, bay theo các hướng khác nhau, đồng thời phóng máy bay không người lái, hỗ trợ cho Hải quân Mỹ tác chiến ở các khu vực trên mặt biển. HỆ THỐNG CẢNH BÁO SỚM DƯỚI ĐÁY BIỂN Ngay từ đầu thập kỷ trước, Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ (DAPRA) đã khởi động Dự án tác chiến biển sâu. Tháng 4/2014, dự án này hoàn thành. Theo tiết lộ, dự án đã phát triển thành công một hệ thống cảnh báo sớm biển sâu kiểu di động dùng để phát hiện tàu ngầm và các phương tiện di chuyển ngầm dưới nước, kể cả các phương tiện có độ ồn thấp. Theo giới quân sự, hệ thống này rất hiệu quả trong việc phát hiện các phương tiện ngầm và nổi của đối phương để bảo vệ các biên đội tàu sân bay và tàu chiến của Mỹ từ cự ly rất xa. Hệ thống này gồm xen-xơ thủy âm và xen-xơ thông thường kiểu phân tán, được bố trí ở các vị trí gần đáy biển, lợi dụng môi trường yên tĩnh của đáy biển và đường truyền âm thanh của đại dương để thăm dò ở cự ly xa đối với các trang bị quân sự hoạt động ngầm có tín hiệu tần số thấp, kể cả các tàu ngầm có độ ồn thấp của đối phương. Theo đánh giá, hệ thống có thể thích ứng với các môi trường tác chiến khác nhau, bí mật hoạt động một thời gian dài trong các vùng biển nước sâu của đối phương. Có thể khẳng định, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển vũ khí, trang bị tác chiến dưới biển sâu. Trong khi đó, vũ khí, trang bị lại chi phối, quyết định đến phương thức tác chiến trên chiến trường. Các chuyên gia quân sự dự báo, trong tương lai, phương thức tác chiến sẽ có nhiều thay đổi và đại dương sẽ là khu vực tác chiến chủ yếu trong chiến tranh hiện đại. ĐOÀN HÙNG
|