Tin cơ sở

CNQP&KT - Những năm qua, năng lực sản xuất, sửa chữa VKTBKT của ngành CNQP đã có bước đột phá; chất lượng và độ tin cậy được nâng lên, tạo niềm tin cho người sử dụng.

Tính riêng lĩnh vực đóng tàu quân sự, đã đóng mới và sửa chữa hàng trăm lượt tàu các loại có yêu cầu kỹ thuật cao, trang bị vũ khí, khí tài hiện đại và nhiều tàu lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam, được đánh giá ngang tầm khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhà máy đóng tàu đã phát huy thế mạnh về năng lực công nghệ, đẩy mạnh hợp tác và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị cao, với tổng số 560 tàu, xuồng các loại. Hiện, các loại tàu này đã có mặt ở hầu hết các vùng biển, đảo của Tổ quốc và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ. Chính vì vậy, sản xuất kinh tế đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các đơn vị, với giá trị doanh thu kinh tế luôn chiếm trên 40% tổng giá trị doanh thu. Tổng doanh thu của khối đóng tàu giai đoạn 2015-2020 đạt 32.000 tỷ đồng (tăng 10% so với giai đoạn 2010-2015) và chiếm khoảng 35,6% tổng doanh thu của toàn Tổng cục; thu nhập bình quân khoảng 10,8 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách 1.580 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ khối đóng tàu còn gặp không ít khó khăn, thách thức, như: Sản phẩm quốc phòng không được giao thường xuyên; các sản phẩm tàu kinh tế, xuất khẩu chưa tạo dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường; năng suất lao động và sức cạnh tranh còn có mặt hạn chế. Việc tuyển dụng và giữ gìn đội ngũ lao động kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các đơn vị nằm trong khu công nghiệp và đơn vị di chuyển về địa điểm mới.

Thượng tá Trần Thế Vỹ

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ SXQP và đẩy mạnh sản xuất kinh tế, xuất khẩu, trong những năm tới, ngành đóng tàu quân sự tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó tiếp tục tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng quy hoạch, kế hoạch trang bị tàu xuồng trung và dài hạn bảo đảm tính khả thi cao; đồng thời huy động đa dạng nguồn vốn để bảo đảm nhiệm vụ đóng tàu. Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới công nghệ sản xuất; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thiết kế và tích cực chuyển giao công nghệ hai chiều để làm chủ công nghệ đóng mới, sửa chữa các loại tàu quân sự hiện đại. Chú trọng công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm khoa học, nâng cao năng suất; đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, độ tin cậy và an toàn trong sản xuất. Cùng với đó, cần chủ động nghiên cứu xu hướng thị trường để xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm kinh tế, xuất khẩu dài hạn; trong đó cần tập trung vào sản phẩm truyền thống và một số chủng loại tàu hiện đại, phù hợp với từng đơn vị. Để việc tuyển dụng và giữ được lực lượng lao động cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các nhà máy đóng tàu phải có những biện pháp đột phá, trong đó cần quan tâm cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động phù hợp với đặc thù lao động cơ khí nặng nhọc, độc hại, nguy cơ mất an toàn cao; đồng thời, có những chính sách ưu đãi để tuyển dụng lao động, cơ chế thuê kỹ sư chuyên gia và sử dụng lao động vệ tinh, nhà thầu phụ…

Thượng tá TRẦN THẾ VỸ

Giám đốc Nhà máy Z189

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: