Quá trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế ở các nhà máy quốc phòng22/09/2020 09:34:17 AMCNQP&KT - Trước năm 1986, áp lực gay gắt của tình hình kinh tế - xã hội buộc nước ta phải có những đổi mới, mà trước tiên là đổi mới tư duy quản lý kinh tế. Trong bối cảnh đó, các cơ sở sản xuất quốc phòng thuộc Tổng cục Kỹ thuật (sau này thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP) cũng phải từng bước thích ứng, chuyển mình và phát triển. Có thể nói rằng, việc đổi mới tư duy quản lý kinh tế và vấn đề chuyển đổi nền nếp quản lý từ kế hoạch hóa tập trung sang quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở các nhà máy quốc phòng đã được diễn ra từ rất sớm. Sau chiến thắng 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà. Giai đoạn từ năm 1976 đến 1986, mô hình kinh tế ở miền Bắc được thực hiện trong cả nước. Vừa thoát khỏi chiến tranh, lại bị Mỹ bao vây, cấm vận, nước ta thực hiện mô hình kinh tế bao cấp (còn gọi là nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung” hay nền kinh tế “chỉ huy”), Nhà nước kiểm soát toàn bộ yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập. Trong khi đó, ngành CNQP là ngành sản xuất công nghiệp, có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, là ngành quản lý một khối lượng lớn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực, cũng chịu sự chi phối của quy luật quản lý đó, dẫn đến việc làm và đời sống người lính thợ rất bấp bênh. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) tháng 8/1979, với quyết tâm làm cho sản xuất “bung ra” là bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới ở nước ta. Trên lĩnh vực công nghiệp, Quyết định số 25/CP và Quyết định số 26/CP ngày 21/7/1981 của Chính phủ về mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức thưởng trong đơn vị sản xuất, kinh doanh là “kim chỉ nam” cho hoạt động của các cơ sở sản xuất. Trước khi bước vào thực hiện các quyết định của Chính phủ, từ năm 1976, tất cả các xí nghiệp, nhà máy dưới sự quản lý của các cục được chuyển về trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật, như vậy giảm được khâu trung gian, đảm bảo công tác quản lý nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tất cả các nhà máy, xí nghiệp chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài Quân đội, như việc ký kết trao đổi vật tư để sản xuất, liên kết sản xuất chi tiết để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, liên kết để tiêu thụ sản phẩm… Việc lập kế hoạch sản xuất hằng năm ở các nhà máy, xí nghiệp cũng được vận dụng một cách sáng tạo gồm 3 phần: phần kế hoạch trên giao có vật tư bảo đảm; phần kế hoạch liên doanh, liên kết và phần kế hoạch do nhà máy, xí nghiệp tự lo vật tư và tiêu thụ sản phẩm, đã được áp dụng sáng tạo, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần duy trì được đội ngũ công nhân lành nghề cho sản xuất quốc phòng. ![]() Từ thực tiễn tìm lối ra trong quản lý kinh tế, đặc biệt là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982), một loạt biện pháp quản lý mới ra đời. Trong đó, có cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền. Tuy vậy, kế hoạch cải cách này không diễn ra như mong muốn, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng trong giai đoạn 1985-1986. Chính cuộc khủng hoảng này đã làm cho chúng ta nhận ra, đã cải cách thì phải triệt để. Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đã đề ra những chủ trương cải cách mang tính lịch sử, và đó chính là “Đại hội của Đổi mới”. Tháng 3/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Nghị quyết số 22/HĐBT về thành lập Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (CNQP-KT). Trong đó ghi rõ chức năng của Tổng cục là: “Thực hiện quản lý nhà nước đối với các xí nghiệp sản xuất quốc phòng và cơ sở kinh tế trong toàn quân”. Nhiệm vụ cơ bản là chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất quốc phòng và kinh tế xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh tế, tài chính hằng năm, 5 năm và dài hạn; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các xí nghiệp sản xuất quốc phòng và các cơ sở kinh tế thực hiện đúng chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh; nghiên cứu đề nghị Bộ Quốc phòng trình cấp trên quyết định những chính sách, chế độ áp dụng cho các xí nghiệp và các cơ sở kinh tế của Quân đội. Ngay trong nhiệm vụ trên đã chỉ ra đặc điểm riêng của các xí nghiệp quốc phòng là những doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư và hầu hết làm nhiệm vụ công ích (trừ các doanh nghiệp chuyên làm hàng kinh tế); phải chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp nói chung và sự chi phối của doanh nghiệp công ích quốc phòng.
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ đó, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 46/CT về nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và làm kinh tế của Quân đội trong giai đoạn này là chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp quốc phòng theo Quyết định số 217 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo đó, trên cơ sở đảm bảo cho nhiệm vụ quân sự, cho phép Bộ Quốc phòng được huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật… đưa vào sản xuất phục vụ kinh tế; các tổ chức tổng công ty, công ty, liên hiệp xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động theo chế độ hạch toán độc lập, theo điều lệ xí nghiệp quốc doanh; các cơ sở sản xuất của Quân đội có đủ điều kiện được phép hợp tác kinh tế với nước ngoài; việc kế hoạch và quản lý lực lượng sản xuất quốc phòng và kinh tế của Quân đội tiến hành như đối với ngành sản xuất của Nhà nước và do Bộ Quốc phòng quản lý… Đây là những quy định cụ thể của Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà máy quốc phòng khai thác tốt nhất năng lực sản xuất, đóng góp cho nền quốc phòng và kinh tế quốc gia, cũng là tạo điều kiện cho ngành phát triển. Trên cơ sở đó, cùng năm 1989, Tổng cục đã ký hợp đồng đưa lao động sang Libya làm việc có thời hạn trong hai nhà máy sản xuất súng và đạn AK-47. Năm 1993, Tổng cục đã liên doanh với Tập đoàn Daewoo để thành lập Nhà máy Vidamco lắp ráp ô tô; hợp đồng mua liscence để sản xuất vũ khí với các nước Israel, Trung Quốc, Ucraina, Nga… ![]() Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 46/CT, Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Quốc phòng thành lập nhóm nghiên cứu cơ chế quản lý kinh tế đối với đơn vị quân đội làm kinh tế để ra quyết định. Trên cơ sở tổng kết công tác đổi mới quản lý các doanh nghiệp quốc phòng trong 5 năm (1985-1990), nhóm nghiên cứu đã đề nghị Hội đồng Bộ trưởng có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng. Vì vậy, để mở rộng đăng ký ngành nghề kinh doanh, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nhà nước, năm 1990, Bộ Quốc phòng quyết định cho phép các xí nghiệp quốc phòng mang tên và con dấu dân sự, như: Nhà máy Cơ điện 31, Nhà máy Cơ khí 17, Nhà máy Hóa chất 21, v.v. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu bảo đảm vốn phục vụ Quân đội, hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường, với sự phối hợp của các cơ quan chức năng, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP-KT đã lập tờ trình xin thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Nhiệm vụ của ngân hàng là huy động vốn của các tổ chức, cá nhân (chủ yếu là từ các doanh nghiệp quân đội) mua bán vốn thông qua thị trường chứng khoán, tiếp nhận vốn ủy thác… Trải qua 26 năm hoạt động, MB đã chứng tỏ tính đúng đắn, nhạy bén trong chủ trương quản lý của Tổng cục CNQP-KT. Đến nay, MB được xếp vào nhóm A, trở thành một trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam.
Những thành quả trong 10 năm đầu đổi mới ở Tổng cục CNQP-KT đã được Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đánh giá trong Nghị quyết số 06 (năm 1985) như sau: “Các doanh nghiệp trong Quân đội đã giải quyết được việc làm, ổn định tư tưởng và đời sống cho người lao động, nhất là số dôi dư biên chế. Doanh thu, nộp ngân sách tăng nhanh. Hầu hết các doanh nghiệp đều làm ăn có lãi, một số doanh nghiệp đã có đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất… Xuất khẩu và hợp tác liên doanh với nước ngoài phát triển khá”. Chính những đổi mới quản lý ở Tổng cục CNQP-KT đã đem lại những thành quả đó. Vì thế, giữa năm 1998, Bộ Quốc phòng giao cho Tổng cục CNQP-KT đăng cai tổ chức hội nghị triển khai sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước trong Quân đội. Hội nghị đã bàn bạc và tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng sắp xếp lại các doanh nghiệp. Theo đó, cuối năm 1998, Tổng cục CNQP-KT bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế sang Cục Kinh tế quản lý và đổi tên thành Tổng cục CNQP. Các doanh nghiệp, nhà máy là cơ sở CNQP nòng cốt, sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật do Tổng cục CNQP trực tiếp quản lý, vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Quốc phòng. Vì thế, năm 2000, 18 doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP đã được Nhà nước cấp phép trở thành các doanh nghiệp công ích trong Quân đội. Tổng cục tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp cho hợp lý như sáp nhập Nhà máy Z159 vào Nhà máy Z127, Nhà máy Z179 vào Nhà máy Z111, Nhà máy Z123 vào Nhà máy Z199, Công ty Xi măng X18 vào Công ty Tây Hồ… Thoái vốn tại Liên doanh lắp ráp ô tô Vidamco do làm ăn thua lỗ, cổ phần hóa doanh nghiệp không tham gia sản xuất hàng quốc phòng… Tất cả các nhà máy còn lại được tổ chức thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là vấn đề cốt lõi làm chuyển biến cả tư tưởng và hành động của cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp. Nhà nước giao vốn và tài sản cho doanh nghiệp; doanh nghiệp có những người đại diện Nhà nước quản lý tài sản đó, có trách nhiệm chăm lo, tổ chức sản xuất để bảo toàn và phát triển vốn. Có thể khái quát một số bước chuyển đổi tư duy quản lý trong ngành CNQP mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh đó là: Chuyển từ tư duy sản xuất theo mô hình kinh tế hiện vật, phi thị trường sang tư duy sản xuất theo mô hình kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường; gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội; từ tư duy đơn sở hữu sang tư duy đa sở hữu thành phần kinh tế; từ tư duy theo chế độ tập trung bao cấp, thụ động sang kinh tế thị trường đòi hỏi phải năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; từ tư duy phân phối “cào bằng”, sang hình thức phân phối theo lao động là chủ yếu; từ tư duy kinh tế khép kín sang kinh tế mở, chủ động hội nhập quốc tế; từ tư duy mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng với năng suất chất lượng, hiệu quả thấp sang mô hình phát triển theo chiều sâu năng suất chất lượng cao và phát triển bền vững. Đại tá PHẠM VĂN BẠCH Nguyên Trưởng ban Tổng kết Lịch sử - Tổng cục CNQP
|