Tin tổng hợp

CNQP&KT - Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chiến lược quân sự thiên tài của cách mạng Việt Nam. Điểm nổi bật trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là luôn coi trọng và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự.

Nghiên cứu nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hiện đại hóa Quân đội hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà là kết quả tổng hòa của những tiền đề lý luận và thực tiễn, khách quan và chủ quan, trong đó học thuyết quân sự Mác-Lênin, truyền thống dân tộc; phẩm chất, trí tuệ và sự mẫn cán của Hồ Chí Minh là cơ sở, nguồn gốc cơ bản, có ý nghĩa quyết định. Theo Hồ Chí Minh, trong hoạt động quân sự, quan hệ giữa con người và vũ khí gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau để tạo nên sức mạnh quân sự. Trong đó, con người là chủ thể giữ vai trò quyết định đối với vũ khí. Điều này vừa thể hiện sự kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của con người trong hoạt động quân sự: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1, vừa thể hiện sự vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”2. Bởi lẽ, con người trong hoạt động quân sự là lực lượng toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Hồ Chí Minh khẳng định: “Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không”3. Con người là chủ thể sáng tạo, sản xuất, cải tiến, sửa chữa, nâng cấp và trực tiếp sử dụng, phát huy tính năng của vũ khí trong chiến đấu. Với lẽ đó, để nâng cao sức mạnh quân sự phải luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng con người, nhất là về phẩm chất, sức khỏe, bản lĩnh chính trị, tinh thần, ý chí chiến đấu cũng như trình độ kỹ thuật, chiến thuật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc (tháng 5 năm 1952).           Ảnh: TL

Vũ khí trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là “vũ khí vật chất” mà cả “vũ khí tinh thần”. Trong đó, “vũ khí vật chất” bao gồm: gậy tầm vông, giáo, mác, súng, đạn, xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến... và “vũ khí tinh thần” là: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, hy sinh của quần chúng nhân dân…. Vũ khí là công cụ cơ bản, chủ yếu để biến sức mạnh tinh thần của con người thành sức mạnh vật chất. Vì thế, để nâng cao sức mạnh quân sự, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, bên cạnh phát huy nhân tố con người cần chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng, số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự.

“Vấn đề là ở chỗ tinh thần của con người phải truyền qua súng, tức là làm sao phải có kỹ thuật giỏi”.

 (Chủ tịch HỒ CHÍ MINH)

Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh quân sự là sức mạnh tổng hợp của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, v.v. Song, để phát huy sức mạnh quân sự, cần coi trọng mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự. Từ mối quan hệ giữa con người và vũ khí, kế thừa, phát huy truyền thống quân sự độc đáo của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa quân sự thế giới, nhất là từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đưa ra tư tưởng giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự đó là “người trước, súng sau”. Cùng với việc nhấn mạnh vai trò của con người trong mối quan hệ với vũ khí, Hồ Chí Minh cho rằng, trong hoạt động quân sự con người chỉ thực sự phát huy hết khả năng của mình khi được kết hợp với sức mạnh của vũ khí. Quan điểm đó của Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh vai trò quan trọng của vũ khí trong hoạt động quân sự mà còn khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết phải trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang và nhân dân đánh giặc, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản, bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, theo Người: “Vấn đề là ở chỗ tinh thần của con người phải truyền qua súng, tức là làm sao phải có kỹ thuật giỏi”4. Điều đó có nghĩa, con người là chủ thể sáng tạo và sử dụng vũ khí, cần tích cực, chủ động phát huy mọi khả năng và sức mạnh tiềm ẩn của vũ khí; con người cần phải được nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về kỹ thuật và chiến thuật.

Bộ đội tên lửa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.       Ảnh: CTV

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa con người và vũ khí, nhất là tư tưởng “người trước, súng sau” tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương của Đảng về “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại một số quân chủng, binh chủng, lực lượng” đã cho thấy rõ sự trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và vũ khí của Đảng ta, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra. Tuy nhiên hiện nay, trước tình hình thế giới, khu vực, trong đó có tình hình biển Đông diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19 đang hiện hữu; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; sự đe dọa của an ninh phi truyền thống; sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện của các loại hình vũ khí công nghệ cao cùng với các hình thái chiến tranh mới… Những điều đó đã và đang tác động không nhỏ đến xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là đối với quá trình hiện đại hóa Quân đội, bao gồm cả “hiện đại hóa con người” và hiện đại hóa vũ khí, trang bị. Vì vậy, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội.

Cấp ủy các cấp trong Quân đội cần coi trọng và tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức và hiểu biết đúng đắn về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và chức năng, nhiệm vụ của Quân đội… với nhiều hình thức, biện pháp đa dạng. Đồng thời, phát huy vai trò của các lực lượng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đi đôi với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng. Qua đó, góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội, làm cho Quân đội bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn là lực lượng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ đội Phòng không - Không quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: CTV

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo trong các nhà trường Quân đội theo hướng phát triển toàn diện năng lực người học và sát với yêu cầu thực tế; mở rộng hợp tác đào tạo trong nước, quốc tế; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các ngành, lĩnh vực được trang bị vũ khí, kỹ thuật công nghệ cao và các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Nâng cao chất lượng chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng và huấn luyện, diễn tập; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, nhất là huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại; huấn luyện thể lực, rèn luyện kỷ luật, bản lĩnh, ý chí cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu đặt ra của các hình thái chiến tranh mới.

Hai là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội.

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đến năm 2020 và những năm tiếp theo; các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển CNQP phù hợp với Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam và yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang và tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước. Trong đó, tập trung nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thành công một số vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nghiên cứu nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong hiện đại hóa Quân đội hiện nay.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.

Quán triệt và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế của Quân đội theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Thông qua đó tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ quân đội các nước, nhất là các nước phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Quân đội. Mặt khác, tăng cường quan hệ hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật và mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với khả năng và thực tiễn đất nước, nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.

Bốn là, phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng và huy động có hiệu quả các nguồn lực, góp phần hiện đại hóa Quân đội.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho Quân đội là hai nội dung căn bản trong hiện đại hóa Quân đội. Tuy nhiên, hiện đại hóa con người và vũ khí trang bị cho Quân đội sẽ không thể đạt mục đích đề ra nếu quá trình đó không huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân. Bởi vậy, điều quan trọng trước tiên là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và người dân về sự cần thiết hiện đại hóa Quân đội. Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trong hiện đại hóa Quân đội. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Quân đội; vai trò của Bộ Công thương, vai trò của doanh nghiệp và người dân trong huy động các nguồn lực tham gia phát triển CNQP, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.

Năm là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hiện đại hóa Quân đội.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là một nguyên tắc căn bản, nguồn gốc chủ yếu, quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội trong mọi thời kỳ cách mạng. Đó là vấn đề có tính quy luật, là một trong những nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, đồng thời là bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cách mạng thế giới và Việt Nam. Bởi vậy, để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội đòi hỏi phải: Quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội nói chung, hiện đại hóa Quân đội nói riêng; quan tâm xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội vững mạnh tiêu biểu, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại hiện nay. Trong đó, cần quán triệt đầy đủ, đúng đắn tư tưởng của Hồ Chí Minh về “người trước, súng sau”; chú trọng cả hiện đại hóa con người và hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong hiện đại hóa Quân đội. Tuy nhiên, xây dựng con người thực sự có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, có trình độ khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự cao cần phải đi trước một bước đối với quá trình hiện đại hóa Quân đội.

Đại tá, PGS, TS.PHẠM VĂN SƠN

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự

____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. V.I.Lê nin, Toàn tập, tập 41, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1978, tr.47.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.89.

3. Sđd, tập 4, tr.527.

4. Sđd,tập 14, tr.573.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: