Tin tổng hợp

CNQP&KT - Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch cuối cùng quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trước nhu cầu rất lớn về vũ khí, Bộ Quốc phòng chủ trương tập trung mọi khả năng để bảo đảm, trong đó Quân giới Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (Quân giới Miền) đã góp công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị phục vụ cho chiến dịch thắng lợi.

Thực hiện nhiệm vụ sản xuất vũ khí cho chiến dịch, từ các xưởng của Quân giới Miền (Z1, Z24, Z21, Z26, OX1, OX2), các xưởng khu vực BX12 (Đoàn 814) và Z29 (Đoàn 220) đến các xưởng quân khu, tỉnh, các công trường vũ khí huyện, xã đều dấy lên không khí thi đua sản xuất vũ khí sôi nổi.

Quân giới Miền phát động đợt sản xuất cao điểm 20 ngày đêm (từ ngày 5 đến 25/4/1975). Với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, 4 xưởng của Quân giới Miền (Z1, Z24, Z26, Z29) và Xưởng khu vực BX12 đã sản xuất 3.600 trái mìn MĐH10, 6.000 trái bộc phá phá rào. Đặc biệt, cùng với khí thế “thần tốc” của chiến dịch, Xưởng Z1 trong 3 tháng đầu năm 1975 đã sản xuất được lượng vũ khí bằng cả năm 1974. Cán bộ của Phòng Quân giới Miền trực tiếp xuống các xưởng theo dõi chỉ đạo và trực tiếp báo cáo tình hình sản xuất về cơ quan Hậu cần Miền. Trong đợt thi đua cao điểm này, xuất hiện nhiều sáng kiến cải tiến như: Xưởng Z24 cải tiến phương pháp đúc thuốc cho bộc phá phá rào, đưa năng suất lên gấp đôi; Xưởng Z1 có sáng kiến dùng sắt tròn đường kính Φ8mm thay thế cho tôn dày 3mm để gia công chân mìn lõm MCSIO và mìn định hướng, giảm được 20% thời gian sản xuất. Kết quả là nhiều loạt vũ khí có sức công phá lớn được xuất xưởng, trong đó có 2.324 mìn định hướng MĐH10 và MĐH20, trên 300 trái bộc phá phá rào; 40 giá phóng và 210 đạn phản lực B20… Ngày 26/4/1975, Quân giới Miền cung cấp cho chiến dịch 6.809 bộc phá phá rào, 3.621 mìn định hướng. 

Tổng lắp súng B40 ở Nhà máy Z125 trong kháng chiến chống Mỹ.  Ảnh: TL

Cùng thời gian, Ban Quân giới các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ cũng nhanh chóng thành lập thêm các xưởng, tích cực thu gom nguyên vật liệu sản xuất vũ khí. Trong vòng hai tháng (từ tháng 2 - 4/1975), Quân giới và nhân dân tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đã thu gom được 8.159kg nhôm, 297kg chì, 75kg đồng thau và vận chuyển 20 tấn nguyên liệu cung cấp cho xưởng vũ khí tỉnh. Xưởng Quân giới tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đã sản xuất được 1.281 mìn và thủ pháo, 3.135 bệ phóng các loại. Ban Quân giới tỉnh khẩn trương thành lập thêm 3 phân xưởng vũ khí (phân xưởng vỏ đạn, bệ phóng và hóa chất); đầu tháng 4/1975, đã sản xuất được 322 bệ phóng, 620 đạn các loại…

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhu cầu vũ khí, đạn dược lên tới 30.000 tấn. Do đó, các xưởng của Quân giới Miền và Xưởng khu vực BX12 đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí, trong đó làm ra hàng nghìn trái mìn MĐH10 và bộc phá phá rào. Đặc biệt, Xưởng Z1 trong 3 tháng đầu năm 1975 đã sản xuất được lượng vũ khí bằng cả năm 1974.

Cùng với sản xuất, đầu năm 1975, hệ thống xưởng sửa chữa vũ khí trang bị của Quân giới Miền được phát triển mạnh, gồm 2 xưởng của Miền, 10 trạm sửa chữa của quân khu và sư đoàn, 28 trạm của các trung đoàn. Trạm sửa chữa của Đoàn 75 và của các trung đoàn pháo tổ chức nhiều đội cơ động theo sát đội hình tiến công của bộ đội, nhanh chóng sửa chữa nhỏ và vừa bằng phương pháp thay thế cụm. Việc đưa người và phương tiện xuống các đơn vị đi theo sát chiến dịch để tiến hành sửa chữa vũ khí tại chỗ đã nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật lên rất nhiều.

Ngoài ra, để đảm bảo sửa chữa vũ khí, trang bị cho các đơn vị tham gia chiến dịch, Hậu cần Miền còn triển khai nhiệm vụ cho các đoàn hậu cần (814, 230, 235, 210, 220, 770)…Cuối tháng 3/1975, hệ thống cơ sở sửa chữa của Miền được bố trí xong: Đoàn Hậu cần 235 triển khai ở Chơn Thành, Dầu Tiếng bảo đảm sửa chữa cho Quân đoàn 3; Đoàn Hậu cần 210 ở Đồng Xoài, Bến Bầu sửa chữa cho Quân đoàn 1; Đoàn Hậu cần 814 dồn lực lượng xuống La Ngà, Túc Trưng, Dầu Giây trên Đường số 20 và Đường số 1, có Trạm Z78 bảo đảm sửa chữa cho Quân đoàn 4, Quân đoàn 2; Đoàn Hậu cần 230 ở phía Bắc Đường số 4, có Trạm tiểu tu Z80, cùng Đoàn Hậu cần Đồng Tháp Mười bảo đảm sửa chữa cho Đoàn 232 (tương đương quân đoàn). Bên cạnh đó, còn có 5 trạm sửa chữa pháo bố trí ở các căn cứ hậu cần - kỹ thuật trên 5 hướng tiến công của chiến dịch.

Phóng thử đạn SS cải tiến của Xưởng Z201, Tây Nam Bộ (năm 1973).        Ảnh: TL

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị là giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong thời gian sớm nhất, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, từ ngày 14/4/1975, các trạm, xưởng sửa chữa của Hậu cần Miền tập trung bảo đảm cho bộ đội hành quân “thần tốc”. Xưởng Z58 bố trí ở Bù Đốp, Xưởng Z73 ở ngã ba Cốc Rưới, Trạm T201 ở Đồng Xoài… đưa thợ và dụng cụ ra mặt đường để tiến hành sửa chữa vũ khí, trang bị cho các đơn vị hành quân cơ giới đi qua. Anh em thợ thay nhau trực suốt ngày đêm, phấn đấu sửa chữa nhanh nhất cho bộ đội. Trong chiến dịch, để kịp thời bảo đảm cho các binh đoàn thọc sâu tác chiến theo 5 hướng chiến dịch được nhanh chóng, Hậu cần Miền đã tổ chức các bộ phận sửa chữa cơ động chở từ 1 đến 2 cơ số vật tư kỹ thuật theo xe đủ bảo đảm phục vụ tiến công liên tục.

Công tác sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị của Quân giới Miền ngoài việc đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời còn khẳng định bước trưởng thành vượt bậc về bảo đảm vũ khí của chiến dịch tiến công, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn cho bộ đội đánh chiếm đô thị, đánh phản kích và truy kích tiêu diệt địch rút chạy trên địa hình rộng lớn và để lại nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn hết sức quý báu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN THANH TRẦN

Khoa Hậu cần - Kỹ thuật, Học viện Quốc phòng

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: