Giáo sư Tạ Quang Bửu với ngành Quân giới11/09/2020 09:04:56 AMCNQP&KT - Giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một trong những người có đóng góp quan trọng đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ nói chung và ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) nói riêng. Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Năm 1922, ông thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông ra Hà Nội học ở Trường Bưởi. Từ năm 1930 đến năm 1934, ông học tập tại Trường Centrale (A) Paris; học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh). Từ năm 1942 đến 1945, ông là Vụ trưởng Vụ nghiên cứu điện - nước Trung kỳ. Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Tháng 9/1945 đến tháng 1/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh. Từ tháng 11/1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến, ông vừa tham gia các công việc của Chính phủ, vừa giảng dạy Vật lý tại Trường Đại học Hà Nội. Sau Tổng tuyển cử 6/1/1946, Giáo sư Tạ Quang Bửu là đại biểu Quốc hội Khóa I (tỉnh Hà Tĩnh) được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là Luật sư Phan Anh). Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện và cấp dưỡng Quân đội. Giáo sư Tạ Quang Bửu phụ trách văn phòng và 10 cục chuyên môn. ![]() Năm 1946, Giáo sư Tạ Quang Bửu là thành viên chính thức trong đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau tại Pháp do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Sau đó, ông và Tiến sĩ Bửu Hội được cử tham dự Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày thành lập Hội các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên Thụy Sĩ. Đây là cơ hội để ông kết nối giữa các nhà khoa học 2 nước và cũng để thế giới biết rằng có đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày ở Pháp, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã mua và mang về nước một số tài liệu về kinh tế, chính trị và kỹ thuật, công nghệ vũ khí để phục kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng đất nước sau này. Số tài liệu trên một phần được ông chuyển về Văn phòng Chính phủ, một phần được chuyển về thư viện Bộ Quốc phòng và sau đó chuyển về Nha Nghiên cứu kỹ thuật (nay được lưu giữ ở thư viện Viện Vũ khí - Tổng cục CNQP). Tháng 8/1947, Giáo sư Tạ Quang Bửu được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó một năm trở lại cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao và được giao phụ trách việc chuyển các cơ sở nghiên cứu, kỹ thuật lên chiến khu; xây dựng tổ chức Bộ Quốc phòng và Quân đội. Trong đó có hai việc lớn cần phải làm ngay là xây dựng một trường đào tạo chỉ huy và một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vũ khí hoàn chỉnh. Các cục chuyên môn cũng được củng cố, hoàn thiện mà chưa có tiền đề.
Trong thời gian Giáo sư Tạ Quang Bửu giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng duy nhất, ông đều rất quan tâm đến khoa học - công nghệ nói chung và ngành Quân giới nói riêng. Đặc biệt, đối với Nha Nghiên cứu kỹ thuật (NCKT), sau là Viện Nghiên cứu quân giới và Cục Quân giới, Giáo sư Tạ Quang Bửu luôn dành sự quan tâm đặc biệt cả về tổ chức cũng như nhân sự. Cụ thể, năm 1946, Giáo sư Phạm Quang Lễ được Bác Hồ đưa về nước, đặt tên là Trần Đại Nghĩa và giao trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới kiêm Giám đốc Nha NCKT. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã giúp Giáo sư Trần Đại Nghĩa đề xuất mô hình tổ chức và giới thiệu nhân sự của Nha NCKT với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Trong bài viết của ông Nguyễn Phước Hoàng (Tôn Thất Hoàng) trong cuốn sách “Giáo sư Tạ Quang Bửu, thày Bửu, anh Bửu nhà hoạt động xã hội” đã viết khá chi tiết về cơ cấu tổ chức của Nha NCKT những ngày đầu thành lập mà đã có đủ các phòng, ban chuyên môn, như: Phòng Xạ thuật, nghiên cứu về đường đạn và kỹ thuật phóng; Phòng Hóa chất, nghiên cứu chất nổ, chất phóng và công nghệ sản xuất; Phòng Cơ khí, chuyên thiết kế các bộ phận cơ khí súng và đạn; Xưởng mẫu chế tạo mẫu; Phòng Tác chiến công dụng thử nghiệm và nghiệm thu vũ khí, tìm hiểu vũ khí thu được, huấn luyện sử dụng và tiếp thu ý kiến phản hồi của người sử dụng. Ngoài ra, Nha NCKT còn có các phòng, ban hành chính, quản trị, tiếp liệu. Về nhân sự, ngoài ông Hoàng Đình Phu, được giới thiệu về làm Phó Giám đốc Nha NCKT, trưởng nhóm “Cốt cán 1”, Giáo sư Tạ Quang Bửu còn điều động ông Lê Khắc từ ngành đường sắt về làm Trưởng phòng Xạ thuật. Tiếp đến, điều ông Phạm Đồng Điện về làm Trưởng phòng Hóa chất, ông Phạm Duy Khương làm Phó phòng; điều ông Nguyễn Văn Bào từ Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội về làm Trưởng phòng Cơ khí kiêm Xưởng mẫu; điều ông Tôn Thất Hoàng từ Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn về làm Trưởng phòng Tác chiến công dụng. Một thời gian sau, Nha NCKT lại tiếp tục được bổ sung nhóm “Cốt cán 2” gồm Nguyễn Trinh Tiếp, Đỗ Đức Dục từ Cục Dân quân về làm Trưởng phòng và Phó phòng Xạ thuật; Nguyễn Đức Thừa làm Phó phòng Hóa chất; Bùi Minh Tiêu, sinh viên Khoa học Hà Nội về làm Phó phòng Cơ khí; Phan Văn Diên, sinh viên ngành Y về làm Trưởng phòng Hành chính. Rồi tiếp đến là các ông Lê Văn Chiểu, Phan Tây, Phan Thượng Trí, Phạm Văn Ngân, Hồ Hữu Phương, Lê Phương Cảo… cũng về đầu quân cho Nha NCKT. Sau khi Nha NCKT ổn định tổ chức, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã giao nhiệm vụ cho nhóm cán bộ “Cốt cán 1” là phải nhanh chóng học nghề của thầy Nghĩa để trở thành những trợ lý đắc lực của Cục trưởng Cục Quân giới, góp phần đẩy mạnh sản xuất vũ khí, khí tài đối phó với địch rất mạnh về cơ giới, vũ khí, công sự chiến đấu. Ngoài việc quan tâm xây dựng tổ chức cho Nha NCKT và Cục Quân giới, Giáo sư Tạ Quang Bửu còn theo dõi, chỉ đạo rất sát sao việc hoàn chỉnh súng, đạn Bazoka phục vụ bộ đội chiến đấu. Cụ thể, sau trận đầu sử dụng Bazoka đánh giặc, từ phản hồi của ông Vương Thừa Vũ, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã chỉ thị cho Nha NCKT tìm nguyên nhân và hoàn chỉnh đạn cả về khả năng phóng và xuyên phá trong thời gian sớm nhất có thể. Từ năm 1950, Quân đội ta bắt đầu nhận được viện trợ của các nước anh em, Tổng cục Cung cấp được thành lập và Thứ trưởng Tạ Quang Bửu trực tiếp phụ trách công tác này. Những cán bộ của Nha NCKT- sau này là Viện Nghiên cứu kỹ thuật Quân giới phần lớn được chuyển sang làm nhiệm vụ khai thác, hướng dẫn sử dụng các loại vũ khí mới. Nhớ về những năm tháng được sống và làm việc tại Cục Quân giới và Nha NCKT, ông Hoàng Đình Phu đã có cảm nghĩ: “Ngày nay nhìn lại, thật không khỏi ngạc nhiên vì sao lúc ấy, vào những năm 1946-1947, Quân đội ta lại có thể dựng lên được một cơ quan nghiên cứu kỹ thuật có tính hoàn chỉnh cao như vậy, ngay cả khi đối chiếu với những nguyên lý của lý thuyết hệ thống, những nguyên lý của tổ chức khoa học mà ta được biết trong thời gian gần đây”. Còn Giáo sư Lê Thạc Cán, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) kể lại một câu chuyện, đại ý: Năm 1968, Giáo sư Tạ Quang Bửu lên Đại Từ (Thái Nguyên) thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đang sơ tán trên đó. Nửa đêm vượt qua suối đang bị nước lũ, xe com-măng-ca chở đoàn bị chết máy không qua được, mọi người và cả Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng xuống đẩy cũng không được. Gần đó có một quán nhỏ, anh em vào nhờ nhân dân địa phương giúp đỡ. Khi Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng người bảo vệ đi tới, người chủ quán giật mình, hỏi: “Thủ trưởng nào đấy?” rồi tiến về phía giáo sư: “Anh là anh Bửu quốc phòng phải không? Nghe giọng và nhìn dáng anh, em nhận ra ngay. Em là H ở ATK 10 đây mà!”. Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng nhận ra ngay người công nhân quốc phòng trong kháng chiến. Tâm sự mấy câu là anh H đạp xe đi gọi phương tiện đến hỗ trợ đoàn, gồm mấy dân quân và 2 con trâu đã giải cứu thành công. Thật xúc động về một câu chuyện nhỏ giữa 2 người lính thợ Quân giới. Có thể nói, Giáo sư Tạ Quang Bửu là người có đóng góp rất lớn cho ngành Quân giới - CNQP Việt Nam, nhất là trong công tác xây dựng lực lượng. Đội ngũ cán bộ Quân giới do Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng các cộng sự đào tạo, huấn luyện, bố trí, sử dụng đều đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nghiên cứu thiết kế, chế tạo được nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ bộ đội chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, cũng như công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Thiếu tướng TẠ QUANG CHÍNH Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục CNQP (Ghi chú:Trong bài có sử dụng tư liệu của các tác giả: Hoàng Đình Phu, Phan Phác, Tôn Thất Hoàng, Lê Thạc Cán)
|