Nhớ về bố10/09/2020 08:55:44 PMCNQP&KT - Có lẽ nhiều đồng nghiệp trong ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP), cùng các thế hệ cán bộ, công nhân tại Nhà máy Z121, có biết và còn nhớ bố tôi - cố Đại tá Lê Đình Tuy (1939-2002), nguyên Giám đốc Nhà máy Z121, người được trân quý ghi nhận là “Người khai sinh pháo hoa Việt Nam”. Đã tròn 18 năm kể từ ngày bố tôi rời xa “cõi tạm”, tôi vẫn nhớ về ông mỗi ngày. Bố đến trong những giấc mơ của tôi, gần gũi như thời còn sống. Bóng hình ông thoảng qua khi tôi rong ruổi đưa con đi du lịch đó đây, khi tôi ngồi ngắm con tô màu cho bức vẽ, hay khi tôi sắp xếp ly cốc, dĩa thìa chuẩn bị cho một bữa tiệc vui. Với tôi, thật khó để diễn tả hết bằng lời mối gắn kết nặng sâu và keo sơn đến vậy. Bố tôi nổi tiếng thông minh, tài hoa và đức độ. Ông ham học và học giỏi từ bé. Ngay từ thời cấp 2, ông đã rời gia đình để đi trọ học xa nhà. Tốt nghiệp Trường PTTH Chuyên Lam Sơn, ông tiếp tục việc học tại Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các bạn thân của ông, mỗi khi có dịp ngồi ôn lại chuyện xưa, lại kể cho chúng tôi nghe về những giai thoại thời sinh viên của bố, về những điểm 10 toán, về trò thách đố bố tôi đọc ngược đọc xuôi chính xác các trang được chọn ngẫu nhiên trong cuốn từ điển tiếng Nga dày cộp... ![]() Ra trường với tấm bằng kỹ sư hóa đúng lúc đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy cam go, bố tôi đã nhanh chóng gia nhập ngành Quân giới, đi xây dựng Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113) chuyên sản xuất hỏa cụ phục vụ chiến trường và sau đó là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà máy Z4 ở Phú Thọ (tiền thân của Nhà máy Z121 ngày nay). Có thể nói, với vai trò là cán bộ Phòng Kỹ thuật từ ngày đầu thành lập (1966-1972), Trưởng phòng Công nghệ (1973-1975), rồi Phó Giám đốc kỹ thuật (1976-1980), Giám đốc Nhà máy (1983-2000), ông đã dành gần trọn cuộc đời mình để cống hiến cho sự phát triển của Nhà máy Z121 nói riêng và ngành CNQP Việt Nam nói chung.
Cuộc đời của ông gắn liền với những tháng năm đằng đẵng xa gia đình để thực hiện những chuyến đi học tập, công tác dài ngày ở nước ngoài (Trung Quốc: 1971-1972; Liên Xô: 1981-1982; Nhật Bản và nhiều quốc gia khác). Khi làm việc tại nhà máy, ông ngày đêm bám xưởng cùng cán bộ, công nhân mày mò thử nghiệm, cải tiến và chế tạo thành công rất nhiều sản phẩm quốc phòng mới (ống nổ, hạt lửa, thuốc gợi nổ, nụ xùy các loại...) và các sản phẩm kinh tế (pháo, thuốc đen, dây cháy chậm, dây nổ chịu nước, ống nổ vi sai, kíp vi sai an toàn hầm lò, đạn thể thao, đạn súng săn, phụ tùng ô tô, xe đạp...). Chỉ riêng về pháo, nhiều chủng loại sản phẩm đã được phát triển, như: pháo hoa phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước và xuất khẩu; pháo đùng, pháo tép, pháo hoa gia đình (thương hiệu pháo Phong Châu nổi tiếng một thời) phục vụ nhu cầu của người dân. Tham gia lãnh đạo Nhà máy vào giai đoạn đất nước gặp muôn vàn khó khăn, gánh nặng việc làm và chăm lo đời sống của hơn 2.000 cán bộ, công nhân luôn trĩu trên vai, bố tôi lại vắt kiệt sức mình ngược xuôi khắp dặm dài đất nước và ra cả nước ngoài (Mỹ, Bỉ, Đức, Pháp, Nhật Bản) để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm quốc phòng và kinh tế của Nhà máy. Trên cương vị nào và với vai trò gì, ông cũng đều nỗ lực hết sức để hoàn thành các trọng trách được giao. Là chuyên gia kỹ thuật, ông hiểu sâu về công nghệ và góp phần phát triển đa dạng chủng loại sản phẩm có giá trị. Là nhà quản trị doanh nghiệp, ông cùng tập thể chèo lái con thuyền Z121 phát triển ổn định và hiệu quả, đưa Nhà máy trở thành đơn vị làm kinh tế giỏi nhất, dẫn đầu Tổng cục CNQP. Suốt nhiều thập kỷ, Z121 đã có những đóng góp to lớn cho ngành, cho xã hội và ngày càng phát triển ổn định. Hệ thống nhà xưởng, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất được xây dựng quy mô và hiện đại. Hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được triển khai và áp dụng vào sản xuất. Doanh thu của Nhà máy sau 10 năm đổi mới (1996) đã cán mốc 100 tỷ đồng/năm - cao nhất trong số các nhà máy quốc phòng thời kỳ đó. Sản phẩm pháo hoa do Z121 sản xuất đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và một số quốc gia khác. Đời sống vật chất và tinh thần của gia đình cán bộ, công nhân được cải thiện rõ rệt. Đường sá được mở rộng; nhà trẻ, thư viện, nhà tập thể, hội trường, sân bóng đá, bể bơi được xây dựng và nâng cấp khang trang. Các chương trình chiếu phim, văn nghệ và các cuộc thi đấu thể thao thường xuyên được tổ chức… ![]() Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Nhà máy Z121 đã hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVT Nhân dân (năm 1989) và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004). Nhà máy trở thành cánh chim đầu đàn, niềm tự hào của ngành CNQP Việt Nam. Cá nhân bố tôi cũng được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương và bằng khen. Nhiều đồng nghiệp và công nhân các thế hệ đến nay vẫn còn nhắc đến “Thủ trưởng Tuy” với niềm kính trọng và biết ơn.
Ẩn sau những thành công mà bố tôi đạt được trong công tác là những hy sinh thầm lặng của cá nhân, là sự trợ giúp không giới hạn của rất nhiều người, từ những người thân trong gia đình tới những đồng nghiệp tâm huyết, giỏi nghề và bạn bè tri kỷ luôn sát cánh bên ông. Khi ngồi viết những dòng này, tôi nhớ đến những con người - thế hệ đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà máy Z121, như bác Tùng, bác Bả, bác Chử, bác Cư, bác Hồ, bác Nếp, bác Quýnh, bác Chấn... Tôi nhớ đến chú Thắng lái xe, gần gũi với bố tôi như anh em một nhà; nhớ đến bác Lương, bác Quỳnh, bác Vấn, bác Kha, chú Túc là những người bạn thân và cũng là những lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị đã luôn hết lòng giúp đỡ ông trong cuộc sống và sự nghiệp. Tôi nhớ đến bà ngoại và mẹ tôi đã tần tảo cả đời làm hậu phương vững chắc giúp bố tôi luôn yên tâm công tác. Tôi nhớ bố đã phải chịu đựng nỗi mất mát to lớn, dù luôn canh cánh trong lòng nhưng không thể dành nhiều thời gian trực tiếp đi tìm mộ phần của hai người em trai hy sinh ở chiến trường miền Nam. Bố tôi còn mất cha khi đang học tập ở Liên Xô và chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng vì không thể về gặp ông nội tôi lần cuối. Đi công tác triền miên và thời gian ở cơ quan nhiều hơn ở nhà, bố tôi còn thiệt thòi khi không được chứng kiến sự lớn lên hằng ngày của các con. Đến giờ, bà ngoại tôi vẫn thường kể về những đêm đông giá lạnh, đến 1-2 giờ sáng bố tôi mới co ro trong chiếc áo măng tô dài từ xưởng trở về nhà. Chú lái xe nhiều năm gắn bó với bố tôi thì kể về những chuyến đi công tác đầy hiểm nguy và vô cùng vất vả. Đường sá thời đó chỗ nào cũng la liệt ổ gà, ổ voi mà ông thì triền miên ăn ngủ và làm việc trên xe ô tô “xóc long cả óc”. Trong một chuyến đi, ông đã suýt mất mạng vì xe ô tô bị tai nạn đâm vào gốc cây, đầu xe quay tròn còn ông thì bay cả người xuống ruộng lúa... ![]() Về nhân cách, khi đã đủ lớn khôn để hiểu chuyện, tôi vẫn không hiểu vì sao bố tôi có thể quan tâm đến từng người dù bận trăm công nghìn việc. Tôi cũng không thể hiểu ông được giáo dục thế nào mà sống nghiêm túc, trách nhiệm và có tình cảm nặng sâu với quê hương, đất nước, con người đến vậy. Lúc nào ông cũng nghĩ cho người khác, sống vì mọi người và yêu thương chân thành. Trong trí nhớ non nớt ngày bé của tôi còn lưu giữ hình ảnh bố vừa bế em gái Lê Hòa, vừa vẽ tranh để dỗ em nín khóc; hay hình ảnh ông ngồi chiếu phim hoạt hình và cổ tích của nước Nga xa xôi lên bức tường nhà và say sưa dịch cho đám trẻ chúng tôi hiểu. Lớn lên chút nữa, tôi lưu hình ảnh ông cùng chị em chúng tôi chuẩn bị đêm Trung thu; nhớ lời ông dạy các con qua các nhân vật lịch sử và từ các câu chuyện thực tế. Bố tôi còn tận dụng mọi lúc có thể và dùng hết những gì mình có để thăm nom và chia sẻ; có thể là với con em cán bộ, công nhân viên Nhà máy, với chú cảnh vệ hay chú lái xe, là bà cô họ xa hay đứa cháu mới sinh. Khi chú Nha (em trai bố tôi) hy sinh, ông đã hết lòng yêu thương và tận tâm chăm sóc hai cháu Phương, Ngọc. Em Hà (vợ của Ngọc) kể cho tôi nghe là em đã rơi nước mắt khi ông đi thăm chợ, gửi người hàng xóm mang về cho mẹ con em lúc thì con cá, khi cái chân giò. Chị Mai Phương (cháu gọi ông là cậu) thì nhớ: “Những lần cậu về họp hay đi công tác qua, dù muộn mấy cũng rẽ vào thăm mẹ con chị”. Còn anh Quang Trung (một chuyên gia) nhận xét về ông: “Một con người rất đáng tự hào! Nếu giống như ở Nhật Bản, họ dựng tượng ông tổ nghề, thì có lẽ với nghề làm pháo hoa Việt Nam sẽ có tượng cụ Tuy và cụ Ken Nozawa.” Thiếu tướng Tạ Quang Chính (con trai Giáo sư Tạ Quang Bửu và là đồng nghiệp của bố tôi ở cơ quan Tổng cục CNQP) đã nhận xét: “Một cán bộ quản lý giàu tâm huyết, trách nhiệm, tài năng và rất đôn hậu, chân thành, dí dỏm”. Chị Trần Điệp (con em cán bộ Nhà máy Z121) chia sẻ: “Bác là người giỏi nhất trong các đời giám đốc, là người đầu tiên mang cuộc sống khá giả đến cho dân Z4. Ai cũng nể trọng!”… Tôi nghĩ, có lẽ trong cuộc đời mỗi người chỉ cần nhận được một vài lời khen ngợi như trên thì đã rất ý nghĩa và đáng sống lắm rồi. Năm nào giỗ bố, họ hàng, con cháu, bạn bè… cũng đều tề tựu rất đông, dù nhiều khi mẹ tôi cũng không chủ động mời. Mọi người nhớ đến bố không chỉ vì ông là người thân, là ruột thịt, là thủ trưởng, mà đơn giản nhớ vì bố có trái tim vô cùng ấm áp, luôn sống chân thành, trách nhiệm và tràn đầy yêu thương. Mãi thương, mãi nhớ, mãi tự hào về bố! PGS, TS. LÊ THỊ THU HIỀN Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
|