Tin tổng hợp

CNQP&KT - Thuộc thế hệ cán bộ đầu tiên của ngành Quân giới, trải qua không ít lần bị tai nạn để lại nhiều thương tích trên cơ thể và có cả những lần “chết hụt”, thế nhưng bằng ý chí, nghị lực của người lính thợ Quân giới, Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm đã vượt qua những khó khăn, thử thách, góp phần làm ra vũ khí phục vụ kháng chiến.

CHẾ TẠO QUẢ LỰU ĐẠN ĐẦU TIÊN

Trong căn hộ giản dị ở phố Trần Huy Liệu (quận Ba Đình, Hà Nội), bà Ngô Thị Hòa, nguyên cán bộ Viện Khoa học vật liệu (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - con gái thứ tư trong số 5 người con của Anh hùng Ngô Gia Khảm, bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm về cha mình. Bà cho biết: “Cả đời tận tụy cống hiến, hy sinh cho cách mạng, nhưng khi cha còn sống, tôi rất ít được nghe ông kể về mình. Những câu chuyện tôi biết phần nhiều là qua đồng đội của ông kể lại…”.

Theo lời giới thiệu của bà, chúng tôi tìm gặp Đại tá Phan Trọng Phan, nguyên Trưởng ban Công đoàn, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), người từng có thời gian làm thư ký cho Anh hùng Ngô Gia Khảm. Trong ký ức của Đại tá Phan Trọng Phan, Anh hùng Ngô Gia Khảm là tấm gương mẫu mực về sự giản dị: “Năm 1951, tôi bắt đầu về làm thư ký cho ông ở Xưởng H52. Trong những chuyến công tác thường kéo dài hàng tuần lễ, ngoài dặn tôi mang theo gạo để nấu cơm, hạn chế phiền hà đến người dân, bao giờ ông cũng bảo tôi mang theo một ít báo. Nếu rét quá thì nhét báo vào trong áo sẽ ấm hơn rất nhiều, ông nói với tôi như vậy! Thi thoảng, vào những phút rảnh rỗi hiếm hoi, Thủ trưởng Ngô Gia Khảm lại kể cho tôi nghe về những ngày tháng chế tạo loạt vũ khí đầu tiên…”.

Xưởng diêm tiêu thuộc Xưởng Hóa chất H52 do Quản đốc Ngô Gia Khảm điều hành trong rừng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.  Ảnh: TL

Theo Đại tá Phan Trọng Phan: Trước khi được Việt Minh giao tham gia sản xuất, chế tạo lựu đạn, Ngô Gia Khảm lúc đó chỉ quen với công việc của một người thợ cơ khí. Năm 1944, được tổ chức giao nhiệm vụ, ông suy nghĩ lắm. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa hề biết gì về thuốc nổ, lại là công việc liên quan đến sinh mạng con người… Nhưng Đảng và nhân dân đã giao, thì dù có khó khăn, nguy hiểm đến đâu ông cũng phải làm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Ngô Gia Khảm ướm hỏi vợ (bà Phạm Thị Thơm): “Nếu bây giờ tôi phải đi thoát ly, công tác cho Đảng thì mình làm sao nuôi nổi các con?”. Sau khi được vợ động viên, ông đã quyết định tham gia cách mạng, nhận nhiệm vụ Đảng giao. Sau đó, cấp trên đã cử đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân - một người có hiểu biết về cách pha chế thuốc nổ chế tạo mìn, lựu đạn cùng thực hiện nhiệm vụ với Ngô Gia Khảm.

Bác Hồ trong lần đến thăm Nhà máy Toa Xe lửa Gia Lâm do Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm (ngồi gần Bác, ôm mũ) làm Giám đốc.     Ảnh: TL

Kể từ ngày đó, Ngô Gia Khảm và Nguyễn Ngọc Xuân bắt tay vào xây dựng binh công xưởng, được đặt tại làng Chè (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Ngày đầu mới thành lập, Xưởng làng Chè được đặt tại căn phòng của một gia đình nông dân tự nguyện hiến cho cách mạng. Xưởng có 4 người, gồm ông Khảm, ông Xuân và hai người thợ; phương tiện cũng không có nhiều, ngoài cái máy tiện cũ và một chiếc bễ làm bằng thân cây; lò dùng để đúc gang là một chiếc thùng xăng cưa đôi. Mới đầu, họ lúng túng lắm, cứ mò mẫm pha chế, dùng chày cối để giã thuốc nổ. Ông Xuân cứ đập, giã, rồi lấy thuốc đưa lên mũi ngửi, xong lại chìa ra hỏi ông Khảm xem đã ra mùi thuốc súng chưa?

Tìm được công thức chế tạo thuốc nổ, lại đến công đoạn đúc vỏ lựu đạn. May sao, đội du kích Đình Bảng kiếm được một quả lựu đạn của Nhật sản xuất cho các ông làm mẫu. Quả lựu đạn được đúc rất tinh vi, sau nhiều ngày nghiên cứu, ông Xuân mới đưa ra sáng kiến về việc đúc vỏ để búa tay, bễ thợ rèn có thể sản xuất được. Về thuốc nổ, các ông tận dụng lấy thuốc nổ từ một quả bom “xịt” của địch. Hai tháng sau, quả lựu đạn đầu tiên, giống hình quả tim, trên khắc nổi hai chữ V.M (Việt Minh) đã được tổng lắp hoàn chỉnh và đưa đi thử nghiệm nhưng lựu đạn không nổ. Họ lại bắt tay vào xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Sau một thời gian nghiên cứu chế lại thuốc, hạt nổ và thử nghiệm thành công. Nhưng Ngô Gia Khảm vẫn không yên tâm vì lo nhỡ để lựu đạn nổ trên tay Giải phóng quân, “đạn mình quay lại giết mình, thì thật tai hại”, nên ông tiếp tục đem lựu đạn sang Hưng Yên thử lại. Rất may, quả lựu đạn ném ra đúng 5 giây sau thì nổ...

Sau đó, những quả lựu đạn đầu tiên do Ngô Gia Khảm và các cộng sự chế tạo đã được sử dụng trong một trận phục kích địch tại Chiến khu Hoàng Hoa Thám, tiêu diệt được 11 tên lính Nhật. Nhận được được tin này, Ngô Gia Khảm và cộng sự sung sướng ôm lấy nhau, mừng rơi nước mắt.

Trước khí thế sục sôi của Cách mạng tháng Tám, binh công xưởng của Ngô Gia Khảm được lệnh gấp rút di chuyển để mở rộng sản xuất, kịp cung cấp cho Giải phóng quân. Vẫn với phương pháp vừa làm vừa phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từ chỗ xưởng chỉ đúc được 400 quả lựu đạn/ngày, sau được nâng lên hàng nghìn quả lựu đạn/ngày.

Ngô Gia Khảm có công lớn trong xây dựng xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc; bị thương 3 lần trong khi sản xuất. Ông đã góp phần đào tạo được nhiều công nhân quân giới và phục vụ nhiệm vụ kháng chiến. Ngày 19/5/1952, Ngô Gia Khảm được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

QUÊN THÂN MÌNH ĐỂ CHẾ THUỐC NỔ

Từ việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công lựu đạn, Ngô Gia Khảm lại được cấp trên giao nhiệm vụ thành lập xưởng hóa chất để nhồi đạn và các loại vũ khí khác. Do chưa có kinh nghiệm, ông tự tìm tòi, học hỏi. Cứ ngày hai buổi, sau khi xong công việc ở xưởng là ông lại vào phòng pha chế thuốc nổ, tìm hiểu được cách trộn clo-rát với phốt-pho để chế thuốc phuyn-mi-nat làm hạt nổ lựu đạn. Trong một lần pha chế, không may gói thuốc tự kích nổ làm ông bị thương rất nặng.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, binh công xưởng của Ngô Gia Khảm liên tục di chuyển địa điểm, tiến dần lên Việt Bắc, vừa di chuyển vừa tranh thủ sản xuất vũ khí. Một tháng, xưởng đã chế tạo được tới hàng vạn quả lựu đạn và 5.000 kíp nổ. Trong lúc công tác sản xuất đang đi vào nền nếp thì một tai nạn lại xảy ra. “Hồi ấy, sấy thuốc vẫn còn thô sơ lắm. Một hôm, khi anh em đã đi ngủ hết, anh Ngô Gia Khảm đi kiểm tra. Thấy tàn lửa đang bén lên mẻ thuốc nổ đang sấy dở, anh vội chạy vào dập lửa nhưng không kịp, mẻ thuốc bắt lửa bùng lên sáng lòa. Anh em xô lại, kéo anh ra. Nhớ đến bên cạnh chỗ sấy thuốc vẫn còn một đống đạn, anh thét gọi mọi người nhanh chóng rút ra. Vụ nổ lớn khiến anh bị thương tích toàn thân. Anh em đều nghĩ, anh sẽ không qua khỏi!” - Đại tá Phan Trọng Phan kể.

Anh hùng Ngô Gia Khảm (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội và con gái trong một chuyến công tác tại Moscow, Liên Xô, năm 1973.  (Ảnh do bà Ngô Thị Hòa cung cấp).

Tai nạn lần ấy khiến Ngô Gia Khảm phải nằm viện 7 tháng, các ngón tay trở nên co quắp, mặt mũi thì cháy sém. Các bác sĩ phải cấy ghép da từ cơ thể lên mặt ông, nhưng sau này những vết sẹo nhăn nhúm trên gương mặt cũng không thể lành được. Ra viện, nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông nghĩ, dù có bị thương tật thì mình vẫn còn sức, còn làm việc được cho kháng chiến. Ông tích cực rèn luyện để tay chân có thể hoạt động bình thường. Cuối năm 1947, ông đề nghị cấp trên cho tiếp tục công tác. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng cơ sở sản xuất thuốc đen ở Khu 10; xây dựng được 2 xưởng hóa chất; đào tạo được nhiều thợ mới. Với những thành tích xuất sắc đó, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1952 ở Việt Bắc, Ngô Gia Khảm vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động.

VĨ THANH

Trong ký ức của bà Ngô Thị Hòa, cha mình là một người rất tình cảm, yêu công việc. Tuy các ngón tay không thể duỗi thẳng, nhưng mọi việc ông đều làm rất khéo và hiếm khi phải phiền đến người khác. Năm 1973, bà Phạm Thị Thơm - người bạn đời của Anh hùng Ngô Gia Khảm, qua đời sau một cơn đột quỵ. Khi ấy, cô con gái Ngô Thị Hòa đang học tại Trường Hóa Lênin tại Moscow (Liên Xô). Trong một chuyến công tác, ông Khảm có ghé thăm con gái. Vì sợ con đau buồn sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, ông không nói đến sự mất mát quá lớn của gia đình. Bà Hòa kể: “Tôi không hề biết việc mẹ đã mất, cứ vô tư dẫn bố đi tham quan các thắng cảnh ở Moscow. Tôi đề nghị mua cho mẹ chiếc áo len màu cà phê sữa - màu mẹ thích nhất mà không để ý nét mặt của bố lúc đó rất buồn. Ông chỉ một mực từ chối bảo mẹ có nhiều áo rồi. Tôi lại đề nghị được tặng ông một món quà gì đó thì ông bảo: Bố chỉ cần một cái ê-tô (dụng cụ để kẹp và giữ chặt các chi tiết - PV). Lúc ấy tôi mới biết, sau bao nhiêu năm, ông vẫn rất yêu nghề, dù khi ấy ông đã chuyển sang công tác khác”.

Là một người cha, Anh hùng Ngô Gia Khảm hết mực thương con, quý cháu. Vẫn theo bà Ngô Thị Hòa: “Những ngày kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, khi chị gái Ngô Thị Hồng có quyết định điều chuyển vào Tây Nguyên công tác, bố tôi đã động viên chị rất nhiều. Chị tôi đi vài năm mới về được một lần; mỗi lần chỉ được vài ngày. Biết con gái vất vả nhưng ông không nói gì. Có lần khi tiễn chị Hồng ra khỏi cửa, ông vội quay vào nhà lau những giọt nước mắt đang ứa ra. Người già khi khóc không muốn để con cháu thấy. Nhưng tôi biết, ông thương và lo cho chị nhiều lắm!”

Câu chuyện về Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm - người  “vì nước quên thân” khiến chúng tôi không khỏi xúc động. 75 năm qua, ông luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên của ngành Quân giới - CNQP học tập, phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, nghiên cứu thiết kế, chế tạo được nhiều vũ khí, khí tài tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

PHẠM THU THỦY

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: