Đằng sau ánh hào quang quân giới - Bài 3: “Sản phẩm thông minh” và “tinh hoa” quân giới 4.028/08/2020 10:12:01 AMCNQP&KT - Ngành quân giới đã có những trang vàng truyền thống huy hoàng. Di sản quá khứ ấy mãi là niềm tự hào, động lực tinh thần to lớn để thế hệ quân giới-công nghiệp quốc phòng (CNQP) hôm nay tiếp tục hành trình đi tới tương lai, viết tiếp chiến công trong thời kỳ phát triển mới. Những “sản phẩm thông minh” của công nghiệp quốc phòng thời 4.0 Thời kỳ mới đã và đang đồng hành với những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đến quốc phòng, an ninh (QPAN) nói chung, CNQP nói riêng. Thiếu tướng, PGS, TS Đoàn Hùng Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP, Tổ trưởng Tổ tư vấn 18-Bộ Quốc phòng, đã có nhiều chia sẻ sâu sắc về nội dung này. “Tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với CNQP được thể hiện rõ nét nhất thông qua các đặc thù lưỡng dụng của nó. CNQP có vai trò như một trong những “cầu nối” để thúc đẩy sự tương tác giữa CMCN 4.0 và nhiệm vụ QPAN”, Thiếu tướng PGS, TS Đoàn Hùng Minh nhấn mạnh. Thực tiễn cho thấy nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam trong thời kỳ mới đã và đang đặt ra đòi hỏi cấp bách phải chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. CNQP Việt Nam phải vươn lên từ trình độ thiết kế chế tạo vũ khí bộ binh là chủ yếu tiến tới các loại vũ khí mới cho các quân, binh chủng, vũ khí công nghệ cao và vũ khí tích hợp hệ thống. Theo Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh, việc đầu tư cho “công nghệ thông minh” 4.0 phải tạo ra “sản phẩm thông minh” tương xứng. Định hướng lựa chọn sản phẩm quốc phòng 4.0 xuất phát từ chiến lược trang bị và quy hoạch phân công chuyên môn hóa cho các đơn vị CNQP. Các nước có trình độ CNQP hàng đầu thế giới hiện đang triển khai chương trình về “vũ khí bộ binh thế hệ thứ 5” hay các mô hình “người lính bộ binh tương lai”, “người lính bộ binh thế kỷ 21” hoặc “người lính bộ binh 4.0”... Tiềm năng “thông minh hóa” vũ khí bộ binh không chỉ giới hạn trong phạm vi súng đạn mà còn trong việc nghiên cứu chế tạo các phương tiện thông tin liên lạc cá nhân kết nối hệ thống, phương tiện trinh sát, kiểm soát tình hình chiến trường, các loại robot tự hành kết hợp khả năng trinh sát và tác chiến, các bộ quân phục dã chiến mang tính tích hợp hệ thống, các phương tiện bổ trợ thể lực và bảo vệ người lính dựa trên nền tảng công nghệ 4.0... ![]() Các chuyên gia cũng khuyến cáo, “thông minh hóa” vũ khí không nhất thiết là phải chạy theo nguyên mẫu của nước ngoài mà cần đề cao tính phù hợp với phương thức tác chiến và điều kiện của Việt Nam, đặc biệt cần phải tiếp tục kế thừa và phát huy những ưu thế độc đáo, sáng tạo của quân giới Việt Nam. Từ định hướng chiến lược và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP đến nay đã sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân; chất lượng vũ khí, khí tài đạt độ tin cậy, ổn định cao, tạo niềm tin cho bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Đồng thời, đóng mới thành công các gam tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo và các tàu chuyên dụng đa năng hiện đại; năng lực đóng tàu đã phát triển vượt bậc, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tổng cục CNQP có nhiều công trình, sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến, như: Đưa dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT ở Nhà máy Z113 và dây chuyền sản xuất thuốc nổ Hexogen ở Nhà máy Z195 vào sản xuất, phát huy tốt hiệu quả đầu tư; đóng mới thành công tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng, tàu khách cao tốc vỏ hợp kim nhôm một thân, hai thân ở Nhà máy Z189... Ngoài ra, nhiều ngành hàng kinh tế tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, với một số sản phẩm lưỡng dụng đã làm nên thương hiệu các nhà máy quốc phòng, như: Quạt điện cơ 91; pháo hoa Z121; dây cáp điện Z143; túi đựng hàng của Nhà máy Z176; mũi khoan xoay cầu của Nhà máy Z113... Định hướng phát triển cũng như thực tế CNQP hiện nay đang đặt ra một xu hướng, đó là đòi hỏi tính lưỡng dụng ngày càng cao với các sản phẩm CNQP. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X đã xác định: “Xây dựng và phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng và hội nhập, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục CNQP cho rằng, trong thời bình, việc đặt hàng sản xuất vũ khí trang bị với số lượng thấp hơn nhiều so với công suất của các dây chuyền thiết bị đã được đầu tư tại các nhà máy CNQP. Cho nên để tận dụng nguồn lực và phương tiện, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần tăng cường các nguồn lực thì phải có các sản phẩm CNQP lưỡng dụng. Hiện nay, nhiều sản phẩm lưỡng dụng của các nhà máy quốc phòng có sức cạnh tranh lớn, hội nhập ngày càng sâu hơn với thị trường trong nước và quốc tế... Đó là các sản phẩm trong lĩnh vực thuốc nổ công nghiệp, đóng và sửa chữa tàu biển, cơ khí, thông tin viễn thông... Về các sản phẩm lưỡng dụng của CNQP, chúng tôi đã khảo sát tại Nhà máy Z131. Trong những năm qua, nhà máy đã tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Các dây chuyền cơ khí, nhựa phục vụ sản xuất quốc phòng đã được khai thác hiệu quả để sản xuất các sản phẩm kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước, như: Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc... Với các dây chuyền chuyên dụng như: Nén ép, nấu đúc thuốc nổ, tổng lắp vũ khí..., nhà máy đã tích cực phối hợp với các viện nghiên cứu, các đơn vị trong quân đội để nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, như vũ khí dưới nước, qua đó góp phần trực tiếp giải quyết việc làm, nâng cao năng lực sản xuất và bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ điện và vật liệu nổ 31 (Nhà máy Z131) nêu kinh nghiệm: “Khi đầu tư thiết bị, công nghệ phải có sự kết hợp công nghệ lưỡng dụng quốc phòng và kinh tế. Nhà máy cũng đã có đổi mới về quản trị doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cạnh tranh thị trường; đồng thời đã có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho các cá nhân được học tập nâng cao trình độ, tham quan, giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, nhà máy cũng đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm cho cả quốc phòng và kinh tế". Trọng dụng và đãi ngộ để có nhiều “tinh hoa” quân giới “Người trước súng sau” là phương châm quan trọng trong xây dựng quân đội, giải quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Phương châm này có ý nghĩa to lớn trong xây dựng quân đội nói chung, xây dựng Tổng cục CNQP nói riêng, cả trước mắt và lâu dài. Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP, phân tích: “Nhờ nhìn xa trông rộng và thấy hết giá trị lao động trí tuệ của con người trong lĩnh vực sản xuất vũ khí nên trong hoàn cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa từ nước ngoài về kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa); nhiều người được tuyển chọn từ nhiều lĩnh vực trong nước, hàng nghìn công nhân kỹ thuật có tay nghề giỏi đã được động viên vào phục vụ ngành quân giới. Đồng thời, Đảng và Bác Hồ luôn chăm lo đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều “tinh hoa” trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất vũ khí”. ![]() Cũng nói về chủ đề này, Thiếu tướng, PGS, TS Đoàn Hùng Minh cho rằng: "Thu hút nhân tài, chúng ta phải học Bác Hồ. Hãy xem cách Bác dùng người thế nào. Người tin tưởng, động viên và giao trọng trách lớn mà không câu nệ về thành phần, xuất thân, đảng phái. Người đưa Phạm Quang Lễ-Trần Đại Nghĩa từ Pháp về, giao làm Cục trưởng Cục Quân giới và khích lệ: “Tôi chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”. Ở đây là có hai vấn đề là trọng dụng và đãi ngộ. Nhiều người khi nói tới thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài hay nhấn mạnh tới đãi ngộ, tức là về thu nhập và các chế độ ưu đãi. Tuy nhiên, tôi cho rằng trọng dụng mới là đầu tiên và quan trọng hơn. Trí thức lại càng coi trọng sự trọng dụng. Ông Trần Đại Nghĩa bỏ nơi có thu nhập tương đương khoảng 22 lạng vàng/tháng về với Cụ Hồ, chịu nhiều gian khổ, thiệt thòi nhưng vẫn tự nguyện và sẵn sàng tận hiến vì nước, vì dân. Đó là vì lòng yêu nước, vì sự trọng dụng, tin tưởng của Bác Hồ". Các thế hệ ngành quân giới-CNQP qua các thời kỳ như “điểm danh” của Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh có rất nhiều nhà khoa học tâm huyết, tài năng. Ông đặc biệt ấn tượng với Thiếu tướng, PGS Lê Văn Chiểu, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Kinh tế (nay là Tổng cục CNQP). Ông là người của thời kỳ đầu tham gia Nha Nghiên cứu kỹ thuật (NCKT), trưởng thành và trở thành một trong những hạt nhân không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu, phát triển vũ khí Việt Nam. Đặc biệt, ông còn là người thầy đào tạo nhiều kỹ sư giỏi, là người “truyền lửa quân giới”. "Tôi nhớ năm 1986, vừa bảo vệ học vị Tiến sĩ ở Liên Xô về, khi đó tôi mới 27 tuổi, là thượng úy, trẻ măng. Ông Chiểu qua tìm hiểu và làm việc một số lần đã trực tiếp hướng dẫn, động viên tôi trong giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu. Việc đầu tiên ông giao cho tôi là thu thập thông tin tư liệu viết chuyên đề về xu hướng phát triển CNQP trên thế giới, trọng tâm là nghiên cứu mô hình phát triển CNQP của các nước phương Tây. Có thể nói, đây là nhiệm vụ khá mới và khó khăn với một cán bộ trẻ như tôi khi đó. Nhưng được ông tin cậy và khích lệ, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau này, với nhiều cán bộ trẻ có năng lực, tôi cũng thấy ông Chiểu luôn để tâm bồi dưỡng, sử dụng rất hiệu quả. Khi được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ xứng tầm thì cán bộ khoa học công nghệ càng có nhiều động lực để làm việc và cống hiến”, Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh chia sẻ. Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng tâm đắc với những bài học về sử dụng đội ngũ, nhất là nhân tài trong lịch sử quân giới-CNQP và cho rằng đó là sự trao truyền, tiếp nối, tạo nên mạch nguồn truyền thống, chiến công của các thế hệ lính thợ quân giới. “Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP Việt Nam, trước hết phải chú trọng tới đội ngũ tinh hoa nhất về tri thức khoa học, công nghệ liên quan tới vũ khí, trang bị kỹ thuật, các nhà khoa học chuyên gia đầu ngành về thiết kế công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất quân sự, kỹ thuật viên và thợ bậc cao thực sự tài giỏi về kỹ năng chuyên sâu và các bí quyết công nghệ trong sản xuất vũ khí. Ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành. Nếu như trước đây trong quân giới cần những người làm vũ khí giỏi thì hiện nay cần có những thủ lĩnh, tổng công trình sư, tổ hợp, những người có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo tập thể...”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. HOÀNG TIẾN - THANH TÚ - MINH TUẤN (Nguồn: QĐND Online)
|