Tin tổng hợp

Trên núi đá Ninh Bình

26/08/2020 09:01:01 AM

CNQP&KT - Chỉ sau 13 ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Phòng Quân giới-sau là Cục Quân giới (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) ngày nay) trực thuộc Bộ Quốc phòng với hai nhiệm vụ lúc bấy giờ là: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí (SXVK).

Trong khi ngành quân giới ở Trung ương khẩn trương triển khai việc quản lý, điều hành SXVK thì ở hầu hết các đơn vị, địa phương trên cả nước, từ các khu, tỉnh, thành phố đến các chi đội ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đều sôi nổi tổ chức hàng trăm công binh xưởng (CBX). 

Ánh sáng trong rừng sâu

Mới đây, chúng tôi may mắn được cùng đoàn cựu chiến binh (CCB) CNQP-Quân giới thực hiện chuyến đi điền dã về đất cố đô Ninh Bình. Tại đây, các CCB đã thăm lại nhiều địa danh, nơi những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các CBX quân giới đã đóng quân và thực hiện nhiệm vụ của mình. Người cao tuổi nhất của đoàn năm nay đã ở tuổi 97, còn người ít tuổi nhất cũng ngoài 70. Nhưng với khí thế của những người lính quân giới năm xưa, ai cũng như khỏe ra để bắt đầu hành trình đầy ý nghĩa này.

Là vùng đất có nhiều núi đá, hang động, thung lũng, bến sông, cửa lạch, đình chùa nên trong những năm kháng chiến Ninh Bình được Cục Quân giới chọn là “khu an toàn đỏ”. Các cơ sở sản xuất, cải tiến, sửa chữa vũ khí, đạn phục vụ chiến đấu ở các mặt trận chủ yếu được đặt ở đây. Lịch sử ngành quân giới đã thống kê, từ ngày 15-12-1946 cho đến năm 1952, Ty Quân giới Khu 2 (sau là Liên khu 3) từ 3 xưởng ban đầu đã tổ chức phát triển tới 7 CBX kỹ nghệ quốc phòng, 7 xưởng vũ khí dân quân tại 16 xã của Ninh Bình và vươn ra một số ít địa phương lân cận. Riêng xã Trường Yên, huyện Hoa Lư có cơ quan lãnh đạo Ty Quân giới đóng ở đền Đinh Lê. Trưởng ty lúc đó là đồng chí Nguyễn Đức Tính. Xưởng B4-Trần Phú ở hang Đá Bàn. Sau đó, B4 nhập thêm các xưởng: Lương Khánh Thiện ở Thung Khống, Tràng An; Lửa Hồng ở núi Ba Cửa và Xưởng 316-Nguyễn Văn Tố ở Hang Binh (Chi Phong) thành cụm kỹ nghệ quốc phòng nổi danh một thời.

Trong chuyến đi điền dã, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chính là thăm lại “đại bản doanh” của Xưởng B4 năm xưa. B4 là xưởng “đầu đàn” của quân giới Khu 2 với hàng chục máy công cụ, có máy phát lực chạy hơi nước cùng hơn 300 công nhân, trong đó có nhiều thợ giỏi. Sản phẩm chủ yếu của B4 là lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn đập, lựu phóng và súng phóng lựu. Đặc biệt, B4 còn là nơi Cục Quân giới chọn thử nghiệm hoàn chỉnh đạn Bazooka 60mm, đạn cối 51mm vỏ thép...

Về việc chế thử đạn cối 51mm, qua lời kể của các CCB và những tài liệu ghi chép trong cuốn “Lịch sử Quân giới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945-1954” (Nhà xuất bản Lao động, 1990), thì đây thực sự là một trong những thành tích xuất sắc của quân giới Việt Nam cuối năm 1947. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn sau cuộc tổng di chuyển hồi tháng 10, việc sản xuất đạn cối 51mm do Cục Quân giới giao Xưởng B4 trên cơ sở thiết kế của Nha Giám đốc CBX đòi hỏi rất công phu và đầy sáng tạo. Thân đạn được rèn từ thép đế ray xe lửa; súng rèn từ thép sống đường ray. Đuôi đạn đúc bằng ki, loại trắng, cánh đạn đúc liền với thân đuôi có sẵn ren bắt vào cuống đuôi đạn. Khó khăn nhất là ngòi đạn. Trong khi các nước trên thế giới gia công ngòi đạn bằng nhiều máy chuyên dụng, thì ở nước ta lúc này không có các máy này nên đã thiết kế loại đạn kết cấu đơn giản hơn. Quân giới Khu 2, mà trực tiếp là Xưởng B4 đã đúc các bộ phận bằng thiếc với khuôn thép rất chính xác. Như vậy, ngòi đạn của ta được chế tạo hoàn toàn bằng tay-một sáng tạo độc đáo. Sau nhiều lần tính toán, thử nghiệm, cuộc bắn thử tại Quỳnh Lưu (Ninh Bình) có Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa trực tiếp dự. Đạn bay xa hơn 2.000m, nổ tốt, tán xạ trong phạm vi quy định. Sau khi hoàn chỉnh, Xưởng B4 còn cải tiến thêm quy trình chế tạo và đã sản xuất được 1.500 quả/tháng. Kinh nghiệm chế tạo đạn cối 51mm ở CBX B4 sau đó được phổ biến rộng rãi ra các khu, được bộ đội đánh giá cao vì súng đạn nhẹ, sử dụng thuận tiện.

CCB Nguyễn Huy Sính, nguyên cán bộ của Nha Nghiên cứu Kỹ thuật (NCKT), Cục Quân giới năm nay 88 tuổi cho biết: “Nha NCKT chúng tôi đóng quân ở an toàn khu Việt Bắc. Nhiều nghiên cứu của chúng tôi khi hoàn thành hầu như sau đó đều được các đồng chí của B4 sản xuất. Đến đây mới thấy, cũng giống như chúng tôi ngày ấy, trong các hang đá giữa lòng núi, bộ đội quân giới đều không quản ngại gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”.

Quả thật như vậy, vào hang Đá Bàn, sâu trong chùa Liên Hoa là Xưởng B4, hay từ núi Ba Cửa về chùa Bàn Long đến Hang Lội là nơi đóng quân của Xưởng K1-Lửa Hồng... dấu vết của bộ đội quân giới với khẩu hiệu “công nhân nỗ lực tăng gia sản xuất” viết trên vách đá vẫn còn đó. Bất kể ngày cũng như đêm, những chiến sĩ, công nhân quân giới ở các CBX tích cực hoàn thành phần việc được giao, đưa thành phẩm xuôi theo dòng suối, con sông đi khắp chiến trường. Đêm đêm, ánh sáng từ lửa hàn, từ ngọn đèn chiếu rọi trong các hang đá luôn bừng sáng bất chấp rừng sâu, núi thẳm. “Đó còn là ánh sáng từ trái tim người lính quân giới, luôn lặng thầm sau những chiến công của đồng đội nơi tiền tuyến. Ánh sáng đó đến giờ vẫn rực cháy trong mỗi chúng tôi”, CCB Bùi Xuân Phiều, hiện sống tại TP Ninh Bình nói.

Còn CCB Phạm Hữu Quốc, 97 tuổi, nguyên Tổ trưởng phân xưởng đúc Xưởng B5 khi nhớ về một thời chưa xa ấy thì cho biết: “Địch nhận định khu vực phía nam Đồng bằng Bắc Bộ có nhiều xưởng quân giới nhất nên chúng tập trung đánh phá. Cuộc chiến đấu của chúng tôi ở khu vực Trường Yên này rất quyết liệt. Một ủy ban bảo vệ liên xưởng được thành lập do đồng chí Mai Văn Khoát, Quản đốc Xưởng B4 làm trưởng ban. Vừa sản xuất, chúng tôi vừa đánh bật nhiều đợt tấn công của lính Pháp”.

Các cựu chiến binh Ban liên lạc Công nghiệp Quốc phòng-Quân giới bên Đài truyền thống Quân giới ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Và người anh hùng “thủy lôi”

Vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, vừa chiến đấu với địch, bộ đội quân giới trên mảnh đất cố đô cũng đã phải hứng chịu nhiều tổn thất và cả hy sinh. Từ tháng 12-1948 đến năm 1952, Xưởng B4 đã có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và công nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ. Riêng ngày 24-12-1948, Xưởng B4 phối hợp với Trung đoàn 34 (Liên khu 3) tổ chức trận đánh tàu chiến của Pháp đi càn bằng địa thủy lôi tự tạo, trong khi tra kíp một quả bị kích nổ, 9 công nhân của Xưởng B4 hy sinh. Hiện tại Đài truyền thống quân giới ở xã Trường Yên, có bia ghi danh 20 liệt sĩ của xưởng đã hy sinh tại khu vực Đá Bàn. Nhắc về những tổn thất của lực lượng, CCB Phạm Hữu Quốc không giấu nổi xúc động kể về một tình huống của đơn vị mình. Ông nói: "Đêm 3 rạng sáng 4-1-1949, Xưởng B5 chúng tôi được lệnh chuyển gấp toàn bộ thiết bị, vật tư, vũ khí đạn của phân xưởng đúc từ hang động Gia Lâm (Nho Quan, Ninh Bình) về chợ Đập (Lạc Thủy, Hòa Bình) để bảo toàn tài sản thì bị quân Pháp bất ngờ tấn công. Để bảo vệ lực lượng phía sau rút lui an toàn, 8 chiến sĩ du kích và 5 công nhân quân giới bám trụ chiến đấu trên sườn núi Đít Ngựa đã bị địch xả súng bắn chết".

Là người lớn tuổi nhất đoàn, lại từng làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu rồi sinh sống nhiều năm tại địa phương, ông Quốc nhớ rõ từng địa điểm đóng quân của các CBX và các trường hợp hy sinh của đồng đội. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Quốc cũng như nhiều CCB luôn nhắc đến trường hợp hy sinh đặc biệt anh dũng của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Công Cậy, Xưởng V16. Nguyễn Công Cậy là người gốc Hà Nội, sau khi tốt nghiệp trường kỹ nghệ thực hành đã về làm công nhân cho Xưởng vũ khí Phan Đình Phùng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các CBX tổng di chuyển về nhiều nơi, Nguyễn Công Cậy về V16 thuộc Ban Vũ khí dân quân Khu 2 đóng quân trong dãy Tam Cốc (làng Văn Lâm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình). Đầu năm 1948, Xưởng V16 nhận được điện của trên: Tập trung nghiên cứu, sản xuất gấp thủy lôi cho bộ đội đánh tàu trên sông. “Đốc công Nguyễn Công Cậy khi đó đã miệt mài, say mê nghiên cứu. Việc chế tạo thủy lôi gặp phải khó khăn đầu tiên là không có mẫu, phải tự mày mò nghiên cứu. Sau một tháng kiên trì, đốc công Nguyễn Công Cậy cùng với một số anh em trong xưởng đã cho ra đời quả thủy lôi đầu tiên, vỏ bằng tôn, trong nhồi thuốc nổ mạnh, có ngòi điện dùng nguồn điện magneto. Quả thủy lôi này được mang ra thử nghiệm ngay trên sông Đáy, nơi hằng ngày có khá nhiều tàu chiến Pháp qua lại. Cột nước sau tiếng nổ của quả thủy lôi vọt lên trước mũi tàu địch đã gây kinh hoàng trong nội bộ quân Pháp: Việt Minh đã chế tạo được thủy lôi”, Đại tá Trương Vĩnh Thăng, nguyên Hiệu trưởng Trường 255 (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô, Tổng cục Kỹ thuật), từng là chủ bút tờ Gang Thép của V16 nhớ lại.

Nhờ thành tích đó, Nguyễn Công Cậy được kết nạp vào Đảng khi mới 22 tuổi. Xưởng V16 cùng các xưởng khác trong vùng rừng núi Ninh Bình ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, chủng loại vũ khí và được đổi tên thành các CBX. V16 được gọi là CBX 57. Đánh hơi được mức độ nguy hiểm của các CBX đối với cuộc chiến xâm lược của mình, giặc Pháp quyết định tấn công, xóa sổ các CBX nhằm chặn đứng nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Minh ở Hà Nội và các vùng lân cận. Mờ sáng 11-10-1948, giặc Pháp mở cuộc tấn công “Nước đục” vào CBX. Các lực lượng vòng ngoài bao gồm dân quân, bộ đội địa phương, tự vệ, công nhân cùng một phân đội của Trung đoàn 34 đồng loạt nổ súng. Quân Pháp bị đánh bất ngờ, cùng lúc, từ nhiều phía nên bỏ chạy tán loạn, rút về căn cứ. Ban chỉ huy nhận định quân Pháp sẽ tấn công tiếp với quy mô lớn hơn nên việc chuẩn bị phòng ngự, đánh trả cũng cần phải quyết liệt hơn. Đúng như dự đoán, ngày 19-12-1948, quân Pháp chia thành nhiều mũi, đi cả bằng đường bộ và đường thủy, tìm cách vào khu vực hai xưởng 57 và 58. Nguyễn Công Cậy chỉ huy trận địa phòng ngự ở quèn Lòng Cách, một trong những trận địa then chốt bảo vệ sự toàn vẹn của CBX 57. Cuộc chiến giữa hai bên càng lúc càng dữ dội, đột nhiên Nguyễn Công Cậy nhận ra dây hệ thống truyền nổ mìn bị đứt vì pháo địch. Từ vị trí chỉ huy anh lao xuống bãi mìn, nhanh chóng nối lại đường dây bị đứt trong khi pháo giặc vẫn liên tiếp dội xuống. Công việc vừa hoàn tất thì Nguyễn Công Cậy bị một mảnh đạn pháo găm sâu vào đùi, mất máu quá nhiều, anh hy sinh tại chỗ cùng một chiến sĩ đi bên cạnh... Để ghi nhớ tấm gương anh dũng lao động, chiến đấu, hy sinh ấy, CBX 57 được lấy tên thành CBX Nguyễn Công Cậy.

Năm 2002, nhờ sự nỗ lực của đồng đội và Tổng cục CNQP, liệt sĩ Nguyễn Công Cậy đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cùng các CCB, chúng tôi lên đò xuôi dòng nước hướng về hang Tam Cốc-Bích Động, liền bắt gặp tấm biển gắn dòng chữ “Nơi đây, CBX Nguyễn Công Cậy từng sản xuất và chiến đấu”. Ngoài ra, nhiều địa danh khác nơi từng có các CBX quân giới đóng quân cũng được gắn biển lưu danh. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Trường Yên: Địa phương sẽ cố gắng hết sức cùng với các cơ quan chức năng hoàn thành việc gắn biển di tích nơi các CBX quân giới từng đóng quân trong thời gian sớm nhất. Điều này vừa thể hiện sự trân trọng của nhân dân địa phương đối với những đóng góp của các chiến sĩ quân giới Việt Nam; đồng thời vừa bổ sung thêm những "địa chỉ đỏ" trong hành trình du lịch truyền thống của du khách khi đến với Ninh Bình.

Bài và ảnh: SONG THANH

(Nguồn: QĐND Online)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: