Tin cơ sở

CNQP&KT - Qua 15 năm xây dựng và phát triển, Phòng Quản lý đóng tàu thuộc Bộ Tham mưu - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), luôn thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu trung tâm trong xây dựng và phát triển ngành đóng tàu quân sự, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Những năm đầu thế kỷ XXI, trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các đơn vị khối đóng tàu quân sự đã có những bước phát triển nhanh chóng về quy mô và năng lực, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tàu thuyền quân sự cho các lực lượng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển. Để đáp ứng những yêu cầu mới về công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý nhà nước trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, ngày 19/8/2005, Bộ Tổng Tham mưu đã ra quyết định thành lập Phòng Quản lý đóng tàu, trực thuộc Cục Tham mưu - Kế hoạch (nay là Bộ Tham mưu, Tổng cục CNQP) với chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về CNQP trên lĩnh vực đóng tàu quân sự; theo dõi, quản lý kế hoạch đầu tư, điều hành sản xuất một số cơ sở đóng tàu nòng cốt của Quân đội.

Từ khi thành lập đến nay, Phòng Quản lý đóng tàu luôn quán triệt và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả toàn diện trên các mặt công tác.

Đối với công tác quy hoạch, kế hoạch và tổ chức lực lượng ngành đóng tàu quân sự, Phòng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kiện toàn hệ thống tổ chức, định hướng phát triển ngành để công tác quản lý đóng tàu quân sự được triển khai chặt chẽ, từng bước đi vào nền nếp. Nổi bật là, đã tham mưu, đề xuất, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt “Quy hoạch xây dựng và phát triển ngành đóng tàu quân sự đến năm 2010, tầm nhìn 2020”. Việc triển khai Quy hoạch đã tạo chuyển biến trong tổ chức, kiện toàn ngành đóng tàu quân sự theo hướng tinh gọn, thống nhất từ công tác hoạch định chủ trương, chiến lược phát triển, chính sách quản lý, giám sát đến tổ chức triển khai đóng tàu; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, giữa sản xuất với sửa chữa và khai thác sử dụng; nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả công tác đóng mới, cải hoán, hiện đại hóa tàu quân sự.

Tàu tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên Yết Kiêu do Nhà máy Z189 đóng mới.           Ảnh: LÊ NAM

Từ năm 2009, khối các nhà máy đóng tàu đã được kiện toàn theo hướng tập trung, cơ bản quy tụ thống nhất về đầu mối trực thuộc Tổng cục CNQP quản lý, có sự phân công chuyên môn hóa và quy hoạch nhiệm vụ sản xuất phù hợp với năng lực từng đơn vị; bước đầu hình thành ba cụm công nghiệp đóng tàu quân sự trọng điểm chiến lược ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Năm 2009, Viện Thiết kế tàu quân sự được thành lập, từng bước khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nghiên cứu, thiết kế tàu quân sự đầu ngành; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị quản lý sử dụng tàu và các cơ sở đóng tàu. Hiện nay, Phòng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để tham mưu, đề xuất phương án kiện toàn hệ thống các nhà máy đóng tàu và tổ chức đăng kiểm trong toàn quân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đóng tàu quân sự và bảo đảm thống nhất trong triển khai thực hiện.

Về công tác xây dựng, kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý ngành đóng tàu quân sự, Phòng đã tham mưu có hiệu quả giúp Tổng cục CNQP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Đồng thời, tích cực tham mưu giúp Tổng cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ chủ trì quản lý về công tác quy hoạch ngành, xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công tác đóng tàu quân sự, quy định về định mức kinh tế kỹ thuật; chủ trì quản lý công tác thiết kế, thẩm định, nghiệm thu tàu quân sự đóng mới; thẩm định các hợp đồng mua sắm, nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ đóng tàu... Nhờ đó, công tác quản lý đóng tàu quân sự ngày càng đi vào nền nếp, triển khai đồng bộ, thống nhất, đúng quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng; các tàu quân sự được tổ chức đóng mới, cải hoán, hiện đại hóa bảo đảm chất lượng, tiến độ, khẳng định uy tín với các đơn vị sử dụng tàu và tạo niềm tin cho bộ đội. Bên cạnh đó, Phòng còn tham mưu xây dựng các quy chế phối hợp, hiệp đồng bảo đảm kỹ thuật cho tàu thuyền quân sự giữa Tổng cục CNQP với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Phòng Quản lý đóng tàu họp triển khai nhiệm vụ.  Ảnh: TUẤN MINH

Trong công tác tham mưu, đề xuất đóng mới tàu, thuyền quân sự, Phòng đã tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị tham mưu, xây dựng Nghị quyết 29 về chiến lược trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2010 và những năm tiếp theo để kịp thời đầu tư bổ sung tàu chiến đấu hiện đại trang bị cho các lực lượng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phòng cũng đề xuất chủ trương, giúp Tổng cục CNQP tham mưu có hiệu quả với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án đóng mới tàu quân sự…

Đối với công tác quản lý đầu tư, chỉ đạo điều hành sản xuất khối đóng tàu quân sự, Phòng đã tích cực tham mưu, đề xuất với Tổng cục CNQP, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất cho các đơn vị đóng mới, sửa chữa tàu quân sự thuộc Tổng cục. Đến nay, các đơn vị đóng tàu quân sự thuộc Tổng cục CNQP cơ bản đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, các trang thiết bị sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục phê duyệt quy hoạch nhiệm vụ sản xuất phù hợp với quy mô, năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị để tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện; chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng định hướng sản phẩm quốc phòng - kinh tế chiến lược, dài hạn để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững. Trong hơn 10 năm qua, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị khối đóng tàu quân sự cơ bản ổn định với giá trị sản xuất, doanh thu chiếm khoảng 33 - 45% tổng doanh thu toàn Tổng cục, mức tăng trưởng bình quân khoảng 7-8%/năm; điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện, nâng cao; khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những kết quả mà Phòng Quản lý đóng tàu đã đạt được là nhờ nhiều yếu tố, trong đó đội ngũ cán bộ là nhân tố đóng vai trò quan trọng, quyết định trong hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Phòng có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, được đào tạo tại các học viện, nhà trường uy tín trong và ngoài nước (tỷ lệ cán bộ có trình độ tiến sĩ chiếm 40-70%). Nhiều cán bộ Phòng Quản lý đóng tàu đã trưởng thành, phát triển, giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục và cán bộ chủ trì tại các cơ quan, đơn vị. Với những thành tích đã đạt được, Phòng Quản lý đóng tàu đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2016), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 2014)…

Trong những năm tới, trước những yêu cầu, thách thức mới trong công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo điều hành khối đóng tàu quân sự, Phòng Quản lý đóng tàu xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển CNQP, chiến lược trang bị cho quân đội nhân dân Việt Nam, chiến lược biển Việt Nam... Đồng thời, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp trên phương án kiện toàn lực lượng ngành đóng tàu quân sự, cơ cấu lại tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp quy để hoàn thiện hệ thống pháp lý trong quản lý, chỉ đạo điều hành công tác đóng tàu quân sự; trọng tâm là hoàn thiện quy chế quản lý đóng tàu quân sự mới, các định mức kinh tế kỹ thuật, quản lý dự án, tư vấn đầu tư và các quy chế phối hợp, hiệp đồng bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng trong Quân đội để đưa công tác quản lý ngành đi vào nền nếp.

Ba là, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đề xuất chủ trương và triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án trang bị, đóng mới tàu thuyền quân sự cho các đơn vị trong toàn quân. Trong đó, tích cực nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai đóng mới các gam tàu đã có trong chiến lược trang bị của Quân đội để huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao số lượng, chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật của các lực lượng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bốn là, phát huy vai trò cơ quan tham mưu trung tâm trong phối hợp, điều hành nhiệm vụ sản xuất khối đóng tàu quân sự. Chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ chế quản lý, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, mô hình quản lý tiên tiến nhằm xây dựng cơ chế hoạt động theo hướng tinh gọn, giảm bớt các khâu trung gian, tập trung tối đa cho sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động; xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm chiến lược, dài hạn bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch trang bị tàu thuyền của các lực lượng trong toàn quân và năng lực, kinh nghiệm, quy hoạch nhiệm vụ của từng đơn vị.

Năm là, tham gia xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đóng tàu quân sự; trong đó, chú trọng đào tạo nhân lực về quản lý nhà nước, điều hành doanh nghiệp, tổng công trình sư trong thiết kế, đóng tàu và chế tạo, lắp đặt, cải hoán, hiện đại hóa vũ khí - khí tài đặc chủng, các hệ thống kỹ thuật trên tàu.

Sáu là, tiếp tục đề xuất các giải pháp để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực tự chủ trong bảo đảm vật tư, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác đóng mới, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật tàu thuyền quân sự.

Với những kết quả đã đạt được, cùng những định hướng rõ ràng, cụ thể, trong thời gian tới, Phòng Quản lý đóng tàu tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu trung tâm trong xây dựng và phát triển ngành đóng tàu quân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Trung tá, TS. TẠ THANH HẢI

Trưởng phòng Quản lý đóng tàu, Bộ Tham mưu

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: