Tin tổng hợp

“Bệnh” lười đọc

21/08/2020 09:46:50 AM

CNQP&KT - Hẳn ai cũng biết câu kinh điển của V.I. Lê-nin “Không có sách thì không có tri thức”. Tuy vậy, có một thực tế là có sách báo nhưng chưa chắc đã có tri thức, bởi lười đọc và ngại nghiên cứu sách báo đang trở thành “căn bệnh” của nhiều người, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên.

Thực ra, cũng có nhiều người rất chăm đọc, nhưng chủ yếu quan tâm tới “bề nổi” của thông tin, tức là chỉ lướt qua các trang mạng xã hội, đọc vội những thông tin để thỏa mãn nhu cầu giải trí... Còn đọc để tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức, để học tập, nghiên cứu nhằm phục vụ yêu cầu công việc thì lại xem nhẹ, thờ ơ. Lười đọc, lười học, ít nghiên cứu, nhất là các vấn đề có tính lý luận nền tảng, đã trở thành vấn đề rất đáng lưu tâm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Xin nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, trong đó “biểu hiện thứ 3” là: Không ít cán bộ, đảng viên có nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những lý luận, thông tin có chiều sâu, định hướng quan trọng cần nghiên cứu, học tập, vận dụng có sẵn trong sách báo, tài liệu đã không được lĩnh hội, thẩm thấu, quán triệt đến nơi đến chốn nên nhiều vấn đề rất thiết thực trong công việc hằng ngày mà cán bộ, đảng viên nắm không sâu, hiểu không rõ, dễ sa vào giáo điều hoặc lúng túng về phương pháp. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) cũng đã chỉ ra một thực tế: “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”.

Sự thật là, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, các thế lực thù địch và phản động luôn tìm mọi cách chống phá với những chiêu thức rất bài bản, xảo quyệt. Nhiều bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội được chắp bút, nhào nặn câu chữ từ những kẻ có học vấn cao, có tư duy phản biện lọc lõi, nguy hiểm. Chính vì thế, đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị, thì việc “đọc sâu, hiểu kỹ, biết rộng” là rất cần thiết, không được xem nhẹ. Đọc để hiểu bản chất từng vấn đề, sự kiện, hiện tượng. Đọc để biết cách luận giải, phân tích, làm rõ những nội dung mang tính khoa học, sâu sắc. Đọc để nắm vững những luận cứ, luận điểm, tính logic của từng vấn đề, từ đó biết vận dụng và xử lý trong công việc. Đặc biệt, hiện nay, các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đơn vị, địa phương đang tích cực quán triệt triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thì việc bổ sung, tiếp nhận, thu nạp những kiến thức từ sách, báo, tài liệu là hết sức quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đang diễn ra là dịp để mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên “nhìn lại chính mình” trong nhận thức và hành động. Việc nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Một trong những biện pháp cần thực hiện là lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phải coi trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền; có phương pháp phù hợp trong định hướng dư luận, bảo vệ học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận nền tảng của Đảng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng từng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Bản thân đội ngũ cán bộ chủ trì phải tự giác trong thực hiện “văn hóa đọc”, chủ động nghiên cứu báo chí, tài liệu; tích lũy kiến thức, mở rộng tầm nhìn, rèn luyện bản lĩnh, từ đó có định hướng chỉ đạo đúng đắn, chính xác, kịp thời đối với công tác tư tưởng ở cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, phải biết phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong tiến hành công tác tư tưởng, nhất là biết khai thác, sử dụng những bài chuyên luận sắc sảo của cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị và những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

NHẤT NGÔN

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: