Tin tổng hợp

CNQP&KT - Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng (CNQP) là xu thế tất yếu góp phần xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Qua đó, đáp ứng yêu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho Quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta đối với phát triển CNQP là: “Phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng thành tựu phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh theo hướng lưỡng dụng”. Chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đối với hợp tác quốc tế về CNQP là ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn; tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý các hoạt động đối ngoại quốc phòng, quân sự; quy chế xuất, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng và các quy định khác liên quan đến CNQP; tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền công nghiệp quốc gia để phát triển  CNQP; kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, thông qua hợp tác quốc tế về CNQP.

Thực tế là thông qua hợp tác quốc tế đã góp phần củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, đối tác chiến lược và các đối tác mới có thế mạnh, giàu tiềm năng về khoa học - công nghệ (KHCN) tạo động lực thúc đẩy CNQP phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đã quan tâm đầu tư từng bước xây dựng nền CNQP độc lập, tự chủ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp thu và làm chủ dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại; tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cho lục quân và một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Trong tiến trình thực hiện đã chú trọng lựa chọn đối tác, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung sản xuất các sản phẩm mũi nhọn, tiếp nhận chuyển giao và làm chủ KHCN mới; từng bước xuất khẩu, tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho CNQP; kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất quốc phòng với kinh tế.

Thông qua hợp tác quốc tế đã góp phần củng cố quan hệ với các đối tác có thế mạnh, giàu tiềm năng về khoa học - công nghệ tạo động lực thúc đẩy CNQP phát triển.

Trong những năm tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn trong hợp tác quốc tế về CNQP, tạo động lực thúc đẩy phát triển CNQP góp phần từng bước hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, cũng như xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong xây dựng, phát triển CNQP, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đào tạo nguồn nhân lực cho xây dựng, phát triển CNQP. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho CNQP cần chú trọng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ cao, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia đầu ngành KHCN có trình độ điều phối và tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu và đầu tư lớn; chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư trên các lĩnh vực trọng điểm, như: thiết kế, chế tạo vũ khí, đạn, tên lửa, ra-đa, công nghệ thông tin, tác chiến không gian mạng, quang học, điều khiển tự động, vật liệu, công nghệ hóa học, đóng tàu quân sự... bảo đảm sự cân đối, đồng bộ giữa đội ngũ nghiên cứu khoa học với các chuyên gia kỹ thuật đầu ngành gắn trực tiếp với sản xuất; đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề, kỹ sư thực hành giỏi trực tiếp điều khiển, khai thác các thiết bị công nghệ cao phục vụ chế thử, thử nghiệm vũ khí mới; cần quan tâm xây dựng đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới...

Sản phẩm quân sự công nghệ cao trưng bày tại Triển lãm quốc tế về quốc phòng Indonesia 2018 (Indo Defence 2018). Ảnh: CTV

Hai là, mở rộng, đa dạng hóa hợp tác để xây dựng, phát triển CNQP. Cần củng cố mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, láng giềng, khu vực. Coi trọng hợp tác song phương và đa phương nhằm tranh thủ khai thác các nguồn lực và tiếp thu thành tựu KHCN tiên tiến. Mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược, các đối tác có thế mạnh về KHCN để tranh thủ các nguồn lực mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, hợp tác xuất, nhập khẩu các sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Bên cạnh tập trung nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, cải tiến hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, cần tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo mới. Đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác từ trao đổi thông tin, tổ chức và tham gia triển lãm quốc tế về CNQP, đến nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất, tích hợp hệ thống, bảo quản, bảo dưỡng và nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật. Thông qua hình thức huấn luyện chuyển giao công nghệ và tổ chức hội thảo với nhiều đối tác nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và lựa chọn đối tác. Chú trọng đối tác có thế mạnh trong các dự án trọng điểm công nghệ mới cho phát triển CNQP; đồng thời, khai thác tiềm năng CNQP của mỗi nước để bổ sung cho nhau, thu hẹp khoảng cách và trình độ công nghệ, giúp nhau cùng phát triển.

Thực hiện “đi tắt đón đầu” trong nghiên cứu công nghệ mũi nhọn, như: vật liệu mới phục vụ sản xuất vũ khí, cơ khí chính xác, đóng tàu, thông tin liên lạc, vũ khí có điều khiển, tác chiến không gian mạng…

Ba là, tập trung vào nghiên cứu lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ mũi nhọn có xu hướng mở rộng cả về quy mô, lĩnh vực, cả bề rộng và chiều sâu. Thông qua các chương trình hợp tác để có điều kiện học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ quản lý, tiếp thu công nghệ tiên tiến, thực hiện “đi tắt đón đầu” trong nghiên cứu công nghệ mũi nhọn, như: Công nghệ vật liệu mới phục vụ cho sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật; công nghệ cơ khí chính xác; công nghệ đóng tàu; công nghệ hóa học; công nghệ thông tin liên lạc; vũ khí có điều khiển tự động; công nghệ tác chiến không gian mạng và các phương tiện phòng, chống chiến tranh điện tử... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất sản phẩm lưỡng dụng và kinh tế bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

Bốn là, mở rộng thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại sản phẩm CNQP và kinh tế. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường sản phẩm CNQP và kinh tế. Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành CNQP phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn của Nhà nước và quốc tế. Phát triển các loại hình, phương thức kinh doanh thương mại hiện đại và chương trình xúc tiến thương mại quốc tế đối với các sản phẩm CNQP và kinh tế. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về CNQP, kết nối cung-cầu sản phẩm CNQP và kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, trao đổi thông tin; xây dựng hệ thống các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm CNQP và kinh tế. Nghiên cứu, tìm hiểu luật pháp trên thị trường quốc tế về xuất, nhập khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật để vận dụng linh hoạt trong hoạt động xuất, nhập khẩu; đồng thời, xây dựng chiến lược sản xuất gắn với mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ sản phẩm quốc phòng và kinh tế. Kết nối doanh nghiệp CNQP với doanh nghiệp dân sự trong hợp tác quốc tế và tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Hợp tác quốc tế về xây dựng, phát triển CNQP trong thời kỳ hội nhập là vấn đề cấp thiết, tạo môi trường thuận lợi hơn cho CNQP mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác khác nhau, trong đó có các đối tác có thế mạnh về KHCN nhằm xây dựng, phát triển CNQP đáp ứng yêu cầu về vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại cho Quân đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HOÀN& Trung tá VŨ QUANG HAY

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: