Tin cơ sở

CNQP&KT - Những năm qua, Tổng công ty (TCT) Sông Thu thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng luôn phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ đóng tàu.

Bằng khát vọng cháy bỏng và bản lĩnh vững vàng của người lính thợ, các thế hệ cán bộ, kỹ sư và công nhân viên, người lao động đã tạo nên diện mạo một doanh nghiệp quốc phòng đóng mới và sửa chữa tàu biển uy tín bậc nhất miền Trung.

Chúng tôi có mặt tại TCT Sông Thu vào những ngày cuối tháng 6-2020. Nắng như đổ lửa, hơi nóng bốc lên hầm hập, nhưng không khí làm việc ở đây thật khẩn trương, hối hả. Tiếng búa, tiếng máy chát chúa; tiếng lửa hàn tí tách; tiếng sóng biển âm vang.

Hài lòng với tiến độ làm việc của các phân xưởng, nhà máy, Trung tá Nguyễn Hữu Hiển, Tổng giám đốc TCT Sông Thu khẳng định: “Sông Thu được như ngày hôm nay là nhờ có bước đi, cách làm phù hợp; nội bộ đoàn kết, trên dưới đồng lòng. Bài học thành công đầu tiên phải nói tới bước chuyển giao đúng hướng và đầu tư hiệu quả”.

Lễ bàn giao hai tàu tuần tra cao tốc SPA4207 cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Buổi đầu gia nhập thị trường đã có nhiều công ty, xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, Ban giám đốc TCT rất lo lắng, phải làm thế nào để đưa TCT vươn lên khẳng định vị thế của mình trong quá trình hội nhập và phát triển. Sau bao ngày cân nhắc kỹ lưỡng, đề xuất nhiều phương án, Ban giám đốc TCT vạch ra một hướng đi cụ thể, xác định rằng TCT không trường vốn để đóng các sản phẩm tàu lớn, mà phải “đi tắt đón đầu” từ các công nghệ mới, tiên tiến từ nước ngoài (nhất là châu Âu) để từng bước định hình dòng sản phẩm. Thực tế Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn cần rất nhiều những dạng tàu cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa, tàu lai dắt cảng, tàu dịch vụ dầu khí... Từ phân tích đó, TCT đã mạnh dạn đột phá vào lĩnh vực sản xuất mới, lựa chọn dòng tàu chuyên dùng làm sản phẩm chủ lực. Bởi đóng loại tàu này phù hợp với thế mạnh của TCT vì mức độ đầu tư về kinh phí thấp hơn, nhưng đòi hỏi phải đầu tư lớn về chất xám thì tính cạnh tranh mới cao. Chính việc xác định mục tiêu đúng đắn đã góp phần giúp Sông Thu vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định vị thế.

Sau khi hoàn thành công tác chuyển giao và lựa chọn hướng đi đúng, Ban giám đốc TCT đã chủ động tìm gặp các đối tác, trong đó chú ý đặc biệt với Tập đoàn Damen (Hà Lan). Không lâu sau đó, cùng với sự tin tưởng của đối tác Hà Lan và sự học hỏi của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, dòng tàu mới chuyên dùng được Tập đoàn Damen chuyển giao công nghệ thuận lợi đã giúp thương hiệu Sông Thu gây tiếng vang trong ngành đóng tàu biển Việt Nam, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý cho đơn vị nhận chuyển giao công nghệ toàn bộ để đóng tàu cứu hộ DST-4612 có công suất 3.500CV, chất lượng ngang ngửa với tàu nhập ngoại, nhưng giá thành chỉ bằng khoảng 70%. TCT Sông Thu đóng thành công nhiều con tàu do Tập đoàn Damen chuyển giao công nghệ với chất lượng như đóng tại Hà Lan. Trong đó, có thể kể đến 4 tàu kéo xuất khẩu sang châu Âu trị giá 400 tỷ đồng; tiếp sau đó hạ thủy tàu ứng phó sự cố tràn dầu L146, đây là loại tàu ứng phó sự cố tràn dầu đầu tiên của Việt Nam có thể hoạt động an toàn trong vùng biển cấp 1 hạn chế (điều kiện sóng gió đến cấp 8).

Công nhân Phân xưởng hạ liệu thi công tàu đóng mới.

Thành công bước đầu từ chuyển giao công nghệ đã tạo động lực, niềm tin, nhiệt huyết làm việc của đội ngũ lính thợ. Theo Trung tá Trịnh Minh Hải, Phó tổng giám đốc TCT Sông Thu, công nghệ đóng tàu trên thế giới đã có nhiều bước đột phá mới nên bên cạnh việc đầu tư mua công nghệ, bổ túc nâng cao tay nghề cho đội ngũ lính thợ, Ban giám đốc TCT đã chủ động đề xuất với trên đầu tư mua trang thiết bị như hệ thống nâng hạ tàu cơ điện của hãng Rolls & Royce (Anh). Đây là thiết bị hiện đại bậc nhất về hệ thống nâng, hạ tàu cơ điện của ngành đóng tàu. Sông Thu là doanh nghiệp đầu tiên của cả nước và là doanh nghiệp thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore) lắp đặt và đưa vào khai thác. Và thực tế đã chứng minh tính hiệu quả thiết thực của việc áp dụng công nghệ mới. Nếu như trước kia phải mất thời gian hai ngày với 30 công nhân mới có thể nâng, hạ được một con tàu, thì nay chỉ cần 2 người sử dụng, trong vòng 30 phút có thể nâng, hạ tàu một cách nhanh chóng với sức nâng 1.600 tấn và điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống phần mềm máy tính.

Những con tàu hiện đại được xuất xưởng

Thượng tá Trần Phước Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch TCT Sông Thu vẫn xúc động khi nhớ lại ngày tổ chức lễ bàn giao hai tàu tuần tra cao tốc SPA4207 cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hôm ấy rất đông đại biểu và khách mời đến tham quan, ngắm hai con tàu mang ký hiệu BP28-19-01 và BP28-19-02 hiện đại từ từ được sàn nâng hạ xuống mặt nước, tất cả mọi người đều hân hoan.

Thực tế cho thấy, thành công nổi bật khẳng định hướng đi đúng đắn của TCT chính là đóng thành công tàu cứu nạn hiện đại, đó là tàu CBS-9001 và CSB-9002. Đây là hai chiếc tàu đặc chủng trong lớp 4 chiếc đầu tiên được đóng mới trong nước, trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu có khả năng tìm kiếm cứu nạn trong siêu bão, có “mắt thần” nhìn đêm đến 10km và hoạt động liên tục 30 ngày đêm trên biển trong điều kiện sóng gió. Tàu CSB-9001 hiện là tàu kéo cứu hộ biển hiện đại nhất Việt Nam. Tàu có thể tham gia cứu kéo tàu bị nạn, bảo vệ các giàn khoan và phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khi cần thiết. Tàu hoạt động trong phạm vi 3.000 hải lý, với tốc độ 10-13 hải lý/giờ, liên lạc 24/24 giờ với đất liền và các phương tiện trên biển qua hệ thống vệ tinh. Nếu coi hai con tàu CSB-9001 và CSB-9002 là những “tiểu chiến hạm trên biển”, thì sau đấy còn có thêm nhiều “tiểu chiến hạm” nữa lướt sóng ra khơi, giúp Cảnh sát biển Việt Nam cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền và trật tự an ninh trên biển. 

Thành công nối tiếp thành công, cuối năm 2014, tàu lớp DN 2000 được đặt tên tàu CSB-8002, một trong những tàu Cảnh sát biển hiện đại nhất Việt Nam chính thức hạ thủy. Đến cuối năm 2015, TCT Sông Thu và Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tổ chức lễ hạ thủy tàu CSB 8005-được mệnh danh là “soái hạm” của Cảnh sát biển Việt Nam với chiều dài 90,5m, có sân đỗ trực thăng, công suất 12.016CV, tầm hoạt động 5.000 hải lý, chịu được gió cấp 12, có khả năng cứu kéo các tàu bị nạn có lượng giãn nước hơn 2.200 tấn.

Chứng kiến những con tàu hiện đại do chính bàn tay của những người lính thợ Sông Thu đóng mới được xuất xưởng trong thời gian qua, chúng tôi càng thấy rõ chủ trương đúng đắn của Bộ Quốc phòng trong việc cho phép TCT Sông Thu liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp uy tín ở quốc gia có thế mạnh về đóng tàu như Hà Lan, Nga, Nhật Bản… Việc TCT Sông Thu tổ chức lễ hạ thủy những con tàu hiện đại cũng là niềm tự hào của miền Trung-mảnh đất có nhiều tiềm năng về kinh tế biển và ngành đóng tàu; là động lực để TCT Sông Thu hoạch định chiến lược dài hơi hơn nữa trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

(còn nữa)

     Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

(Nguồn: QĐND Online)  

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: