Tâm đắc với một chuyên mục có tính Đảng, tính khoa học cao29/07/2020 09:50:39 AMCNQP&KT - Tôi biết đến Tạp chí CNQP và Kinh tế qua giới thiệu của đồng chí Thượng tá Phạm Văn Riệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cao su 75. Khi cầm cuốn Tạp chí trên tay, tôi có ngay ấn tượng tốt đẹp bởi hình thức trình bày đẹp, hài hòa, hiện đại, giấy in chất lượng tốt, đọc kỹ có nhiều nội dung đặc sắc, gồm 15 chuyên mục, với kết cấu hợp lý, khoa học. Là một nhà khoa học, lại từng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, được đào tạo và sau đó giảng dạy tại Khoa Công tác Đảng - Công tác chính trị (Trường Sĩ quan Lục quân I) rồi chuyển ngành và hiện là giảng viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nên tôi tâm đắc nhất với chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Tạp chí. Có thể khẳng định, đây là một chuyên mục rất hữu ích, sinh động, với các bài viết sâu sắc có tính Đảng và tính khoa học cao, nhiều hình ảnh minh họa đẹp và phù hợp. Nội dung trong chuyên mục là nguồn thông tin quý báu giúp tôi tham khảo, học hỏi nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện. ![]() Sau đó, mong muốn được cộng tác với Tạp chí, tôi đã suy nghĩ, lên đề cương cụ thể, chi tiết cho bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân” và gửi đến Ban biên tập. Sau vài lần chỉnh sửa, biên tập theo sự gợi mở, góp ý của đồng chí Tổng biên tập, tôi đã hoàn thiện bài viết và được đăng trên Tạp chí số 5 năm 2019. Lần đầu tiên được đọc cuốn tạp chí có bài viết của mình, tôi cảm thấy hết sức xúc động, như thể mình đã được trở về ngôi nhà của “người lính Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa. Sau đó, cũng trên chuyên mục này, tôi tiếp tục cộng tác với các bài viết: Tư tưởng “Người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh... Để góp phần có những bài báo hay và chất lượng hơn, tôi xin trao đổi đôi điều tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách của người làm báo cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm báo chí là mặt trận chiến đấu của cách mạng, và Người chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Theo Hồ Chí Minh, nhà báo phải góp phần nâng cao chất lượng báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Muốn được như vậy, người làm báo “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Người yêu cầu đối với người làm báo khi viết cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại, không được bịa đặt ra. Không nên nói một chiều và thổi phồng các thành tích, ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Viết để nêu cái hay, cái tốt, đồng thời để phê bình những khuyết điểm, hạn chế của dân ta, của bộ đội, cán bộ ta. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Viết phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành, không để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Để viết tốt phải có tài liệu. “Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là: Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết; Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi; Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy; Xem: xem báo chí, xem sách vở; Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết.” Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà báo cách mạng: “Viết rồi phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại”. Hồ Chí Minh còn chỉ cho chúng ta cách đặt đầu đề của từng bài báo. Đầu đề bài báo phải đạt được 3 yếu tố: Thứ nhất, là toát ra được điểm chính, tinh thần chính ở trong bài, nhưng phải ngắn gọn. Thứ hai, là không dùng câu bình thường đủ vị ngữ, chủ ngữ mà nêu yếu tố chính thể hiện được cái linh hoạt, sắc sảo. Thứ ba, là hấp dẫn người đọc bằng cách chơi chữ, âm thanh, hình tượng, tình cảm… nhưng không cầu kỳ. Như vậy, thời gian càng trôi đi, giá trị lý luận và thực tiễn căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách của người làm báo cách mạng càng trở nên rõ rệt và sâu sắc đối với mỗi chúng ta. Trên đây là đôi điều chia sẻ về lĩnh vực mà mình am hiểu, tôi sẽ tiếp tục cộng tác và hy vọng ngày càng có nhiều bài viết chất lượng được đăng tải, trở thành “cây viết quen thuộc” của chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên Tạp chí CNQP và Kinh tế. TS. VŨ QUANG ÁNH Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
|