Tin tổng hợp

CNQP&KT - Sự việc diễn ra cũng đã lâu nhưng vẫn mang tính thời sự đối với các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay.

Chuyện rằng, một doanh nghiệp quân đội có bề dày truyền thống, từng được coi là tượng đài đấu tranh chống áp bức, bất công dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng lại ì ạch, hụt hơi, đuối sức trong sản xuất, kinh doanh thời kinh tế thị trường. Một trong những nguyên nhân là do một số cán bộ chủ chốt ở đây không thống nhất trong định hướng phát triển doanh nghiệp, quản lý điều hành thiếu sự đồng tâm, hiệp lực; mỗi “sếp” có một ê kíp để tạo phe cánh hậu thuẫn đấu đá nhau… Chỉ sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của trên, mà trọng tâm là tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại nhân sự, mới giúp doanh nghiệp từng bước khởi sắc, trở thành một doanh nghiệp có thực lực, thương hiệu trong lĩnh vực của mình. Bài học rút ra là: bất cứ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng không thể có sự phát triển tích cực, hoàn hảo nếu thiếu sự đồng thuận, thống nhất vì “cái chung”.

Đã 45 năm rồi, chiến thắng vĩ đại 30/4 gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về giá trị của độc lập, tự do, sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Non sông thống nhất lại càng cần sự đồng thuận của lòng người để đưa đất nước tiến lên.

Tuy vậy, cần phải đề cập một thực tế, trong bức tranh toàn cảnh của đất nước hiện nay, thật đáng tiếc, vẫn có những gam màu mờ nhạt, rối rắm mà đôi khi lại xuất phát từ sự thiếu thống nhất trong suy nghĩ và hành động! Điều này thể hiện ngay trong hoạt động của các cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp. Có những chính sách, giải pháp chưa bám sát thực tế xã hội, khi đưa ra không tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao, không được mọi người hồ hởi đón nhận và do đó ít tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống. Không ít văn bản quy phạm pháp luật “vênh” nhau, chồng chéo lên nhau! Lại có những quyết định ở cấp vĩ mô không được quán triệt, triển khai thực hiện đến nơi đến chốn ở cơ sở. Sự thiếu nhất quán, mạnh ai nấy làm diễn ra khá phổ biến. Chính những chính sách, quy định của mỗi ngành, mỗi địa phương một khác, có tính cục bộ là lực cản trong quản lý điều hành nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Và sự thiếu thống nhất trong chủ trương, chính sách quản lý đã dẫn đến những hệ lụy trái chiều, phần nào kìm hãm sự phát triển vì mục tiêu, lợi ích chung.

Mỗi người Việt Nam đều hiểu rằng, để có núi sông liền một dải "Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” là cả một cuộc trường chinh vĩ đại, thể hiện sự thống nhất ý chí, quyết tâm, hành động và ước nguyện hoà bình, độc lập của dân tộc ta. Ý nghĩa đó vẫn đang hiển hiện trong cuộc sống sôi động thời bình hôm nay. Để phát triển đất nước bền vững, chúng ta cần thống nhất nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về khát vọng cường thịnh, phồn vinh của đất nước, về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Không thể có một thương hiệu quốc gia sáng láng trên thị trường thế giới khi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn lẩn khuất, nhộn nhạo ở thị trường trong nước. Cũng rất khó có sự phát triển bền vững khi sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp quân đội, không thực hiện thống nhất, nghiêm túc các tiêu chí về mặt chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ. Rộng hơn, việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong nhân dân, đảm bảo sự phát triển đồng đều ở từng vùng miền, địa phương, ngành nghề, lĩnh vực… là vấn đề có tính chiến lược chung, cơ bản và cấp thiết, không riêng của mỗi ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nào.

Kỷ niệm chiến thắng 30/4 là dịp để mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân thấu tỏ hơn về vấn đề thống nhất ý chí và hành động, thực hiện “đại đoàn kết toàn dân tộc”. Biết quy tụ lòng người, phát huy năng lực nội sinh, triển khai thực hiện đồng bộ, triệt để các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp… là yếu tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước một cách bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.

NHẤT NGÔN

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: