Tin hoạt động

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3075/QĐ-BTC ngày 12/5/2020 của Ban Tổ chức Cuộc thi viết tìm hiểu 75 năm truyền thống Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (15/9/1945-15/9/2020)

Điều 1: Quy định chung

1. Quy chế Cuộc thi quy định về đối tượng áp dụng; hình thức, nội dung; cách thức; thời gian; nguyên tắc chấm điểm; cơ cấu giải thưởng; trách nhiệm của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký Cuộc thi; nguyên tắc chấm bài dự thi cấp Tổng cục; tổ chức chấm, công nhận kết quả Cuộc thi; giải quyết khiếu nại, tố cáo về điểm bài dự thi và những nội dung có liên quan đến bài dự thi.

2. Yêu cầu bài dự thi:

- Đúng chủ đề, nội dung quy định; nội dung bài dự thi không được sao chép lại của người khác dưới mọi hình thức; nếu có trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng, khuyến khích các bài viết được đầu tư hình thức phong phú, có nhiều hình ảnh minh họa lôi cuốn độc giả.

- Bài dự thi được viết (hoặc đánh máy) bằng tiếng Việt, nên sử dụng khổ giấy A4; đóng thành quyển, hình thức bìa theo mẫu; khuyến khích các bài dự thi có thiết kế sáng tạo phong phú, đa dạng.

- Cuối bài thi phải ký tên người viết.

Điều 2. Đối tượng tham gia

2.1. Cán bộ, QNCN, CNVCQP, học viên Trường Cao đẳng CNQP, chiến sỹ và người lao động đã và đang lao động, học tập, công tác ở Tổng cục.

2.2. Nhân dân địa phương nơi đóng quân, đơn vị kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị.

Mỗi người tham gia 01 bài thi.

Điều 3. Hình thức, nội dung; cách thức thi

Thi viết; đối tượng dự thi trả lời bộ câu hỏi gồm 09 câu (câu số 9 viết không quá 5.000 từ), cụ thể như sau:

Câu hỏi 1: Đồng chí hãy nêu bối cảnh ra đời của Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Ngành Công nghiệp quốc phòng)? Vì sao ngày 15/9 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Tổng cục CNQP?

Câu hỏi 2: Đồng chí hãy nêu thân thế, sự nghiệp và vai trò của Thiếu tướng, Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với Ngành Quân giới?

Câu hỏi 3: Súng và đạn Bazoka của Cục Quân giới có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong kháng chiến chống thực dân Pháp?

Câu hỏi 4: Đồng chí hãy nêu những thành tựu nổi bật của Ngành Quân giới trong kháng chiến chống thực dân Pháp?

Câu hỏi 5: Những sáng kiến, cải tiến, chế tạo, sản xuất vũ khí tiêu biểu của Ngành Quân giới trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là gì?

Câu hỏi 6: Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt về xây dựng và phát triển CNQP thông qua các nghị quyết nào? Những thành tựu nổi bật của CNQP về sản xuất quốc phòng và kinh tế từ năm 2011 đến nay?

Câu hỏi 7: Đảng bộ Tổng cục CNQP đã trải qua 9 kỳ Đại hội (trong đó kế tiếp 3 kỳ Đại hội từ Tổng cục Kỹ thuật trước đây), đồng chí hãy nêu thời gian cụ thể diễn ra các kỳ Đại hội? Lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục qua các thời kỳ gồm những đồng chí nào?

Câu hỏi 8: Đồng chí hãy cho biết các tập thể, cá nhân của Ngành Quân giới trước kia và Tổng cục CNQP ngày nay được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới?

Câu hỏi 9: Hãy kể một kỷ niệm sâu sắc về CNQP? Trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng và phát triển Ngành CNQP vững mạnh?

Điều 4. Thời gian gửi bài thi về Ban Tổ chức Cuộc thi

- Các cơ quan, đơn vị tổng hợp kết quả Cuộc thi ở cấp mình, nộp bài theo quy định về Cục Chính trị (qua Phòng Tuyên huấn) xong trước ngày 10/8/2020.

- Tổng cục chấm bài và tổng kết xong trước ngày 10/9/2020.

Điều 5. Trách nhiệm Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Thư ký

1. Trách nhiệm Ban Tổ chức

- Triển khai các nội dung theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Cuộc thi.

- Quyết định loại bỏ các bài dự thi không hợp lệ quy định tại Quy chế của Cuộc thi theo đề xuất của Trưởng Ban Giám khảo.

- Kiểm tra, giám sát việc tổ chức chấm bài dự thi; chỉ đạo, giải quyết các vấn đề vướng mắc, khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức chấm bài dự thi.

- Công nhận kết quả chấm điểm và quyết định việc xếp giải bài dự thi. Đề nghị Thủ trưởng Tổng cục ra quyết định khen thưởng và tổ chức trao thưởng.

- Quyết định việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Giám khảo, Thư ký để giúp Ban Tổ chức đánh giá các bài dự thi.

2. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Giám khảo và Thư ký

2.1 Trưởng Ban Giám khảo có trách nhiệm sau đây:

- Tổ chức việc chấm bài dự thi; sắp xếp, bố trí thành viên Ban Giám khảo chấm bài dự thi theo Quy chế.

- Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc chấm bài dự thi; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm bài dự thi.

- Đề nghị Ban Tổ chức quyết định loại bỏ các bài dự thi không hợp lệ theo Quy chế cuộc thi mà thành viên Ban Giám khảo phát hiện được trong quá trình chấm bài dự thi. Trình Ban Tổ chức kết quả chấm điểm bài dự thi.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấm bài dự thi theo yêu cầu của Ban Tổ chức.

- Thực hiện giám sát việc thực thi trách nhiệm của thành viên Ban Giám khảo khi tham gia chấm bài dự thi.

2.2. Thành viên Ban Giám khảo có trách nhiệm sau đây:

- Tiếp nhận đáp án, tài liệu phục vụ việc chấm bài dự thi.

- Tiếp nhận bài dự thi để chấm theo phân công của Trưởng Ban Giám khảo; thực hiện việc chấm, cho điểm đối với bài dự thi theo Đáp án và Quy chế.

- Phát hiện, kiến nghị với Trưởng Ban Giám khảo xử lý các bài dự thi vi phạm Quy chế Cuộc thi trong quá trình thực hiện chấm bài dự thi.

- Tuân thủ các quy định về chấm bài dự thi theo quy định của Quy chế.

- Đánh giá kết quả bài dự thi công tâm, chính xác, khách quan, công bằng, đúng đáp án, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Giám khảo và Ban Tổ chức về cách đánh giá và cho điểm đối với bài dự thi; kịp thời báo cáo Trưởng Ban Giám khảo về những vấn đề phát sinh trong quá trình chấm bài dự thi.

- Trường hợp bài thi chấm chéo có số điểm lệch nhau đến 5 điểm thì Ban Giám khảo họp, xem xét và quyết định. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định.

- Bảo đảm tiến độ chấm bài dự thi theo quy định.

- Giữ gìn, bảo quản, chuyển lại bài dự thi và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng Ban Giám khảo.

2.3. Thư ký: Tổng hợp kết quả chấm điểm; báo cáo Ban Giám khảo, Ban Tổ chức. Làm việc khách quan, trung thực, chính xác; không thông tin kết quả trước khi Cuộc thi kết thúc.

Điều 6. Nguyên tắc chấm điểm, thang điểm và khen thưởng

1. Nguyên tắc chấm điểm

- Trung thực, khách quan, chính xác, công bằng, công khai thang điểm và kết quả chấm bài dự thi.

- Đúng Quy chế Cuộc thi và đáp án, thang điểm do Ban Tổ chức Cuộc thi công bố.

- Đề cao trách nhiệm cá nhân của thành viên Ban Giám khảo trong quá trình chấm bài dự thi.

- Bài dự thi được chấm theo thang điểm 100, điểm lẻ tính đến 0,5 điểm.

- Từng thành viên Ban Giám khảo chấm thi độc lập theo số lượng bài được phân công. Tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Giám khảo. Trường hợp cần thiết Trưởng Ban Giám khảo yêu cầu xem xét hoặc đề nghị kiểm tra chéo một số bài thi theo tỷ lệ nhất định.

- Trưởng Ban Giám khảo có trách nhiệm triệu tập các thành viên để họp thống nhất kết quả, báo cáo Ban Tổ chức đề nghị Thủ trưởng Tổng cục ra quyết định khen thưởng.

2. Thang điểm

* Giải cá nhân điểm tối đa 100 điểm, trong đó:

- Hình thức chấm điểm tối đa: 16 điểm

- Nội dung: 84 điểm: Trả lời đầy đủ 08 câu hỏi, mỗi câu tối đa 8 điểm. Riêng câu số 9 tối đa 20 điểm.

* Giải tập thể

- Căn cứ vào báo cáo tổng hợp về chất lượng kết quả tổ chức Cuộc thi ở đơn vị; số lượng bài dự thi theo quy định, chất lượng bài dự thi cấp Tổng cục để xếp thứ tự từ cao xuống thấp; xét đề nghị khen thưởng theo tỷ lệ quy định.

- Cộng điểm thưởng cho các tập thể có đơn vị, địa phương kết nghĩa tham gia, tùy theo số lượng và chất lượng bài thi (tính theo phần trăm tổng quân số của đơn vị và chất lượng bài thi).

3. Khen thưởng

3.1. Giải tập thể: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba.

+ Tặng Bằng khen của Thủ trưởng Tổng cục cho 01 tập thể đạt giải Nhất kèm theo tiền thưởng 8.000.000đ.

+ Tặng Giấy khen của Thủ trưởng Tổng cục cho 02 tập thể đạt giải Nhì kèm theo tiền thưởng mỗi giải 5.000.000đ.

+ Tặng Giấy khen của Thủ trưởng Tổng cục cho 03 tập thể đạt giải Ba kèm theo tiền thưởng mỗi giải 3.000.000đ.

3.2. Giải cá nhân: 01 giải Đặc biệt; 01 giải Nhất, 05 giải Nhì, 10 giải Ba, 15 giải Khuyến khích.

+ Tặng Bằng khen của Thủ trưởng Tổng cục cho 01 bài thi đạt giải Đặc biệt kèm theo tiền thưởng 5.000.000đ.

+ Tặng Bằng khen của Thủ trưởng Tổng cục cho 01 bài thi đạt giải Nhất kèm theo tiền thưởng 3.000.000đ

+ Tặng Giấy khen của Thủ trưởng Tổng cục cho 05 bài thi đạt giải Nhì và 10 bài thi đạt giải Ba kèm theo tiền thưởng mỗi giải Nhì 2.000.000đ, mỗi giải Ba 1.000.000đ.

+ Tặng Giấy chứng nhận của Tổng cục kèm theo tiền thưởng 15 giải Khuyến khích mỗi giải 500.000đ.

Tuỳ theo chất lượng kết quả bài dự thi, cơ cấu giải thưởng cuộc thi có thể thay đổi do Ban Tổ chức báo cáo, đề nghị Thủ trưởng Tổng cục ra quyết định khen thưởng.

3.3. Tổng kết Cuộc thi và trao giải vào dịp hành quân về nguồn, trước khi tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm truyền thống.

Điều 7. Xử lý vi phạm

1. Trong quá trình tổ chức cuộc thi nếu có ý kiến, kiến nghị về thành phần đối tượng dự thi, kết quả chấm thi thì phản ánh với Ban Tổ chức Cuộc thi qua Cục Chính trị để giải quyết kịp thời.

2. Đối tượng tham gia thi không đúng thành phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Quy chế Cuộc thi này thì kết quả bài dự thi sẽ bị hủy bỏ.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Quy chế được phổ biến tới các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục và các đối tượng tham gia Cuộc thi; Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi kết thúc Cuộc thi.

Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung Quy chế chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Cuộc thi./.

BAN TỔ CHỨC

 

     

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: