Khe Mây ngày ấy, bây giờ...27/05/2020 10:22:37 AMCNQP&KT - Xuất phát từ ý tưởng và quyết tâm thực hiện, vào thập kỷ 90 (thế kỷ XX), Hà Tĩnh đã xây dựng thành công khu kinh tế mới Yên Sơn (xã Hương Đô, huyện Hương Khê) với hai sản vật nức tiếng là cam bù và bưởi Phúc Trạch. Đã gần 30 năm trôi qua, mỗi khi nghe âm hưởng ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” - một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý, tôi lại nhớ về Khe Mây trong vùng kinh tế mới Yên Sơn của Hà Tĩnh. Năm 1992, tỉnh Hà Tĩnh được tái thành lập. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh quyết tâm đầu tư xây dựng một số vùng kinh tế mới với mục tiêu: Khai thác tiềm năng vùng gò đồi, góp phần giải quyết việc làm, phân bố lại dân cư, nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường. Khe Mây là địa danh đầu tiên được chọn nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên. Có 40 hộ dân đã tình nguyện rời khỏi nơi định cư cũ đến xây dựng quê hương mới. Bước đầu lập nghiệp, người dân Khe Mây gặp không ít khó khăn, bởi các hộ dân đều nghèo, khả năng đầu tư cho sản xuất rất hạn chế. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cũng chỉ đủ phục vụ di chuyển và làm nhà tạm để ở. Khe Mây ngày ấy gian khổ lắm. Bốn chục hộ dân lọt thỏm giữa vùng đất mênh mông, bốn bề là rừng cây, lau lách. Chỉ có một con đường độc đạo nối Khe Mây với trung tâm xã nhưng cũng không tránh khỏi bị cô lập vào mùa lũ bởi sông Ngàn Sâu. Rất may, không lâu sau khi người dân có mặt ở Khe Mây, một cây cầu gỗ vững chắc bắc qua sông Ngàn Sâu do một đơn vị quân đội xây tặng nhân dân xã Hương Đô để ghi nhận tình đoàn kết quân dân.
Vào đầu thập kỷ 90, trong chuyến đi thị sát 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (trong đó có Hà Tĩnh) của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Chính phủ giúp địa phương thẩm định cơ sở khoa học của 2 khu kinh tế mới là Yên Sơn (thuộc huyện Hương Khê) và Bắc Thượng Kỳ Anh (thuộc huyện Kỳ Anh). Tham gia đoàn, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã hứa với Thủ tướng sẽ đáp ứng yêu cầu của Hà Tĩnh với thời gian sớm nhất, đạt chất lượng cao nhất. Và đúng như vậy, báo cáo thẩm định cơ sở khoa học của hai khu kinh tế mới Yên Sơn và Bắc Thượng Kỳ Anh đã sớm được thông qua. Đáng chú ý, từ kết quả thẩm định, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị cơ quan chuyên môn thẩm định, giúp xây dựng mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường ở Khe Mây (nằm trong vùng kinh tế Yên Sơn). ![]() Một trong những kết luận quan trọng trong báo cáo thẩm định là vùng kinh tế mới Yên Sơn có khả năng mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao. Báo cáo cũng chỉ rõ: Mô hình chỉ có thể phát triển bền vững khi hội tụ được hai yêu cầu cơ bản, đó là có điều kiện tự nhiên phù hợp với loài cây dự kiến trồng và loài cây đó phải mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi xem xét, cây cam bù và bưởi Phúc Trạch đã được lựa chọn để trồng. 2.000 cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc đã được Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia) tặng nhân dân Khe Mây để triển khai dự án. Ngay buổi tối, sau khi hoàn thành việc trồng 2.000 gốc cam bù và bưởi Phúc Trạch, một cơn mưa rào trút xuống không chỉ mang đến nguồn sống cho cây xanh, mà còn tưới mát lòng người Khe Mây. Cho đến nay, đã hàng chục năm trôi qua, tôi vẫn không quên được sự vui mừng hiển hiện trên khuôn mặt những người dân Khe Mây ngày ấy. ![]() Có thể nói, việc lựa chọn cam bù và bưởi Phúc Trạch để trồng ở Khe Mây đến nay là hoàn toàn chính xác, vì không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mà còn thể hiện vai trò là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Bưởi Phúc Trạch, cam bù là những loài cây lâu năm, nhưng lại nhanh cho thu hoạch, ra quả bói vào năm thứ ba sau khi trồng. Cam bù cho thu hoạch quả trong vòng 25-30 năm, nổi tiếng do hương vị ngọt, màu sắc, dáng quả đẹp. Một héc-ta trồng 400 cây cam bù, trung bình sẽ cho thu hoạch khoảng 80-100 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, bưởi Phúc Trạch có thời gian thu hoạch còn lâu hơn và được đánh giá cao về chất lượng. Cam bù, bưởi Phúc Trạch đã từng bước làm thay đổi diện tích đất trống, đồi trọc chưa được sử dụng ở Khe Mây thành đất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần làm cho hệ sinh thái nông nghiệp phong phú hơn, đặc biệt là hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học nhờ tạo ra nơi cư trú, sinh sống cho nhiều loài sinh vật có ích, như một số loài chim ăn sâu bọ; tạo ra môi trường sống trong lành nhờ tinh dầu, chất thơm tiết ra từ hoa bưởi, hoa cam; tiêu diệt các loài vi sinh vật gây bệnh; giảm nhiệt độ không khí vào mùa hè, ngăn cản gió rét vào mùa đông...
Ngược dòng thời gian, năm 1999, nhân một chuyến công tác, tôi có dịp quay trở lại Khe Mây và nhận thấy được sự thay da, đổi thịt nơi đây. Thời điểm ấy, cư dân Khe Mây đã tăng lên 150 hộ. Khi xe vượt qua chiếc cầu gỗ bắc qua sông Ngàn Sâu chừng 1km, trước mắt tôi là những vườn cam trĩu quả dọc hai bên đường, thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Một ngôi trường khang trang, bề thế tọa lạc trên khu đất rộng, bốn bề lộng gió. Chỉ chưa đến 10 năm, Khe Mây đã thực hiện tốt mục tiêu xây dựng vùng kinh tế mới đề ra, như: khai thác tiềm năng vùng gò đồi, giải quyết việc làm, tiếp nhận thêm cư dân mới từ xã Hương Đô, góp phần phân bố lại dân cư và bảo vệ môi trường. Một số gia đình đã có hàng nghìn gốc cam, bưởi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Người dân đã mua được máy bơm nước để tưới cây, không còn cảnh phải xuống suối gánh nước. Chưa có điện lưới quốc gia nhưng một số hộ đã mua được máy phát điện để thắp sáng, nghe đài, xem truyền hình, v.v. Có thể khẳng định, mô hình Khe Mây tính đến thời điểm năm 1999 đã thành công, đạt được mục tiêu đề ra. Đáng mừng hơn là người dân nơi đây đang tiếp tục làm thay đổi diện mạo Khe Mây. Ông Đinh Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, Khe Mây hiện nay đã có 300 hộ trồng cam với diện tích khoảng gần 400 héc-ta. Nhiều người dân Khe Mây đã trở thành chủ trang trại lớn, điển hình như ông Đinh Văn Oánh với trên 20 héc-ta, doanh thu đạt gần 6 tỷ đồng/năm. Cam đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập lớn, ổn định cho người dân Khe Mây. ![]() Một điều đáng mừng là hiện nay người dân Khe Mây đã biết trồng, chăm sóc cam theo phương pháp sinh học. Không chỉ tận dụng chế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây, mà còn tự làm bẫy dính hoặc dùng thảo dược diệt sâu bệnh hại cây. Rải vỏ lạc vào gốc cây, khi mục sẽ thành phân hữu cơ. Do chăm sóc vườn cam theo hướng sinh học, cam Khe Mây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn và chất lượng. Trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây, người dân đã biết sử dụng các loài thiên địch, như bọ ngựa để bắt côn trùng gây hại, nhện giăng tơ bắt bướm có hại cho cam. Tận dụng nguồn kali tự nhiên từ mùn tre, phân gà ủ lên men, phân bò và chế phẩm tricoderma ủ hoại mục cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất. Một tin vui đến với người dân nơi đây, tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Cam Khe Mây”, có hiệu lực trong 10 năm. Giờ đây, Khe Mây đã trở thành vùng cây ăn quả lớn, có thương hiệu của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Để kết thúc bài viết này, tôi xin được nhắc lại ý kiến của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Thủ tướng, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc: “Mô hình vườn rừng ở Khe Mây đã cùng một lúc giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khai thác tiềm năng của vùng đất đang có nguy cơ ngày càng thoái hóa, theo hướng phát triển lâu dài, bảo vệ môi trường. Mô hình này cần được củng cố, phát triển, là hình mẫu để các hộ kinh tế khác học tập, làm theo”. LÊ TRẦN CHẤN
|