Chế tạo thành công móc kéo thủy lực dạng đĩa dùng trong quân sự20/05/2020 09:09:24 AMCNQP&KT - Các cán bộ, nghiên cứu viên của Phòng Thiết kế - Phương án (Viện Thiết kế tàu quân sự) đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công loại móc kéo thủy lực dạng đĩa 15 tấn trang bị cho các loại tàu kéo, lai dắt, cứu hộ, cứu nạn quân sự trong nước.
Hiện nay, loại móc kéo thủy lực dạng đĩa được sử dụng trên các tàu kéo, cứu hộ quân sự trong nước, như: TKCH3500, TK600, FC-624, TK1200CV... có kích thước nhỏ gọn, khả năng nhả nhanh cáp kéo từ xa và có độ an toàn, tin cậy cao. Tuy nhiên, sản phẩm này phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành khá cao, thời gian lâu; tài liệu thiết kế, chế tạo thuộc bản quyền, bí quyết công nghệ của các hãng nổi tiếng thế giới nên rất khó tiếp cận. Từ yêu cầu và mục tiêu nội địa hóa, làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo móc kéo dạng đĩa nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng cường tính chủ động trong bảo đảm vật tư, thiết bị phục vụ đóng mới, bảo dưỡng và sửa chữa; nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ cho các tàu quân sự, Viện Thiết kế tàu quân sự đã được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế thử móc kéo thủy lực có sức kéo 15 tấn cho tàu kéo quân sự loại 1000-1500 CV”.
Sản phẩm móc kéo thủy lực, dạng đĩa 15 tấn. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu thiết kế tàu kéo quân sự, tàu cứu hộ, cứu nạn, catalog giới thiệu về móc kéo của các hãng nổi tiếng trên thế giới; tham khảo công trình thiết kế, chế tạo móc kéo cơ của nhiều đơn vị sản xuất trong nước, cũng như kết quả khảo sát, nghiên cứu cấu tạo, nguyên lý hoạt động, quá trình khai thác sử dụng móc kéo trong thực tế, tổ đề tài đã tiến hành tổng hợp, phân tích dữ liệu, ưu và nhược điểm của các loại móc kéo; từ đó, lựa chọn loại móc kéo cần thiết kế, chế thử và quy phạm, tiêu chuẩn, phần mềm ứng dụng phù hợp. Theo đó, sản phẩm móc kéo thủy lực dạng đĩa được thiết kế dựa theo hình dáng, kích thước bao, cấu tạo và nguyên lý hoạt động cơ bản giống như loại móc kéo cơ trang bị trên tàu FC-624 của Quân chủng Hải quân; đồng thời, được lắp đặt bổ sung thêm cụm xi lanh thủy lực để nhả nhanh đĩa móc kéo trong trường hợp khẩn cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và thuyền viên trong quá trình vận hành, khai thác. Về kích thước, vật liệu các chi tiết của móc kéo được xác định tối ưu theo phương pháp thiết kế ngược trên cơ sở tính toán thiết kế, mô hình 3D và kiểm bền trong các phần mềm chuyên dụng như Inventor, ANSYS… Sau đó, dựa vào kết quả tính toán, các nghiên cứu viên đã xây dựng bộ tài liệu thiết kế, tiêu vật tư đầu vào, quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp, kiểm tra, thử nghiệm của bộ móc kéo thủy lực dạng đĩa 15 tấn với sự hỗ trợ của các phần mềm AutoCAD, Microsoft Word... Quá trình chế tạo sản phẩm, tổ thiết kế đã kết hợp với một số nhà máy trong Quân đội chế tạo đồng bộ các chi tiết; sử dụng thiết bị gia công cơ khí chính xác cùng với xử lý hóa bền và nhiệt luyện sau gia công cơ khí các chi tiết, cụm chi tiết của sản phẩm. Việc thử nghiệm sản phẩm được thực hiện tại Xưởng cơ khí của Viện Thiết kế tàu quân sự bằng giá thử tải do tổ đề tài nghiên cứu thiết kế và chế tạo; đảm bảo quá trình thử thuận tiện, an toàn và chính xác. Kết quả thử nghiệm tính năng và các thông số kỹ thuật đạt được tương đương sản phẩm nhập ngoại của Hà Lan. Các thông số kỹ thuật chính của sản phẩm:
+ Móc kéo có khả năng nhả nhanh cáp kéo từ xa bằng thủy lực và bằng tay (dự phòng) trong các tình huống khẩn cấp.
Nghiệm thu sản phẩm tại Xưởng cơ khí - Viện Thiết kế tàu quân sự. Sau thời gian triển khai thực hiện, năm 2019, đề tài đã hoàn thành và bảo vệ thành công tại Hội đồng nghiệm thu cấp Tổng cục. Cơ quan quản lý đề tài và một số đơn vị khai thác sử dụng sản phẩm đã ghi nhận các kết quả nghiên cứu và đề xuất phát triển ứng dụng kết quả của đề tài vào thực tế. Theo đánh giá, đề tài đạt được một số kết quả chính, đó là: Một là, làm chủ được thiết kế, công nghệ; chế tạo được 1 bộ móc kéo thủy lực dạng đĩa, 1 bộ giá thử tải móc kéo 15 tấn đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra theo yêu cầu. Sản phẩm có tính năng tương đương với sản phẩm nhập ngoại, giá thành rẻ hơn, góp phần giảm chi phí đầu tư, thời gian chuẩn bị vật tư, thiết bị, tăng cường tính chủ động trong công tác đóng mới, bảo dưỡng và sửa chữa tàu quân sự; từ đó, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các tàu có lượng chiếm nước lớn. Hai là, kết quả của đề tài là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển các loại móc kéo thủy lực dạng đĩa có sức kéo và mức độ tự động nhả cáp kéo khác nhau, hướng tới nội địa hóa hoàn toàn sản phẩm này, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các đơn vị trong nước cũng như khách hàng quốc tế. Ba là, khẳng định được năng lực, trình độ thiết kế, chế tạo sản phẩm của cán bộ, nghiên cứu viên, kỹ sư của các đơn vị trong Quân đội, như: Viện Thiết kế tàu quân sự, Nhà máy Z125, Nhà máy X51 (Tổng Công ty Ba Son), Nhà máy Z133... TS. NGUYỄN HUY HOẰNG Viện Thiết kế tàu quân sự - Tổng cục CNQP
|