Kết hợp kinh tế với quốc phòng trên vùng biển Tây Nam17/04/2019 02:53:28 PMCNQP&KT - Vùng biển, đảo Tây Nam có vị trí chiến lược quan trọng đối với việc bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là cửa ngõ của nước ta trong hội nhập với thế giới và khu vực. Vì vậy, vùng biển, đảo Tây Nam nói riêng, các hướng biển, đảo nói chung luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN).
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương, tại vùng biển, đảo Tây Nam đã thành lập các khu kinh tế ven biển; các đô thị ven biển được đầu tư phát triển; hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng; các lĩnh vực, như: hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản trên biển, ven biển phát triển mạnh; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo được giữ vững… Trong đó, đảo Phú Quốc đã và đang được đầu tư mạnh mẽ xây dựng, kết hợp phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng biển, đảo. Trong xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH của các địa phương ven biển thuộc vùng biển, đảo Tây Nam đã có sự phối hợp với quy hoạch quốc phòng ở từng địa phương, phù hợp với tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển và thế trận phòng thủ chung trên địa bàn. Cơ quan quân sự các cấp đã thường xuyên làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quân sự; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu và huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất của địa phương tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tuyên truyền giáo dục nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh tế trên biển, đảo; thực hiện tốt các thỏa thuận, hiệp định, nghị định… mà Chính phủ đã ký kết hợp tác và phân định ranh giới trên biển với các nước liên quan; vận động nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn các hoạt động thăm dò, khai thác đánh bắt hải sản trái phép và tích cực tham gia phòng chống, khắc phục các thảm họa thiên tai góp phần bảo vệ an ninh, giữ vững chủ quyền trên biển, đảo. Bên cạnh đó, kết hợp quy hoạch phát triển KT-XH với quy hoạch xây dựng hệ thống công trình phòng thủ trên các đảo gần bờ, tuyến ven bờ; củng cố, nâng cấp, mở rộng hệ thống các cảng biển, quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa khả năng phòng thủ và chi viện cho các vùng biển, đảo; định kỳ tổ chức diễn tập phối hợp giữa các lực lượng theo quy định.
Khu vực mũi Gành Dầu, phía Bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: DUY KHANG Trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, lực lượng vũ trang địa phương cũng như các đơn vị đứng chân trên địa bàn vùng biển, đảo Tây Nam thường xuyên tăng cường các hoạt động tuần tra chung trên biển; trao đổi thông tin, duy trì tốt an ninh trật tự trên vùng nước lịch sử, khu vực biển mỗi nước, tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn, giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra trên biển; hợp tác phòng, chống cướp biển, khủng bố; phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giải quyết tình trạng ngư dân của các nước đánh bắt hải sản trái phép và chống ô nhiễm môi trường biển; xây dựng lòng tin của mỗi nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân đã giúp vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc từng bước “thay da đổi thịt”, QP-AN cơ bản giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN trên vùng biển, đảo Tây Nam còn tồn tại một số bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển, như: Cơ chế lãnh đạo, điều hành và vai trò tham mưu của cơ quan quân sự địa phương trong hoạt động khu vực phòng thủ theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Nghị định 152 của Chính phủ còn có nơi chưa phù hợp; có địa phương đầu tư cho phát triển KT-XH chưa chú trọng gắn với tăng cường củng cố QP-AN ở tuyến ven biển, trên biển, đảo. Trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN vẫn còn có dự án kết hợp chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa các địa phương ven biển khi tổ chức thực hiện chưa nhất quán, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền về biển, đảo, giáo dục nhận thức về pháp luật cho ngư dân chưa sâu rộng, nên vẫn còn tình trạng vi phạm ngư trường, khiến cho một số tàu cá của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, phạt tiền, thu tài sản và đã có thiệt hại về tính mạng...
Các lực lượng chấp pháp trên biển cùng ngư dân là nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Ảnh: CTV Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ kết hợp phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN ở vùng biển, đảo Tây Nam, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau: Một là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường, củng cố QP-AN vùng biển, đảo. Trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch, kế hoạch tổng thể đối với từng khu vực, từng địa phương, từng ngành nghề, lĩnh vực. Cần tăng cường sự liên kết vùng, phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp để khắc phục tình trạng làm ăn manh mún, cục bộ dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành và từng doanh nghiệp. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển phải thể hiện được sự gắn kết với tăng cường, củng cố QP-AN trên vùng biển, đảo. Xây dựng và phát triển KT- XH cần tập trung đầu tư trọng điểm các ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng khai thác tài nguyên kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở những vùng biển, đảo xa bờ; gắn các hoạt động kinh tế biển với tổ chức xây dựng các hải đoàn, hải đội, các đơn vị đánh bắt, chế biến hải sản, vận tải biển và với xây dựng các đơn vị dân quân tự vệ biển. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư, lực lượng tham gia làm kinh tế biển trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân bám biển, sẵn sàng đối phó kịp thời các tình huống xảy ra. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của QP-AN trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam. Hai Ba là, xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN vùng biển, đảo Tây Nam. Cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo, bổ sung hoàn thiện chính sách đặc thù khuyến khích đưa dân ra làm ăn sinh sống trên các đảo; thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng biển, đảo góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết sản xuất trên biển, đảo; thiết lập liên doanh, liên kết sản xuất - kinh doanh giữa biển, đảo với các địa bàn khác trên bờ và trong nội địa. Tăng cường đầu tư thực hiện kế hoạch xây dựng đảo Phú Quốc mạnh về kinh tế, du lịch, dịch vụ, vững về QP-AN, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả triển khai xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên vùng biển, đảo Tây Nam; xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, nghề cá, như cảng cá, cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và nuôi trồng thủy hải sản, các cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái biển kết hợp với xây dựng các căn cứ hậu phương, hậu cần, kỹ thuật, cơ sở công nghiệp, chế biến nông, thủy hải sản… Bốn là, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam. Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới có thế mạnh, giàu tiềm năng về khoa học biển, cũng như với các tổ chức quốc tế về các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế; giải quyết các vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tăng cường hợp tác giữa Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng Việt Nam với Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng các nước trong khu vực, như trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra trên biển; phối hợp trong hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, chống khủng bố, chống cướp biển, bảo đảm an ninh và môi trường biển. Cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ hình thành những dự án phát triển kinh tế theo hướng liên doanh, liên kết, tăng cường trao đổi, xuất khẩu, tạo thế đan xen lợi ích vừa phục vụ cho phát triển KT-XH vừa tăng cường, củng cố QP-AN. Vùng biển, đảo Tây Nam có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, QP-AN và đối ngoại. Do đó, nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN trên vùng biển, đảo này là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các địa phương có biển, đảo. Vì vậy, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng tăng cường củng cố QP-AN, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo nói chung và vùng biển, đảo Tây Nam nói riêng trong tình hình mới. Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HOÀN Nguyên cán bộ Viện Chiến lược quốc phòng
|