Cái tâm của vợ chồng lính thợ03/02/2020 10:22:11 AMCNQP&KT - Ở Nhà máy Z111, vợ chồng Đại úy Nguyễn Thọ Tâm - Cao Thị Huê “nổi danh” vì không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở Phân xưởng Cụm hộp A4, mà còn giúp nhiều học sinh là con em cán bộ, công nhân viên Nhà máy học hành giỏi giang, đỗ đạt…
NỔI DANH NGHỀ “TAY TRÁI” Mới đây, khi đến Nhà máy Z111 công tác, qua lời giới thiệu ngắn ngủi của Trung tá Trần Văn Biên, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy, về cặp vợ chồng Nguyễn Thọ Tâm - Cao Thị Huê (hiện công tác tại Phân xưởng Cụm hộp A4 của Nhà máy), tôi đã tò mò tìm đến tận nhà để hiểu thêm về họ. Điều đặc biệt của đôi vợ chồng này là ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, họ còn tranh thủ thời gian giúp đỡ các cháu là con em cán bộ, công nhân viên trong Nhà máy và một số gia đình ở nơi cư trú ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và ôn thi đại học, với hai môn học chính là toán và vật lý. Ngay lần đầu tiếp xúc, tôi đã có ấn tượng tốt với hai người, bởi ở họ toát lên sự nho nhã, điềm đạm và phong thái rất… sư phạm! Tôi thẳng thắn bày tỏ với họ rằng: Nghe nói hai vợ chồng không chỉ hoàn thành tốt công việc trong nhà máy, mà còn nổi danh với nghề “tay trái” nên muốn “thực mục sở thị” lớp học tại gia? Huê cười hiền đáp: “Nếu được theo đúng ngành nghề đào tạo thì hiện em là giáo viên dạy vật lý. Nhưng với biên chế hạn hẹp, cơ hội cho giáo viên trẻ mới ra trường như em có vị trí ổn định là rất khó khăn. Sau một thời gian suy nghĩ, em quyết định chuyển nghề từ “thầy” sang “thợ”. Tuy có nuối tiếc khi phải rẽ ngang nhưng hiện tại em thấy hài lòng với lựa chọn này”. Qua trò chuyện, tôi được biết, Tâm và Huê là “đôi bạn cùng tiến” từ thời học phổ thông trung học. Tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Thọ Tâm chọn học chuyên ngành gia công áp lực của Học viện Kỹ thuật quân sự, còn Cao Thị Huê chọn ngành vật lý của trường Đại học Sư phạm. Khi Tâm về công tác tại Nhà máy Z111, Huê vẫn trung thành với bảng đen, phấn trắng. Sau hai năm “đeo đuổi” nghề giáo, Huê quyết định… theo chồng, trở thành công nhân của Phân xưởng Cụm hộp A4 - nơi Tâm đang công tác. Bắt đầu từ con số “0”, chuyển từ lao động trí óc sang lao động chân tay, Cao Thị Huê đã rất nỗ lực học nghề để có thể đảm nhận tốt vị trí thợ phay tại Phân xưởng Cụm hộp A4. Làm người thợ trong xưởng máy nhưng cơ duyên với nghề giáo của Huê vẫn không thể dứt hẳn. Biết Huê từng là giáo viên dạy vật lý, một số cán bộ, công nhân viên trong Nhà máy đã tin cậy nhờ cô kèm cặp, bổ trợ kiến thức cho con em họ. Từ lúc khởi đầu chỉ dạy cho vài học sinh, đến nay, vợ chồng Tâm - Huê đã kín lịch dạy trong tuần, với gần 20 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12. Chồng phụ trách dạy môn toán, vợ đảm nhiệm dạy môn vật lý. Do đặt hiệu quả lên hàng đầu, nên lớp đông nhất chỉ bố trí 7 học sinh và lớp ít nhất là 3 học sinh. “Hữu xạ tự nhiên hương”, tuy chỉ Huê có bằng sư phạm chính quy, nhưng phụ huynh và học sinh vẫn tin tưởng đến xin học lớp “thầy Tâm, cô Huê” đều đều. Đối với những học sinh mới, hai người đều thẳng thắn trao đổi phương pháp dạy - học và cho học sinh học thử, nếu hiểu cách truyền đạt mới nhận vào học chính thức. Đặc biệt, với nghề “tay trái” này, vợ chồng lính thợ xác định dùng kiến thức, kinh nghiệm giúp mọi người là chính
Vợ chồng Đại úy Nguyễn Thọ Tâm trong giờ làm việc tại Phân xưởng Cụm hộp A4- Nhà máy Z111. , không quá “nặng” vấn đề phụ phí. Bắt đầu kèm học sinh từ năm 2013, đến nay, hai vợ chồng đã giúp được hơn 40 em thi đậu cấp 3, tốt nghiệp trung học phổ thông và đỗ đại học.
Vợ chồng Đại úy Nguyễn Thọ Tâm trong giờ làm việc tại Phân xưởng Cụm hộp A4- Nhà máy Z111. KHÔNG SAO NHÃNG NGHỀ “TAY PHẢI”! Dù bận rộn với nghề “tay trái”, nhưng hai vợ chồng không để ảnh hưởng đến nghề “tay phải” - công việc trong xưởng máy. Đặc biệt là với Tâm, trên cương vị trợ lý kỹ thuật Phân xưởng Cụm hộp A4, phải đảm bảo công tác kỹ thuật cho toàn Phân xưởng, trong khi những kiến thức ngoài chuyên ngành về dập, anh đều không sâu và không có kinh nghiệm. Nguyễn Thọ Tâm bộc bạch với tôi: “Đây là khó khăn rất lớn đối với bản thân, nhưng với phương châm “không giấu dốt, không sợ sai”, em đã quyết tâm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công việc”. Khi đã “nhìn thấu, hiểu rõ” những điểm mạnh của bản thân, Tâm đã phát huy rất hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Với những kiến thức đã được trang bị trong trường và qua thực tế sản xuất tại Phân xưởng, Nguyễn Thọ Tâm tích cực tham gia vào phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do Nhà máy phát động. 5 năm qua, anh đã tham gia hoàn thiện 2 đề tài cấp nhà máy và 8 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Do hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục, Đại úy Nguyễn Thọ Tâm được Nhà máy tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và năm 2017 được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Còn Cao Thị Huê cũng luôn làm tốt công việc của người thợ phay; đồng thời, tích cực bắt nhịp phương pháp sư phạm mới bằng cách thường xuyên trao đổi với các bạn học là giáo viên và tự tìm hiểu qua các kênh thông tin, các nguồn tài liệu để truyền đạt cho học sinh. Nhận xét về “quân của mình”, Đại úy Phạm Tuấn Hải, Quản đốc Phân xưởng Cụm hộp A4, cho biết: Đại úy Nguyễn Thọ Tâm hiện là cán bộ nòng cốt của Phân xưởng. Còn đồng chí Cao Thị Huê, sau 4 năm công tác, đã phấn đấu đạt bậc thợ 4/7. Cả hai vợ chồng đều nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, có thời điểm chủ động đăng ký làm tăng ca, thêm giờ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi đánh giá cao việc vợ chồng đồng chí Tâm đã giúp cho nhiều học sinh là con em cán bộ, công nhân viên trong Phân xưởng và Nhà máy đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Biết đâu sau này các em lại chính là những người tiếp bước truyền thống gia đình vào công tác tại Nhà máy Z111”. Hai vợ chồng Tâm - Huê kể với tôi rằng, cũng có người muốn liên kết để mở trung tâm gia sư quy mô lớn nhưng họ từ chối. Bởi cả hai vợ chồng đều thấy yêu mến và quyết gắn bó với Nhà máy Z111 nói riêng và ngành CNQP nói chung. Cho dù “làm thợ” hay “làm thầy”, hai vợ chồng đều xác định làm việc bằng cả cái tâm, theo đúng khả năng mình có, để không chỉ giúp ích cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ được cho mọi người. Tấm lòng của hai vợ chồng Tâm - Huê thật đáng trân quý, đã lan tỏa và tạo thêm những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Bài và ảnh: MINH ANH
|