Tin xúc tiến thương mại

CNQP&KT - Sản xuất thông minh, nhà máy thông minh là sự phát triển ở trình độ cao của các nhà máy tự động hóa truyền thống. Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP), sản xuất thông minh, nhà máy thông minh là xu hướng tất yếu khách quan để giải phóng lao động trực tiếp trong các công đoạn sản xuất có nguy cơ mất an toàn cao.

SẢN XUẤT THÔNG MINH, NHÀ MÁY THÔNG MINH LÀ GÌ?

Sản xuất thông minh, hiểu một cách khái lược nhất, là sự ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có kết nối internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), nhằm rút ngắn thời gian và tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường.

Nhà máy thông minh là một hệ thống sản xuất được kết nối và xử lý dữ liệu một cách linh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Nhà máy thông minh được thiết lập trên cơ sở sản xuất thông minh. Nhiều nhà máy thông minh tạo thành một hệ sinh thái sản xuất thông minh, hay nói cách khác là tạo thành một nền sản xuất thông minh.

 Áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, giúp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên - nhiên liệu và chi phí nhân công cho từng đơn vị sản phẩm, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Sản xuất thông minh sẽ giúp nền kinh tế có sức phát triển nhanh và bền vững hơn; giải phóng sức lao động của con người, nhất là ở những môi trường lao động nặng nhọc, độc hại.


Nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng THACO.   Ảnh: CTV

 LÀM GÌ ĐỂ SẢN XUẤT THÔNG MINH?

Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) cũng như của sản xuất thông minh là chuyển đổi số. Chuyển đổi số gồm hai trụ cột là chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số quản lý.


Nhà máy Z117 đầu tư robot phục vụ sản xuất.      Ảnh: HỒNG HẠNH

Chuyển đổi số doanh nghiệp bao gồm hai công đoạn rất quan trọng: Công đoạn thứ nhất là số hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều cần được số hóa, từ nhân lực, công nghệ, thiết kế, dây chuyền sản xuất cho tới mẫu mã sản phẩm, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất. Công đoạn thứ hai là phải ứng dụng công nghệ khai thác cơ sở dữ liệu đã được xây dựng, số hóa. Công nghệ số hiện nay rất phong phú, bao gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain (công nghệ cuốn sổ cái hay chuỗi khối được dùng để lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau, được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống), công nghệ internet vạn vật, công nghệ dữ liệu lớn… Các công nghệ này khai thác cơ sở dữ liệu, tích hợp tất cả thông tin của cơ sở dữ liệu để có thể tự động điều hành quá trình sản xuất, tối ưu hóa dây chuyền thiết bị, tối ưu hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm lợi ích kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp chịu tác động của ba yếu tố:

Thứ nhất, các sáng kiến công nghệ, bao gồm phát minh, sáng chế, giải pháp công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Công nghệ mới xuất hiện và phát triển liên tục mỗi ngày để đi vào sản xuất, kinh doanh và cuộc sống.

Thứ hai, phản hồi của người tiêu dùng. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp cải tiến công nghệ, sản phẩm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, chinh phục người tiêu dùng để từng bước mở rộng thị phần.

Thứ ba, tác động đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp là ngoại cảnh. Nói cách khác, đó chính là những cơ chế, chính sách của Nhà nước cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và những yếu tố ngoại cảnh khác như thị trường chứng khoán, cổ phiếu của doanh nghiệp đối tác, doanh nghiệp đối thủ... Những cơ chế, chính sách của nhà nước có thể tác động đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, như các chính sách về thuế, hải quan, cơ chế ưu đãi về đất đai, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về mẫu mã…

Cũng theo TS. Nguyễn Quân, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số phải quan tâm tới 5 vấn đề:

Một là, chuẩn bị cơ sở vật chất của doanh nghiệp, gồm trang - thiết bị, máy móc tương thích với công nghệ số, trong đó có máy móc CNC (loại máy móc công nghệ cao được điều khiển bằng máy tính) hay robot công nghiệp.

Hai là, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Hiện nay, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số ở Việt Nam đang rất thiếu. Khoảng 70-80% doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến chuyển đổi số, chưa quan tâm đến chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số.

Ba là, trước khi tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp cần cân nhắc, lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp với thời đại công nghệ số. Nếu sản xuất sản phẩm chỉ bằng lao động thủ công, lựa chọn công nghệ lạc hậu thì không thể chuyển đổi số thành công.

Bốn là, số hóa, tức là xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần số hóa toàn bộ hoạt động theo tư duy công nghệ số, từ nhân lực, tổ chức sản xuất cho tới thiết kế sản phẩm, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, thị trường và mọi biến động có tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng thành cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu này cần tương thích với cấu trúc cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu thế giới để có thể khai thác được cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu toàn cầu.

Năm là, lựa chọn công nghệ số để tích hợp toàn bộ công đoạn sản xuất cũng như khai thác cơ sở dữ liệu đã số hóa để tạo thành một dây chuyền sản xuất tự động hóa ở trình độ cao và được điều khiển bởi công nghệ thông minh, mô phỏng theo tư duy của con người.

5 BƯỚC XÂY DỰNG NHÀ MÁY THÔNG MINH

Làm thế nào để xây dựng một nhà máy thông minh? Đây là nội dung được rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo máy Autotech Việt Nam - đưa ra mô hình gợi ý xây dựng một nhà máy thông minh gồm 5 bước: Bước kết nối mọi thiết bị ngoại vi, máy móc và các nguồn dữ liệu khác vào một hệ thống mạng chung. Bước thu thập toàn bộ dữ liệu từ máy móc, thiết bị và trạm vận hành, dữ liệu sản xuất và chất lượng liên quan đến từng sản phẩm, tạo thành một cơ sở dữ liệu chung. Bước kiểm tra trực quan giúp người quản lý dễ dàng phân tích được các yếu tố liên quan, như chất lượng sản xuất, sự ổn định của máy móc khi vận hành như thế nào, tỷ lệ lỗi của sản phẩm ra sao. Bước phân tích đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho người vận hành có hành động kịp thời, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bước tự động hóa là hệ thống sẽ tự vận hành, thu thập dữ liệu, tính toán giải pháp và ra quyết định, từ đó vận hành một hệ thống sản xuất tự động và hiệu quả nhất.


Robot phẫu thuật Versius của Anh hứa hẹn tạo nên cuộc cách mạng trong y học.     Ảnh: Internet

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong cuốn “Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do TSKH, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ biên, nêu rõ, các nước trên thế giới có nhiều cách làm khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Nhật Bản ra mắt bộ công cụ Công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao hiểu biết về Công nghiệp 4.0. Singapore xây dựng bộ chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh; xây dựng chương trình ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xác định nhu cầu công nghệ của mình. Hàn Quốc thành lập quỹ nhà máy thông minh; đồng thời, cơ quan giám sát các dự án nhà máy thông minh của Hàn Quốc, hợp tác với Hãng Siemens (Đức) và công ty toàn cầu ở Hàn Quốc xây dựng nhà máy thông minh mẫu. Các quốc gia này cũng thành lập trung tâm chuyển đổi công nghiệp, xây dựng mô hình nhà máy thông minh, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Công nghiệp 4.0…

 Đối với các quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình và trung bình thấp, như Chile, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… thường tiến hành chuyển dịch cơ cấu ngành trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội trước khi thực hiện bước chuyển đổi số.

Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo để hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số, hướng tới sản xuất thông minh.

SẢN XUẤT THÔNG MINH LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU TRONG CNQP

Theo Thiếu tướng, TS. Đào Xuân Nghiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Quốc phòng đã ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị nêu trên và triển khai Đề án về “Quan điểm, mục tiêu và chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của CNQP giai đoạn đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Tổng cục CNQP đã triển khai một số đề tài, nhiệm vụ KHCN ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới và sản xuất sản phẩm. Hiện, Tổng cục CNQP cũng đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án và tiến tới áp dụng mô hình nhà máy thông minh tại một số doanh nghiệp.

Trên thực tế, một số cơ sở sản xuất CNQP bước đầu đã ứng dụng hệ thống thiết bị và phần mềm quản lý, điều hành, giám sát sản xuất; đưa hệ thống tự động hóa và robot để thay thế con người trong các công đoạn sản xuất nguy hiểm, độc hại; kết nối một số thiết bị thông dụng với các hãng sản xuất nước ngoài qua mạng internet nhằm giảm chi phí sửa chữa, bảo trì thiết bị, đồng thời, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, kinh doanh điện tử, áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại, giám sát sản xuất, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới đã có những thành tựu đáng kể. Điều đó cho thấy, Tổng cục CNQP nói riêng và Bộ Quốc phòng nói chung đã rất chủ động, tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, hướng tới sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu, khách quan nhằm giúp giải phóng lao động trực tiếp sản xuất trong các công đoạn nguy hiểm, chuyển sang điều khiển, vận hành máy móc từ xa và chỉ trực tiếp sản xuất ở những công đoạn an toàn, sẽ giúp sản phẩm CNQP tiệm cận với độ chính xác tuyệt đối, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

 

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: