Công đoàn cơ sở - “Điểm tựa” vững chắc của lính thợ06/06/2023 04:06:37 PMCNQP&KT - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có lực lượng lao động đông đảo, đa số làm việc trực tiếp trên các dây chuyền sản xuất. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi, đảm bảo chế độ, chính sách của người lao động luôn được Công đoàn cơ sở các đơn vị trong Tổng cục quan tâm chú trọng; trở thành “điểm tựa” vững chắc, tin cậy của những người lính thợ công nghiệp quốc phòng. CHỦ TRƯƠNG XUYÊN SUỐT Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cũng như quan tâm chăm lo, bảo đảm chế độ, chính sách của cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, đối với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), nơi có lực lượng lao động hùng hậu, đa số làm việc trực tiếp trên các dây chuyền sản xuất, nhiệm vụ này càng khó khăn, nặng nề hơn. Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Tổng cục CNQP, khẳng định: Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Tổng cục thường xuyên quán triệt nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp thiết thực vì người lao động. Các đơn vị trong Tổng cục cơ bản đảm bảo tốt việc làm; quan tâm chăm lo, cải thiện môi trường, điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; tổ chức Công đoàn đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” giữa đại diện doanh nghiệp và người lao động, trở thành “điểm tựa” vững chắc, tin cậy của những người lính thợ CNQP”. ![]() Đoàn viên công đoàn Nhà máy Z111 kiểm tra sản phẩm quốc phòng sau sản xuất. Ảnh: SỸ HÙNG Tìm hiểu được biết, từ chủ trương, định hướng xuyên suốt trên, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong Tổng cục luôn quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để Công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, Ban chấp hành CĐCS các doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để soạn thảo, sửa đổi và bổ sung nhiều văn bản liên quan đến quyền lợi của người lao động theo Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội...; đại diện cho người lao động thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với giám đốc doanh nghiệp theo các điều khoản có lợi hơn so với luật, như: chế độ phụ cấp, bữa ăn ca, hỗ trợ lao động nữ... Đồng thời, tham mưu với giám đốc doanh nghiệp sắp xếp, bố trí sử dụng lao động hợp lý, tham gia xây dựng định mức lao động và các hình thức trả lương, thưởng đúng nguyên tắc, đảm bảo công bằng, khách quan và dân chủ; tham gia các hội đồng liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách... Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị trực thuộc Tổng cục CNQP luôn đảm bảo hơn 90% lao động có việc làm thường xuyên, tiền lương bình quân gần 11 triệu đồng/người/tháng; hằng năm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các trường hợp khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2023, các đơn vị đã chi gần 530 tỷ đồng để đảm bảo tiền thưởng, tiền quà, bổ sung lương, thu nhập cho người lao động, với mức bình quân hơn 22 triệu đồng/người; hỗ trợ vé xe, vé tàu, tạo điều kiện cho người lao động về quê “vui Xuân đón Tết” với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng…
THIẾT THỰC VÌ NGƯỜI LAO ĐỘNG Nét nổi bật là tùy vào tình hình thực tế và điều kiện ở mỗi đơn vị mà CĐCS có những giải pháp, cách làm và mô hình sáng tạo, thiết thực hướng tới người lao động. Trong đó, CĐCS Nhà máy Z111 là một trong những điểm sáng về đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động. Thượng tá Trần Văn Biên, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch CĐCS Nhà máy nhiệm kỳ 2018-2023, cho biết: Đổi mới, sáng tạo, tất cả hướng tới đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động là phương châm, mục tiêu xuyên suốt của CĐCS Nhà máy trong thực hiện nhiệm vụ. 5 năm qua, CĐCS đã tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đoàn viên, người lao động, như: tiền lương, phụ cấp; chuyển chế độ công nhân viên quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp; khám, chữa bệnh định kỳ; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trang bị bảo hộ lao động. Cụ thể trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, CĐCS đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy nhiều giải pháp hiệu quả, như: điều động, bố trí nhân lực phù hợp, vừa đảm bảo ổn định sản xuất, vừa giữ sức khỏe cho người lao động; kịp thời tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, đoàn viên; hỗ trợ thêm kinh phí cho người lao động… Đồng chí Phạm Thanh Huyền, Tổ trưởng tổ Phay, Phân xưởng A1, Nhà máy Z111, phấn khởi nói: “Lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy luôn quan tâm đảm bảo tốt mọi quyền lợi, chế độ, chính sách cho người lao động. Với hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, tôi đã được lãnh đạo, chỉ huy và CĐCS Nhà máy quan tâm, động viên, thăm hỏi kịp thời và tạo mọi điều kiện trong công việc. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn để tôi yên tâm làm việc, cống hiến cho đơn vị.” Nhà máy Z129 tổ chức khám bệnh định kỳ cho cán bộ, đoàn viên công đoàn và các đối tượng chính sách. Ảnh: CTV Ở Nhà máy Z129, CĐCS cũng có nhiều cách làm, mô hình thiết thực vì người lao động. Đại tá Nguyễn Phi Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 29 (tên doanh nghiệp của Nhà máy Z129), chia sẻ rằng: “Với quan điểm mỗi người lao động như một tế bào của “cơ thể” Nhà máy, tế bào tốt thì cơ thể mới mạnh khỏe; lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy luôn quan tâm, chú trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động”. Thời gian qua, CĐCS Nhà máy đã tích cực triển khai các phong trào thi đua lao động-sản xuất sôi nổi, rộng khắp, với nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả, tiêu biểu là mô hình “Tăng gia, chăn nuôi tập trung và siêu thị công nhân CK29”. Theo Thượng tá Nguyễn Thị Hường, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch CĐCS Nhà máy, sau 5 năm triển khai, đến nay, mô hình đã đạt kết quả rõ nét, giúp tăng nguồn lương thực, thực phẩm chất lượng, đảm bảo đủ nhu cầu của bếp ăn ca tự chọn, từ 800-900 suất ăn/ca; giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho số lao động dôi dư của đơn vị. Không những thế, nhiều sản phẩm tươi sạch từ “vườn rau, ao cá” đã được đưa vào siêu thị CK29, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người lao động Nhà máy và người dân trên địa bàn đóng quân. Đối với Nhà máy Z173 - đơn vị chịu tác động từ khó khăn chung của ngành đóng tàu, vai trò của CĐCS càng được thể hiện rõ nét. Trung tá Bùi Tuấn Hưng, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch CĐCS Nhà máy thẳng thắn bày tỏ: Có thời điểm, việc làm của người lao động không ổn định, thu nhập còn thấp so với mức sống trên địa bàn. Trong bối cảnh đó, CĐCS Nhà máy đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, từ giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến tăng cường tổ chức đối thoại dân chủ giữa giám đốc và người lao động trên tinh thần hợp tác, cùng hướng tới mục tiêu đưa đơn vị “vượt sóng” và phát triển bền vững. Thông qua các buổi đối thoại dân chủ, đã giúp tìm ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách về kế hoạch sản xuất-kinh doanh, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Nhờ đó, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã điều chỉnh một số chính sách, chế độ phù hợp hơn, tạo niềm tin và động lực để cán bộ, công nhân viên, người lao động yên tâm công tác.
Đề cập đến những vấn đề cốt lõi trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CĐCS thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Tổng cục CNQP nhấn mạnh: “Lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục CNQP luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, đoàn viên, người lao động phát huy tốt năng lực, sở trường, yên tâm công tác. Do đó, các đơn vị cần tăng cường đối thoại dân chủ để người lao động bày tỏ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; tham gia hiến kế, đề xuất giải pháp, phát huy dân chủ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của Tổng cục CNQP”. Có thể nói, đây chính là “kim chỉ nam” để các CĐCS trong Tổng cục CNQP tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, luôn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của đoàn viên, người lao động. CHI ANH
|