Tin hoạt động

CNQP&KT - Ba hồi còi dài ngân vang từ tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 4033 trên quân cảng Hải đoàn 21 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2), báo hiệu giờ lên đường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

VUI XUÂN GIỮA BIỂN TRỜI TỔ QUỐC

Năm nào cũng vậy, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong khi nhiều người hối hả hoàn tất những phần việc cuối cùng để chuẩn bị trở về sum họp cùng gia đình, thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam lại lên đường, phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau hồi còi vang lên, tàu Cảnh sát biển (CSB) 4033, thuộc Hải đội 212, Hải đoàn 21 nhổ neo, uy dũng rẽ sóng rời quân cảng trong ánh nắng ngập tràn. Phóng tầm mắt ra biển cả mênh mông, tâm trạng Thượng úy Phạm Viết Quốc, Chính trị viên tàu CSB 4033 không khỏi bồi hồi. Đây là chuyến đi biển đầu tiên và cũng là cái Tết đầu tiên Quốc xa gia đình, cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đón Tết giữa trùng khơi. “Những ngày lễ, Tết, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển hết sức nặng nề, bởi đây là thời điểm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động mạnh. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các lực lượng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân “bám biển”, vui Xuân đón Tết trong cảnh yên vui, thanh bình” - Thượng úy Phạm Viết Quốc bộc bạch.


Tàu Cảnh sát biển 4037 cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển.  Ảnh: CTV

Từng có dịp theo tàu CSB lướt sóng ra khơi, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh trực, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển những ngày Tết, chúng tôi phần nào hiểu được tâm trạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ, chỉ biết gửi gắm niềm thương nỗi nhớ đến người thân qua cánh sóng điện thoại. Vậy mà có những người khi được ưu tiên về nghỉ Tết lại xung phong ở lại trực thay cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Trung úy QNCN Bùi Ngọc Long, nhân viên thông tin tàu CSB 4033, Hải đoàn 21 là người như thế. Do dịch bệnh Covid-19, suốt hai năm liền đảm nhiệm trực chiến chưa có điều kiện về thăm gia đình, con gái đang ốm phải điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, anh vẫn xung phong thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở thềm lục địa phía Nam. Hơn 10 năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát biển, Trung úy QNCN Bùi Ngọc Long đã có 6 lần cùng đồng đội đón giao thừa trên biển.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Anh Khoa, khẩu đội trưởng tàu CSB 4033, quê ở xã Đức Thành, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cũng được đồng đội cảm phục, quý mến vì sự tận tụy cống hiến. Hơn 20 năm gắn bó với lực lượng Cảnh sát biển, thường xuyên xa nhà, anh ít cơ hội đỡ đần vợ chăm lo cho hai con nhỏ, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về anh vẫn tình nguyện trực chiến đấu trên biển.


Chiến sĩ trẻ Hải đội 212, Hải đoàn 21, trang trí bình hoa ngày Tết.    Ảnh: LÊ HẢI

Được biết, hải trình thực hiện nhiệm vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tàu CSB 4033 có hàng chục cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, lần đầu đón Xuân trên biển. Thời điểm này, cùng với những diễn biến phức tạp trên biển, đơn vị còn đối mặt với không ít khó khăn, như hoạt động độc lập, xa đơn vị hàng trăm hải lý; thời tiết diễn biến khó lường, nhất là việc vi phạm của tàu cá nước ngoài và các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng... Trước tình hình đó, cấp ủy, chỉ huy tàu đã làm tốt công tác tư tưởng, động viên anh em thực thi tốt pháp luật trên biển. Để giúp cán bộ, chiến sĩ vơi đi cảm giác nhớ người thân, công tác chuẩn bị đón Xuân được đơn vị thực hiện chu đáo với đầy đủ lương thực, thực phẩm đặc trưng ngày Tết... Và tất nhiên không thể thiếu những nhành mai, cành đào, lọ hoa, góp phần tô điểm sắc Xuân trên biển.

KHÔNG BỊ ĐỘNG, BẤT NGỜ TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

Với tinh thần vui Xuân không quên nhiệm vụ, ngay sau khi nhận được kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển dịp Tết, cấp ủy, chỉ huy tàu CSB 4033 kịp thời ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ với những chỉ tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm từng đồng chí cấp ủy, đảng viên trên cương vị chức trách được giao. Cùng với đó, đơn vị cũng chú trọng huấn luyện bổ sung các nội dung, phương án sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trẻ lần đầu thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Nhằm giúp chúng tôi hình dung rõ hơn việc xử trí các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển, Trung úy Lê Việt Anh, thuyền trưởng tàu CSB 4033 thuật lại nội dung hạ thả xuồng và xử lý tình huống cứu hộ, cứu nạn đã được huấn luyện thuần thục trước khi ra khơi. Theo đó, với tình huống giả định là một ngư dân bị nạn trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, lúc này, khi đang làm nhiệm vụ trực tuần tiễu gần khu vực tàu cá bị nạn, tàu CSB 4033 nhận được lệnh nhanh chóng cơ động ra vị trí ứng cứu. Đến địa điểm đã được xác định, cách người bị nạn 10-15m, bằng các kỹ năng đã được luyện tập, tổ cứu vớt trên tàu nhanh chóng thả dây, phao để nạn nhân bám. Trên tàu, một tổ 3 người dùng cáng vớt kéo nạn nhân lên tàu, khẩn trương tiến hành các biện pháp sơ, cấp cứu.

Các đơn vị thuộc Vùng Cảnh sát biển 2 luôn duy trì thực hiện nghiêm túc nền nếp, chế độ huấn luyện; làm chủ vũ khí, trang bị, tàu xuồng, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân.

Trung úy Lê Việt Anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển là các tình huống xảy ra trong điều kiện sóng to, gió lớn; các tàu cá chưa được trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc. Do vậy, người làm công tác tìm kiếm cứu nạn vừa phải có kỹ năng sơ cấp cứu, bơi giỏi, vừa phải biết vận dụng thuần thục các động tác yếu lĩnh, sao cho bản thân mình an toàn, rồi mới thực hiện phương án cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm. Cùng với các kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, việc rèn luyện sức khỏe cho bộ đội được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đặc biệt quan tâm… Nhiều người khi nhập ngũ bơi chưa giỏi nhưng sau thời gian huấn luyện đã có thể bơi được hàng nghìn mét. Cũng nhờ thường xuyên được huấn luyện thuần thục các nội dung, phương án tìm kiếm cứu nạn, nên không chỉ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển dịp Tết Nguyên đán, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị đều kịp thời xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn, góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.

Theo Thượng tá Trương Bá Long, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 21: Trong quá trình huấn luyện, đơn vị duy trì linh hoạt, bảo đảm phù hợp, hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế. Hải đoàn phối hợp chặt chẽ quá trình đi biển của các tàu để huấn luyện thực hành các bảng bố trí chiến đấu, kết hợp huấn luyện thực hành cho cán bộ, chiến sĩ. Ngoài các nội dung trên, đơn vị còn chú trọng huấn luyện xử lý các tình huống chống cháy, chống chìm, các vụ tai nạn giả định, cứu hộ, cứu nạn...


Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thực hành huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên biển.   Ảnh: THÀNH NAM

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, không riêng Hải đoàn 21 mà tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng Cảnh sát biển 2 đều duy trì thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ huấn luyện; thống nhất xác định việc hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển hiện đại và làm chủ vũ khí, trang bị, tàu xuồng, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân là mục tiêu huấn luyện.

Có thể nói, đằng sau những mùa Xuân yên bình, trọn vẹn cho nhân dân là cả sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển. Giữa mênh mông biển trời, tình đồng đội ấm áp khiến mỗi con tàu thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của họ.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: