BĐKT và Chuyển đổi số

CNQP&KT - Hiện nay, công nghệ lưỡng dụng đã trở thành xu hướng chủ đạo trong quá trình phát triển công nghiệp quốc phòng của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, các nước chú trọng đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, lấy ưu thế kỹ thuật làm nòng cốt để đẩy mạnh sản xuất, phát triển công nghệ lưỡng dụng.

XU THẾ CHỦ ĐẠO

Công nghệ lưỡng dụng (dual - use technology) bao gồm các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự. Đối với nhiều quốc gia, việc ứng dụng công nghệ lưỡng dụng đã trở thành xu thế chủ đạo trong phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn và thị trường hàng quốc phòng bị thu hẹp. Các nước chú trọng đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, lấy ưu thế kỹ thuật làm nòng cốt; đồng thời, huy động năng lực tổng hợp của các cơ sở CNQP nòng cốt và kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của công nghiệp dân dụng, tiến hành điều chỉnh cơ cấu sản phẩm CNQP để vừa sản xuất hàng quân sự, vừa sản xuất hàng dân dụng. Hiện nay, tỷ trọng hàng dân dụng trong cơ cấu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp quốc phòng các nước đang gia tăng. Trong đó, các nước Tây Âu chiếm khoảng 55%, Mỹ chiếm 57%. Ở châu Á, Trung Quốc chia các cơ sở CNQP thành 3 loại với những mục tiêu sản xuất khác nhau, gồm: cơ sở loại 1 chủ yếu sản xuất hàng quân dụng, cơ sở loại 2 sử dụng khoảng 70% năng lực sản xuất hàng dân dụng, cơ sở loại 3 sản xuất 100% hàng phục vụ dân dụng.


Phát triển công nghệ lưỡng dụng là xu thế chủ đạo hiện nay.  Ảnh: Internet

Việc ưu tiên phát triển công nghệ lưỡng dụng được coi là yếu tố then chốt không chỉ nhằm củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế, mà còn tạo nền tảng vững chắc trong chiến lược xây dựng và phát triển CNQP của các nước. Điều đó được biểu hiện ở xu thế các nước đều đặt kế hoạch hiện đại hóa nền CNQP trong tổng thể hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, thậm chí có quốc gia còn hiện đại hóa nền kinh tế thông qua hiện đại hóa nền CNQP. Thực tiễn cho thấy, trước đây, quốc phòng là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, nhu cầu quốc phòng là động lực thúc đẩy khoa học - công nghệ (KHCN) phát triển ở nhiều quốc gia. Do đó, việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng - công nghệ đồng dạng thường được tiến hành từ khu vực quân sự sang khu vực dân dụng. Ngày nay, trước xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dân dụng, một số nước lại tìm đến những công nghệ đỉnh cao trong lĩnh vực này, nhằm giảm gánh nặng chi phí trong lĩnh vực quốc phòng, nâng cao tiềm lực thông qua một hệ thống công nghệ chung. Do vậy, việc chuyển giao công nghệ đã diễn ra cả hai chiều, nhưng xu hướng chuyển giao từ khu vực dân dụng sang quân dụng đang được chú trọng hơn.

Hiện nay, tỷ trọng hàng dân dụng trong cơ cấu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp quốc phòng các nước đang gia tăng; trong đó, các nước Tây Âu chiếm khoảng 55%, Mỹ chiếm 57%.

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ LƯỠNG DỤNG TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

Mỹ

Ở Mỹ, chính quyền không tổ chức các doanh nghiệp CNQP chuyên biệt. 5 tập đoàn lớn của Mỹ (Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics) được coi là “tổng thầu” thâu tóm hầu hết công nghệ kỹ thuật đỉnh cao trong sản xuất, chế tạo các hệ thống vũ khí. Điều này khiến cho lĩnh vực quân sự và dân sự Mỹ luôn ở trong quá trình chuyển đổi và hội nhập, giúp ngành CNQP nước này trở thành lực lượng chính trong nghiên cứu và phát triển KHCN, đóng vai trò then chốt phát triển nền kinh tế quốc dân.

Các doanh nghiệp tư nhân Mỹ rất quan tâm đến lợi ích kinh tế, áp dụng tối đa những thành quả nghiên cứu và phát triển KHCN vào phục vụ mục đích quân sự, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Ví dụ, với Chương trình Applo (đưa con người lên Mặt Trăng), Mỹ đã thu được hơn 3.000 bản quyền sáng chế, phát minh. Sau khi kết thúc chương trình, phần lớn những kỹ thuật được ứng dụng vào lĩnh vực dân sự, thu về khoản lợi nhuận lớn, điển hình như: kỹ thuật chế tạo giày thể thao đệm khí theo công nghệ “định hình nhựa chân không” dựa trên công nghệ sản xuất trang phục hàng không vũ trụ; công nghệ hình ảnh máy tính trong nghiên cứu đổ bộ Mặt Trăng được áp dụng rộng rãi vào xử lý hình ảnh cho máy chụp cắt lớp vi tính và máy cộng hưởng từ trong y học… Thời kỳ đầu cuộc Chiến tranh lạnh (1946 -1989), Mỹ đề ra “Kế hoạch chuyển đổi nền tảng CNQP” với mục tiêu chiến lược là xây dựng nền tảng CNQP dựa vào năng lực. Những lĩnh vực cần tập trung phát triển đều phải dựa vào hệ thống vũ khí công nghệ cao mới mà trọng điểm là kỹ thuật thông tin. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Mỹ phải nâng cao khả năng tích hợp vũ khí và hệ thống tác chiến, chuyển sang mô hình nhà cung cấp và phục vụ hệ thống quân sự, phát triển kỹ thuật công nghệ cao lấy kỹ thuật thông tin làm nòng cốt, như: máy vi tính, tác chiến mạng, thông tin, radar... qua đó, thúc đẩy công nghệ lưỡng dụng phát triển lên một bước mới.


Xưởng sản xuất các loại vệ tinh quân sự và dân dụng của Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ).  Ảnh: Internet

Mỹ duy trì rất nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tạo lập một môi trường cạnh tranh tối đa. Đầu tiên là Lockheed Martin, đảm nhận hai dự án quan trọng nhất trong kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Quân đội Mỹ là F-22 và F-35. Đồng thời, còn có các hạng mục công nghệ cao trong các lĩnh vực trên bộ, trên biển và hàng không vũ trụ, như: tên lửa Atlas, hệ thống chống tên lửa THAAD, tên lửa không đối đất JASSM, bom có điều khiển Paveway, tàu chiến đấu ven bờ, ngư lôi MK-48, hệ thống chỉ huy chiến đấu Aegis. Trong số các sản phẩm của tập đoàn này, tỷ lệ sản phẩm công nghiệp quân sự tương đối lớn, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao mang tính lưỡng dụng, như: thông tin điện tử, tích hợp hệ thống, vệ tinh, điều khiển dẫn đường...

Boeing là tập đoàn đa lĩnh vực (đặc biệt là hàng không vũ trụ), với các sản phẩm quân sự tiêu biểu, gồm: máy bay tiếp dầu trên không KC-10 và KC-135, trạm laser trên không YAL-1, máy bay F-15, F/A-18, trực thăng vũ trang AH-64, máy bay vận tải CH-47, máy bay cánh quạt lật V-22, tên lửa chống tàu Harpoon, tên lửa liên lục địa LGM-30 Minuteman-III, tên lửa Delta, tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo GBI... Bên cạnh đó, Boeing còn là tập đoàn hàng đầu về hàng không dân dụng với các dòng máy bay chở khách nổi tiếng, như: Boeing 707, 727, 737, 747, 757, 767, 777, 787. Boeing hiện nắm giữ khoảng 30% thị trường máy bay tầm trung, nhưng chiếm tới 60% thị trường máy bay tầm xa... Về nhịp độ sản xuất, từ năm 2020, hằng năm, Boeing cho ra đời khoảng 1.500 máy bay dân dụng. Lợi nhuận từ sản xuất máy bay dân dụng luôn áp đảo so với máy bay quân sự.

Northrop Grumman có năng lực lớn trong sản xuất các sản phẩm hàng không vũ trụ, như: máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay cảnh báo sớm E-2 và E-8, máy bay chiến đấu không người lái X-47, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, trực thăng không người lái Fire Scout... Hiện, hãng còn là nhà cung cấp tàu sân bay lớp Nimitz, tàu sân bay thế hệ mới lớp Gerald R. Ford, tàu khu trục lớp Zumwalt, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, tàu tấn công đổ bộ Hornet… Northrop Grumman dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất các hệ thống radar phòng thủ tên lửa, hệ thống chống tên lửa, ứng phó sự cố công nghệ cao, tàu hải quân (các hệ thống thủy âm, động cơ tàu).

Tập đoàn Raytheon chuyên về các hệ thống công nghệ cao như tên lửa và radar. Từ thập niên 1980 đến nay, Raytheon đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghệ phòng thủ tên lửa, với các sản phẩm tiêu biểu, gồm: hệ thống tên lửa phòng không Patriot, tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa AGM-88 HARM, tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống tăng TOW, các hệ thống tên lửa phòng không Sparrow và Sidewinder... Ngoài ra, Raytheon cung cấp cho Quân đội Mỹ các dịch vụ thám hiểm vũ trụ, giải pháp an ninh mạng...

Ngoài máy bay tiêm kích đa năng F-16, General Dynamics nổi tiếng với tên lửa đạn đạo liên lục địa MX-774, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trang bị tên lửa Trident, xe tăng M1 Abrams... Hiện, General Dynamics cũng là nhà cung cấp hệ thống xe quân sự lớn nhất thế giới. Công ty Convair (công ty con của General Dynamics) từng chế tạo tên lửa xuyên lục địa hiệu Atlas đầu tiên của Mỹ. Không chỉ sản xuất các mặt hàng quân sự, General Dynamics còn tham gia nhiều chương trình dân sự của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sản xuất các loại máy bay dân dụng…

Trung Quốc

Với tiềm lực kinh tế lớn, Trung Quốc đầu tư mạnh cho CNQP, tăng cường sản xuất và phát triển các sản phẩm lưỡng dụng, với tham vọng trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự.


Máy bay không người lái Wing Loong II do Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc AVIC (Trung Quốc) chế tạo, trưng bày tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris năm 2017.   Ảnh: Internet

Trước năm 2008, Trung Quốc thực hiện cơ cấu lại ngành sản xuất hàng không bằng việc sáp nhập các đơn vị nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa trang bị hàng không thành hai tập đoàn quốc gia là Tập đoàn Công nghiệp Hàng không 1 và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không 2. Sau đó, hai tập đoàn này được sáp nhập thành Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Hiện tại, AVIC gồm 9 công ty sản xuất trang, thiết bị kỹ thuật hàng không. Sự chuyển đổi của AVIC đã tạo ra một cấu trúc và chiến lược mới nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành hàng không Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc có mục tiêu đưa AVIC trở thành nhà cung cấp toàn bộ thiết bị cho Quân đội nước này, hướng tới là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, bằng cách mở rộng quy mô phát triển công nghệ lưỡng dụng cả về bề rộng và chiều sâu.

Nhật Bản

Nhật Bản không có các tổ hợp CNQP chuyên biệt. Hầu hết các loại vũ khí, trang bị của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được các công ty của nước này sản xuất cùng với các sản phẩm dân sự. Ủy ban Công nghiệp quân sự Kaidanren có nhiệm vụ phân bổ các đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng cho 9 công ty lớn của Nhật Bản là Kawasaki, Sumitomo, Ysikawadzima Harima, Mitsubishi jyukog, Mitsubishi denki, Toshiba, Hitachi, Mitsui, Hihon Seiki. Tiêu biểu là, Công ty Công nghiệp nặng Mitsui chuyên nghiên cứu và chế tạo các loại máy bay tiêm kích F-1, máy bay huấn luyện T-2, máy bay trực thăng chống ngầm SH-60J, tên lửa đất đối đất kiểu 88 (SSM-1), tên lửa đối hạm kiểu 90, xe bọc thép kiểu 89, pháo tự hành 155mm kiểu 75, radar J/FPS-3. Công ty Kawasaki nghiên cứu sản xuất máy bay huấn luyện T-4, tên lửa chống tăng kiểu 87 (ATM-3), hệ thống tên lửa đa năng kiểu 96; Công ty Toshiba chuyên sản xuất tên lửa phòng không kiểu 91, tên lửa phòng không tầm thấp kiểu 81 (SAM-1CO), radar pháo binh (JTPS-P16).

Chính phủ Nhật Bản luôn ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực quốc phòng. Theo giới quân sự, Nhật Bản là một trong những nước sử dụng ngân sách quốc phòng hiệu quả hàng đầu thế giới, chú trọng đầu tư vào nhiều kế hoạch CNQP trọng điểm. Đáng chú ý, Nhật Bản đã có bước tiến vượt bậc trong công nghiệp tên lửa, hàng không vũ trụ. Hiện, Nhật Bản đã tự nghiên cứu, chế tạo thành công tên lửa không đối không tầm trung XAAM-4, thiết lập hệ thống vệ tinh trinh sát quân sự, phóng thử thành công tên lửa đẩy H-2… Công nghiệp lưỡng dụng của Nhật Bản phát triển mạnh đã tạo cơ sở vững chắc phát triển CNQP thông qua cơ chế đặt hàng, động viên công nghiệp quốc gia phục vụ nhu cầu mở rộng năng lực CNQP khi cần thiết.

Hàn Quốc

Công ty TNHH Kỹ thuật hàng hải và đóng tàu Daewoo (DSME) của Hàn Quốc là một trong những nhà thầu đóng tàu tốt nhất thế giới, có khả năng chế tạo các loại tàu cỡ lớn, tàu ngầm và tàu khu trục; thi công các công trình ngoài biển, giàn khoan dầu khí... Với gần 30 năm kinh nghiệm trong chế tạo tàu ngầm, DSME đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn thiết kế nền tảng cho tàu ngầm với công nghệ riêng có, đưa Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có được nguyên lý chế tạo tàu ngầm. Bên cạnh đó, DSME cũng có các phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng tàu riêng thông qua việc nội địa hóa nguyên vật liệu đóng tàu như sử dụng đĩa thép tàu ngầm và kỹ thuật cài số lùi cho tàu ngầm.


Tàu ngầm KSS-III mang tên lửa đạn đạo do Công ty Kỹ thuật hàng hải và đóng tàu Daewoo (Hàn Quốc) đóng mới.  Ảnh: Internet

Trong những năm gần đây, DSME đã chế tạo và xuất xưởng hàng chục tàu ngầm tấn công SSK loại 209 trọng lượng 1.200 tấn có hỏa lực mạnh, khả năng tàng hình cao. Loại tàu này có thể có thể chở 40 thủy, di chuyển với vận tốc tối đa là 22 hải lý/h, thực hiện tác chiến độc lập trong vòng 2 tháng, được trang bị hệ thống phát hiện tàu ngầm tiên tiến và các loại ngư lôi. Với việc không ngừng phát triển công nghệ lưỡng dụng, DSME đã trở thành nhà xuất khẩu tàu ngầm uy tín và tiếp tục nỗ lực để nâng cao vị thế trên thị trường.

Đại tá ĐOÀN MẠNH HÙNG

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: