Tin cơ sở

CNQP&KT - Nhà máy Z117 (tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 17) là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh hạng 1 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Để thực hiện “mục tiêu kép” là kết hợp sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế, những năm qua, Nhà máy đã đầu tư chiều sâu, đổi mới dây chuyền, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nhà máy Z117 có nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng và kinh tế, kinh doanh xuất - nhập khẩu các sản phẩm cơ khí tiêu dùng và vật tư, thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, công tác nghiên cứu, chế thử, sản xuất sản phẩm quốc phòng và kinh tế đã mang lại nhiều thành tựu to lớn cho Nhà máy, được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Kết quả đó thể hiện ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy; đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.


Thủ trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) và Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kiểm tra sản xuất tại Nhà máy Z117 (tháng 9/2022). Ảnh: HÀ ANH

Những năm gần đây, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Nhà máy Z117 cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn, như: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina khiến các đơn hàng kinh tế trong nước và xuất khẩu sụt giảm mạnh; chi phí sản xuất (vật tư, nhiên liệu…) không ngừng biến động; việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp quân đội tác động đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ và người lao động… Xác định rõ thuận lợi, khó khăn, cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy đã chung sức đồng lòng nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nhà máy luôn thấu suốt quan điểm của trên về kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, khai thác tính lưỡng dụng của các dây chuyền, thiết bị được đầu tư phục vụ sản xuất. Đối với những dự án đầu tư mới, tính lưỡng dụng càng được thể hiện rõ, như: “Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng và kinh tế”, “Dự án nâng cao năng lực đúc áp lực phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế”…

“Nghiên cứu đề xuất đầu tư chiều sâu, bổ sung công nghệ, thiết bị mới hiện đại vào sản xuất loạt; từng bước loại bỏ các công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, hiệu quả thấp; coi trọng việc đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ lưỡng dụng, tiên tiến”.

    (Đại tá Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Nhà máy Z117)

Đối với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, thực hiện phương châm “kỹ thuật đi trước một bước”, Nhà máy đã tập trung chỉ đạo làm tốt các yếu tố đảm bảo kỹ thuật cho sản xuất thường xuyên và các sản phẩm mới có độ phức tạp cao; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh và nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ mới, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Nhà máy chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ sản phẩm và các cơ quan triển khai sản xuất bảo đảm tiến độ, chất lượng các sản phẩm. Nhà máy cũng duy trì sản xuất một số sản phẩm quốc phòng nhóm 2 gồm ngòi lựu đạn tập, biển trực, biểu tượng… và hàng trang bị cho Quân đội có kim khí quân trang, quân lương (sao, cúc, gạch, bàn ghế, bếp điện...). Đặc biệt, Nhà máy đã phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Những năm gần đây, Nhà máy chủ trì, phối hợp thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ hàng chục đề tài các cấp, trong đó có nhiều đề tài được cấp trên đánh giá cao. Từ kết quả của các đề tài nghiên cứu, Nhà máy đã và đang phát triển một số sản phẩm quốc phòng mới, phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, Nhà máy cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý lao động tài chính, vật tư; áp dụng hệ thống mạng quân sự trong quản lý văn bản, tài liệu…


Nhà máy Z117 đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế.               Ảnh: HÀ ANH

Khi thực hiện “mục tiêu kép”, Đảng ủy và Ban giám đốc Nhà máy Z117 luôn xác định rõ: sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, cùng với chú trọng thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy đã tích cực phát triển sản xuất các mặt hàng kinh tế, nhất là sản phẩm kinh tế xuất khẩu. Thực tế đối với đơn vị sản xuất ngành hàng cơ khí như Z117, việc tìm chỗ đứng trên thị trường là điều không dễ dàng, bởi áp lực cạnh tranh gay gắt và nhiều sản phẩm có vòng đời ngắn. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy phải năng động, sáng tạo, tích cực tìm tòi nghiên cứu phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, Nhà máy tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ và tay nghề cho người lao động; đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại (robot hàn tự động, sơn tự động…) phục vụ sản xuất. Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sản phẩm, đến nay, Nhà máy Z117 đã duy trì sản xuất ổn định một số mặt hàng như: các loại giường gấp xuất khẩu sang Mỹ, máy may công nghiệp, phụ tùng lắp ráp xe máy, bếp xuất khẩu cho thị trường châu Âu, phù hiệu, biểu trưng… Nhà máy cũng phối hợp với một số đơn vị trong Tổng cục CNQP để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm kinh tế mới. Vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Nhà máy đã có sự tăng trưởng vượt bậc: Năm 2021, giá trị sản xuất của Nhà máy tăng 14,5%, lợi nhuận tăng 12,9%, thu nhập bình quân tăng 21,2%, doanh thu tăng 11,6% so với năm 2020 (trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 35,6% so với năm 2020). Dự kiến năm 2022, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Nhà máy sẽ tăng hơn 10% so với kế hoạch đề ra.

Nhà máy Z117 phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về giá trị doanh thu trên 5%/năm, giá trị tăng thêm trên 3%/năm.

(Nguồn: Văn kiện Đại hội Đảng bộ Z117, nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Có thể nói, kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế đã tạo động lực quan trọng để Nhà máy Z117 đặt ra những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Z117 lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định rõ: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của các cấp về xây dựng và phát triển CNQP, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất quốc phòng được giao.Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý và nghiên cứu khoa học - công nghệ; tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm vũ khí mới, hiện đại theo chương trình, đề án trọng điểm của Tổng cục CNQP và các sản phẩm có giá trị gia tăng, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu; phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về giá trị doanh thu trên 5%/năm, giá trị tăng thêm trên 3%/năm. Đảng bộ Nhà máy cũng xác định hai khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, đó là: Đổi mới, nâng cao hiệu quản trị doanh nghiệp; đầu tư nhà xưởng sản xuất, dây chuyền công nghệ theo hướng hiện đại.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Nhà máy Z117 tập trung triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sản xuất quốc phòng đảm bảo chất lượng, kế hoạch được giao. Tập trung chế tạo các sản phẩm đã nghiên cứu, nghiệm thu đưa vào sản xuất trang bị cho Quân đội; Đồng thời, nghiên cứu cải tiến sản xuất các sản phẩm quốc phòng nhóm 2.

Hai là, rà soát năng lực thiết bị công nghệ, nghiên cứu đầu tư chiều sâu, bổ sung công nghệ, thiết bị mới hiện đại vào sản xuất loạt; từng bước loại bỏ công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, hiệu quả thấp; coi trọng việc đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ lưỡng dụng, tiên tiến của các nước trên thế giới.


Sản xuất sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z117.   Ảnh: NAM ANH​​

Ba là, tiếp tục chủ trương đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở năng lực đã được đầu tư, giữ vững các sản phẩm, bạn hàng truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cơ khí cho công nghiệp lắp ráp và hàng gia dụng xuất khẩu. Ưu tiên tập trung nghiên cứu sản xuất và phát triển sản phẩm mới để tham gia các chương trình phát triển sản phẩm trọng điểm quốc gia. Lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp có thương hiệu và tiềm lực tài chính, đảm bảo sự tin cậy hợp tác lâu dài cùng phát triển.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện cơ cấu bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong đơn vị. Xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát chất lượng; thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành sản xuất, triệt để tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động.

Năm là, tiếp tục thực hiện sắp xếp, bố trí sử dụng lao động phù hợp với tình hình thực tế; giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, lao động bổ trợ, phục vụ... Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, thợ lành nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

Có thể khẳng định, việc nhất quán thực hiện chủ trương, định hướng của các cấp về “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất đã giúp Nhà máy Z117 bước đi vững chắc bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế, đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đây cũng là tiền đề để Nhà máy tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới.

Đại tá ĐẶNG HỒNG SƠN

Giám đốc Nhà máy Z117

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: