Tin tổng hợp

CNQP&KT - Cùng với hoàn thành chức năng của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, Quân đội ta luôn chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng “đội quân lao động sản xuất”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Trong "Gặp gỡ - Đối thoại" số Đặc biệt 2022, phóng viên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế cùng Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), trao đổi về vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong Quân đội thời gian qua.

CHỦ TRƯƠNG XUYÊN SUỐT, THỰC HIỆN HIỆU QUẢ

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, chúng ta vẫn nhắc nhiều tới việc "kết hợp kinh tế với quốc phòng", vậy xin đồng chí khái quát tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Lịch sử dân tộc Việt Nam, dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc đã trở thành kế sách, quy luật. Theo đó, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh được thực hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chúng ta đều đã biết, trong thời kỳ phong kiến, điều này được thể hiện tập trung ở các chính sách, như: “Ngụ binh ư nông”, “Quốc phú binh cường”, “Tĩnh vi nông, động vi binh”... của các triều đại nhà Lý, Trần, Lê Sơ.

Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, trong thời đại mới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng. Do đó, việc kết hợp này luôn được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.


Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng.  Ảnh: PV

PV: Hiện nay, việc thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Trong giai đoạn cách mạng mới, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Trong đó, Quân đội đã phát huy chức năng “đội quân lao động sản xuất”, để tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Quân đội tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; từ đó, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc.

PV: Việc thực hiện chủ trương trên tập trung vào những lĩnh vực nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng tập trung vào những lĩnh vực Nhà nước và Quân đội cần nắm giữ, có tính chất lưỡng dụng, hiện đại gắn kết với nền kinh tế quốc gia, kết hợp với chủ động hội nhập quốc tế hoặc lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không hoặc ít tham gia, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng.

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng Đề án “Quân đội tham gia lao động sản xuất xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trong tình hình mới” báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, định hướng rõ nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và các chiến lược quân sự, quốc phòng; củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển, đảo; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở bố trí lực lượng sản xuất theo cơ cấu ngành, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các doanh nghiệp quốc phòng có đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí, trang bị hiện đại, sản phẩm lưỡng dụng có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn dắt nền kinh tế đất nước trên một số lĩnh vực; xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) tự chủ, hiện đại, lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đồng thời, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho người dân vươn khơi bám biển; phát huy vai trò của các doanh nghiệp quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực đóng, sửa chữa tàu biển; xây dựng và phát triển một số doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp dẫn dắt trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics của Việt Nam, đơn vị kinh tế - quốc phòng mạnh, năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh ở trong và ngoài nước.


Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là một doanh nghiệp quân đội thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng.   Trong ảnh: Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Ảnh: CTV

PV: Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng của các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Những năm qua, các DNQĐ tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngành và các vùng kinh tế quan trọng của đất nước, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP... Theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể, các doanh nghiệp này đều có bước phát triển mạnh mẽ; từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất được nhiều mặt hàng kinh tế chất lượng cao, tạo được thương hiệu uy tín, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, cân đối một phần ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động... Ngoài ra, các DNQĐ còn tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và đối ngoại quốc phòng, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế.

Các DNQĐ tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngành và các vùng kinh tế quan trọng của đất nước, điển hình là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP...

          (Nguồn: Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng)

“LƯỠNG DỤNG HÓA” TRONG SẢN XUẤT

 PV: Thưa đồng chí, “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất là chủ trương lớn của Đảng, là sự cụ thể hóa nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế tại các DNQĐ. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Thực hiện chủ trương “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất, các doanh nghiệp quốc phòng đã khai thác tiềm năng để vừa sản xuất quốc phòng vừa sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm nòng cốt trong nền kinh tế đất nước trên một số lĩnh vực. Qua đó có điều kiện để giữ gìn đội ngũ, dây chuyền công nghệ và tích lũy để tái đầu tư. Đồng thời, việc huy động khoa học - công nghệ và công nghiệp dân sinh phục vụ quốc phòng bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Hợp tác quốc tế về CNQP đã được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.


Sản xuất động cơ quạt điện ở Nhà máy Z199.  Ảnh: CTV

PV: Đối với các DNQĐ, để thực hiện tốt “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất cần chú trọng vấn đề gì?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Để thực hiện tốt “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất”, các DNQĐ cần chú trọng nâng cao tay nghề, giữ gìn lực lượng lao động, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ, quy trình quản lý tiên tiến, hiệu quả; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết và đầu tư nguồn lực phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người lao động và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho phát triển; sử dụng hiệu quả các dây chuyền công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới được đầu tư để sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất. Nâng cao năng lực quản lý, quản trị và hiệu quả hoạt động DNQĐ; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài của doanh nghiệp.

PV: Thưa đồng chí, các lực lượng khác trong Quân đội đang thực hiện nhiệm vụ nói trên như thế nào?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Ngoài DNQĐ, các Đoàn kinh tế - quốc phòng và các lực lượng khác trong Quân đội cũng tích cực tận dụng nguồn lực sẵn có để tổ chức sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể, tạo ra của cải vật chất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người lao động; triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất, chế biến tập trung gắn với xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật trong khu vực phòng thủ. Các bệnh viện, đoàn an dưỡng, viện nghiên cứu, nhà khách... đẩy mạnh tự chủ tài chính, đầu tư bổ sung cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tăng cường lực lượng chuyên môn để tự chủ từng phần; trong đó thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là chính, đồng thời tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

“Trong thời gian tới, Quân đội cần kiện toàn mô hình các doanh nghiệp, đơn vị Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu quả”.

(Thiếu tướng Trần Đình Thăng)

ĐẨY MẠNH KẾT HỢP QUỐC PHÒNG VỚI KINH TẾ

PV: Quá trình thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Quân đội có thể rút ra kinh nghiệm gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Kinh nghiệm thì có rất nhiều, nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Đồng thời, coi trọng nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình để xác định chủ trương, xây dựng quy hoạch, kế hoạch thiết thực, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn. Quá trình tổ chức thực hiện cần linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Mặt khác, các DNQĐ và đơn vị tham gia lao động sản xuất phải được cơ cấu theo hướng tinh, gọn, mạnh phù hợp với đặc thù của Quân đội. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tạo ra nguồn lực để nâng cao tiềm lực quốc phòng.

PV: Theo đồng chí, trong thời gian tới, cần phải làm gì để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế?

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng: Trong thời gian tới, Quân đội cần kiện toàn mô hình tổ chức các doanh nghiệp, đơn vị Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Có cơ chế chính sách ưu tiên huy động nguồn lực, sử dụng đất đai, phân bổ và sử dụng nguồn vốn để Quân đội tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xung yếu, các vùng biển, đảo, vành đai biên giới, các Khu kinh tế - quốc phòng. Các doanh nghiệp, đơn vị Quân đội cần quan tâm tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động; chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì. Phối hợp mở các lớp đào tạo về quản lý đầu tư nước ngoài, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế, kiến thức về giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh tế có yếu tố nước ngoài… Đồng thời, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, cơ quan chức năng các cấp trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát các hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phòng, chống tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TÙNG NGUYỄN (Thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: