Tin tổng hợp

CNQP&KT - Việc “xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia” đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về “tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Nghị quyết 05), ngày 2/4/2022, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 230-NQ/QUTW về việc lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 05; phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  

Quán triệt quan điểm trên, ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) nói chung và các doanh nghiệp CNQP nói riêng tất yếu phải được điều chỉnh, tổ chức, sắp xếp khoa học, hợp lý. Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17/12/2021 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030 chỉ rõ: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả các doanh nghiệp… tăng cường sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội tiến lên hiện đại”.

Doanh nghiệp CNQP là một bộ phận của doanh nghiệp quân đội, bộ phận nòng cốt của CNQP phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của đất nước; thực hiện nhiệm vụ đặc thù quân sự mà doanh nghiệp dân dụng không có khả năng hoặc không được làm. Doanh nghiệp CNQP có chức năng chủ yếu là sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và phương tiện vật chất khác phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia. Như vậy, phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả là sự thay đổi từ cấu trúc bên trong của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao. Nghị quyết số 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương yêu cầu việc phát triển các doanh nghiệp CNQP theo hướng sắp xếp lại các doanh nghiệp có cùng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, hoạt động trên cùng địa bàn; tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; phù hợp với thế bố trí chiến lược trên các vùng, miền... Đây là quan điểm, chủ trương đúng đắn cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để tình trạng sắp xếp, sáp nhập một cách cơ học, thiếu cơ chế quản lý và kiểm soát phù hợp.

 

“Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả các doanh nghiệp… tăng cường sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội tiến lên hiện đại”.

(Nguồn: Nghị quyết số 820-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương)

Sản xuất sản phẩm CNQP mang tính đặc thù, đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, có tính bảo mật cao, liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Vì thế, phát triển các doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả cần tiếp cận đúng nội dung “Công nghiệp quốc phòng, bộ phận của kinh tế quân sự và của nền công nghiệp đất nước, có chức năng sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị và sản xuất các vật tư, trang bị hậu cần cần thiết cho lực lượng vũ trang. Công nghiệp quốc phòng gồm các xí nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ”. Thực chất, phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả là tiếp tục quá trình cơ cấu lại, hoàn thiện và từng bước đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực, tổ chức lực lượng, cơ chế chính sách; kế thừa chọn lọc trên nền tảng đã có với số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Những năm qua, các doanh nghiệp quân đội nói chung và doanh nghiệp thuộc Tổng cục CNQP nói riêng đã quán triệt nghiêm túc và từng bước triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp theo Đề án 80 của Chính phủ; từng bước hoàn thiện, đổi mới, chuyển đổi mô hình, cơ chế hoạt động theo hướng tập trung, chuyên môn hóa. Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, do nhiều nguyên nhân, quá trình triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch; lúng túng trong xác định cơ cấu, quy mô, loại hình doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong định giá tài sản, giải quyết chính sách cho cán bộ, công nhân viên. Một số doanh nghiệp sau khi cơ cấu lại vẫn chưa có sự phát triển đột phá; cơ sở vật chất và trang - thiết bị bảo đảm sản xuất còn lạc hậu, chưa được đầu tư đồng bộ. Cùng với đó, những bất cập về cơ chế, chính sách nhất là việc cổ phần hóa, sáp nhập, hợp nhất, giải thể doanh nghiệp cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ trong quá trình phát triển các doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả.


Sản xuất sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z117.          Ảnh: CTV

Những năm tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều thời cơ và thách thức. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển các doanh nghiệp CNQP nhằm nâng cao thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cấp thiết. Để tiếp tục phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới mô hình tổ chức, sắp xếp bố trí các doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đây là giải pháp có vị trí quan trọng hàng đầu, bởi đổi mới là tất yếu khách quan nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn. Mặt khác, hội nhập quốc tế góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển CNQP. Do đó, thời gian tới, ngành CNQP cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cơ cấu lại, sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước, các bộ, ban, ngành và Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng và phát triển CNQP. Đổi mới mô hình tổ chức của các doanh nghiệp gắn với xu thế chung của thế giới và hội nhập quốc tế. Sắp xếp, bố trí các doanh nghiệp CNQP trên cả ba miền phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả là tiếp tục quá trình cơ cấu lại, hoàn thiện và từng bước đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực, tổ chức lực lượng, cơ chế chính sách...

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận và toàn doanh nghiệp.

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Để có thể đón đầu và áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN), đòi hỏi người lao động phải có trình độ kỹ thuật, chuyên môn vững vàng, phẩm chất năng lực, tác phong làm việc khoa học. Vì thế, cần làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng; tiến hành rà soát, điều chỉnh, sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý và lao động hiện có phù hợp, nhất là ở những vị trí trọng yếu. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu có kinh nghiệm, chuyên môn, trình độ cao trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, công nghệ cao; công nhân kỹ thuật giỏi, lành nghề...

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến.

Để thực hiện tốt giải pháp này, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chú trọng nghiên cứu cải tiến, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, phát triển các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại để bổ sung vào trang bị và phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm đúng mức đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả và chuyển giao công nghệ. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng KHCN của doanh nghiệp bao gồm cả trung hạn và dài hạn; xác định khâu trung tâm và bước đột phá chủ yếu. Từng bước ứng dụng KHCN tiên tiến, hiện đại ở những khâu, công đoạn sản xuất quan trọng, phù hợp với khả năng và năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Bốn là, rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp CNQP.

Đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ về vật chất, tinh thần của người lao động, nhất là đội ngũ chuyên gia, lao động chất lượng cao; xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh nhằm khuyến khích, động viên các lực lượng, bộ phận. Tiến tới đồng bộ hóa, thống nhất cơ chế, chính sách cụ thể, chi tiết, quy định rõ trong luật pháp và văn bản quy phạm pháp luật để người lao động yên tâm, gắn bó với ngành. Tổ chức nghiên cứu, nắm vững luật pháp quốc tế về thương mại quân sự để vận dụng linh hoạt trong hoạt động xuất, nhập khẩu vũ khí, trang bị. Mở rộng quan hệ hợp tác, hình thành các liên doanh với nước ngoài trong một số lĩnh vực CNQP.

Năm là, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong tạo lập, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển các doanh nghiệp CNQP, góp phần giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển doanh nghiệp CNQP theo hướng tinh, gọn, hiệu quả với các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết hợp phát huy nội lực với ngoại lực trong phát triển các doanh nghiệp CNQP. Quản lý đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; kiên quyết khắc phục việc đầu tư dàn trải, trùng lặp, gây lãng phí; ưu tiên các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ, các sản phẩm mũi nhọn, có tính lưỡng dụng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần tăng cường sức mạnh quân sự.

Thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trên là góp phần từng bước xây dựng CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước. Đó cũng là điều kiện cơ bản để hiện đại hóa CNQP trong sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội trong thời gian tới.

Đại tá, PGS, TS. HOÀNG VĂN PHAI

Thiếu tá PHẠM THANH TÙNG

Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảng bộ Quân đội, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội, 2020, tr.23.

2. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17/12/2021 về việc lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2030, Hà Nội, 2021.

3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự (2004), Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.268.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158, 159.

 

Bình luận


Họ và tên:                

Email:                       

Nội dung: