Thượng tá Lê Văn Minh, Giám đốc Nhà máy Z143: Kế thừa di sản “phi vật thể” và nỗ lực đổi mới, sáng tạo28/09/2022 01:35:54 PMCNQP&KT - Năng động, nhiệt tâm, sắc sảo và quyết đoán, đó là cảm nhận của chúng tôi trong buổi làm việc với Thượng tá Lê Văn Minh, Giám đốc Nhà máy Z143. Trên thực tế, hơn 4 năm qua, “vị thuyền trưởng” này đã cùng Ban giám đốc Nhà máy chèo lái “con tàu Z143” vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để doanh nghiệp có bước phát triển mới. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống nhà máy Z143 (23/9/1972-23/9/2022), Thượng tá Lê Văn Minh sẽ giúp bạn đọc Tạp chí CNQP và Kinh tế hiểu rõ hơn về hành trình xây dựng, phát triển Nhà máy cùng những định hướng lớn trên chặng đường mới. THÍCH NGHI VỚI CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG LÀ VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN Phóng viên (PV): Thú thực, trở lại Z143 lần này tôi rất bất ngờ khi cảnh quan, diện mạo đơn vị đã có nhiều thay đổi, chắc hẳn chi phí cũng không hề nhỏ, thưa đồng chí? (Cười) Thượng tá Lê Văn Minh: (Cũng cười) Cảm ơn nhà báo đã động viên, so với nhiều doanh nghiệp thì số tiền đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, công trình phúc lợi, kết cấu hạ tầng của chúng tôi ở mức rất khiêm tốn. Nói thực, chúng tôi luôn xác định mình là “con nhà nghèo”, làm gì cũng phải tính toán chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả sử dụng phải cao nhất. Hiện, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, trước hết là ưu tiên vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Nói anh thông cảm, tôi thấy một số doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không phát huy hiệu quả, thấy tiếc lắm. Cứ nghĩ “giá như” rồi “nếu như”... ![]() Thượng tá Lê Văn Minh. Ảnh: PV PV: Vâng! Xin hỏi, ngành hàng và sản phẩm chủ lực của Nhà máy hiện nay là gì? Thượng tá Lê Văn Minh: Hiện nay, ngoài các sản phẩm truyền thống, như: dây và cáp thông tin, phụ kiện đấu nối và vật liệu viễn thông; dây và cáp đồng trục; dây và cáp điện; các sản phẩm khí cụ điện... Nhà máy xác định hướng đi chủ lực là tập trung sản xuất các loại dây và cáp điện hạ thế phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước. Sản phẩm của Nhà máy đã vào được thị trường Mỹ, Campuchia, Lào. Đối với thị trường nội địa, sản phẩm dây và cáp điện của Nhà máy cũng từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, được khách hàng đánh giá cao. PV: “Ngược dòng lịch sử” một chút, đồng chí cho biết đôi nét về quá trình ra đời, phát triển cũng như những nỗ lực vượt khó của Nhà máy Z143? Thượng tá Lê Văn Minh: Tôi xin được nói vắn tắt như sau, cách đây tròn 50 năm, vào ngày 23/9/1972, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ký quyết định thành lập Nhà máy V143, từ Phân xưởng sản xuất linh kiện điện tử thuộc Nhà máy V119. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đến năm 2010, Bộ Quốc phòng có quyết định đổi tên và mô hình hoạt động của doanh nghiệp là Công ty TNHH Một thành viên 43 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z143). Có thể nói, thời kỳ mới thành lập, do hoàn cảnh chiến tranh thời chống Mỹ, điều kiện cơ sở vật chất của Nhà máy còn nghèo nàn, nơi làm việc, sinh hoạt còn thiếu thốn; một bộ phận cán bộ, công nhân viên (CB, CNV) phải đi sơ tán vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất. Những năm đầu đổi mới, nhiệm vụ sửa chữa các khí tài sau chiến tranh cũng như phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng đặt ra cho Nhà máy những yêu cầu mới. Trong khi đó, nhà xưởng, máy móc, thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu; tư duy của một bộ phận CB, CNV chưa theo kịp với xu thế mới. Đó thực sự là khó khăn lớn đối với Z143. Thời kỳ này, đơn vị đã chuyển hướng từ sản xuất, kinh doanh vật liệu thiết bị điện sang lĩnh vực vật liệu viễn thông, với dây và cáp thông tin là sản phẩm chính. Để thích nghi với cơ chế thị trường thực sự là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp quốc phòng. Z143 còn khó khăn hơn do sản phẩm chủ yếu là dây dẫn viễn thông, vòng đời của sản phẩm ngắn, cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị ít được đầu tư. Do vậy, Đảng ủy và Ban giám đốc phải xác định rõ mục tiêu lâu dài, định hướng đúng sản phẩm chiến lược có tính cạnh tranh cao, xây dựng được thương hiệu, và nhất là phải từng bước xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tôi cho rằng, muốn làm được “việc lớn” cần phải đưa ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để hoàn thiện năng lực thiết bị, công nghệ, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, đối với con người phải đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, bổ sung, cập nhật các kiến thức mới cho phù hợp với sự phát triển của thị trường, vận hành theo cơ chế mới… PV: Là nhà máy CNQP nòng cốt, những năm gần đây, Nhà máy Z143 đã đạt được thành tựu cơ bản gì để góp phần xây dựng và phát triển CNQP?Thượng tá Lê Văn Minh: Nằm trong đội hình các doanh nghiệp CNQP nòng cốt, chúng tôi luôn coi việc sản xuất các mặt hàng quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Chúng tôi tự hào vì là đơn vị cung cấp toàn bộ dây và cáp thông tin kim loại phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đảm bảo an toàn, tin cậy; sản xuất nhiều chủng loại ống giấy bảo quản các loại đạn pháo, góp phần tăng tuổi thọ đạn, an toàn trong việc vận chuyển, thuận tiện trong sẵn sàng chiến đấu; cung cấp một số chủng loại dây đặc chủng sửa chữa cho xe tăng, ra-đa. ![]() Công nhân Nhà máy Z143 kiểm tra chất lượng dây thuê bao quang. Ảnh: MINH TUẤN PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về việc kết hợp kinh tế với quốc phòng của Nhà máy? Thượng tá Lê Văn Minh: Trong thời bình, các sản phẩm chủ yếu phục vụ bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, do đó, sản lượng hàng quốc phòng không nhiều. Vì vậy, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là vô cùng cần thiết để bảo toàn năng lực sản xuất quốc phòng, giữ gìn đội ngũ, dây chuyền công nghệ, ổn định cuộc sống cho CB, CNV và người lao động. Như tôi đã nói ở trên, các mặt hàng kinh tế chủ yếu của chúng tôi hiện nay là dây và cáp điện, dây và cáp tín hiệu cung cấp cho thị trường, góp phần đưa thương hiệu của một doanh nghiệp quân đội đến với người tiêu dùng. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG: CHỌN KHÓ ĐỂ LÀM TRƯỚC PV: Là cán bộ quản lý một phòng chức năng của Tổng cục CNQP, khi được giao đảm nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, đâu là khó khăn, thách thức đối với đồng chí? Thượng tá Lê Văn Minh: Tôi nghĩ rằng, bất cứ cương vị công tác nào cũng đều có những khó khăn, thách thức riêng. Đối với tôi, thách thức lớn nhất chính là phải làm gì để không phụ lòng tin của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục CNQP khi giao cho mình một nhiệm vụ mới. Đây không chỉ là bước tiến của cá nhân tôi mà còn là kỳ vọng của các thủ trưởng đối với tập thể Z143, đó là đưa Nhà máy phát triển “bằng anh, bằng em” so với các đơn vị trong Tổng cục. Điều tự tin là tôi có “hành trang” gồm những kiến thức cơ bản trong trường đại học, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý từ thực tế và cũng đạt được những thành tích nhất định trong công tác. Cũng xin được “khoe” với nhà báo, riêng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi cùng nhóm đề tài đã từng đoạt giải Nhất Giải thưởng Khoa học sáng tạo toàn quốc. Có điều, vinh quang của ngày hôm qua càng có ý nghĩa hơn nếu mình phát huy được thành quả trong ngày hôm nay. Do vậy, khó khăn, thách thức không phải là công việc cụ thể khi nhận nhiệm vụ mới, mà là phải làm sao định hình và xây dựng được lộ trình đúng đắn để doanh nghiệp phát triển. PV: Đôi khi, sự táo bạo, quyết liệt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng chí nghĩ sao về điều này? Thượng tá Lê Văn Minh: Trong sản xuất, kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro, nhất là kinh doanh các sản phẩm mang tính cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Vấn đề là phải làm sao để tránh những thiệt hại lớn nhất, nói cách khác là có thể gặp rủi ro nhưng trong phạm vi cho phép. Tôi nghĩ, muốn tránh rủi ro thì người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp phải có kiến thức “nền”, nhất là kiến thức quản trị doanh nghiệp hiện đại, lựa chọn đúng đối tác, nắm bắt thông tin và xử lý linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong mọi tình huống...
PV: Vậy lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã có giải pháp gì để tạo sự đột phá trong chiến lược sản phẩm mà vẫn bảo đảm tính “an toàn” trong kinh doanh? Thượng tá Lê Văn Minh: Về chiến lược sản phẩm, chúng tôi tận dụng tối đa hệ thống dây chuyền, thiết bị công nghệ và lực lượng lao động có trình độ để sản xuất các sản phẩm dây và cáp điện, dây và cáp tín hiệu chất lượng cao. Đây là sản phẩm có sức sống lâu dài và rất tiềm năng. Về chiến lược phát triển thị trường, Nhà máy lựa chọn các thị trường khó tính ở nước ngoài để làm trước, đặc biệt là thị trường Mỹ. Qua đó, tiếp cận và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của đối tác về chất lượng, tiến độ, giá thành sản phẩm; nắm bắt mọi cơ hội để xây dựng và duy trì quan hệ với đối tác… Đây là thử thách, nhưng đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi đánh giá, xác định được “mình thiếu và yếu gì” từ đó đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Khi đã cơ bản đáp ứng được thị trường nước ngoài, Nhà máy đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước thông qua các nhà phân phối, đại lý trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sau gần 4 năm thực hiện chiến lược kinh doanh trên, kết quả cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Hằng năm, Nhà máy duy trì ổn định doanh số xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Campuchia, Lào. Còn đối với thị trường trong nước, bước đầu sản phẩm đã có chỗ đứng và được khách hàng tin dùng. PV: Vậy đâu là những “điểm nghẽn” cần “khai thông” trong thời gian tới? Thượng tá Lê Văn Minh: Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có rất nhiều vướng mắc cần “khai thông”. Nhà máy Z143 cần tăng vốn lưu động, đảm bảo lượng sản phẩm tồn kho ở mức tối thiểu để sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thời kỳ hội nhập nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Nhà máy vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nền sản xuất, kinh doanh hiện đại. Đó là chưa kể trang - thiết bị, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá. Vì thế, Nhà máy cần tiếp tục đầu tư bổ sung thêm thiết bị, nhà xưởng, cải tiến dây chuyền sản xuất một cách đồng bộ, khoa học. ![]() Giao ban triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại Nhà máy Z143. Ảnh: MINH TUẤN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU “DÂY VÀ CÁP ĐIỆN QUỐC PHÒNG” PV: Thưa đồng chí, Nhà máy đã có những định hướng gì trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có xuất khẩu sản phẩm? Thượng tá Lê Văn Minh: Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục CNQP về đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu, Đảng ủy và Ban giám đốc Nhà máy Z143 xác định, trong những năm tới sẽ làm tốt hơn nữa việc “lưỡng dụng” trong sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước; sản xuất đồng bộ các sản phẩm cho điện hạ thế, dây cho các loại xe ô tô, xe điện; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khi thâm nhập sâu vào thị trường các nước, như: Mỹ, EU, Nhật Bản... PV: Đồng chí nghĩ sao về vai trò của thương hiệu sản phẩm và lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã có giải pháp gì để thương hiệu “Dây và cáp điện Quốc phòng” của Z143 ngày càng bay cao, vươn xa? Thượng tá Lê Văn Minh: Bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn thương hiệu được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm. Do vậy, thương hiệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Để xây dựng thương hiệu “Dây và cáp điện Quốc phòng”, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: rà soát các tồn tại, vướng mắc trong sản xuất, sau đó xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại, vướng mắc qua từng tháng; rà soát, bổ sung các quy chế, chế tài để nâng cao năng lực quản trị, chất lượng, năng suất sản phẩm; mời chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan tư vấn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Cùng với đó, chúng tôi coi trọng công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua trưng bày các pano, áp phích tại một số tuyến đường trọng yếu. Hằng năm, Nhà máy chủ động tham gia các hội chợ - triển lãm tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và từng bước tham gia hội chợ - triển lãm quốc tế. Gần đây nhất, vào tháng 7/2022, chúng tôi đã tham gia Hội chợ Quốc tế của Hàn Quốc về lĩnh vực năng lượng được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp tốt với các nhà phân phối tại 3 miền để xây dựng hệ thống các đại lý bán lẻ trong toàn quốc; lập 2 cơ sở đại diện ở miền Nam và miền Bắc để thực hiện giao dịch quốc tế. Tất cả những giải pháp đó nhằm đưa thương hiệu sản phẩm “Dây và cáp điện Quốc phòng” ngày càng vươn xa, đạt hiệu quả kinh doanh một cách thực chất. PV: Nhà máy Z143 đã có nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, đồng chí nghĩ như thế nào về việc kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống? Thượng tá Lê Văn Minh: Cảm ơn nhà báo đã nhắc nhớ tới giá trị truyền thống, tôi nghĩ đó phải là những giá trị tốt đẹp. Tròn 50 năm xây dựng, trưởng thành, dù có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn chuyển đổi sang cơ chế mới, nhưng CB, CNV và người lao động Nhà máy Z143 vẫn luôn bền bỉ, đồng cam, cố kết, gắn bó với đơn vị. Tôi học được từ các thế hệ tiền bối sự cần cù, nhiệt huyết và nỗ lực vượt khó. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, chúng tôi không chỉ kế thừa di sản “phi vật thể” của quá khứ, mà còn phải phát huy những phẩm chất mới, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng nỗ lực đổi mới và sáng tạo, đưa Z143 tiếp tục phát triển bền vững. PV: Xin cảm ơn đồng chí! LÊ BÁ ANH (Thực hiện)
|